Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Người khơi nguồn thông tin

Công việc của người làm báo là phát hiện, khai thác thông tin, chuyển tải nó thành sản phẩm báo chí. Những người mới vào nghề sẽ không khỏi bối rối khi không biết bắt đầu từ đâu và làm thế nào để có được thông tin. Thậm chí còn cảm thấy hoang mang vì đụng vào đâu cũng là những đề tài mà đồng nghiệp đi trước đã khai thác. Tôi cũng đã từng có cảm giác như vậy trong những ngày mới bước chân vào nghề. Về sau, khi đã bắt nhịp với công việc, tôi nhận thấy người làm báo chính là người “khơi nguồn thông tin”. Để có nguồn thông tin, tư liệu đa dạng, người làm báo phải luôn chủ động tiếp cận cơ sở, đón bắt sự kiện để tìm ra những thông tin mình cần chứ không phải thụ động chờ “có gì diễn ra” rồi mới đi tìm hiểu, nắm bắt.

111
 

Cuộc sống muôn màu, nhưng với công việc làm báo, không tránh khỏi có những nhóm chủ đề, đề tài sẽ phải lặp đi lặp lại. Việc làm báo Tết, năm nào cũng “đến hẹn lại lên”, những người làm báo phải nghĩ nát óc để có đề tài hay, tránh trùng lặp, “xuân này” phải khác những “xuân qua”. Vẫn là chủ đề “Mừng Đảng mừng xuân, mừng đất nước, quê hương đổi mới”, nhưng làm thế nào để đừng lặp lại người khác, và đừng lặp lại chính mình của những năm trước, quả là đau đầu! Là những người làm báo truyền hình, chúng tôi chuẩn bị kế hoạch tuyên truyền trước Tết Nguyên đán hàng tháng. Mỗi năm, phải suy nghĩ, cân nhắc, lựa chọn một số đề tài để khai thác thông tin. Mảng kinh tế - xã hội, hẳn nhiên là phải quan tâm tới thị trường hàng hóa phục vụ tết, an toàn giao thông dịp tết... Mảng văn hóa, không tránh khỏi những chủ đề quen thuộc như chuyện về con giáp của năm, những câu chuyện xoay quanh việc “ăn tết”, “chơi tết”, những vấn đề liên quan đến phong tục đón Tết cổ truyền của các dân tộc... Kinh tế - xã hội luôn có sự biến động nên liên tục có thông tin mới, riêng lĩnh vực văn hóa thường rất khó tránh sự lặp đi lặp lại các dạng đề tài. Để các tác phẩm đăng, phát không bị trùng lặp nội dung của những năm trước, ở mỗi chủ đề, tác giả phải tách thành những đề tài riêng, và bám theo “đường ray” đề tài đã lựa chọn để tìm cách thức thể hiện tác phẩm sao cho sinh động, phù hợp với không khí xuân, tết. Ví dụ, với chủ đề “Ẩm thực Tết cổ truyền”, năm trước bàn về “mâm ngũ quả - nét văn hóa của người Việt”, năm nay nói về “ lễ nghi trong mâm cỗ cúng đêm giao thừa”, năm sau lại đề cập đến “những món ăn cổ truyền ngày Tết”; năm sau nữa lại bàn chuyện “văn hóa chúc rượu ngày xuân”... Như vậy, mỗi năm chọn một cách tiếp cận để khai thác thông tin tư liệu, sẽ không bị trùng lặp, mà vẫn tìm được những yếu tố mới của đời sống để bàn luận.

Cứ gần đến Tết Nguyên đán, cánh làm báo lại xác định hướng “du xuân” của mình, để có tư liệu chế biến các “món ngon ngày tết” cho độc giả, khán thính giả. Định hướng đề tài xong, điện thoại về cơ sở để “thăm thưng” tình hình, đặt lịch tác nghiệp, rồi nghe ngóng thời tiết (nhất là cánh truyền hình, vì liên quan đến chất lượng hình ảnh), canh me chờ đến ngày lên đường. Có khi phải “tiêu tốn” cả tuần thậm chí mươi ngày, nửa tháng cho một chuyến đi làm chương trình tết. Cũng là phản ánh không khí đón xuân vui tết của các vùng miền, nhưng mỗi năm phải chọn một hành trình phù hợp với nội dung mình muốn khai thác. Những seri ký sự truyền hình đầy màu sắc của chúng tôi ra đời qua những chuyến đi như thế: “Du xuân miền Tây xứ Thanh”, “Phượt mùa xuân”, “Đi dọc mùa xuân quê hương”... Cũng là “xuân”, nhưng không năm nào giống năm nào, không tác phẩm nào giống tác phẩm nào. Phải luôn tìm kiếm, khai thác những nét mới trong đời sống, khơi gợi lên những cảm xúc mới; đối với truyền hình, hình ảnh phải sống động, đặc sắc, đậm đà “hương xuân khí tết”.

Kinh nghiệm cho thấy, phóng viên càng tích cực đi cơ sở, càng tiếp cận nhiều nguồn tin, dữ liệu. Những thông tin cóp nhặt từ các chuyến đi, thông thường lại gợi ý tưởng, đề tài cho những tác phẩm mới. Những phim dự thi tác phẩm chất lượng cao của chúng tôi hầu như đều bắt nguồn từ những “cái mới” được phát hiện trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ khác. Khi đi làm chương trình thiếu nhi ở địa bàn miền núi, phóng viên An Thư vô tình nghe kể về nhiều vụ tự tử bằng lá ngón liên quan đến một quan niệm lạ của đồng bào Mông về con “ma ngón”. Tìm hiểu sâu hơn, An Thư quyết định thực hiện Phim khoa giáo “Ma Ngón”, tác phẩm đã đạt Huy chương Vàng Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 36.

Theo dõi sâu một lĩnh vực nào đó nhiều năm, với nguồn thông tin tư liệu tích lũy được, đến một lúc phù hợp, nó lại giúp ta có những đề tài hay. Chúng tôi là phóng viên chuyên đề, chức năng chính là thực hiện thể loại phim tài liệu, phóng sự, ký sự truyền hình..., vì vậy luôn phải theo dõi sát mảng văn hóa lịch sử. Ngoài việc “theo dòng sự kiện” để thiết kế đề tài cho phim, đôi khi các dữ liệu lịch sử mà chúng tôi nghiên cứu, nắm bắt lại cung cấp thêm những đề tài thú vị, có thể xây dựng thành phim. Ví dụ, nghiên cứu sâu về các sự kiện, nhân vật trong khởi nghĩa Lam Sơn, phát hiện ra có những nhân vật nữ rất đặc biệt, sự xuất hiện của họ trong tiến trình cuộc khởi nghĩa đã tạo ra những bước ngoặt, góp phần làm nên chiến thắng. Từ đó, giúp chúng tôi có thêm một bộ phim đánh giá về vai trò của những người phụ nữ trong khởi nghĩa Lam Sơn. 


Mai Hương
Đài Phát thanh & Truyền hình Thanh Hóa
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây