Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Chuyển đổi số: Lối thoát được lựa chọn của báo chí thế giới Chuyển đổi số hay câu chuyện “tự cứu mình” của báo chí thế giới

Đến giờ này có thể khẳng định, chuyển đổi số (CĐS) đã trở thành xu thế được lựa chọn, trong nỗ lực tự cứu mình để tồn tại của nhiều cơ quan báo chí lớn trên thế giới hiện nay. Thậm chí giờ đây, đại dịch Covid-19 đã, đang là lực đẩy lớn buộc các tòa soạn phải tăng tốc trên quá trình CĐS.
LTS: “Lối đi ngay dưới chân mình” - đó dường như đã là thông điệp được hầu hết các tòa soạn trên khắp thế giới buộc phải thuộc nằm lòng và luôn tự nhắc nhớ trong bối cảnh kinh tế báo chí đang là thế khó chung của làng báo toàn cầu. Để có thể bảo toàn và củng cố cho sự tồn tại và phát triển của mình, các cơ quan báo chí tại khắp các châu lục đều đang buộc mình phải tìm kiếm những lối thoát, và chuyển đổi số là một trong những lối thoát như thế. Nhà báo & Công luận số báo đặc biệt này xin được giới thiệu một phần nào đó về hướng đi ấy, cũng như về một số cơ quan báo chí quốc tế, đang được xem là những đơn vị tiên phong, có nhiều sáng tạo và bước đầu thu được những kết quả nhất định từ công cuộc chuyển đổi số. 
Từ nỗi vật vã trong cơn bĩ cực dai dẳng

Nhiều năm qua, sự thay đổi trong cách thức, thói quen tiếp nhận thông tin của công chúng, sự xuất hiện với nhiều tiện ích có phần lấn lướt của các loại hình truyền thông mới, trong đó có mạng xã hội đã đẩy báo chí thế giới, đặc biệt là báo giấy vào cơn bĩ cực khó tìm ra lối thoát.

Chỉ trong vòng 10 năm, kể từ năm 2007 đến năm 2017, số lượng phát hành nhật báo giảm 24% còn doanh thu quảng cáo giảm tới… 60%. Đó là những con số thực sự “gây sốc” đối với những ai trót lòng đam mê báo giấy nhưng lại là thực tế không thể phủ nhận. Điều đáng nói là cuộc khủng hoảng của ngành công nghiệp báo giấy diễn ra ở tất cả mọi châu lục, tại hầu hết mọi nền báo chí, đặc biệt, gay gắt hơn cả là tại châu Âu và Mỹ - hai nơi từng được xem là “đầu não” thịnh vượng nhất của báo giấy toàn cầu.

111
 

Tại Mỹ, khoảng thời gian 10 năm ấy thực sự là giai đoạn bi ai của báo giấy Mỹ khi chứng kiến hàng loạt “anh tài” của nền báo chí nước này hoặc buộc phải tuyên bố phá sản như Tribune Co. (ngày 8/12/2008), Sun Times Media Group (năm 2009)... hoặc phải ngừng bản in như Newsweek (tháng 12/2012) hoặc phải sa thải lượng lớn nhân sự hoặc cắt giảm đầu báo như The New York Times năm 2012 đã phải chuyển nhượng 16 tờ báo cho Tập đoàn Halifax Media Holdings (Mỹ); hoặc phải đổi chủ như The Washington Post, tháng 8/2013 phải về tay nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos. Giáo sư Phillip Meyer - trường Đại học North Carolina, thời điểm đó đã khiến giới báo chí phải ngỡ ngàng khi đưa ra luận điểm “Báo in sắp biến mất - The Vanishing Newspaper.

Tại “lục địa già”, ngành công nghiệp báo giấy cũng bi ai chẳng kém bên nước Mỹ. Tại Anh, chỉ trong khoảng thời gian chưa đến một thập kỷ, sẽ là không quá lời nếu nói một nửa số tòa soạn báo in tại Anh đã phải thực hiện cắt giảm nhân sự hoặc giảm số lượng ấn phẩm.

Thậm chí, những tờ đình đám như The Independent ngay từ năm 2016 đã phải ngừng xuất bản. Tại Đức, chỉ trong khoảng thời gian năm 2005-2012, tổng lượng phát hành hằng ngày của các tờ báo in ở nước này đã giảm 17% xuống còn 21,1 triệu bản.

Nhiều tên tuổi lớn của báo chí Đức như Financial Times Deutschland hay Frankfurter Rundschau đều đã phải đệ đơn xin phá sản. Tình hình u ám tới mức, tại Đức thời kỳ đó đã xuất hiện một cụm từ mới “Zeitungssterben - cái chết của báo in”.

Khi cơn bĩ cực còn chưa tìm đâu ra lối thoát thì từ năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 với liên tiếp những làn sóng dịch đã thực sự như những cơn “sóng thần” tiếp tục nhấn chìm báo chí thế giới, đặc biệt là báo in vào đêm đen tăm tối.

Chỉ trong 3 tháng đầu tiên sau khi đại dịch tấn công, tháng 3/2020, các hãng tin tức ở Mỹ đã phải cắt giảm khoảng 28.000 việc làm. Uớc tính trung bình mức doanh thu sụt giảm có thể lên tới từ 40 đến 50% tùy thuộc điều kiện ngành báo chí - truyền thông mỗi nước.

Và chừng nào đại dịch Covid-19 còn tiếp diễn, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn bị suy giảm nghiêm trọng, thì thực sự tương lai của ngành công nghiệp báo chí thế giới, đặc biệt là số phận của báo in, thực sự là câu hỏi chưa thể có câu trả lời.

“Tự cứu mình trước khi trời cứu” và lối thoát chuyển đổi số

Không đành lòng chứng kiến thảm cảnh của báo chí, nhiều Chính phủ đã ngay lập tức có kế hoạch “giải cứu báo chí”. Đơn cử như Mỹ. Ngay đợt dịch lần thứ 1, Chính phủ Mỹ đã lên kế hoạch phân bổ gói cứu trợ 2.200 tỷ USD để cung cấp những khoản vay hoặc trợ cấp cho doanh nghiệp và người dân, trong đó có các nhà xuất bản, báo chí địa phương.

Cũng để “giải cứu báo chí”, Facebook đã chi 300 triệu USD vào các chương trình tin tức trong vòng 3 năm. Twitter cũng đã cam kết sẽ hỗ trợ các tờ báo tại Mỹ với tổng số tiền là 1 triệu USD.  

Tuy nhiên, để cứu mình, không thể trông chờ vào những sự cứu trợ. “Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu” - thấu hiểu điều đó, báo chí tại nhiều quốc gia, thay vì ngồi “than nghèo kể khổ” đã chủ động, linh hoạt tìm cho mình những lối thoát. Trong đó, lối thoát chung nhất, được nhắc đến nhiều nhất hiện nay là câu chuyện chuyển đổi số.

Thậm chí, báo cáo Triển vọng Báo chí Toàn cầu 2020-2021 của WAN-IFRA còn khẳng định một cách chắc chắn rằng có đến 44% tòa soạn trên khắp thế giới đang đưa việc tăng tốc chuyển đổi số trở thành ưu tiên hàng đầu và rằng chính việc tăng tốc chuyển đổi số sẽ giúp tác tòa soạn không chỉ đứng vững mà còn phục hồi tốt sau đại dịch.

111

Nhưng nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Chuyển đổi số thực sự là gì, ở khâu nào, như thế nào, bằng cách nào cho phù hợp, hiệu quả với mô hình, trang thiết bị vật lực, tiềm lực của từng tòa soạn, từng nền báo chí mỗi nước, mỗi châu lục không hề là điều đơn giản.

Ngay với câu hỏi: chuyển đổi số là đổi mới mô hình kinh doanh hay phương thức quản trị tòa soạn hay cách thức sản xuất nội dung hay là sự bao hàm - tất cả những yếu tố đó thực sự đang là câu hỏi đang nhận được rất nhiều phương án trả lời từ các tòa soạn. Theo các chuyên gia truyền thông, tham gia vào quá trình chuyển đổi số, các tòa soạn trước hết phải xây dựng tòa soạn hội tụ, lấy hoạt động xuất bản số làm trung tâm.

Trong hoạt động xuất bản số, các chuyên gia nói nhiều tới những khái niệm như: Content personalization (Cá nhân hóa nội dung), Multi-platform (Đa nền tảng), Mobile Media, Mobile Journalism (Báo chí di động), Social Media, Social Journalism (Báo chí xã hội), Data Journalism (Báo chí dữ liệu), Innovative Journalism (Báo chí sáng tạo)…

Bên cạnh đó, còn là câu chuyện: sử dụng Artificial Intelligence (Trí tuệ nhân tạo), Fake news and factchecking (tin giả và hoạt động kiểm chứng thông tin)… trong hoạt động báo chí. Trong mô hình tòa soạn hội tụ thời chuyển đổi số, các chuyên gia nhấn mạnh, yếu tố digital transformation không thể chỉ ở khâu xuất bản nội dung mà cả ở mô hình quản trị tòa soạn.

Và trên hết, theo các chuyên gia và bản thân những “người trong cuộc”, dù là chuyển đổi số theo cách thức nào, thì điểm chung nhất mà quá trình chuyển đổi số ở các các cơ quan báo chí phải thể hiện cho được là việc: ưu tiên công chúng báo chí - nói cách khác là lấy công chúng báo chí làm đối tượng quan tâm số 1, trong đó tập trung vào việc tương tác với công chúng báo chí là tạo doanh thu từ công chúng báo chí (hay như cách bấy lâu vẫn thường thấy là thu phí độc giả). Thậm chí, báo cáo của WAN-IFRA còn không ngần ngại chỉ rõ: “Tương lai của báo chí nằm ở việc tạo dựng nên sự tương tác mạnh mẽ hơn với khán giả”.

Hành trình chuyển đổi số của báo chí chắc chắc sẽ còn rất dài và rất đỗi gian nan, nhưng như người xưa từng nói, “cứ đi rồi sẽ thành đường”. Từ những hướng đi có thể tạm gọi là “mở đường” của những “anh tài” như: The Wall Street Journal, The New York Times, The Washington Post, Reuters… có thể hình dung bước đầu về hành trình chuyển đổi số mà báo chí thế giới đang nỗ lực chinh phục.

 

Theo Hà Trang/NB&CL

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây