Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Sri Lanka nói 'tàu chở phân bón của Trung Quốc tệ hơn bom hạt nhân'

Quan hệ giữa Colombo và Bắc Kinh đột ngột căng thẳng, sau khi các nhà khoa học Sri Lanka cáo buộc tàu chở phân bón của Trung Quốc còn tệ hơn cả bom hạt nhân.

111
Một mẫu phân bón hữu cơ được làm từ rong biển. Ảnh: IANS.

Sự cố ngoại giao trên xảy ra sau khi các chuyên gia khoa học nông nghiệp Sri Lanka liên tục gây sức ép, yêu cầu các nhà chức trách nước này không cho tàu chở phân bón hữu cơ nhiễm khuẩn của doanh nghiệp Trung Quốc giao hàng vì có nguy cơ đe dọa nền nông nghiệp.

Namal Karunaratne, đại diện Hiệp hội Quốc gia của Liên đoàn Nông dân Toàn Ceylon lo ngại rằng, một khi lô phân bón hữu cơ của Trung Quốc được bón cho đất đai của địa phương thì sự lây lan của vi khuẩn sẽ không thể nào ngăn chặn được.

"Ít nhất thì bạn có thể còn nhìn thấy bom hạt nhân nhưng bạn sẽ không thể nào nhìn thấy vi khuẩn có hại", các nhà hoạt động thuộc mạng lưới này lên tiếng, đồng thời cho biết thêm: “Bom hạt nhân còn có thể tháo được ngòi nổ nhưng một khi đất đai bị nhiễm vi khuẩn thì không thể nào cứu nổi. Nếu loại phân bón này xâm nhập vào đảo quốc, nó sẽ tồi tệ hơn nhiều so với đại dịch coronavirus và chúng ta không bao giờ có thể thoát khỏi những tác hại của nó”.

Ông Karunaratne cũng cảnh báo rằng, chính phủ không nên đứng về phía một doanh nghiệp Trung Quốc vì Cơ quan Kiểm dịch Thực vật Quốc gia (NPQS) có nhiều các chuyên gia trong lĩnh vực này và họ là một tổ chức độc lập trong nước.

Trước đó, vào tháng 9, NPQS đã hai lần từ chối tàu chở 20.000 tấn hàng phân bón hữu cơ có tên 'Hippo Spirit' của Trung Quốc cập cảng Sri Lanka.

Theo các nguồn tin địa phương, lô hàng này là một phần của bản hợp đồng mua 99.000 tấn phân bón hữu cơ trị giá gần 5 triệu USD mà Chính phủ Sri Lanka mua từ Trung Quốc theo kế hoạch nhập khẩu lượng phân bón trị giá 63 triệu USD của Công ty TNHH Tập đoàn Công nghệ sinh học Qingdao Seawin- một doanh nghiệp Trung Quốc chuyên sản xuất phân bón làm từ rong biển.

Mục tiêu của đảo quốc là phấn đấu trở thành quốc gia có nền nông nghiệp hữu cơ 100%, sau khi chính phủ ban hành lệnh cấm triệt để nông dân sử dụng phân bón hóa học. Tuy nhiên mục tiêu đầy tham vọng trên của chính phủ đã bị nhiều nhóm hội và tổ chức nông dân bị kích động đã xuống đường phản đối vì mâu thuẫn lợi ích, cũng như muốn đạt năng suất mùa vụ thu hoạch cao để đảm bảo an ninh lương thực.

Sự việc đã bị thổi bùng căng thẳng vào ngày 17 tháng 9, sau khi các nhà khoa học nông nghiệp phát hiện ra rằng phân bón hữu cơ do Trung Quốc sản xuất có chứa một loại vi sinh vật có hại được xác định là 'Erwinia'.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc bác bỏ điều này và vẫn ép các nhà chức trách Sri Lanka phải chi trả ngay 9 triệu USD khoản tiền mua lô phân bón hữu cơ, bất chấp việc tòa án Sri Lanka tuyên bố một điều khoản tạm thời không thực hiện bất kỳ khoản thanh toán nào cho công ty Trung Quốc.

111
Tàu chở hàng phân bón của Trung Quốc được cho vẫn ở ngoài khơi Sri Lanka. Ảnh: RT.

Đáp trả lại hành động của Colombo, Bắc Kinh đã ngay lập tức đưa một trong những ngân hàng nhà nước lâu đời nhất của Sri Lanka, nơi thực hiện giao dịch hợp đồng mua phân bón này vào danh sách đen.

Tờ Hindustantimes dẫn lời tiến sĩ Ajantha De Silva, Tổng cục Nông nghiệp Sri Lanka, nói rằng các cuộc kiểm tra ngẫu nhiên các mẫu hàng hóa cho thấy phân bón bị nhiễm khuẩn gây hại. "Chúng tôi đã xác định được loại vi khuẩn gây hại cho cây trồng như cà rốt và khoai tây", BBC dẫn lời ông De Silva.

Đến cuối tháng 10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói rằng hàng hóa đã qua kiểm tra của bên thứ ba, đồng thời nói thêm rằng: “Trung Quốc luôn coi trọng chất lượng hàng xuất khẩu”.

Đại sứ Trung Quốc tại Sri Lanka, ông Qi Zhenhong tiết lộ với báo chí rằng chính phủ hai bên hiện đã đồng ý cho tiến hành thử nghiệm lô hàng phân bón trên do bên thứ ba lấy mẫu. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Sri Lanka, giáo sư Udith K. Jayasinghe vẫn nhất quyết không đồng ý cho bên thứ ba lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời vẫn không thay đổi quan điểm vì cho rằng nó sẽ gây ra hậu quả lâu dài trên đất nước.

Cùng thời điểm, doanh nghiệp Qingdao Seawin đã ra một thông cáo báo chí, cáo buộc truyền thông Sri Lanka đã sử dụng những lời lẽ xúc phạm để "bôi nhọ hình ảnh của các doanh nghiệp và chính phủ Trung Quốc", đồng thời yêu cầu cơ quan kiểm dịch Sri Lanka bồi thường 8 triệu USD cho sự mất mát danh tiếng mà phía công ty đã phải gánh chịu sau cuộc tranh cãi. Công ty cho biết: “Phương pháp phát hiện của giới chức kiểm dịch Colombo là phi khoa học và rõ ràng là không tuân thủ công ước kiểm dịch động thực vật quốc tế”.

Vụ khủng hoảng ngoại giao phân bón giữa Trung Quốc và Sri Lanka kéo dài suốt hơn hai tháng qua, đã khiến cho chiếc tàu chở phân bón hữu cơ của tập đoàn Công nghệ sinh học Qingdao Seawin vẫn lượn lờ xung quanh các vùng biển ngoài khơi phía tây Sri Lanka. Các nguồn tin an ninh địa phương cho biết, chiếc tàu này đã tắt Hệ thống Nhận dạng Tự động (AIS) để che giấu vị trí của con tàu.

Giới quan sát quốc tế cho hay, hiện không chắc Colombo có thể chống chịu được các áp lực từ Bắc Kinh trong bao lâu do liên quan đến chính sách ngoại giao “bẫy nợ” giữa hai quốc gia.
 

Theo Kim Long/NNVN
(IANS; BBC)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây