Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Vượt qua những trở ngại trong tác nghiệp

Trong cuộc đời gắn bó với nghề báo, những chuyến đi cho tôi một kỷ niệm khác nhau, tất cả đều rất đáng nhớ. Có những chuyện vui và cả chuyện buồn. Có những chuyến đi may mắn, nhưng có những chuyến, người phóng viên phải vượt qua khó khăn, trở ngại. Nhưng tất cả những khó khăn đã vượt qua trở thành câu chuyện đẹp về nghề. Trong khuôn khổ bài viết này tôi chỉ xin đề cập đến những trở ngại do khách quan đưa đến, đòi hỏi người phóng viên phải vượt qua. 

Là phóng viên nữ nhưng  tôi đặc biệt thích đi tác nghiệp đến những nơi vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ít người, đến những nơi mà có thể một số phóng viên ngại đến bởi điều kiện không thuận tiện. Nhưng với cá nhân tôi, tôi thích đến những nơi đó. Vì những vùng đó sẽ nhiều đề tài hay dễ bị bỏ qua. Năm 2009, tôi thực hiện phim “Khi Cao Vít trở về” đó cũng là chuyến đi đáng nhớ, nhớ về những khó khăn mà một phóng viên nữ như tôi phải vượt qua để hoàn thành kế hoạch đặt ra. Cao Vít là một loài Vượn nằm trong sách đỏ  đang được bảo tồn, chúng sống ở khu rừng thuộc 3 xã Ngọc Khê, Ngọc Côn và Phong Nặm (Trùng Khánh). Để vào được vùng lõi, giáp gianh giữa Việt Nam - Trung Quốc, để có những thước phim về loài Vượn Cao Vít, nhóm phóng viên chúng tôi phải chuẩn bị nhiều ngày, từ lương thực, thực phẩm, đến chuẩn bị người hỗ trợ khuân vác. Riêng thời gian di chuyển đường rừng để đến được nơi chúng tôi mất gần một ngày.

“Rừng thiêng, nước độc”, không điện, không sóng điện thoại, ăn lán, ngủ rừng giữa mùa đông lạnh giá. Những thứ ấy chúng tôi phải vượt qua. Nếu là phóng viên nam, có lẽ sẽ dễ hơn rất nhiều, nhưng là phóng viên nữ thì quả là bất tiện. Tuy nhiên, sự khó khăn ấy không cản được lòng nhiệt huyết của các thành viên trong đoàn.  

          Ban ngày cả nhóm chia thành hai kíp, đi hai hướng để tìm Vượn. Chúng tôi phải vén lá, bới cây, xuyên rừng để lên các giông núi. Quay phim lỉnh kỉnh các loại máy móc, chân máy, có những điểm không có chỗ để nhẫm bàn chân bước lên trên, chúng tôi đã phải lấy vai người trước để người sau làm bậc bước lên, cứ thế chúng tôi mải miết đi, mải miết tìm, để có những thước phim sống động nhất. Thời tiết khắc nghiệt, nắng mưa thất thường, đêm về chịu cái rét thấu xương, và ẩm ướt do sương muối. Tất cả chúng tôi phải vượt qua bằng trách nhiệm và tâm huyết của người phóng viên. Không giống như chuyến đi thực hiện phim về Vượn Cao Vít, phải ăn lán, ngủ rừng, nhưng lại có những chuyến đi cũng nhiều kỷ niệm về sự khó khăn mà phóng viên phải vượt qua. Năm 2014, trong một chuyến thực hiện Chuyên mục Thắp sáng niềm tin, tại xóm Cộp My, xã Quang Trung (Hòa An) một xóm đồng bào dân tộc Mông. Nếu tính km từ trung tâm thành phố đên xóm Cộp My có lẽ chỉ hơn 10 km, nhưng để từ Trung tâm xã đến xóm thì dùng hai từ “vất vả” cũng chưa thấm tháp vào đâu so với con đường như đi lên “cổng trời”. Chúng tôi phải leo núi trọn một buổi sáng, không có đường, có nhiều đoạn phải đu dây rừng, leo lên những chiếc thang bằng tre. Gọi là thang, nhưng thực tế chỉ là những cây tre hoặc cây gỗ được bà con tự bắc để đi dễ dàng hơn. Và khi đi như vậy chúng tôi càng thấu hiểu được nỗi gian nan của người dân sống trên núi cao.

Một trở ngại nữa của phóng viên đi tác nghiệp tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người đó là bất đồng ngôn ngữ. Bất đồng ngôn ngữ sẽ ảnh hưởng đến quá trình khai thác thông tin, và đặc biệt là tiếp cận với bà con. Còn nhớ, những chuyến công tác đầu tiên khi tôi mới chuyển làm nghề phóng viên, đến với đồng bào tôi chỉ nghe được, còn nói tiếng dân tộc thì rất hạn chế. Chuyến đó tôi đã phỏng vấn một cụ dân tộc Tày, cụ không biết nói tiếng Kinh. Lúc này tôi đành sử dụng hết vốn tiếng Tày mà mình có được để phỏng vấn, nhưng rồi cụ không hiểu tôi nói gì. Loay hoay khá lâu hai bên vẫn không hiểu ý nhau. Sau đó may mắn có một học sinh THPT là người địa phương, đi học về, tôi đã nhờ em đó phiên dịch câu hỏi phỏng vấn giúp, và bà cụ đã trả lời đúng bằng tiếng dân tộc một cách trôi chảy.

Chính vì vậy, khi tác nghiệp ở những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nếu như có phóng viên hoặc quay phim là người dân tộc giống như địa phương mình đến thì sẽ rất thuận lợi, bởi khi xuất hiện cùng người dân tộc đã thuận lợi, họ truyền đạt những việc cần làm cho bà con một cách dễ dàng hơn. Những chuyến như vậy, phóng viên cần nhờ Bí thư Chi bộ hoặc trưởng xóm của chính địa phương đó, hoặc những người thông thạo tiếng Việt là người phiên dịch sẽ thuận lợi hơn rất nhiều khi phóng viên đến mà không có sự hỗ trợ từ người địa phương, muốn như vậy, phóng viên phải tìm hiểu thông tin, có thể là tìm người, trước khi đoàn di chuyển đến đó.
Vài kỷ niệm nho nhỏ, nhưng cũng đáng nhớ với cá nhân tôi, bởi đó cũng là những trải nghiệm đáng nhớ để sau này tôi có kinh nghiệm hơn trong mỗi chuyến tác nghiệp.

 
Hoài Phương 
Đài PT-TH tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây