Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Bom nợ

Các số liệu thống kê mới nhất vừa được Bộ Xây dựng công bố cho thấy, bức tranh toàn cảnh về thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang nóng bỏng hơn bao giờ hết khi hầu hết các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) lớn đều đang gánh những khoản nợ tính bằng hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ đồng.

Một sự thật đáng kinh ngạc: Không ít doanh nghiệp BĐS đang phát hành trái phiếu vay lượng tiền lớn gấp cả chục lần, thậm chí lên tới 40 lần vốn chủ. Nhờ sự tiếp tay của các đối tác, các công ty con, nhiều doanh nghiệp BĐS đã qua mặt tất cả các cơ quan quản lý để hợp thức hoá việc phát hành trái phiếu. Không chỉ dừng lại đó, nhiều doanh nghiệp còn dùng chính cổ phiếu của mình để làm tài sản đảm bảo cho việc phát hành trái phiếu.

Tính riêng năm 2021, các doanh nghiệp BĐS đã vay nợ tổng cộng 318.200 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu, chiếm 44% tổng giá trị trái phiếu phát hành, tăng 66,3% so với năm 2020. Đáng chú ý, số trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo một phần/toàn bộ bằng cổ phiếu lên tới 172.500 tỷ đồng, chiếm 54,2% lượng phát hành. Con số thực tế có thể lớn hơn vì có tới 33.000 tỷ đồng trái phiếu BĐS phát hành hiện không có thông tin về tài sản đảm bảo.

Với các doanh nghiệp, việc ngân hàng duy trì lãi suất thấp trong vài năm trở lại đây đang là cơ hội vàng của doanh nghiệp để thực hiện việc vay vốn. Việc phát hành trái phiếu cũng trở nên "hot" và dễ dàng hơn với doanh nghiệp khi được chính nhân viên các ngân hàng, công ty chứng khoán và cả các công ty tài chính “giới thiệu, tư vấn” bán trực tiếp cho nhà đầu tư.

Doanh nghiệp chỉ phải trả lãi suất cao hơn 10%, bù lại không phải trả các khoản phí ngầm lót tay vay vốn từ ngân hàng, mà dễ dàng vượt qua những quy định ngặt nghèo về thẩm định, tài sản đảm bảo. Thậm chí chỉ cần dùng "chiêu" liên kết mượn dự án, vẽ dự án mới của công ty con… là có thể ung dung phát hành thu về nghìn tỷ. Vốn hoá công ty được gia tăng, vị thế được củng cố giúp doanh nghiệp "ăn đủ" khi thị trường chứng khoán và các cơn sốt đất lan khắp các tỉnh thành 2 năm qua. Mấy đồng tiền lãi vay thật ít ý nghĩa lúc này.

Còn với nhà đầu tư, chả có lý do gì phải từ chối khoản lãi suất cao như vậy trong khi lãi từ gửi ngân hàng không đủ bù đắp trượt giá hằng năm. Các quy định về đầu tư trái phiếu chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng không có ý nghĩa gì khi không có cơ quan quản lý nào xuống tận nơi giám sát. Những lời cảnh báo yếu ớt của cơ quan quản lý vì vậy nhanh chóng rơi vào thinh không khi không có cơ chế thực thi đúng nghĩa.

Chỉ nói riêng năm 2021, gần 172.500 tỷ đồng, chiếm 54,2% lượng vốn doanh nghiệp phát hành trái phiếu vay trong dân không có tài sản đảm bảo đã được thống kê. Những quả bom nợ được bảo lãnh bằng cổ phiếu của doanh nghiệp sẽ để lại hệ lụy nặng nề khi thị trường chứng khoán đảo chiều. Đến giờ chắc cũng không có cơ quan quản lý nào ngồi tính giá trị cổ phiếu giảm 11 phiên liên tiếp những ngày qua của các doanh nghiệp BĐS còn bao nhiêu. Chỉ có điều chắc chắn là số tiền nhiều nghìn tỷ mà doanh nghiệp đã vay trong dân đang đi lòng vòng khắp nơi. Chúng có được dùng đúng mục đích hay không chỉ có cơ quan chức năng vào cuộc mới rõ. Còn chừng nào, cơ quan quản lý chưa vào cuộc thanh, kiểm tra, những trường hợp bom nợ sau khi tăng vốn thần tốc, phát hành tràn lan trái phiếu như Tân Hoàng Minh sẽ còn phát triển trong thời gian tới.
 

Theo Phạm Tuyên/Tiền phong

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây