Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Vài suy nghĩ về xây dựng kịch tính phim tài liệu

Có một thể loại mà trong các các liên hoan điện ảnh quốc gia các kỳ liên hoan truyền hình toàn quốc và giải báo chí cấp tỉnh  những người giành được thành tích cao trong địa hạt này luôn được công chúng, đồng nghiệp đánh giá cao, ngưỡng mộ - Đó chính là phim tài liệu. Với đặc điểm thể loại, phim tài liệu (PTL) chiếm một vị trí trang trọng trong điện ảnh nói chung, báo chí truyền hình nói riêng. Lịch sử điện ảnh thế giới vẫn thường nhắc đến những nhà làm phim tài liệu nổi tiếng như Giônrít Iven người Đức hay Rôman Cácmen của Liên Xô với những tác phẩm mang tầm sử thi và tính nhân loại. Điện ảnh Việt Nam cũng ghi dấu những tên tuổi như Bành Bảo, Trần Văn Thủy,  Lê Mạnh Thích... Riêng ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã và đang có những “cây đa cây đề” ở Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng (nay thuộc VTV8) như Đoàn Huy Giao, Trương Điện Thắng, Nguyễn Trí Trung... và gần đây nói lên là Trương Vũ Quỳnh, Đoàn Hồng Lê với trường phái làm phim kiểu Varan của Pháp rất dụng công nhưng hấp dẫn. Những phim tài liệu đạt chất lượng nội dung, nghệ thuật cao luôn có giá trị lâu dài. Nhưng ở đời thường vậy: cái khó, cái quý giá thì không dễ đạt đến.
111
Cảnh trong phim Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình. (Ảnh minh họa)
Phim tài liệu có nhiều loại: tài liệu chính luận, tài liệu ký sự, tài liệu chân dung, tài liệu khoa học... Đây là thể loại có khả năng chuyển tải các vấn đề, dung lượng lớn, khả năng phân tích, khái quát cao, tạo nên các thông điệp có tính tác động rộng lớn, sâu sắc.. .trong lĩnh vực báo hình, phim tài liệu là thể tài báo chí mà tính nghệ thuật là một yêu cầu cao, thể hiện rõ trong cách kết cấu tác phẩm, xây dựng kịch tính, ngôn ngữ lời bình, văn phong, ngôn ngữ hình ảnh, cách montague (dựng phim), cách sử dụng tiếng động, âm nhạc... Nhưng dù sử dụng các yếu tố nghệ thuật đến mức nào thì phim tài liệu cũng phải đảm bảo một tính chất bất di bất dịch của báo chí, đó là phản ánh sự thật, hơn thế nữa, đó là sự thật đã được chắt lọc, “chưng cất để thấy cái bản chất nhất. Theo đạo diễn Đoàn Hồng Lê: “Phim tài liệu chính là tấm gương phản chiếu hiện thực xã hội một cách trung thực, quyết liệt, thẳng thắn... Phim tài liệu khiến cho người ta suy tư và tiếp tục đi tìm những câu trả lời mới cho cuộc sống. Phim tài liệu có một đời sống song song bên cạnh sự vận động của xã hội, thúc đẩy tiến bộ xã hội.”(1)

Điểm khác biệt đầu tiên của phim tài liệu so với các thể loại báo hình khác - như phóng sự chẳng hạn - là cách chọn đề tài. Nếu như phóng sự có thể hướng đến các vấn đề nóng hổi, vừa mới xảy ra.. „ thì đề tài cho PTL cần phải có một độ lắng nhất định, ở đó sự việc, hiện tượng, nhân vật... đã bộc lộ những đặc điểm, những tính chất cơ bản. Từ đó người làm phim mới có thể nắm bắt được những vấn đề bản chất nhất để có thể khái quát hóa trong tác phẩm của mình. Có thể người làm phim cũng sống ngay trong những thời khắc sự việc đang diễn ra với tất cả tính rối rắm, xô bồ của nó nhưng đó có thể là những chất liệu quý mà để thành tác phẩm phim tài liệu thì họ cần có thời gian nghiên cứu, thẩm định.

Cùng đặc tính phản ánh sự thật như các loại hình báo chí khác nhưng phim tài liệu có những cách thức tiếp cận thực tiễn riêng của mình mà nổi bật là cách kết cấu, xây dựng kịch tính cho tác phẩm. Có một đề tài tốt là tiền đề quan trọng để có phim tốt. Nhưng thực ra đó chỉ mới năm mươi phần trăm thắng lợi “nửa chặng đường” còn lại nằm trong cách xử lý đề tài mà trước hết là cách kết cấu tác phẩm. “Bí quyết của một phim tài liệu là kể câu chuyện về một cái gì đó hoặc ai đó đã thực sự tồn tại mà sự thật vẫn được trình bày rõ ràng, cân bằng.. . người nào đó phải chọn thứ để quay phim ngay từ đầu, cách để quay, cách để dựng, loại nhạc (nếu có) lồng vào hình ảnh. Theo cách này hay cách khác, tất cả những lựa chọn này thúc đẩy xúc cảm của người xem theo một cách đặc biệt”(2). Nghĩa là có rất nhiều thành tố tham gia vào việc tạo dựng kịch tính cho câu chuyện phim. Và người làm một bộ phim tài liệu giống như người kể mới câu chuyện dài mà nếu kẻ không “có duyên” thì người nghe sẽ lần lượt bỏ đi hết. Nhiệm vụ của bạn là giữ cho khán giả đừng chuyển kênh.

Vậy bạn cần phải làm gì? Trước hết phải kết cấu bộ phim một cách hợp lý, khéo léo, trường đoạn nào trước, trường đoạn nào sau đều phái dụng ý, tính toán cẩn thận. Có những trường đoạn cần phải được giấu khá kỹ để tung ra vào thời điểm thích hợp nhằm tạo sự “bùng nổ” chợ phim khiến khán giả vỡ òa cảm xúc. Đó cũng là cách xây dựng kịch tính cho bộ phim. Còn nhớ trong tác phẩm Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai của đạo diễn Trần Văn Thủy, bộ phim đề cập đến các phi công Mỹ đã cố gắng cứu những dân thường vô tội ở Mỹ Lai thoát khỏi họng súng điên cuồng của lính Mỹ trong vụ thảm sát nổi tiếng này. Năm 1998 hai cựu phi công quay lại Mỹ Lai nhân kỷ niệm 30 năm sự kiện đau xót này, Để tạo kịch tính cho phim, đạo diễn Trần Văn Thủy đã tập trung cao độ cho một trường đoạn mà những phụ nữ may mắn thoát chết trong cái ngày đẫm máu 16 tháng 3 năm 1968 ấy ước ao làm sao được gặp lại những người Mỹ mà họ suốt đời. họ mang ơn cứu mạng. Và rồi người cứu và kẻ được cứu xa nhau nửa vòng trái đất đã gặp nhau thật. Những vòng tay ôm chầm, tiếng cười chen tiếng khóc trong niềm hạnh phúc ngộ đã khiến người xem được “tháo ngòi nổ” những xúc cảm hồi hộp, mong đợi.. - Tất nhiên trong bộ phim này, đạo diễn gạo cội Trần Văn Thủy cũng rất dày công trong việc kết cấu các trường đoạn dành cho nhân vật chính Mike Bochm — người chơi vĩ cầm ở Sơn Mỹ. Tiếng Vĩ cầm ở Mỹ Lai đã đoạt giải thưởng Phim ngắn hay nhất (Best Short Film Award) tại Liên hoan Phim châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 43 tổ chức ở Thái Lan năm 1999. Cũng trong năm này, phim đạt giải Bông sen bạc của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 12.

Nói về cách kết cấu, xây dựng kịch tính cho phim TL, ở khu vực miền Trung Tây Ngưện thời gian gần đây phải nhắc đến nhóm làm phim Trương Vũ Quỳnh - Đoàn Hồng Lê của VTV8. Để làm phim Canh bạc, ekip của  đạo diễn Đoàn Hồng Lê đã bám theo một nhóm nông dân trồng dưa ven sông Vu Gia huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam suốt 3 vụ dưa. Vụ dưa đông - xuân thì bị lũ muộn chết rục, vụ hè thu nắng như đổ lửa. Sang vụ thứ 3 thì điệp khúc “được mùa mất giá” lại trỗi lên. Phim làm theo trường phái Varan của Pháp, kết cấu, kịch tính phim chỉ dựa trên những đối thoại, tiếng động hiện trường khiến người xem phải nín thở trước “cuộc chiến” không cân sức giữa những người nông dân đơn độc với biến đổi khí hậu và sự phập phồng của thị trường. Phim kết lại với câu tự thán của một nhân vật: “Làm nông kiểu này chẳng khác gì đánh bạc với trời!” khiến người xem chùng xuống. Hay như phim Ngày hòa  bình cũng của nhóm làm phim nói trên, phim đề cập đến những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước ở thành phố Đà Nẵng. Phim không lời bình, hay đúng hơn: lời bình là lời thoại, âm nhạc... và việc sử dụng một cách khéo léo, tuyệt xảo tư liệu lấy từ các bản tin do những hãng truyền hình lớn trên thế giới sản xuất đưa cảnh hỗn loạn của Đà Nẵng và tâm trạng các tầng lớp vào những giờ phút chung cuộc của một cuộc chiến. Qua hồi ức của nhiều lớp người lính, viên chức chế độ cũ, trí thức, sinh viên, cán bộ cách mạng hoạt động nội thành, xen với nhạc Trịnh... bộ phim Ngày hòa bình được kết cấu và bố trí tính kịch một cách thật khéo léo đến mức người xem có nghề vẫn thấy như không có một sự dụng nghề nào. Để rồi thông điệp mà bộ phim đưa ra: từng có một thế hệ người Việt Nam, trong đó có những người bị buộc phải cầm súng một cách vô nghĩa đã khát khao hòa bình đến mức nào. Ngày hòa bình cũng là lời nhắn nhủ thế hệ hôm nay càng phải biết trân trọng. và phấn đấu xây dựng đất nước hùng cường để nền hòa bình của Tổ quốc được bảo vệ vững chắc.

Ngoài việc tính toán kết câu, còn có những yếu tố khác cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo kịch tích cho một câu chuyện phim tài liệu, đó là ngôn ngữ hình ảnh với tính chất ẩn dụ, gợi mở; là lối montague (dựng phim) được tính toán chặt chẽ để đẩy câu chuyện phim lên cao trào. Âm nhạc, tiếng động hiện trường... được sử dụng với liều lượng thích hợp cũng có sức neo giữ người xem ngồi lại trước màn hình. Quay lại phim Canh bạc của đạo diễn Đoàn Hồng Lê, ở đó có cảnh những người nông dân ném dưa xuống sông. Không lời bình, không lồng nhạc, không tiếng người, chỉ trần trụi có âm thanh từng quả dưa hấu rơi đánh “bõm” xuống nước khiến khán giả lòng như chết theo những ruộng dưa bị chết tức tưởi vì cơn lũ trái mùa.

Phim tài liệu hiện nay đã có nhiều thay đổi trong cách lựa chọn đề tài, phong cách thể hiện, và ngoài cơ quan nhà nước còn có những nhóm làm phim độc lập... Xu hướng này đã mang lại sinh khí mới cho phim tài liệu Việt Nam. Trong bối cảnh như vậy càng có thể khẳng định rằng không có một quy tắc, hình mẫu nhất định nào trong việc xây dựng kịch tính cho phim tài liệu. Mỗi người có thể kể câu chuyện phim theo cách thức, sở trường của mình. Nhưng có một điều chắc chắn khi bắt tay vào làm phim thì: “cần nhớ rằng nó là một bộ phim tài liệu, và ưu tiên hàng đầu là trình bày chính xác các sự kiện. Một khi bạn đã xác định được điều đó, thì kể lại các câu chuyện và làm thế nào để thêm kịch tính là một công việc thú vị''(3).

 
Duy Hiển
Hội Nhà báo Kon Tum


1.VOV5 ngày 02/01/2018 - Phim tài liệu Việt Nam - Khi khán giả đã thay đổi.
2. Dẫn theo Trang điện tử 24h.vn.
3.Trang điện tử 24h.vn - Phim tài liệu kịch tính: Kể những câu chuyện thật với sự kiện và cảm xúc thật.
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây