Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Nữ tiến sĩ với giấc mơ hồi sinh những 'vùng đất chết' ở Việt Nam

Hình ảnh một cậu bé có đôi mắt rất sáng, nhưng chân tay bị cụt vì nhiễm chất độc màu da cam đã thôi thúc TS Ngô Thị Thúy Hường (sinh năm 1974) phải làm gì đó...

Người đi hồi sinh “vùng đất chết”

Vào những năm 90, ngành nuôi trồng thủy sản chưa được đầu tư bài bản. Vì thế, nữ sinh Thuý Hường luôn nung nấu ước mơ được theo đuổi ngành học này để tìm ra phương pháp nuôi trồng thủy sản đạt năng suất cao.

4 năm đại học, Hường có dịp đi đến nhiều vùng đất. Ở những nơi này, cô nhận ra người dân thường nuôi cá bằng nước thải rất bẩn. Nữ sinh tự hỏi: “Khi ăn những loại cá này, liệu điều đó có gây độc hại đối với cơ thể con người hay không?”.

Câu hỏi ấy cứ thôi thúc Hường phải đi theo con đường nghiên cứu nghiêm túc. Vì thế, từ năm 1999 - 2001, ngoài học thạc sĩ ngành Nuôi trồng thủy sản tại Trường ĐH Tổng hợp Ghent (Bỉ), chị Hường còn dành nhiều thời gian để nghiên cứu sâu hơn lĩnh vực Độc học sinh thái. Trong đó, tập trung vào việc đánh giá những ảnh hưởng của kim loại nặng đối với sức khỏe của các loài thủy hải sản và nguy cơ của nó đối với con người.

111
TS Ngô Thị Thúy Hường

“Độc học sinh thái vẫn còn là một khái niệm rất mới ở Việt Nam và mọi người còn chưa có sự quan tâm đúng mức. Với tôi, nếu chỉ dừng lại ở việc phân tích xác định hàm lượng các chất độc trong môi trường thì chưa nói lên được gì nhiều vì đó cũng chỉ là những con số. Nếu như mình không nghiên cứu được những cơ chế tác động của nó đối với sinh vật và qua chuỗi thức ăn ảnh hưởng tới sức khỏe con người thì những con số ấy cũng vô nghĩa”.

Vì thế, năm 2002, chị Hường tiếp tục đi sang Đức, làm nghiên cứu sinh về Hóa môi trường và Độc học sinh thái tại Trường ĐH Tổng hợp Bayreuth.

111
Chị Hường cho rằng, công nghệ thân thiện này có thể sử dụng ở nhiều khu vực có độ ô nhiễm thấp cũng như ngăn chặn sự lan tỏa của ô nhiễm dioxin ra môi trường xung quanh. 

Đầu năm 2014, chị Hường là chủ nhiệm đề tài về xử lý ô nhiễm dioxin bằng công nghệ sử dụng thực vật - một dự án do Bộ Tài nguyên & Môi trường tài trợ.

Chị cùng các cộng sự đã đi tới sân bay Biên Hòa – một trong những “điểm nóng” dioxin tại Việt Nam.

“Lý do thôi thúc tôi phải thực hiện dự án này là bởi những hình ảnh khi vào thăm các bảo tàng ở TP. HCM. Tôi nhớ mình đã từng nhìn thấy hình ảnh một cậu bé có đôi mắt rất sáng, nhưng chân tay bị cụt vì nhiễm chất độc màu da cam. Tôi nghĩ, mình phải làm gì đó”.

Nhiều năm học tập và làm việc tại nước ngoài, chị Hường biết tới cây cỏ Vetiver, “cây cỏ thần kỳ” được sử dụng nhiều ̛ở Ấn Độ, Thái Lan, Úc,… trong chống xói mòn, xử lý ô nhiễm môi trường nước và đất. Vì thế, TS Hường và các cộng sự đã tập trung nghiên cứu giải pháp ứng dụng cỏ Vetiver trong phục hồi đất ô nhiễm dioxin, di sản nặng nề do chiến tranh để lại.

“Ban đầu, hội đồng khoa học phản biện rằng cây cỏ không thể hấp thụ được các chất cao phân tử như dioxin. Cả nhóm đã phải nghiên cứu rất nhiều tài liệu, viện dẫn các cơ sở khoa học để chứng minh, bởi bản chất của dioxin và các chất độc hóa học khó phân hủy là có độ hòa tan trong nước rất thấp nhưng lại hòa tan dễ dàng trong chất béo và dầu. Cỏ Vetiver vốn có hàm lượng tinh dầu rất cao trong rễ, lên đến 5% trọng lượng khô.

Hơn nữa, loại cỏ này có thể sống trong rất nhiều điều kiện môi trường khắc nghiệt, từ đất chua phèn đến những vùng đất mặn, nghèo dinh dưỡng và có độ kiềm cao. Hệ rễ của cây có thể ăn sâu tới 4 – 5 mét. Nhóm đặt ra giả thuyết, rất có thể hệ vi sinh vật sống trong khu hệ rễ ấy sẽ đóng vai trò chính trong cơ chế làm giảm nhẹ ô nhiễm dioxin”.

Từ năm 2014 – 2016, dự án đã đạt được kết quả khả quan và có nhiều triển vọng khi bước đầu chứng minh được cỏ Vetiver có khả năng chống lan tỏa dioxin ra vùng đất xung quanh, làm giảm nhẹ mức độ ô nhiễm xuống khoảng 38% so với ban đầu, sau 12 tháng trồng ở sân bay Biên Hòa.

Từ kết quả đó, cuối năm 2017, TS Ngô Thị Thúy Hường được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ để tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về cơ chế của cỏ Vetiver trong xử lý ô nhiễm dioxin trong đất và chống lan tỏa ra môi trường xung quanh. Hiện tại, dự án đang ở giai đoạn cuối và đã có những phát hiện mới, dự kiến sẽ được báo cáo vào cuối năm 2021.

Ngoài ra, chị Hường còn tham gia nhiều nghiên cứu khác, trong đó có nghiên cứu về sự tác động của việc chiếu sáng nhân tạo đến sự phát triển, xâm lấn của thực vật trong hang động tại Vịnh Hạ Long. Chị cũng tìm ra cách thức xử lý để hạn chế ảnh hưởng đến thực vật trong hang động. 

Chồng từng… rửa bát để trang trải chi phí sinh hoạt

Đạt được một số thành tựu nhất định, TS Ngô Thị Thuý Hường cho rằng, điều đó là nhờ vào sự ủng hộ và thấu hiểu của gia đình, đặc biệt là người chồng - cũng là người đồng nghiệp thân thiết.

Như một cơ duyên, khi còn đang đi học thạc sĩ tại Bỉ, chị Hường quen chồng mình – khi ấy đang học thạc sĩ ngành Quản lý tài nguyên đất. Cũng bởi có nhiều điểm đồng điệu, hai người đã bén duyên, cùng hẹn nhau tiếp tục đi học tiến sĩ tại Đức.

111
Ngoài nghiên cứu, chị Hường là giảng viên Khoa Công nghệ sinh học, Hóa học và Kỹ thuật môi trường, Trường ĐH Phenikaa; Giảng viên thỉnh giảng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên

Cuối năm 2001, chị Hường kết hôn và sinh con. Đây cũng là giai đoạn khó khăn nhất với chị.

“Ở bên Đức có một nguyên tắc, phụ nữ mang bầu không được vào phòng thí nghiệm. Do đó, giai đoạn này, tôi phải nghỉ ở nhà và chỉ có thể nghiên cứu trên sách vở để tìm ra hướng đi.

Hai vợ chồng chỉ còn một nguồn thu nhập, nhưng mức lương ấy cũng không đủ để cả hai vừa thuê nhà, vừa chăm con và trang trải chi phí sinh hoạt”.

Vì thế, mỗi khi hết giờ làm, chồng chị Hường lại xin đi rửa bát thuê cho các nhà hàng. Thấy vợ lo lắng, anh thường nói đùa: “Đó cũng là cách để anh xả stress”.

Đến khi chị đi làm trở lại, cuộc sống của hai vợ chồng cũng không đỡ vất vả hơn.

“Cả hai cùng làm nghiên cứu sinh chung một trường. Vì thế, hai đứa phải chia nhau, buổi chiều vợ đón con, tắm rửa và cho con ăn, đến 8 giờ tối, chồng sẽ từ lab về và trông con cho vợ lên lab làm việc tới 1 – 2 giờ sáng”.

Nhiều lúc, chị Hường muốn bỏ cuộc vì công việc quá khó khăn, bởi việc làm tiến sĩ cũng giống như “người đi trong đêm”.

“Tôi nhớ người thầy ở Đức của tôi cực kỳ khắc nghiệt. Hiếm có lần nào gặp thầy xong mà tôi không khóc. Thầy rất thẳng tính và luôn yêu cầu tính kỷ luật rất cao. Có đôi lần, tôi đã từng phải đặt lên bàn cân, hoặc là tiếp tục, hoặc phải dừng lại.

Tôi đã từng thức nguyên đêm để suy nghĩ, nhưng cuối cùng đã ngồi dậy thiết kế lại mục tiêu và kế hoạch cho dự án nghiên cứu và kế hoạch của bản thân. May mắn, mọi thứ sau đó diễn ra suôn sẻ”.

111

Trở về nước, chị Hường còn tham gia giảng dạy. Chị cho rằng, nếu giảng dạy mà không nghiên cứu thì sẽ không có thực tế; bài giảng cũng không có sức lôi cuốn, hấp dẫn.

Nhưng nghiên cứu mà không giảng dạy thì việc truyền đạt và ứng dụng kiến thức vào đời sống sẽ rất hạn chế. Sinh viên chính là đối tượng phù hợp nhất để tiếp thu kiến thức mới và ứng dụng chúng vào đời sống.

Mỗi khi chia sẻ với sinh viên, chị Hường vẫn thường nói rằng: “Làm khoa học không sướng. Chỉ có những ai thực sự đam mê mới có thể theo đuổi được. Và nếu có mong muốn làm giàu, chắc chắn không thể đi bằng con đường làm khoa học”.

 

Theo Thúy Nga/VietNamnet

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây