Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


KTS Trần Huy Ánh: Phải chăng Hà Nội đang phát triển đô thị... vì tiền?

"Chúng ta phải chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất, nếu mưa to thì phải có hồ, đầm để tích trữ. Còn bây giờ chỗ nào cũng xây và triệt tiêu đi không gian sống an toàn thì sẽ rất nguy hiểm… Phải chăng Hà Nội đang thiếu một kịch bản phát triển đô thị vì con người mà đang phát triển vì tiền?", KTS Trần Huy Ánh nói.

Liên quan đến việc nhiều nơi ở TP.Hà Nội bị ngập nặng chỉ sau một cơn mưa đầu mùa kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ, thậm chí những nơi ở trung tâm TP như những con đường quanh trụ sở Thành ủy Hà Nội (phố Tông Đản, Lê Lai) hay trụ sở UBND TP.Hà Nội (khu vực quanh Hồ Hoàn Kiếm) cũng đã bị ngập, nước không chỉ ngập ở lòng đường mà tràn cả lên vỉa hè. Và điệp khúc "Hà Nội cứ mưa là ngập" lại khiến người dân Thủ đô hết sức ngán ngẩm khi mùa mưa bão đang cận kề.
111
KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội KTS TP.Hà Nội.

Không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia

Trao đổi với PV Dân Việt về sự việc này, KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội KTS TP.Hà Nội phân tích: Như chúng ta đã biết, cơn mưa đầu mùa đã khiến cho Hà Nội ngập lụt ở tất cả vị trí dễ nhận thấy nhất như quanh Hồ Hoàn Kiếm.
"Những điểm vẫn thường xuyên hay ngập thì không nói làm gì nhưng hiện nay ngập đã tràn vào trong cả thành phố, việc này cũng không nằm ngoài dự báo của những người nghiên cứu đô thị", ông Ánh nói và lý giải: "Bởi vì chúng ta đang tự triệt tiêu đi khả năng tự hút thấm của mặt đất như việc bê tông hóa, lát đá tràn lan… khiến cho nước đổ hết xuống hệ thống thoát nước cũ kỹ nên không kịp thoát thì sẽ tắc lại và phố đương nhiên biến thành sông".
111
Cơn mưa đầu mùa chiều 11/5 khiến nhiều tuyến phố của Hà Nội ngập sâu. (Ảnh: Hồng Phú).
Theo KTS Trần Huy Ánh, việc đầu tư và phát triển đô thị một cách "ngẫu hứng" vào thiếu khoa học thì để lại những cái nhãn tiền ngay lập tức, nguy hiểm hơn là chúng ta đã ngầm hóa hệ thống điện, hệ thống cáp quang và hệ thống truyền dẫn. "Hậu quả không ở đâu xa là truyền hình cáp gặp trục trặc ngay sau khi mưa ngập đường phố".

"Bên cạnh đó, chúng ta phải đối mặt với những cái nguy hại hơn nữa, đó là việc hăng hái làm ngầm những tuyến đường sắt, trong đó những hiểu biết về thoát ngầm và năng lực hạ tầng để chống úng ngập với điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt hơn chúng ta biết. Nếu cứ làm theo kiểu mạnh ai người đấy làm thì còn nguy hiểm và phải tiêu tốn nhiều tiền hơn…", KTS Trần Huy Ánh lưu ý.

Hệ thống thoát nước chắp vá, không tổng thể

Phân tích rõ hơn về hệ thống thoát nước của Hà Nội, KTS Trần Huy Ánh cho rằng, hệ thống thoát nước của TP.Hà Nội kế thừa quy hoạch thoát nước của người Pháp trước năm 1954. Sau đó, Hà Nội mở rộng, do kinh nghiệm quy hoạch không nhiều, nguồn lực hạn chế, nên việc thoát nước ở Hà Nội khá tùy tiện.
Đến những năm 2000, Nhật Bản giúp thiết kế quy hoạch thoát nước bài bản hơn. Thế nhưng, khi thiết kế xong, định hướng phát triển đô thị lại lạc hậu so với thiết kế hệ thống thoát nước này.
111
Nhiều người dân ở Hà Nội khổ sở mỗi khi trời mưa với cường độ lớn, nước không chỉ biến các tuyến phố thành sông mà còn tràn vào trong cả nhà dân. (Ảnh: Thành An).

Dù vậy, TP.Hà Nội vẫn dựa vào bản quy hoạch thoát nước do phía Nhật Bản thiết kế để phát triển. Do đó, hệ thống thoát nước ở TP.Hà Nội là không tổng thể, chắp vá, luôn lạc hậu so với thực tế phát triển đô thị.

Ủy viên Thường vụ Hội KTS TP.Hà Nội nhấn mạnh, Hà Nội không chỉ thiếu chiến lược quy hoạch thoát nước mà đến nay còn cần đặt ra yêu cầu có thể thích ứng với quy hoạch mở rộng, biến đổi khí hậu đang diễn ra sâu sắc với lượng mưa lớn, thường xuyên hơn.

Cùng với đó, việc đô thị hóa mạnh, khó kiểm soát dẫn đến rác thải không được thu gom tốt, gây tắc cống, ngăn dòng chảy của hệ thống thoát nước. Trong khi, việc duy tu, nạo vét cống, khơi dòng chảy vẫn hạn chế... góp phần gây ngập lụt khi mưa lớn.

"Trên thế giới người ta đã phải đối mặt với chuyện này từ lâu và thế mạnh của kẻ đi sau là học lại những bài học kinh nghiệm của người đi trước đã vấp phải để giải quyết tốt đẹp hơn", KTS Trần Huy Ánh nói và cho biết, một quốc gia giàu nhất như Đan Mạch người ta hoàn toàn tích hợp hệ thống cấp nước sạch với nước thải.

111
Gạch block cũ ở vỉa hè các tuyến phố trên được công nhân bóc dỡ, thay thế bằng đá xanh tự nhiên ở nhiều tuyến đường trên địa bàn Hà Nội. (Ảnh: Trần Kháng).
 

"Hệ thống giải quyết các vấn đề về cung cấp nước cho người dân bằng cách áp dụng toàn bộ hệ thống nước mưa đổ xuống thành phố Copenhagen (Đan Mạch) đều được tính toán lưu trữ, sau đó sẽ được hòa loãng với hệ thống nước thải để pha loãng nồng độ chất gây hại, giúp cho quá trình xử lý/tái sử dụng nước thải trở nên dễ hơn, rẻ hơn, nhanh hơn, an toàn hơn…

Họ sử dụng toàn bộ nước thải đã qua xử lý để đổ vào bể bơi công cộng ở cửa biển. Bãi tắm công cộng 360/365 ngày hoạt động, chỉ đóng cửa vài ngày để bảo trì hệ thống. Điều này nói lên rằng, con người khi thông minh thì ngay cả nước cống người ta cũng có thể xử lý được để sử dụng duy trì cây xanh, rửa đường, cứu hỏa... Đây cũng là một bức tranh quảng bá, xuất khẩu toàn thế giới… mà chúng ta cần nghiên cứu và học hỏi", KTS Trần Huy Ánh nói.

Ông Ánh trăn trở: "Chúng ta phải chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất, trong đó, nếu mưa to thì phải có hồ, đầm để tích trữ. Còn bây giờ chỗ nào cũng xây và triệt tiêu đi không gian sống an toàn thì sẽ rất nguy hiểm… Phải chăng Hà Nội đang thiếu một kịch bản phát triển đô thị vì con người mà đang phát triển vì tiền?".

111
Hệ thống đo đạc ô nhiễm , kết xuất kết quả , xử lý và tái dụng nước mưa nước thải tại Copenhagen, Đan Mạch. (Nguồn Hanoidata & City Solution).

Cần có quy hoạch tích hợp tổng thể đa ngành

Trước hàng loạt giải pháp đưa ra, KTS Trần Huy Ánh cho rằng, TP.Hà Nội cần có quy hoạch tích hợp tổng thể từ xây dựng, đô thị hóa, giao thông, thoát nước, xử lý thải…

"Như tôi đã nói, những vấn đề đô thị như Hà Nội đang đối mặt cũng giống như nhiều thành phố trên thế giới đã trải qua, đối với khu vực nội đô không có quỹ đất rộng, có thể học hỏi kinh nghiệm phát triển không gian ngầm đa chức năng, trong đó có chứa nước khi cần.

Có thể phát triển không gian ngầm trong đô thị làm bãi đỗ xe, đường giao thông, hồ ngầm chứa nước mưa để tận dụng làm nước tưới cây, rửa đường, chữa cháy… Nếu có giải pháp kỹ thuật kết hợp được đa chức năng như vậy, vừa tiết kiệm tiền xây dựng, vừa sử dụng tài nguyên tiết kiệm trong điều kiện nước ngọt ngày càng hiếm, đô thị cần phải thông minh trong việc sử dụng nước ", KTS Trần Huy Ánh nói.

Để làm được những điều trên, ông Ánh cho rằng, trước hết phải tách được nguồn nước thải ra khỏi nước mưa chảy tràn. Đối với nước thải của thành phố, cần có giải pháp khu trú từng vùng để xử lý làm sạch ngay tại nguồn, giảm thiểu ô nhiễm chứ không nên làm tập trung ở quy mô toàn thành phố vừa tốn kém xây dựng/vận hành và ẩn chứa quá nhiều rủi ro về ngập lụt cũng như ô nhiễm nước.
111
Sơ đồ thu gom lưu trữ nước mưa và tái sử dụng nước mưa , nước thải qua xử lý tại Copenhagen, Đan Mạch. (Nguồn Hanoidata & City Solution).

Đối với khu vực ven trung tâm, đô thị mới, khi đẩy mạnh xây dựng đồng nghĩa với triệt tiêu vùng xốp để thẩm thấu nước khi mưa, nên cần đảm bảo nguyên tắc bù lại, bằng cách duy trì công viên, sân vận động, hồ điều hòa đúng chỉ tiêu kỹ thuật, nâng khả năng tự thẩm thấu nước khi mưa.

Nếu có thể, cần phát triển những không gian trống diện tích lớn mang tính dự phòng ứng phó với những tình huống thiên tai. Bên cạnh đó, ngoài việc duy trì thoát nước theo nguyên tắc tự chảy như hiện nay, cũng cần chú trọng xây dựng các trạm bơm thoát nước cưỡng bức ven các sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu… để rút ngắn quãng đường tập trung nước, tạo thành nhiều điểm cuối nguồn thoát nước tiêu úng nhanh hơn.

Ngoài ra, đối với từng khu vực cụ thể trong thành phố, cũng cần có thêm các giải pháp cục bộ chống ngập. Cần quy hoạch nhiều điểm trạm bơm thoát nước, giếng thu, hồ điều hòa, vùng bán ngập... giống như "ắc quy nước" có tác dụng giảm áp lực của mưa lượng lớn, nâng cao năng lực thoát nước cho nội thành và tận dụng nước mưa. Đặc biệt, để có nguồn đầu tư xây dựng các dự án thoát ngập, Hà Nội nên đẩy mạnh xã hội hóa.
 

Theo Thành An/Dân việt

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây