Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Ai sẽ trả thêm 7,8 triệu USD cho đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông vừa khẳng định rằng quyết tâm đưa đường sắt Cát Linh-Hà Đông vào khai thác trong năm 2021.

Đây là lần hứa thứ 10 của ngành GTVT. Lời hứa đó không được xã hội quan tâm.

Bởi chưa ở đâu mà từ “quyết tâm” bị lạm phát đến cả triệu phần trăm như ở dự án này. Quyết tâm đưa đường sắt Cát Linh- Hà Đông vào khai thác trong năm 2021? Năm 2021 sắp qua rồi, nhưng phía trước vẫn còn rất mù mịt. Tư vấn độc lập nước ngoài vẫn chưa hạ bút ký chứng nhận an toàn để công trình có thể vận hành, khi chúng ta chưa khắc phục được 16 khuyến nghị do họ đưa ra, lấy cái gì để “quyết tâm”?

Rất có thể sang năm, rồi sang năm nữa, khi các lãnh đạo ngành GTVT như ông Nguyễn Ngọc Đông đều lần lượt “hạ cánh an toàn” thì những người kế nhiệm vẫn phải hô khẩu hiệu “quyết tâm” để đưa công trình như một “con rắn xấu xí” giữa thủ đô này vào khai thác.

Nhưng, điều khiến xã hội bức xúc là ở chỗ: Do chậm trễ kéo dài, công trình này phải trả thêm 7,8 triệu USD (200 tỷ VND) cho tư vấn giám sát.

Trước đòi hỏi này, Bộ GTVT có văn bản đề nghị Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc (cơ quan đã cho Việt Nam vay vốn để đầu tư xây dựng dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông) chấp thuận việc đưa Hợp đồng Tư vấn giám sát vào phạm vi tài trợ của Hiệp định vay bổ sung. Nhưng đã bị từ chối.

Vậy nghĩa là chúng ta phải còng lưng ra mà trả khoản tiền này. Vấn đề là ở chỗ lấy nguồn nào để trả? Nếu lấy ngân sách để trả thì tức là dân trả. Bởi ngân sách chính là tiền thuế, là mồ hôi của dân. Mà ai cho lấy ngân sách để trả?

Hay là đi vay để trả rồi tăng giá vé để thu lại? Nhưng như vậy thì “trăm dâu đổ đầu tằm”, vẫn là “thằng dân” phải chịu.

Từ hơn 8.000 tỷ ban đầu, đến nay vốn đầu tư đã đội lên thành 18.000 tỷ. 10 lần thất hứa về thời gian đưa vào khai thác, mỗi năm đang phải trả tới 600 tỷ đồng, khiến niềm tin của người dân cứ mất dần theo năm tháng. Không ai không bức xúc khi nhìn thấy cái khối bê tông vô cùng xấu xí, thô kệch, nằm chình ình giữa thủ đô, cứ mỗi ngày một han rỉ, xuống cấp.

Thế nhưng, điều kỳ lạ là cho đến nay, không thấy bất cứ một kẻ “gánh vàng đi đổ sông Ngô” nào phải chịu trách nhiệm về việc mang tiền của, tài sản của đất nước, của nhân dân đem đi lãng phí cả?
 

Theo Nhà văn Vũ Hữu Sự/NNVN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây