Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Sản xuất sạch: Phải có đôi bàn tay vừa xây vừa chống

Để có thể sản xuất sạch trên diện rộng cần có sự hỗ trợ của Nhà nước về các chế phẩm sinh học, đồng thời phải kiểm soát việc quảng cáo các sản phẩm hóa học.

111
Đóng gói gạo ST25 tại cơ sở sản xuất của ông Hồ Quang Cua - Ảnh: CHÍ QUỐC

Nhân buổi tọa đàm về "sản xuất sạch - nông dân khỏe - giá trị cao", tôi lại liên tưởng tới sự cố của con tôm và cây lúa khởi đầu từ hơn 20 năm trước.

Giữa thập niên 1990, lúc nông dân đang băn khoăn về vấn đề diệt tạp (các loài có thể ăn thịt ấu trùng tôm sú) thì DIDTEREX - một loại thuốc sát côn trùng từ Trung Quốc - xuất hiện khắp các cửa hàng thú y thủy sản. Nhờ vậy nông dân có được vài vụ mùa bội thu với con tôm sú và họ bỏ quên cây lúa.

Và rồi vài năm đầu thế kỷ 21, tôm không còn mà lúa cũng không có, nhiều gia đình đóng cửa dắt díu nhau lên Bình Dương. Họ có biết đâu thuốc DIDTEREX lưu tồn đến 20 năm trong đất và độ độc của nó có thể diệt ấu trùng tôm rất nhanh. 

Giữa năm 2015 và sang năm 2016, Mỹ trả về Việt Nam 600 container gạo thơm vì tồn dư hóa chất vượt ngưỡng. Năm 2021, hạn ngạch của bảy loại gạo thơm miễn thuế khi nhập vào EU là 30.000 tấn... nhưng lại xuất khẩu không hết hạn ngạch ít ỏi đó. 

Lý do tại sao? Thiếu khách hàng ư? Chưa chắc! Có điều chắc là người tiêu dùng rất khó tìm loại gạo tồn dư hóa chất không vượt ngưỡng ở thị trường khó tính như châu Âu. 

Còn 100 triệu người tiêu dùng trong nước thì sao? Chắc là người tiêu dùng sẽ ăn bất kỳ loại gạo nào còn ở lại trong nước mà chỉ một số là được kiểm định hóa chất... 

111
Một cánh đồng sản xuất theo mô hình lúa - tôm ở vùng bán đảo Cà Mau - Ảnh: CHÍ QUỐC

Vậy muốn sản xuất sạch thì phải làm sao?

Vẫn biết từ hàng chục năm nay Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn liên tục cấm lưu hành những loại thuốc thế hệ cũ, thuốc có độ lưu tồn dài, thuốc có phổ rộng, cấm pha nhiều hoạt chất vào một nhãn thuốc nhưng tồn dư vượt mức vẫn còn cao mặc dù đã tốt hơn trước rất nhiều.

Trong quá trình năm năm sản xuất lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn Mỹ và châu Âu, tôi thường được nông dân hỏi những câu như: lúa lúc trổ đều thì rầy nâu, bệnh khoan cổ bông xuất hiện nhiều thì làm sao? Lúa sắp trổ mà bệnh khô vằn xuất hiện thì làm thế nào? Trồng me ngọt mà sâu đục trái thì trị thuốc gì? Và rất nhiều vấn đề được đặt ra mà nếu không giải quyết được thì làm sao hợp với tiêu chuẩn hữu cơ, chưa nói đến sản xuất sạch.

Thực ra các nhà khoa học Việt Nam đã tìm tòi phát triển nhiều loại sinh vật có khả năng diệt nhiều loại côn trùng và bệnh hại cây trồng, kể cả xử lý môi trường đất và nước, nhưng lại thiếu đầu tư công nghệ để sản xuất lớn và bảo quản lâu dài. Do vậy không được thị trường hóa để tăng cường sản xuất sạch. Hơn nữa, mảng quảng cáo các sản phẩm hóa học chưa được kiểm soát lại gây hiểu nhầm cho nông dân. Sản phẩm gốc tổng hợp diệt nhanh các loài tôm cá lại được quảng cáo là sản phẩm hữu cơ...

Đã đến lúc chúng ta phải đẩy nhanh việc sản xuất sạch để đảm bảo sức khỏe cho nông dân, nông sản có giá trị cao và nông thôn trở thành nơi đáng sống. Muốn vậy phải có đôi bàn tay vừa xây vừa chống.

 

 AHLĐ HỒ QUANG CUA - HOÀNG TRÍ DŨNG ghi
Nguồn Tuổi trẻ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây