Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Làng mới thôn Hồng Lương

Từ cống Tranh, (ranh giới giữa tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hải Dương trên địa bàn huyện Ân Thi) xuôi theo đường tỉnh ĐT 382 hướng đi xã Đào Dương chừng 3 km rẽ tay trái là đến làng mới thôn Hồng Lương xã Phù Ủng huyện Ân Thi. Gọi là làng mới bởi thôn Hồng Lương mới hình thành và phát triển cách đây khoảng 60 năm nay.
111
Năm 1960 theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và của huyện Ân Thi, một số hộ gia đình ở xã Hồng Quang cùng huyện Ân Thi đã tiên phong rời quê hương, bản quán thân yêu để đến vùng đất hoang hóa, sình lầy, cỏ mọc um tùm thuộc xã Đô Lương (nay là xã Phù Ủng) khai hoang, lập nghiệp, hình thành lên một ngôi làng mới có tên gọi Hồng Lương. Đặt tên cho làng mới là Hồng Lương là để nhắc nhớ người dân trong làng nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình (xã Hồng Quang) và nơi mình vừa mới đến lập nghiệp (xã Đô Lương). Thời gian đầu chỉ có vài chục hộ gia đình từ Hồng Quang đến đây, được sự giúp đỡ của chính quyền và người dân sở tại, những hộ gia đình này từng bước ổn định nơi ăn, chốn ở, bắt tay vào việc khai phá ruộng hoang, tiến hành sản xuất với phương thức mỗi năm cầy bừa, cấy hái hai vụ lúa chiêm, mùa lấy thóc ăn. Theo thời gian, năm tháng, diện tích ruộng được khai hoang của thôn Hồng Lương tăng dần lên sau mỗi năm. Hiện nay thôn  có 96 mẫu ruộng để nhân dân trong thôn tăng gia sản xuất phục vụ đời sống dân sinh. Số hộ trong thôn từ vài chục hộ ban đầu nay đã lên tới 166 hộ gia đình với khoảng 550 nhân khẩu. Các tổ chức chính trị -  xã hội như chi bộ đảng, hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên cũng mau chóng được thành lập... hoạt động hiệu quả, là chỗ dựa tin cậy cho các thành viên, hội viên trong thôn yên tâm, phấn khởi lao động sản xuất, học tập và công tác, góp phần nâng cao đời sống, xây dựng quê hương mới Hồng Lương ngày càng giàu đẹp.

Trong lao động sản xuất, người dân thôn Hồng Lương kế thừa và phát huy được khả năng nhạy bén, năng động và hay làm vốn có của người chợ Thi (xã Hồng Quang) trên quê hương mới. Trong thôn sớm hình thành mô hình vừa sản xuất nông nghiệp, vừa phát triển thêm nhiều ngành nghề thương mại, dịch vụ. Ngay từ những năm 1970 và đầu những năm 1980 nhiều hộ gia đình ở đây vừa tiến hành sản xuất nông nghiệp, vừa tranh thủ những lúc nông nhàn để đi buôn muối, mua than về, đóng than tổ ong bán cho người dân quanh vùng  kiếm thêm tiền nuôi sống gia đình. Một số hộ gia đình khác chọn làm thêm nghề thu mua phế liệu. Từ đó, làng quê thôn mới Hồng Lương khởi sắc nhộn nhịp hẳn lên, xóa  đi  cảnh đơn điệu của vùng quê nông nghiệp, nông thôn thuần túy.
111
Một cơ sở sản xuất đồ nhựa ở thôn Hồng Lương
Sau giải phóng miền Nam không lâu, người dân thôn Hồng Lương lại có cách làm ăn mới ấy là nghề đi xay xát lúa gạo cho bà con nông dân tại các tỉnh Long An, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau... Thời kỳ cao điểm, ấy là những năm 1997- 1999, thôn có tới 70 máy xay xát gạo hoạt động tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Khi nghề xay xát lúa gạo ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, không còn cho thu nhập như mong muốn, nhiều người bỏ nghề xay xáy gạo trở về quê hương Hồng Lương tìm nghề mới. Nhờ đó nghề làm kệ kính, rồi nghề sản xuất, lắp giáp tủ nhôm và gần đây là nghề sản xuất lắp giáp tủ nhựa ra đời. Hiện nay thôn có 12 hộ gia đình làm nghề lắp giáp, sản xuất tủ nhựa, đựng đồ đạc, tài liệu, quần áo, giầy dép có hình thức, mẫu mã đẹp. Không ít hộ trong thôn sản xuất lắp ráp tủ nhựa rồi dùng xe, người của chính gia đình trực tiếp đi giao hàng ở các tỉnh lân cận, tạo nên chu trình lắp giáp, sản xuất lưu thông khép kín. Trong số này có gia đình anh Mai Văn Minh có tới 3 xưởng sản xuất tủ nhựa, 2 xưởng đặt tại thôn, trong xưởng có máy in 3D, máy phủ bóng, ngoài ra anh Minh còn xưởng sản xuất nước đóng chai, tổng cộng giải quyết việc làm, thu nhập cho khoảng 30 lao động là người của địa phương. Cùng với sản xuất, lắp giáp tủ nhựa, nghề thu mua phế liệu ở thôn Hồng Lương phát triển tốt, với hơn 10 hộ gia đình tham gia, có một số gia đình trong thôn đặt cửa hàng thu mua phế liệu tại các tỉnh Cao Bằng, Hải Dương...

Trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nhân dân thôn Hồng Lương xây dựng và thực hiện hương ước làng khá tốt; nhân dân đoàn kết, đồng lòng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, luôn đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước của xã. Điển hình là chỉ tiêu giao quân, năm nào thôn cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ,  nhiều thanh niên trong làng viết đơn tình nguyện lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Thôn không có người mắc tệ nạn xã hội...

Đến thôn Hồng Lương tôi nhận ra; cụm dân cư trong thôn được quy hoạch ở theo ô bàn cờ rất thông thoáng, văn minh, nhà của các gia đình đều quay về hướng nam hiền hòa, mát mẻ. Cả thôn có 3 tuyến đường chính đều rẽ từ đê Quân đoàn vào, mỗi tuyến dài khoảng 360 m, đều được đổ bê tông xi măng, mặt rộng từ 3,5 m trở lên, đường xương cá rộng 2,5 m.

Nhận xét, đánh gia về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của thôn Hồng Lương, Bí thư Đảng ủy xã Phù Ủng, đồng chí Trần Công Tráng cho biết: Đây là thôn có nền kinh tế-văn hóa-xã hội phát triển tốt hơn so với các thôn trong xã. Thôn được đón nhận bằng làng văn hóa khá sớm. Từ lâu thôn không còn hộ ở nhà tranh, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở mức thấp, đường làng, ngõ xóm đều được đổ bê tông xi măng. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành thôn vừa được xây mới nhà văn hóa để nhân dân, các đoàn thể trong thôn có chỗ vui chơi, hội họp bàn bạc, giải quyết công việc của thôn. Tuyến đê Quân đoàn chạy qua địa bàn thôn được đầu tư kinh phí nâng cấp, mở rộng mặt đường tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương của nhân dân. Ngoài số ti vi, tủ lạnh, xe máy, máy giặt, máy điều hòa nhiệt độ, bàn ghế... đã được các gia đình trong thôn mua sắm, trong thôn còn có hơn 30 gia đình, chiếm khoảng 1/5 số hộ trong thôn mua sắm được hơn 30 ô tô các loại phục vụ nhu cầu đi lại, mua bán, trao đổi hàng hóa, đó cũng là hình ảnh mới của thôn Hồng Lương năng động, nhạy bén và giàu đẹp.
                                                                                             

    Nguyễn Đản
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây