Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Biden thắng nhưng “chủ nghĩa Trump” vẫn tồn tại

Lịch sử chính trị Mỹ thường xuyên phân cực, nhưng mọi tranh chấp trên chính trường đều được công khai để người dân Mỹ phán xét và họ là người có quyền lựa chọn một Tổng thống xứng đáng để chèo lái nước Mỹ qua những cơn biến động. Có thể cả ông Trump lẫn ông Biden đều biết rõ nước cờ của nhau và sẽ tìm ra giải pháp kết thúc cuộc ganh đua để cả hai bên cùng bảo đảm cho cử tri Mỹ sẽ là người chiến thắng.
111
Ông Joe Biden đọc diễn văn mừng chiến thắng ở Wilmington, Delaware tối 7-11-2020    Ảnh In ternet

Ông Biden vượt mốc 270

Theo truyền thông Mỹ, ông Joe Biden thắng ở Pennsylvania, đắc cử Tổng thống. Với chiến thắng tại bang chiến địa quan trọng Pennsylvania, ứng cử viên Joe Biden đã vượt qua cột mốc 270 phiếu đại cử tri cần thiết để trở thành Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ. Đêm 7/11 (giờ Việt Nam), các kênh truyền thông lớn như AP, CNN, NBC News... đồng loạt đưa tin ứng cử viên đảng Dân chủ, ông Joe Biden đã đánh bại đối thủ Donald Trump để trở thành Tổng thống thứ 46 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Ông Joe Biden đã giành thắng lợi tại bang chiến địa quan trọng là Pennsylvania, bang có 20 phiếu đại cử tri, qua đó vượt qua cột mốc 270 phiếu đại cử tri cần thiết để về đích trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Chưa cần tính 11 phiếu bị rút lại ở Arizona, ông Biden cũng đã có 273 phiếu đại cử tri, còn ông Trump chỉ có 214 phiếu.

Trước đó, trong một bài phát biểu tại bang Delaware hôm 7/11/2020, ông Biden đã khẳng định rằng mình sẽ trở thành Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ. Hiện Tổng thống Donald Trump vẫn chưa có bình luận gì về thông tin này. Vài phút trước khi thông tin trên được công bố, ông Trump vẫn viết trên Twitter rằng ông đã thắng trong kỳ bầu cử. Chiến thắng của ông Joe Biden nếu được xác nhận, cũng là một sự kiện mang nhiều ý nghĩa lịch sử, khi điều này sẽ khiến ông Donald Trump trở thành một trong số ít những Tổng thống Mỹ chỉ làm việc trong một nhiệm kỳ (người gần đây nhất là Tổng thống George H.W. Bush, người đã thua ông Bill Clinton trong kỳ bầu cử năm 1992). Bên cạnh đó, cấp phó của ông Biden là bà Kamala Harris cũng sẽ trở thành nữ Phó Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ.

Cuộc chiến chưa kết thúc

Tuy nhiên, ông Newt Gingrich – chính trị gia nặng ký của đảng Cộng hòa từng là Chủ tịch Hạ viện – mới đây đã đăng một bài bình luận nẩy lửa. Ông cho rằng hiện nay nước Mỹ đang ở thời điểm quyết định quan trọng liên quan đến vận mệnh quốc gia. Tác giả chất vấn người Mỹ có nên làm ngơ khi hệ thống tinh hoa cánh tả đang phá hoại nền dân chủ Mỹ? Trong bài viết Gingrich cho biết khi ông và vợ rời Nhà Trắng vào lúc 3 giờ sáng hôm thứ Tư tuần trước (ngày 4/11), có quá nhiều chuyện đã xảy ra khiến nhất thời ông băn khoăn không biết phải giải quyết như thế nào cho phù hợp. Sự cố bầu cử đã khiến ông gặp rắc rối trong vài ngày, sau khi suy nghĩ ông đã kết luận như sau: “Người Mỹ nên tức giận, bởi vì gian lận bầu cử có tính hệ thống luôn luôn xảy ra. Từ vụ việc gia đình Biden thông đồng với Trung Quốc, Nga và Ukraine, có thể thấy toàn bộ giới truyền thông Mỹ đang né tránh không chịu vào cuộc điều tra”.

Theo ông Gingrich, các gã khổng lồ công nghệ đã và đang kiểm duyệt về mặt chính trị thông tin được đăng trên các tài khoản mạng xã hội. Hôm thứ Năm (5/11), tài khoản Rush Limbaugh đã đăng 6 thông tin, nhưng có đến 4 thông tin đã bị ngăn chặn. Nhiều Tweet của chính Gingrich cũng bị chặn, thậm chí Tweet của ông Trump cũng bị đối xử như vậy. Facebook đã thuê sáu chuyên gia Trung Quốc để giúp công ty thực hiện việc kiểm duyệt chính trị đối với người dùng theo kiểu chủ nghĩa toàn trị của Trung Quốc. Giới siêu giàu đã quyên góp số tiền lớn đóng góp chính trị cho đảng Dân chủ để đánh bại đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử, mặc dù ý định không hẳn đã thành công. Ví dụ, họ đã chi 7,5 triệu USD để mưu đồ đánh bại Lãnh đạo đa số Thượng viện Mitch McConnell, sử dụng 10,5 triệu USD chống lại Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, cũng bị cáo buộc dùng 4,3 triệu USD chống lại Thượng nghị sĩ Joni Ernst, nhưng tất cả đều kết thúc trong thất bại.

Trong 5 năm qua, hệ thống truyền thông cánh tả đã tấn công Tổng thống Trump ở khắp mọi nơi, lần này trong cuộc tổng tuyển cử năm 2020 đã nỗ lực thuyết phục công chúng Mỹ rằng sẽ có “thủy triều xanh”, nhưng điều này đã không xảy ra. Trong ngày kiểm phiếu đầu tiên, Tổng thống Trump rõ ràng đã ở vị trí dẫn đầu tại một số bang và phát hiện ứng cử viên Biden đã đi sau ở nhiều khu vực do đảng Dân chủ kiểm soát như Atlanta, Savannah, Philadelphia. Ông Gingrich cho rằng, nước Mỹ hiện đang ở một thời điểm quyết định then chốt trong lịch sử. Đây không còn là về tổng thống hay về bất kỳ nhà lãnh đạo được bầu nào, mà là về vận mệnh của nước Mỹ. Đây cũng là lúc nhìn xem liệu người Mỹ có làm ngơ trước thực trạng cấu trúc xã hội do giới tinh hoa cánh tả xây dựng đang phá hủy nền dân chủ Mỹ hay không.

Vẫn theo bài báo nói trên của ông Gingrich, giới truyền thông và chính trị gia cánh tả vừa qua đã đàn áp những người Mỹ đồng tình với các giá trị cốt lõi của Trump. Đó là những người tôn kính quốc kỳ, tuân thủ lời cam kết trung thành và tin tưởng sâu sắc vào giá trị của Mỹ, những người yêu cầu việc làm và cơ hội cho người Mỹ và đó là những người muốn Chính phủ quan tâm đến lợi ích của người Mỹ trước tiên, nhưng trong 5 năm qua không được truyền thông cánh tả lên tiếng tiếp sức. Nếu giá trị của Mỹ tiếp tục được duy trì thì mọi lá phiếu hợp pháp phải được kiểm đếm và kiểm tra, những lá phiếu bất hợp pháp phải bị loại bỏ. Người dân Mỹ đủ tư cách để lựa chọn vị trí tổng thống tiếp theo của Mỹ.

111
Có thể cả ông Trump lẫn ông Biden đều biết rõ nước cờ của nhau và sẽ tìm ra giải pháp kết thúc cuộc ganh đua để cả hai bên cùng bảo đảm cho cử tri Mỹ sẽ là người chiến thắng.   Ảnh Internet

“Chủ nghĩa Trump” sẽ tồn tại

Trong khi đó thì báo chí Pháp ngày 6/11/2020 lại nhấn mạnh chủ đề, còn Donald Trump hay không thì “chủ nghĩa Trump” vẫn tồn tại ở nước Mỹ. Ứng cử viên đảng Dân chủ tuy trong thế thượng phong trên đường vào Nhà Trắng, nhưng Tổng thống mãn nhiệm đã bài binh bố trận cho cuộc chiến pháp lý. Joe Biden có thể thắng ở một trong những bang cuối cùng như Nevada hay Georgia hay Pennsylvania để hội đủ đa số đại cử tri. Nhưng phe Donald Trump, với một đạo binh luật sư, chuẩn bị hàng loạt đơn khiếu nại và phản công trên mặt trận tư pháp. Trên mạng xã hội, tổng thống và người ủng hộ đã phát tán vô số lời cáo buộc “cuộc đầu phiếu bị đánh cắp”. “Trận bầu cử” và “Trận khiếu nại”. Đó là những tựa đề chính của Le Monde về thời sự Hoa Kỳ. Tình hình ngày càng căng thẳng, nước Mỹ đứng trước thử thách, tựa của tờ Les Echos. Nhận định chung của báo Pháp là Joe Biden đang trên đà chiến thắng, nhưng dù Donald Trump có thua, thì “chủ nghĩa Trump” vẫn tồn tại lâu dài. Với tựa: “Trumpisme chứng tỏ khả năng bền bỉ”, Le Monde dẫn chứng với bản đồ bầu cử đỏ rực ở trung tâm nước Mỹ, những bang bầu cho Donald Trump. Phần xanh dương của Joe Biden chỉ tập trung ở các bang miền viễn tây và đông bắc. Chiến dịch tranh cử của Trump khẳng định khả năng của chủ nhân Nhà Trắng, các trào lưu ý thức hệ khác nhau trong phe bảo thủ.

Tuy phong trào ủng hộ Trump không đủ sức tạo chiến thắng áp đảo cho lãnh tụ, nhưng Trump đã thu thêm được 5 triệu phiếu so với 2016 và nhất là cảm tình của các sắc dân thiểu số gốc Nam Mỹ và Phi châu. (Joe Biden thêm 6 triệu so với Hillary Clinton). Qua hai trang báo, La Croix dự phóng “Trumpisme” (chủ nghĩa Trump) sẽ kéo dài, pha trộn thông điệp chống hệ thống chính trị với chủ nghĩa dân tộc và tôn giáo bảo thủ. Nhưng với sự tham gia đông đảo lịch sử của cử tri trong cuộc đầu phiếu vừa qua là một bằng chứng rằng, “nền dân chủ Mỹ” là vững chắc. Trong bài xã luận “Trumpisme, di sản lâu dài tại Hoa Kỳ”, Le Monde tuy không lạc quan như đồng nghiệp nhưng nhận định, cho dù Joe Biden có thể là Tổng thống thứ 46 của Mỹ nhưng Donald Trump không hoàn toàn thất bại. Tổng thống mãn nhiệm thu hút được 68 triệu phiếu, hơn lần trước 5 triệu. Đó là một thực tế. Donald Trump đắc cử năm 2016 không phải là một “tai nạn của lịch sử Mỹ”, cũng không phải là “một màn giúp vui” ở Nhà Trắng. Dù ai là người ngồi vào văn phòng bầu dục vào tháng 1/2021, thì “chủ nghĩa Trump” sẽ tác động lâu dài trong sinh hoạt chính trị Mỹ.

Joe Biden thắng thì cũng phải phối hợp với trào lưu biến đổi này. Trong lúc tranh cử, ông đã phải thay đổi đường hướng chú tâm hơn vào nguyện vọng của thành phần công nhân và mối ưu tư kinh tế của họ. Joe Biden cũng phải dựa vào Thượng Viện trong tay đảng Cộng hòa và tương quan lực lượng tại Hạ Viện, nơi mà phe Dân chủ vẫn còn đa số nhưng mất một số ghế. Le Monde không tin là Donald Trump, dù ở tuổi 74, sẽ về hưu. Sức nặng, vai trò cá nhân của nhân vật khác thường này rất lớn. Sức thu hút và ảnh hưởng đối với tầng lớp cử tri nòng cốt là một trong những yếu tố quan trọng củng cố uy tín Donald Trump trong giới bình dân. Thăm dò ý kiến trước phòng phiếu cho thấy đa số cử tri da trắng ủng hộ Trump, ưu tư cho đời sống kinh tế hơn là Covid-19 và rất ghét phong trào cánh tả chống bạo lực cảnh sát.

Từ 1999, khi bắt đầu tính chuyện dấn thân vào sân khấu chính trị, tỷ phú Donald Trump đã thấy không một ứng cử viên nào quan tâm đến quần chúng lao động ở miền trung nước Mỹ. Dựa vào thành phần nòng cốt này để đắc cử vào năm 2016, Donald Trump chưa bao giờ phản bội cử tri của mình trong bốn năm qua mà còn nới rộng điểm tựa cơ bản này, chinh phục một phần không nhỏ người Mỹ gốc châu Mỹ Latinh (hơn một phần ba). Vấn đề là nếu Donald Trump chinh phục được 50% cử tri Mỹ bằng chiến thuật tuyên truyền dân tộc chủ nghĩa, bằng gây căng thẳng thường trực, bằng thái độ khinh thường các định chế và nói dối không hổ thẹn thì điều đáng lo là mô hình này vang động ra ngoài biên giới nước Mỹ.
 

Quan hệ Việt – Mỹ 4 năm tới

Nhận định về quan hệ Việt  Mỹ 4 năm qua trong nhiệm kỳ của đương kim tổng thống Donald Trump, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường cho rằng quan hệ này có phát triển và sẽ tiếp tục với đà này. Ông Cường nói: "Tôi rất chú ý phát biểu của ông Trump về Việt Nam. Ông nhấn mạnh Mỹ coi trọng vai trò của Việt Nam, mong muốn Việt Nam phát triển thịnh vượng. Ông ấy cũng mong muốn tăng cường kinh tế, khuyến khích doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn đa dạng hóa nguồn cung ứng". Với kịch bản ông Joe Biden thắng cử, trở thành tổng thống mới của nước Mỹ, ông Biden sẽ là tổng thống lớn tuổi nhất của Mỹ. Ông Nguyễn Quốc Cường đánh giá: "Khi đó, lần đầu tiên Mỹ có một phó tổng thống là phụ nữ, điều đó nói lên phong trào giải phóng phụ nữ ở Mỹ ghi nhận bước tiến nhất định. Một số nhân vật cũ làm cho Obama ở các nhiệm kỳ trước sẽ là cố vấn cho Biden".

Liên quan đến quan hệ với ASEAN, đặc biệt là vấn đề Biển Đông, Đại sứ Cường phân tích, dưới thời Obama, khi ông Biden là Phó Tổng thống, Mỹ cũng rất coi trọng quan hệ với ASEAN, tham dự rất nhiều cuộc gặp với các nước ASEAN và Đông Á. Lúc bầy giờ Mỹ đã đưa ra chính sách xoay trục. Theo ý kiến các chuyên gia, Obama và Biden từng rất chịu khó đi lại khu vực châu Á, có chính sách và nguồn lực cam kết cho khu vực này. Còn ông Trump không công khai khẳng định chính sách xoay trục. Bản thân ông do chính trị nội bộ có vấn đề nên ít sang khu vực này. Nhưng riêng với Việt Nam, ông Trump cũng đã sang đến 2 lần. Quan hệ Việt - Mỹ sẽ tiếp tục thuận lợi dù ai là tổng thống mới.

Tuy nhiên, theo một nhà ngoại giao khác, Đại sứ Nguyễn Quang Vinh, giữa chiến lược tái cân bằng của ông Obama và chiến lược Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương của ông Trump trên thực tế có những song trùng về lợi ích giữa hai đảng. Tầm nhìn và chiến lược này tới đây cần được nghiên cứu tiếp. Song theo giới chuyên gia, Mỹ luôn là đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại độc lập tự chủ đa dạng hóa, đa phương hóa, coi trọng quan hệ với các đối tác của Việt Nam. Mỹ là đối tác hàng đầu cả song phương, về kinh tế và địa chiến lược. Quan hệ Việt - Mỹ trong 25 năm qua có 2 thứ đặc biệt: Ngày càng phát triển và có đà trong quan hệ 2 nước. Quan hệ này cũng đã trải qua các tổng thống khác nhau và các đảng khác nhau, nhưng dù ai là tổng thống thì Mỹ vẫn là đối tác hàng đầu về chính trị, kinh tế, thương mại, Việt Nam vẫn cần và có có cơ sở căn bản phát triển quan hệ theo đà đó đi lên.

Nhưng mỗi chính quyền mới của Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào khác, theo Đại sứ Nguyễn Quang Vinh, họ sẽ có các tiếp cận và ưu tiên khác, nên cũng phải tìm hiểu làm sao để tiếp cận ưu tiên trong giai đoạn mới. Việt Nam cũng có những ưu tiên, như đã đề ra trong dự thảo nghị quyết Đại hội Đảng, là hướng tới chất lượng kinh tế cao hơn, đời sống tốt hơn, đưa thu nhập lên mức trung bình cao… Dù có tiếp cận mới, ưu tiên mới vẫn phải duy trì đà quan hệ, tạo cơ sở mới cho quan hệ ngày càng tốt đẹp hơn, thúc đẩy điểm tương đồng, có khác biệt thì có kênh đối thoại để quản trị khác biệt đó./.
 

Tác giả: Hàn Gia Bảo
Theo Văn Nghệ

 

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây