Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Bất ổn thị trường thép trong nước: Có mỏ sắt lớn sao vẫn để lệ thuộc bên ngoài?

Mấy ngày gần đây, giá thép đã hạ nhiệt khoảng 5-7% so với thời điểm cách đây một tuần, nhưng nhìn chung vẫn ở mức rất cao so với quý I. Mặc dù có thể lý giải giá sắt, thép tăng cao do nhiều lý do khách quan, nhưng thực sự, vẫn có nhiều giải pháp để bình ổn thị trường này.

111
Giá thép tăng cao kéo theo việc tăng giá hàng loạt sản phẩm vật liệu xây dựng khác.

1. Một trong những nguyên nhân chính được các tổ chức nghiên cứu kinh tế, thị trường, các chuyên gia kinh tế nhận định: Giá thép tăng mạnh thời gian qua chủ yếu do nhu cầu thép tăng mạnh khi các nền kinh tế trên toàn thế giới vực dậy từ cuộc khủng hoảng Covid-19. Trong khi đó, những công ty khai thác lớn nhất thế giới bị cản trở bởi một số vấn đề hoạt động và nguồn cung quặng bị thắt chặt.

Trong bối cảnh đó, giá sắt thép trên thị trường Việt Nam cũng đã tăng mạnh theo, kéo theo hiệu ứng tăng giá dây chuyền các loại vật liệu xây dựng khác, chi phí đầu tư, xây dựng, thực hiện các dự án... cũng bị đội vốn theo, ảnh hưởng nhất định đến mặt bằng giá cả và gây khó khăn công tác điều hành giá trong khoảng 2 tháng gần đây.

Việc các sản phẩm thép trong nước tăng được Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương giải thích do nêu nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của sản phẩm thép hiện nay đa phần phải nhập khẩu, như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite...

Nếu như giá quặng sắt, thép phế liệu nhập khẩu bên ngoài không tiếp tục tăng mà chỉ giữ như hiện nay cũng khiến mặt bằng giá sắt, thép trong nước, và giá vật liệu xây dựng nói chung sẽ mức cao mới. Theo số liệu của Bộ Công Thương, dự kiến trong năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như: Quặng sắt cho các lò cao khoảng hơn 18 triệu tấn; thép phế liệu khoảng 6-6,5 triệu tấn cho các lò điện; than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn và điện cực graphite khoảng 10.000 tấn…Còn trong trường hợp giá quặng sắt, thép phế liệu nhập khẩu còn tăng cao thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mặt bằng chung thị trường.

Với dự báo giá quặng sắt, thép phế liệu, quặng nguyên liệu thô và than mỡ luyện cốc… vẫn duy trì ở mức cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thép và thị trường thép trong nước. Cán cân thương mại đối với sản phẩm thép sẽ tiếp tục bị thâm hụt trong năm 2021 (trong năm 2020 thâm hụt hơn 6,4 tỷ USD).

Giá sắt thép tăng cao mặc dù đem lại lợi nhuận lớn cho một số "đại gia" như Tập đoàn Hòa Phát, Tổng công ty Thép Việt Nam, Tập đoàn Tôn Hoa Sen...nhưng lại gây khó khăn cho hàng loạt doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng. Hồi cuối tháng 4/2021, Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACE) đã phải có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ khẩn thiết kiến nghị cơ quan này có giải pháp tháo gỡ trước tình trạng giá thép xây dựng tăng đột biến.

2. Mặc dù có thực tế là giá sắt thép trong nước tăng quá nhanh và đã ở mức quá cao do những nguyên nhân khách quan như nói trên, nhưng có câu hỏi đặt ra là năng lực sản xuất phôi, sản xuất thép hiện nay của Việt Nam đến đâu mà để cho thế giới tăng bao nhiêu ta cũng tăng bấy nhiêu như vậy?

Theo Bộ Công Thương, năm 2021, dự kiến kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi và tăng trưởng khoảng trên 6%, dự kiến nhu cầu sản phẩm phôi thép sẽ tăng khoảng 6% với năm 2020 và nhu cầu thép của Việt Nam sẽ tăng khoảng 2-3%. Nhu cầu sản phẩm thép các loại dự tính khoảng 27 triệu tấn.

Hiện nay, về nguồn cung thép xây dựng, với việc một số dự án thép đã đi vào hoạt động như Dự án Liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất của Tập đoàn Hòa Phát, Dự án Nhà máy luyện thép Nghi Sơn năm 2020 vừa qua, năng lực sản xuất của thép xây dựng khoảng 14 triệu tấn, bảo đảm 100% cho nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu.

Về thép cuộn cán nóng (HRC), hiện tại công suất trong nước đạt khoảng từ 5-6 triệu tấn. Nhưng trong năm 2020, Việt Nam đã nhập siêu thép cuộn cán nóng đến 9,3 triệu tấn (nhập khẩu 10 triệu tấn – xuất khẩu 0,7 triệu tấn). Co nên, khả năng năm 2021, Việt Nam vẫn tiếp tục phải nhập khẩu một lượng lớn thép cuộn cán nóng để phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước. Nên nếu nguồn thép nhập khẩu giá tăng cao thì giá thép trên thị trường phải tăng theo là khó tránh khỏi.

Có thể thấy, nguồn cung cũng không phải là kém, thậm chí thừa nhưng thực tế, khả năng cung ứng lại không như lý thuyết. Nguyên nhân sẽ thấy là dịch COVID-19 lại tái bùng phát từ tháng 4 khiến nhiều nhà máy sản xuất thép tạm dừng hoạt động. Nguồn nguyên liệu khai thác trong nước cũng bị gián đoạn, các hoạt động vận tải, vận chuyển thép trên thị trường cũng gặp khó khăn. Tất cả đều ảnh hưởng đến giá thép trên thị trường mà không chỉ do giá quặng sắt, giá thép trên thị trường thế giới tăng.

3. Mặc dù tình hình chung như vậy nhưng không phải không có những giải pháp nhất định để kiềm chế, bình ổn giá thép. Trong bối cảnh thị trường đang "nóng" như hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất thép lại vẫn tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu thép sang các nước đã khiến thị trường có nguy cơ thiếu hụt và làm giá sắt thép trong nước tăng. Việc Bộ Công Thương vừa qua có đề xuất hạn chế xuất khẩu thép trong thời gian tới, có thể băng cách tăng mạnh thuế xuất khẩu với mặt hàng này là một giải pháp cần thiết mà Chính phủ nên chấp thuận.

Bên cạnh đó, để làm giảm nhiệt cho thị trường này, cần phải tăng nguồn cung và nguyên liệu, tăng sản lượng loại thép phục vụ ngành cơ khí, chế biến chế tạo. Việt Nam hiện đang có một mỏ quặng sắt rất lớn đã lập dự án đầu tư, khai thác từ rất nhiều năm nay nhưng mãi vẫn chưa đi vào hoạt động. Đó là chính là mỏ sắt Thạch Khê- Hà Tĩnh, được Bộ Công Thương khảo sát và xác định có qui mô lên tới 544 triệu tấn- là mỏ sắt lớn nhất ở Đông Nam Á.

Tuy nhiên, rất đáng tiếc do vừa qua có những bất đồng, tranh chấp về cổ phần trong Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC), về chủ trương, cách thức khai thác...nên việc tổ chức khai thác mỏ bị đình lại, không biết đến bao giờ thực hiện. Nếu mỏ này sớm đi vào hoạt động, với trữ lượng quặng sắt lớn, có chất lượng cao như đã được các cơ quan nhà nước khẳng định như vậy thì cũng sẽ đảm bảo nguồn cung lớn về nguyên liệu cho sản xuất thép trong nước, giảm bớt lệ thuộc vào thị trường bên ngoài.

Bên cạnh đó, trước mặt để giảm nhiệt cho thị trường thép, thiết nghĩ cũng cần có những chính sách thuế, ưu đãi đầu tư để thu hút các nhà đầu tư sản xuất mở rộng sản xuất hoặc thu hút các nhà đầu tư mới có tiềm năng phát triển các dự án sản xuất thép cán nóng…

 

Theo Mạnh Quân/NB&CL

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây