Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Kinh nghiệm để Báo Thái Bình đạt nhiều giải báo chí quốc gia

Những năm gần đây, Báo Thái Bình là một trong số ít báo Đảng địa phương liên tiếp đạt nhiều giải báo chí quốc gia. Đây không chỉ là sự ghi nhận những cố gắng, nỗ lực với nghề, tạo “thương hiệu” cho các tác giả, nhóm tác giả đạt giải mà còn khẳng định sự trưởng thành, vị thế của Báo Thái Bình trong hệ thống báo Đảng địa phương.

Tác phẩm đầu tiên

Năm 2014, lần đầu tiên Báo Thái Bình có loạt bài “Để nông dân thực sự gắn bó với đồng ruộng” đạt giải báo chí quốc gia trong niềm vui bất ngờ. Bởi trước đó, Báo Thái Bình chưa một lần “chạm” tới giải thưởng danh giá này. Hầu hết phóng viên trong cơ quan đều nghĩ rằng giải báo chí quốc gia là giải lớn, báo Đảng địa phương khó có cơ hội đạt giải. Ban biên tập cũng chưa có kế hoạch bài bản đầu tư cho các tác phẩm và trong nhiều năm Báo Thái Bình không có tác phẩm tham dự giải hoặc cũng tham dự nhưng gọi là cho có. Mỗi dịp trao giải báo chí quốc gia, phóng viên ai cũng thấy ngậm ngùi, đặt câu hỏi biết bao giờ cơ quan mình mới có giải?


Năm 2014, trước tình trạng nông dân ở các địa phương bỏ ruộng hoang, Ban Biên tập thấy đây là đề tài “nóng”, thu hút sự quan tâm của xã hội đã phân công đồng chí Nguyên Bình trước đây là phóng viên Phòng Kinh tế (nay là Trưởng phòng Thư ký tòa soạn) cùng một số phóng viên cùng tham gia để khai thác vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng cũng chưa xác định đầu tư để tham dự giải báo chí quốc gia. Sau nhiều tháng đi cơ sở, tìm hiểu thực tế, lắng nghe ý kiến của nhiều người, các phóng viên đã tìm ra nguyên nhân tại sao nông dân chưa “mặn mà” với đồng ruộng, đặt ra bài toán trách nhiệm và giải pháp khắc phục. Phải mất hơn một năm, loạt bài “Để nông dân thực sự gắn bó với đồng ruộng” mới hoàn thành và đăng Báo Thái Bình vào tháng 4/2014. Năm đó, Ban Biên tập quyết định đem loạt bài này tham dự giải báo chí quốc gia, kết quả tác phẩm đạt giải C trong sự ngỡ ngàng của cả cơ quan. Đây cũng là dấu mốc quan trọng thay đổi tư duy của đội ngũ biên tập viên, phóng viên Báo Thái Bình, xóa bỏ tâm lý “tự ti”, dè dặt để sẵn sàng nhập cuộc ở “sân chơi lớn”

111
Phóng viên Đỗ Hiền, đại diện nhóm tác giả Báo Thái Bình nhận giải C với tác phẩm “Dấu ấn tam nông”.


5 năm 7 giải

Năm 2015, đồng chí Vũ Anh Thao chuyển công tác từ Đài Phát thanh Truyền hình Thái Bình về Báo Thái Bình đảm nhận chức vụ Tổng Biên tập. Đồng chí luôn động viên, khích lệ đội ngũ biên tập viên, phóng viên đầu tư cho các tác phẩm để tham dự giải. Đồng chí Tổng Biên tập rất nhiều lần nói với các phóng viên: Chúng ta đừng bao giờ nghĩ chỉ có báo Trung ương mới đạt giải báo chí quốc gia. Hiện nay, điều kiện tác nghiệp, trình độ nghiệp vụ, ý chí và lòng dũng cảm giữa phóng viên báo chí Trung ương, địa phương không có khoảng cách, chưa kể chúng ta có lợi thế hơn họ là nắm bắt thông tin, tiếp cận sự kiện nhanh hơn, hiểu về bản chất sự kiện hơn. Giải báo chí quốc gia là sân chơi bình đẳng, Hội đồng chấm giải không chia tách tác phẩm báo chí của ai, ở đâu nên đừng nghĩ báo địa phương thì không thể đạt giải mà quan trọng chúng ta phải chọn vấn đề gì để làm. Ở giải này có rất nhiều thể loại báo chí được phân định để thiết lập thứ hạng giải, vì vậy khi chúng ta đầu tư các tác phẩm cùng với nâng cao chất lượng cần phải biết “điều hòa” lựa chọn thể tài cho phù hợp, lĩnh vực nào ít tác phẩm tham dự thì đầu tư để tăng cơ hội đạt giải.
111
Ban tổ chức trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả đạt giải C.
Từ năm 2015 đến nay, Ban Biên tập Báo Thái Bình, trong đó có vai trò quan trọng của đồng chí Tổng Biên tập đã thổi bùng “ngọn lửa” đam mê với nghề cho đội ngũ biên tập viên, phóng viên cơ quan. Hàng loạt các tác phẩm dài kỳ được đầu tư công phu, bài bản, mang đậm hơi thở của cuộc sống, có chất lượng cao ở nhiều thể tài khác nhau được đăng tải thường xuyên trên báo in và Báo Thái Bình điện tử tạo hiệu ứng xã hội sâu sắc, thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng. Nhờ vậy mỗi năm, Báo Thái Bình đã lựa chọn được hàng chục tác phẩm có chất lượng tốt tham dự các giải báo chí của Trung ương và địa phương, trong đó nhiều nhất là giải báo chí quốc gia. Trong 5 năm, Báo Thái Bình có 7 tác phẩm đạt giải đó là: “Để nông dân thực sự gắn bó với đồng ruộng” (năm 2014), “Nông thôn mới - cách làm riêng của Thái Bình” (năm 2016), “Đi tìm thương hiệu gạo Thái Bình” (năm 2017); riêng năm 2018, Báo Thái Bình có 3 tác phẩm đạt giải: “Giao lưu trái tim nhân ái”, “Nhớ lẽ khoan dân”, “Dấu ấn tam nông”; năm 2019 tác phẩm “Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang” đạt giải C giải báo chí Quốc gia. Đây  là  niềm tự hào, sự động viên, khích lên to lớn đối với Báo Thái Bình và là kết quả của cả một quá trình nỗ lực, phấn đấu hết mình của tập thể Ban Biên tập, đội ngũ biên tập viên, phóng viên trong cơ quan. 

Vì sao Báo Thái Bình làm được điều đó?         

Báo Thái Bình tự hào có đội ngũ phóng viên, biên tập viên được đào tạo bài bản, ngày càng được trang bị kỹ năng làm báo chuyên nghiệp. Hàng năm, cơ quan cử nhiều biên tập viên, phóng viên,  kỹ thuật viên tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức; đồng thời mời các giảng viên, nhà báo có uy tín trên nhiều lĩnh vực về tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên, kết hợp hướng dẫn các kỹ năng thực hiện các tác phẩm tham dự giải. Báo Thái Bình đang trên hành trình xây dựng tòa soạn hội tụ, hướng đến trở thành cơ quan truyền thông đa phương tiện nên Ban Biên tập tạo điều kiện tốt nhất để phóng viên được sáng tạo, khuyến khích phóng viên ứng dụng các thiết bị làm báo hiện đại vào quá trình tác nghiệp… Đến nay, hầu hết phóng viên, biên tập viên không chỉ làm tốt báo in, báo điện tử mà còn thực hiện thuần thục kỹ năng làm truyền hình internet.

Hàng năm, Báo Thái Bình coi việc đầu tư các tác phẩm tham dự giải báo chí quốc gia nói riêng, các giải báo chí trong toàn quốc nói chung là một trong những nội dung quan trọng nên có kế hoạch chi tiết, chỉ đạo cụ thể từng đề tài. Đồng chí Tổng Biên tập yêu cầu các trưởng phòng chuyên môn đọc tác phẩm báo chí trong cả nước đã đạt giải báo chí quốc gia ở từng thể loại để học tập, rút kinh nghiệm; đồng thời chỉ đạo phóng viên bám sát “hơi thở” của cuộc sống phát hiện những đề tài mới hoặc đầu tư những đề tài đang thực hiện thu hút sự quan tâm của xã hội để đạt chất lượng cao nhất. Ban Biên tập cũng tạo mọi điều kiện cho phóng viên đầu tư các tác phẩm, bảo vệ chân lý, lẽ phải, giúp tác giả vững tâm xông pha vào những lĩnh vực khó, nhạy cảm. Đó cũng là cách mà Báo Thái Bình rèn luyện cho phóng viên từng bước tiếp cận với phong cách làm báo chuyên nghiệp với khả năng nắm bắt thông tin tốt, cách khai thác đề tài hiệu quả và xây dựng được phong cách kỹ năng làm báo hiện đại, ngày càng chuyên nghiệp.

Để có những tác phẩm báo chí xuất sắc, những năm qua đội ngũ biên tập viên, phóng viên Báo Thái Bình đã không ngừng nỗ lực, học hỏi, trau dồi kiến thức, rèn giũa kỹ năng, nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị cũng như đạo đức nghề nghiệp. Đội ngũ phóng viên không chỉ nhanh nhạy trong việc nắm bắt đề tài mà nhiều phóng viên đã rất sáng tạo trong cách thể hiện để tác phẩm bảo đảm các yếu tố: nhanh nhạy, chính xác, kịp thời, hiệu quả.  Mặt khác, Ban Biên tập thường xuyên định hướng, gợi mở một số đề tài và khuyến khích các phóng viên hoặc nhóm phóng viên có kinh nghiệm về lĩnh vực, đề tài được phân công, có năng lực tiếp cận, xử lý thông tin và thể hiện bài viết một cách sinh động thu hút người đọc để có những loạt bài “nặng ký” tham gia giải báo chí quốc gia. Các đề tài được chọn lựa đều là những vấn đề mang tầm quốc gia hoặc có tính đặc thù, có tính điển hình của địa phương nhưng vẫn là vấn đề có tính thời sự chung của cả nước.

Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, Báo Thái Bình không có thêm tác phẩm đạt giải báo chí Quốc gia. Nguyên nhân là do đội ngũ những phóng viên có kinh nghiệm, kỹ năng tốt đã chuyển lên làm công tác biên tập, không có nhiều thời gian đầu tư thực hiện các tác phẩm chuyên sâu. Lực lượng phóng viên hiện nay chủ yếu là trẻ, phải đảm nhiệm nhiều công việc của báo in, báo điện tử và cũng chưa có nhiều kinh nghiệm viết các tác phẩm chuyên sâu, chất lượng cao để tham dự giải. Việc  đầu tư các tác phẩm dự giải báo chí Quốc gia tốn nhiều thời gian, công sức, trong khi hiện nay Báo Thái Bình thiếu phóng viên nên cũng  một trong những khó khăn. Các đề tài thực hiện các tác phẩm tham dự giải báo chí Quốc gia phải là những vấn đề mới, độc đáo tuy nhiên với Thái Bình là tỉnh nhỏ, thuần nông nên việc khai thác tìm kiếm đề tài gặp nhiều khó khăn.

Những tác phẩm đạt giải báo chí quốc gia của Báo Thái Bình những năm qua đã cho thấy công sức, trí tuệ, ý thức trách nhiệm, sự dấn thân, lòng yêu nghề và cách thể hiện đầy sáng tạo của các nhà báo. Những người làm Báo Thái Bình tự hào về điều đó và cũng rất trăn trở khi 2 năm gần đây Báo Thái Bình chưa có tác phẩm đạt giải. Thời gian tới, Đảng ủy, Ban Biên tập sẽ tiếp tục chỉ đạo, động viên, khuyến khích cán bộ, phóng viên tiếp tục đầu tư công sức, trí tuệ để có những tác phẩm chất lượng tham dự giải với tinh thần trách nhiệm cao nhất; đồng thời có cơ chế hỗ trợ khen thưởng cho những tác phẩm đạt giải.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây