Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Vui buồn chuyện phóng viên viết kinh tế

Với kinh nghiệm gần 10 năm viết về kinh tế, tôi đã có rất nhiều tác phẩm phản ánh các vấn đề kinh tế - xã hội, đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Trong số đó, có nhiều tác phẩm được Ban Biên tập khen ngợi, độc giả đón đọc và cũng có rất nhiều bài viết bị phê bình, phản ánh chưa tốt. Thời gian gắn bó với nghề báo chưa dài nhưng kỷ niệm vui buồn trong nghề khó mà kể hết. Tôi nhận ra rằng: Phóng viên viết về kinh tế cần có đầu óc nhạy bén, sắc sảo, tỉnh táo và phải có cái tâm.

Tốt nghiệp Đại học với tấm bằng Cử nhân kinh tế, bước vào nghề báo là một ngã rẽ đầy bất ngờ đối với tôi. Tôi còn nhớ như in, khi bước chân vào làng báo, tôi như cánh chim lạc đàn. Tôi cảm thấy lạc lõng giữa vùng đất rộng lớn, núi non trùng điệp và heo hút; từng thấy đơn độc trong những hành trình dài, đầy rẫy khó khăn khi về cơ sở và băn khoăn, trăn trở cho một bài viết khi không biết bắt đầu  từ đâu, triển khai như thế nào. Kế hoạch công việc nhiều lúc tạo cho tôi áp lực khủng khiếp. Nhưng lâu dần, với sự nỗ lực, có gắng của bản thân và những lời động viên, giúp đỡ của anh em đồng nghiệp, tôi đã dần tiếp cận được công việc và dần cảm thấy yêu mến mảnh đắt, con người tại miền đất cực Tây của Tổ Quốc. Tôi thích cảm giác: “Xách ba lô lên và đi”. Đi về cơ sở tìm hiểu, giao lưu, trải nghiệm và cho ra những “đứa con” tinh thần. Mỗi địa phương đều có những đặc điểm, tình hình khác nhau và chính quyền cơ sở, người dân đối xử với những đặc điểm, tình hình đó theo những cách làm cũng hoàn toàn khác nhau. Đi nhiều, tìm hiểu và viết nhiều tác phẩm, những mảnh đất tôi đã từng đặt chân đến, những con người từng tiếp xúc đã bổ sung thêm vào kho tàng kiến thức ngày càng phong phú, đồng thời từng bước trau dồi, rèn giũa tôi trở thành một phóng viên kinh nghiệm và bản lĩnh hơn.

Những phóng viên mới vào nghề đều cho rằng, viết về các vấn đề kinh tế rất dễ bởi vì đều có số liệu rõ ràng, cứ chăm đi thực tế, bám sát cơ sở, nghe họ báo cáo đầy đủ, ghi lại trung thực là xong. Tuy nhiên, nếu chỉ thấy gì viết nấy, sao chép báo cáo của cơ sở thì tác động xã hội của một bài báo đâu có gì. Nhiều khi bài báo trở thành khô khan, chán ngắt vì nó chỉ phản ánh được một hoạt động quá tầm thường, nhàm chán của một tập thể nhỏ bé. Một bài viết về một vấn đề kinh tế có yêu cầu cao hơn nhiều so với một bản báo cáo hóa. Nội dung bài viết cần có sự phân tích, đánh giá, so sánh... từng vấn đề mà nếu chỉ có số liệu báo cáo suông không thể nào lột tả được hết. Và đặc biệt, có nhiều trường hợp số liệu báo cáo chưa chắc đã đúng và sát với thực tế triển khai. Chính vì vậy, bản báo cáo chỉ là nguyên liệu thô cần có khi triển khai một bài viết về kinh tế. Để có một bài viết hay, phóng viên phải sâu sát cơ sở, trực tiếp tìm hiểu, trải nghiệm những nội dung, vấn đề mà đối tượng mình đề cập đã hoặc đang triển khai thực hiện, từ đó có những đánh giá, phân tích chính xác và cuối cùng qua ngòi bút, ngôn ngữ báo chí để truyền đạt được rõ ràng cách thức thực hiện, kết quả đạt được và kịp thời phản ánh hơi thở của cuộc sống. Thông qua tác phẩm báo chí là cầu nối đưa những tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân đến với Đảng, Nhà nước và ngược lại.

Bài viết đầu tiên tôi được lãnh đạo phòng giao viết là về tấm gương điển hình kinh tế. Theo như các anh chị đồng nghiệp chia sẻ, đây là thể loại dễ viết nhất khi viết về kinh tế. Rất đơn giản, chỉ cần đi đến các xã, bản tìm lấy 1 tấm gương điển hình về phát triển kinh tế rồi phản ánh lại quá trình họ phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Từ đó, tạo sức lan tỏa về phong trào xóa đói giảm nghèo, cổ vũ động viên người dân vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng. Thời gian đó, đi đến địa bàn nào, tôi cũng tìm gương phát triển kinh tế để viết bài. Có thời điểm, bài của tôi xếp thành từng chồng ở phòng thư ký tòa soạn.

Có lần, trong lúc đợi để làm việc với lãnh đạo UBND xã Xá Nhè (huyện Tủa Chùa), tôi thấy có cán bộ xã đang đọc bài về tấm gương phát triển kinh tế ở trên địa bàn xã do chính tôi viết khoảng 2 tuần trước đó. Đọc xong, đồng chí cán bộ xã thở dài nhẹ một tiếng rồi lắc đầu. Khi hỏi kỹ lại, cán bộ này giải thích: “Gương kinh tế bài báo nêu cũng đúng rồi song đây chưa phải là điển hình của xã. Hằng năm, xã có hàng chục cá nhân được vinh danh về hoạt động sản xuất kinh doanh giỏi; hộ nào cũng chăn nuôi hàng chục con gia súc, cả trăm con gia cầm, doanh thu, lợi nhuận lớn hơn hộ trong bài báo nhắc tới nhiều. Phải tuyên truyền về những hộ thực sự điển hình như vậy mới tạo sức lan tỏa được”. Chính vì vậy, viết về gương điển hình mà xây dựng nhằm điển hình sẽ gây tác hại bất ngờ, đôi khi còn bị phản tác dụng tuyên truyền.

Có lần, tôi được giao đi thực hiện bài viết về mùa thu hoạch rau xanh tại xã Thanh Hưng, một trong những xã có diện tích trồng rau lớn nhất nhất huyện Điện Biên. Đây không phải lần đầu tôi tới xã Thanh Hưng và viết về đề tài này. Nhưng lần này rất khác, thái độ của bà con nông dân rất khác so với sự niềm nở, tay bát mặt mừng như những lần trước. Các hộ trồng rau đều không mặn mà trong việc chia sẻ thông tin, nhiều hộ còn từ chối thẳng. Tôi cố gặng hỏi được mới biết, “Mới cách đây mấy ngày, cũng có phóng viên đến đây viết bài về vụ rau này, về phóng viên viết, vụ này các hộ dân trúng lớn, mỗi hộ thu lợi nhuận 30 - 40 triệu đồng. Nhưng thực tế đâu thu được lợi nhuận nhiều thế. Chúng tôi không thích việc ca ngợi quá đà đó”, một chủ vườn rau chia sẻ. Tuy đây không phải là trường hợp của tôi song qua sự việc cũng giúp tôi thấy được tác hại của việc ca ngợi quá lố, đồng thời giúp tôi có thêm kinh nghiệm trong những lần tác nghiệp về sau.

Những kỷ niệm vui buồn khi làm nghề thì rất nhiều. Song, niềm vui sướng nhất của một phóng viên là bài viết của mình có tác động xã hội tích cực, là cầu nối của người dân với Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương. Dấu ấn trong nghề mà tôi vẫn nhớ mãi là bài viết về vụ phá rừng của người dân bản Háng Lìa, xã Sa Lông (huyện Mường Chà). Sau nhiều lần đi lại, tìm hiểu đủ các bên thì người dân cũng đã ý thức được việc phá rừng làm nương là trái pháp luật và phải chịu phạt. Tuy nhiên, người dân mong muốn chính quyền “nhẹ tay” cho những người đã thực hiện hành vi phá rừng bởi vì hầu hết các hộ dân ở đây đều rất nghèo, vì nghèo, thiếu đất sản xuất mới phải đi phá rừng. Sau đó, bài báo của chúng tôi cũng đã phản ánh đa chiều, trong đó nhấn mạnh vào mong muốn của người dân.  Bẵng đi một thời gian, chúng tôi cũng đã gần như quên chuyến đi và bài viết đó, một hôm trưởng bản Háng Lìa gọi điện thông báo hầu hết người dân ở bản đều được giảm án trong phiên xét xử sơ thẩm tại Tòa án nhân dân huyện. Họ cảm ơn bài báo đã phản ánh kịp thời, góp phần giúp người dân trong vụ việc trên. Thực tế, chúng tôi không biết rằng bài báo có giúp ích nhiều cho người dân bản Háng Lìa hay không, nhưng nhận được thông báo của trưởng bản chúng tôi thật sự vui sướng, nó là nguồn động lực rất lớn, cổ vũ, động viên chúng tôi phấn đấu cho những bài viết sau được tốt hơn nữa.

Ở đâu cũng vậy, nghề báo luôn được xem là nghề vất vả và có phần nguy hiểm song cũng chứa đựng thật nhiều niềm vui. Chính nghề báo đã rèn giũa bản thân tôi tính kiên nhẫn, cẩn thận trong từng câu chữ, chịu được áp lực công việc lớn. Nghề báo đã cho tôi cảm giác ấm áp, thân thương sau những chuyến hành trình. Đặc biệt, gần 10 năm là phóng viên viết về kinh tế đã tôi  luyện cho tôi tính kỷ luật, logie, nhạy bén, linh hoạt trước những vấn đề kinh tế của tỉnh đang thay đổi, phát triển từng ngày, từng giờ. Nghề báo luôn luôn đòi hỏi sự sáng tạo, chính vì vậy, chúng tôi, những người đã, đang và sẽ sống với nghề vẫn luôn nỗ lực học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng và trau chuốt cho từng tác phẩm của mình. Mong rằng, mỗi tác phẩm ra đời sẽ góp phần nào đó trong việc dựng xây xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, xứng đáng với trọng trách to lớn mà Đảng và Nhân dân giao phó. 

 
                                                                        Nhật Phương
                                                                      (Người làm báo Điện Biên)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây