Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


"Những thông điệp từ tranh cổ động mang đến luôn có tính thời sự trong thời đại của chúng ta"

Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN Hồ Quang Lợi tại Tọa đàm và Trưng bày chuyên đề: “Nghệ thuật tuyên truyền và đời sống đất nước trong tranh cổ động” được tổ chức vào ngày 16/10.

Sự kiện do Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) tổ chức.

Tham dự tọa đàm có nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Bùi Thế Đức, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương,...cùng nhiều họa sỹ, nhà báo, nhà sưu tầm và công chúng đam mê tranh cổ động.

Phát biểu mở đầu tại buổi tọa đàm, nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: “Đây là cuộc tọa đàm rất đặc biệt, nghệ thuật tuyên truyền mà đặc trưng là tranh cổ động, tọa đàm gắn với triển lãm hàng trăm bức tranh cổ động gắn với các thời kỳ lịch sử. Nhìn vào các bức tranh chúng ta có thể thấy dấu ấn lịch sử của đất nước chúng ta. Có những bức tranh cách đây đã hơn 70 năm, đó là dấu ấn lịch sử, chặng đường mà dân tộc ta đã đi qua được thể hiện qua tranh cổ động, từ đó chúng ta càng tự hào hơn về lịch sử đất nước chúng ta”.

111
Nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì buổi tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã nghe một số phát biểu của những nhà báo, họa sỹ, nhà sưu tầm đam mê với tranh cổ động. Trong đó có phát biểu của bà Đặng Thị Thu Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông xoay quanh nội dung Tranh cổ động - nghệ thuật tuyên truyền và chất báo chí; tiếp đó là phát biểu của bà Trần Thị Hương - PGĐ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam về “Phát huy giá trị tranh cổ động ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam”; hay tham luận về Tranh cổ động trong đời sống xã hội Việt Nam xưa và nay của anh Nguyễn Việt Hùng – Giám đốc Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam.

Ngoài ra, còn có ý kiến tham luận về giá trị sưu tầm tranh cổ động giai đoạn 1945-1975 hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia của bà Phạm Thị Mai Thủy đến từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Bên cạnh đó, nhiều họa sỹ, nhà sưu tầm và các nhà báo cũng trao đổi nêu bật vai trò của tranh cổ động với báo chí cách mạng Việt Nam…

111
Nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam xem trang cổ động tại triển lãm.

Tại buổi tọa đàm, nhà báo Nguyễn Đăng Tiến - nguyên Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam đã trao tặng 1010 bức tranh cổ động cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Theo nhà báo Nguyễn Đăng Tiến: “Tôi có ý tưởng ban đầu là sưu tầm tranhcổ động để cho con cháu, nhưng tôi đã “chọn mặt gửi vàng” để trao tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Tôi cảm thấy vinh dự khi được gửi gắm hơn 1000 bức tranh đã sưu tầm hơn 20 năm qua vào đúng địa chỉ mà tôi thấy rất trân trọng. Tôi thấy rằng nếu trưng bày ở nhà thì chỉ có một số người thân của mình biết được những bức tranh này, khi gửi ở đây thì có rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp có thể chia sẻ được đọc  lịch sử đất nước mình qua những bức tranh đầy cảm xúc này”.

Tiếp thu những ý kiến phát biểu và đóng góp của các đại biểu tại tọa đàm, nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: Lịch sử báo chí là lịch sử đất nước, lịch sử dân tộc và tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam đây là nơi chúng ta đến và tự hào về báo chí cách mạng Việt Nam, tự hào về lịch sử đấu tranh xây dựng đất nước của dân tộc ta.
 

111
Nhà báo Trần Kim Hoa - Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam tiếp nhận 1010 bức tranh cổ động do gia đình nhà báo Nguyễn Đăng Tiến, nguyên Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam trao tặng.

Ngay trong cuộc chiến chống dịch covid - 19 vừa qua, Việt Nam ta đã phát huy được xuất sắc thế mạnh của công tác tuyên truyền để người dân có thể nhận thức, ứng xử đúng đắn kịp thời trong việc phòng chống nguy cơ và chung sức đồng lòng vượt qua đại dịch covid-19 và Việt Nam trở thành đất nước mà người dân tin vào báo chí, tin vào chủ trương tuyên truyền của nhà nước. 

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam thông tin: “Người dân tin vào báo chí đó chính là tin vào Đảng tin vào đất nước, hệ thống truyền thông không chỉ đi đầu, mà còn nỗ lực cập nhật thông tin, truyền đạt nhanh nhất mọi chỉ đạo của chính quyền, khuyến cáo người dân để công tác phòng chống dịch được chủ động. Đất nước ta đã bước vào trạng thái bình thường mới, đó chính là nghệ thuật tuyên truyền”.

111
Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam trao giấy chứng nhận cho nhà báo Nguyễn Đăng Tiến.

Theo lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam:“Tọa đàm đã được nghe một số phát biểu tham luận tâm huyết, cho thấy tranh cổ động và báo chí là “anh em ruột”, hai lĩnh vực có nhiều điểm chung về tính thời sự, về tính đại chúng và hiệu quả thì rất to lớn. Tranh cổ động là một thể loại của nghệ thuật tạo hình Việt Nam, có lối biểu đạt nội dung dễ hiểu, rõ ràng, thuyết phục; có tính khái quát, tính thẩm mỹ, tính trực quan, trong lịch sử cách mạng nước ta đã ngay từ khi ra đời đã nhanh chóng trở thành một phương tiện nghệ thuật hiệu quả góp phần chuyển tải chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với mọi tầng lớp nhân dân”.

"Tranh cổ động đã phản ánh một cách sống động, các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và cuộc đấu tranh xây dựng và bảo vệ tổ quốc của chúng ta ngày hôm nay. Cũng như báo chí, những thông điệp mà tranh cổ động mang đến luôn có tính thời sự trong thời đại của chúng ta hôm nay và chắc chắn đây sẽ tiếp tục là dòng tranh có khả năng khơi dậy mạnh mẽ khả năng sáng tạo của các họa sĩ trong quá trình tiếp cận công chúng và thâm nhập đời sống xã hội. Vì vậy, các nhà báo, các họa sĩ vẽ tranh cổ động luôn khiến chúng ta nghĩ đến những chiến sĩ trên mặt trận tuyên truyền, đi đầu trong hoạt động phản ánh các vấn đề thời sự và có tác động trực tiếp, mạnh mẽ trong đời sống đất nước",  lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam cho biết thêm.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cũng hoan nghênh Bảo tàng Báo chí Việt Nam dù mới ra đời được hơn 3 tháng, nhiệm vụ còn nặng nề nhưng đã chủ động, tích cực nghiên cứu, sáng tạo trong việc tổ chức sự kiện tiếp nhận Bộ sưu tập 1010 bức tranh cổ động do Nhà báo Nguyễn Đăng Tiến dày công sưu tầm và hiến tặng.

111
Nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tiếp thu
các ý kiến đóng góp của các đại biểu dự tọa đàm.

Nhà báo Hồ Quang Lợi đánh giá: “Trong những bức tranh chúng ta đã đề cập đến thì có những bức tranh có giá trị lịch sử hết sức qúy giá, có những bức tranh do Bác Hồ vẽ, khi chúng ta còn chưa có chính quyền, có những bức tranh của các danh họa nổ tiếng của đất nước như Bùi Xuân Phái. Qua đó để thấy rằng, nhà báo và họa sỹ không chỉ đồng hành mà còn hòa vào trong nhịp đập, nhịp thở của đời sống đất nước, trở thành một phần quan trọng trong sự nghiệp đó và chúng ta cống hiến tài năng sức lực cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân chúng ta”.

Nói về 1010 bức tranh được trao tặng lần này, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: “Vai trò của các nhà báo, vai trò của người sưu tầm theo thời gian ngày càng có giá trị và có thể nói bộ sưu tầm nhà báo Nguyễn Đăng Tiến trao tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam là trao tặng cho lịch sử báo chí, làm cho chúng ta tự hào về lịch sử của đất nước chúng ta, tự hào hơn về lịch sử báo chí được thể hiện rất sống động qua từng bức họa, tranh cổ động”.

Theo Lê Tâm/NB&CL

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây