Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


34 năm án oan của 5 nông dân ở Quảng Bình

(Bài 1): Những ngày tháng sống như "địa ngục"
(Bài 1): Những ngày tháng sống như "địa ngục"

4/5 nông dân mang án oan còn sống ở Quảng Bình gồm ông Đinh Xuân Hồ (SN 1961), ông Đinh Xuân Kỳ (SN 1955), ông Trần Văn Ổn (SN 1954), ông Hoàng Trọng Lưu (SN 1955) và ông Đinh Xuân Tạo (SN 1927, đã mất) tại xã Liên Trạch (huyện Bố Trạch) với hành trình kêu oan đằng đẵng.

Đầu tháng 12/2021, nhóm PV Dân Việt tìm về xã Liên Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) gặp 4/5 nông dân vừa được TAND huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) xin lỗi, cải chính công khai sau 34 năm mang án oan.

4 nông dân này và một người nay đã mất, mang án oan là thủ phạm trong vụ án trộm 187kg lạc và 34kg tiêu hạt xảy ra tại kho nông sản của Hợp tác xã mua bán xã Liên Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) vào cái đêm định mệnh ngày 17/6/1987.

Đang ru con ngủ bất ngờ bị bắt

Tại nhà ông Đinh Xuân Hồ, 4 nông dân còn sống trong vụ án oan 34 năm trước đã có lời chia sẻ cay đắng với PV về đêm bị bắt rồi mang cái án oan "Trộm cắp tài sản XHCN" và hành trình kêu oan đầy trắc trở.

Trò chuyện với PV, ông Đinh Xuân Hồ nhớ lại: "Tôi sinh ra trong gia đình nông dân 'chân lấm, tay bùn'. Bao thế hệ gia đình tôi đi theo cách mạng. Năm 1987, thời điểm tai ương ập tới, tôi là Kế toán trưởng Hợp tác xã mua bán Liên Trạch. 

Vào đêm 17/6 năm 1987, tôi đang làm việc nhà, bỗng đâu có nhiều công an ập tới thông báo rất giản đơn và bắt tạm giam vì liên quan đến vụ trộm cắp ở kho nông sản của Hợp tác xã mua bán Liên Trạch. Sau đó, tôi tạm giam 2 ngày ở Công an xã rồi tiếp tục tạm giam 5 tháng nữa.

"5 tháng bị tạm giam, tôi như người điên, ở trong phòng tối, không có ánh sáng, da bong tróc từng mảng. Phòng tạm giam chỉ có một lỗ nhỏ để cho nước vào, buổi ngày họ dẫn đi hỏi cung, buổi tối chân tôi bị còng lại như là tên tội phạm giết người vậy" - ông Hồ chực trào nước mắt kể.

111
Ông Đinh Xuân Hồ (SN 1961, ở xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình)
chia sẻ với PV Dân Việt về những ngày tháng đen tối khi vướng vào vòng lao lý. Ảnh: Trần Anh

Nhớ về đêm dẫn tới ngày tháng chịu oan sai, ông Trần Văn Ổn kể: "Vào thời điểm xảy ra sự việc, tôi đang ru con ngủ liền bị công an đến đọc lệnh bắt tạm giam. Sau đó, tôi bị giam trong phòng kín, không có ánh sáng nên da tôi dần bong từng lớp, tôi phải ăn uống và vệ sinh tại chỗ. Suốt thời gian đó, họ bắt tôi nằm sấp, nhiều lần dùng nhục hình yêu cầu tôi phải nhận tội sớm".

"136 ngày tạm giam trong phòng tối, tôi suy sụp tinh thần, nhiều lần bị ốm nhưng vẫn cố gắng vượt qua để về với vợ con, rồi còn đi kêu oan, lấy bằng được lại danh dự cho bản thân" - ông Ổn vừa nói vừa khóc.

Hoài bão, ấp ủ, tương lai khép lại

Còn ông Đinh Xuân Kỳ nhớ lại: "Tôi nhập ngũ năm 1986, được quân đội gửi đi đào tạo tại Tiệp Khắc rồi về nước năm 1986. Vào đêm 17/6/1987, tôi đang chuẩn bị áo quần để sớm ngày mai ra Hà Nội nhận công tác thì công an tới dẫn đi. Sau đó, tôi bị tạm giam 125 ngày để phục vụ công tác điều tra. Bao nhiêu kế hoạch, ấp ủ, tương lai tôi tan như bọt nước".

"125 ngày tạm giam, tôi ở trong phòng ẩm thấp, thời gian đó tôi lâm bệnh nặng, nhiều lần xin về nhà chữa bệnh mà không được. Cũng từ đó, sự nghiệp của tôi sụp đổ. Tôi bước vô vòng lao lý" - ông Kỳ cho hay.

111
Từ phải qua trái, ông Đinh Xuân Kỳ, ông Đinh Xuân Hồ, ông Hoàng Trọng Lưu, ông Trần Văn Ổn -
4 nông dân còn sống ở xã Liên Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) sau kỳ án oan 34 năm. Ảnh: Trần Anh

Còn ông Hoàng Trọng Lưu, thời điểm bị bắt là cán bộ thủ quỹ Hợp tác xã Liên Trạch, người được cho là đồng phạm tích cực trong vụ án. Ông Lưu cho biết: "Tôi bị tạm giam 68 ngày, những ngày đó, tôi chịu nhiều trận đòn để khai ra việc có trộm cắp hay không. Nhưng tôi có ăn trộm gì đâu, đau khổ lắm nhưng lúc đó kêu oan nào ai có tin tôi nữa"...
 

Theo Nhóm PV BMT/Dân Việt

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây