Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Vụ trồng hơn 100 ha rừng chỉ còn 1 cây: Tiền dịch vụ môi trường rừng coi như "ném xuống sông"

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum đã có văn bản trả lời các câu hỏi liên quan đến dự án trồng hơn 100 ha rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông nhưng sau đó chỉ còn một cây sống sót.
111
Dự án trồng 163 ha rừng của UBND tỉnh Kon Tum đã thất bại. Tuy nhiên không có đơn vị, cá nhân nào đứng ra nhận trách nhiệm.

Trước đó Báo Dân Việt đã có loạt bài phản ánh, năm 2014 Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông được UBND tỉnh Kon Tum giao thực hiện 2 dự án trồng rừng thay thế với diện tích 163 ha, với kinh phí 7,1 tỷ đồng.

Sau đó công ty trồng được 104 ha, nhưng trồng đến đâu cây chết đến đó, số cây trồng dặm trong năm 2015 cũng chết sạch. Tổng kinh phí Công ty Lâm nghiệp Kon Plông đầu tư vào 2 dự án trồng rừng nhưng không thành rừng này là gần 1,5 tỷ đồng, bằng nguồn vốn của công ty. 

111
Dự án trồng rừng dọc quốc lộ 24 không thành rừng, đất dự án bị người dân xâm chiếm trồng mì. Ảnh: Lê Kiến.

Nguyên nhân sự việc trên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum dẫn Báo cáo số 132/BC-C.TY (ngày 5/10/2016 của Công ty Lâm nghiệp Kon Plông), cho biết: "Việc trồng rừng thay thế không thành rừng theo dự án đầu tư trồng rừng thay thế tại xã Pờ Ê là do người dân chưa ủng hộ, đồng tình trả lại đất để trồng rừng, tập quán chăn thả rông gia súc vào khu vực rừng trồng, tiếp tục canh tác mì trên diện tích trồng rừng và phá hoại cây trồng làm mật độ cây trồng suy giảm mạnh".

Trả lời câu hỏi của phóng viên về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, văn bản của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum nêu: "Ngày 26/9/2016 UBND tỉnh Kon Tum có Văn bản số1471/VPUB-NNTN về việc xử lý thiệt hại rừng trồng thay thế không thành rừng của Công ty Lâm nghiệp Kon Plông. Chỉ đạo Công ty Lâm nghiệp Kon Plông tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, tập thể, cá nhân có liên quan đến vấn đề trồng rừng thay thế không thành rừng theo dự án trồng rừng thay thế tại xã Pờ Ê, huyện Kon Plông".

Đáng chú ý là theo Chi cục Kiểm lâm Kon Tum, nguồn kinh phí đã chi cho dự án trồng rừng không thành rừng là gần 1,5 tỷ đồng, trong đó công ty mới thu hồi trong dân được hơn 112 triệu đồng, số tiền còn lại nhiều năm qua chưa thu được do người dân có hoàn cảnh khó khăn.

111
Sau 2 năm, dự án trồng rừng được hơn 104 ha rừng nhưng đến nay chỉ còn lại cây thông cô đơn. Ảnh: Lê Kiến.

Để bù đắp nguồn vốn bị thất thoát, Công ty Lâm nghiệp Kon Plông đã nhiều lần đề nghị, được UBND tỉnh "thống nhất chủ trương cho Công ty Lâm nghiệp Kon Plông sử dụng nguồn thu của đơn vị (nguồn kinh phí DVMTR qua các năm chưa sử dụng) để bù đắp 1 phần chi phí thiệt hại do yếu tố bất khả kháng gây ra". Số còn lại, Công ty xác định các tổ chức, cá nhân có liên quan thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý phải chịu trách nhiệm 1 phần chi phí bồi thường.

Như vậy một phần nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng do Công ty Lâm nghiệp Kon Plông thu được coi như "ném xuống sông" theo 2 dự án trồng rừng. 

Đối với diện tích đất trồng rừng nhưng không thành rừng, hiện UBND xã Pờ Ê (huyện Kon Plông) đang quản lý. Theo Chi cục Kiểm lâm Kon Tum, "thực hiện kế hoạch trồng rừng trên địa bàn toàn tỉnh trong năm 2021 và các năm tiếp theo, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các cấp vận động nhân dân tham gia trồng rừng và xây dựng kế hoạch bố trí sử dụng diện tích đất và rừng hiện đang do UBND xã quản lý hợp lý, hiệu quả".

Mặc dù UBND xã Pờ Ê đang quản lý nhưng trên thực tế diện tích này đã bị người dân xâm chiếm để trồng mì, việc trồng rừng theo cách cũ rất có thể lại "ném tiền xuống sông". 


Theo Lê Kiến/Dân Việt

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây