Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Có bài viết hay từ nỗi ám ảnh ở cơ sở

Những tư liệu quý giá từ cơ sở đã giúp người cầm bút có bài viết hay, sinh động, gắn với hơi thở cuộc sống...

Từ Gia Nghĩa tôi rong ruổi trên chiếc xe máy xuống xã Nam Xuân (Krông Nô), vùng đất đang bước vào cao điểm mùa khô hạn. Lúc tôi tìm đến nhà gia đình bà Bùi Thị Tuyết, ở thôn Lương Sơn, xã Nam Xuân, đã vào khoảng 11 giờ trưa. Dưới cái nắng bỏng rát, nhưng gia đình bà vẫn đang dùng máy hút bùn để tưới cho cà phê.
111
Bà Tuyết tưới bùn chống hạn cho cà phê
Nước trong ao hồ đã cạn kiệt, gia đình bà Tuyết phải bơm chuyển nước từ ao này qua ao khác, rồi kết hợp với bùn để tưới cho cà phê. Trong điều kiện thiếu nước, tưới kiểu này sẽ tạo một lớp bùn trên bề mặt, giúp giữ ẩm cho cây được nhiều ngày hơn. Đây cũng là cách lựa chọn cuối cùng của bà Tuyết để cứu vườn cà phê khỏi chết cháy.

Đã sống ở Đắk Nông gần 20 năm, sống với người trồng cà phê từ nhỏ, nhưng đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy cảnh tượng người dân cứu cà phê bằng cách... tưới bùn. Khoảnh khắc này vừa lạ mắt, vừa hiếm có, nhưng lại ẩn chứa nhiều nỗi ưu tư đối với người cầm bút như tôi, nhất là về nỗi cơ cực của người dân trong nắng hạn.

Một trải nghiệm khác mà tôi cũng không thể nào quên. Mùa khô năm 2020, ông Dương Văn Bình, ở thôn Đức Bình, xã Đức Mạnh (Đắk Mil) phải dùng xe càng chở theo bồn 1m2 để đi mua nước về tưới cho rẫy cà phê. Mỗi bồn nước ông Bình mua 100.000 đồng, tưới nguyên cả rẫy cà phê phải mất hàng chục triệu đồng. Nước tưới dù đắt đỏ, nhưng nếu không có thì cà phê sẽ chết, ông đành “cắn răng” chấp nhận. Gia đình ông Bình có 1,6 ha cà phê đang thu hoạch năm thứ 8. Để chủ động nước tưới, gia đình ông đã đầu tư múc 2 hồ chứa nước rộng 1.000m2, nhưng hạn hán dài ngày khiến hồ khô cạn. Do đó, ông phải quay cuồng bằng mọi cách để cứu rẫy cà phê khỏi chết cháy.

Rẫy cà phê là nguồn sống của nhiều gia đình nông dân. Nếu cà phê chết sẽ gây ảnh hưởng nhiều năm về sau đối với nông dân. Họ hiểu điều đó, nên ai cũng ra sức chống hạn bằng mọi giá. Chỉ cần cây trồng sống sẽ giúp họ có nguồn thu nhập, tiếp tục duy trì, phục hồi sản xuất...

Với những gì từng được chứng kiến đã khiến tôi ám ảnh suốt một thời gian. Sau đó, tôi đã triển khai thành đề tài và viết loạt bài “Đi tìm nguyên nhân và giải pháp chống hạn”. Bài viết mang đến cho độc giả những thông tin kịp thời về tình hình hạn hán ở cơ sở một cách chân thực, kịp thời. Chất liệu sinh động từ cơ sở giúp cho bài viết mang hơi thở cuộc sống, gần gũi và phản ánh được sự khó khăn, vất vả của người dân; sự khắc nghiệt của thời tiết... 

Đức Hùng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây