Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Chùa “khủng” vấn nạn và hệ lụy

Sách Đại Việt sử ký toàn thư của Lê Văn Hưu - Ngô Sĩ Liên do Nhà xuất bản Thời Đại ấn hành năm 2013, tại trang 161 có chép: “Lý Thái Tổ lên ngôi mới được hai năm, Tôn Miếu chưa dựng, Xã Tắc chưa lập mà trước đã dựng tám chùa ở phủ Thiên Đức, lại sửa chữa chùa quán ở các lộ, và cấp độ điệp (văn bằng cấp cho người xuất gia đi tu – Văn nghệ chú thích) cho hơn nghìn người ở Kinh sư làm tăng, thế thì tiêu phí của và sức dân về việc thổ mộc không biết chừng nào mà kể. Của không phải là trời mưa xuống, sức không phải là thần làm hộ, há chẳng phải là vét máu mỡ của dân ư! Vét máu mỡ của dân, có thể gọi là làm việc phúc chăng? Bậc vua sáng nghiệp, tự mình cần kiệm còn lo con cháu ngày sau xa xỉ, mà Thái Tổ để phép cho con cháu như thế, cho nên đời sau mới xây tường cao ngất trời, tạc cột chùa bằng đá, làm chùa thờ Phật lộng lẫy hơn cung điện của vua. Rồi người dưới bắt chước, có kẻ hủy thân thể, đổi lối mặc, bỏ sản nghiệp, trốn thân thích, nhân dân quá nửa làm sư sãi, trong nước chỗ nào cũng có chùa, nguồn gốc há chẳng phải từ đấy?”…
111
Có thể nhiều người chưa đồng tình với nhận xét của tác giả về vị vua vĩ đại Lý Thái Tổ, nhưng ắt hẳn những người có trách nhiệm hiện nay nếu đọc, cũng không khỏi giật mình khi hai vị sử học bậc nhất Việt Nam nói về việc xây chùa chiền cách nay hơn ngàn năm mà như vận vào thời nay vậy.

Thực tế hiện nay, cả nước đang đua nhau xây chùa to, cái gì cũng phải nhất: Ngôi chùa lớn nhất thế giới (chùa Tam Chúc - Hà Nam); Ngôi chùa có tượng Phật trong tốp 10 tượng Phật lớn nhất thế giới (chùa Vĩnh Tràng, Tiền Giang); Ngôi chùa có chính điện lớn nhất Đông Dương (chùa Ba Vàng, Quảng Ninh) v.v… Chỉ riêng nói đến việc Công ty xây dựng Xuân Trường đã đổ hàng chục nghìn tỉ đồng vào các đại dự án, tạo thành chuỗi cái gọi là “khu du lịch tâm linh”: Bái Đính - Tràng An (Ninh Bình); Tam Chúc - Ba Sao (Hà Nam); Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên)… thì vị vua anh minh Lý Thái Tổ - Tác giả Chiếu dời đô bất hủ - sống lại cũng không khỏi ngỡ ngàng (!)

Việc chính quyền địa phương “cấp” hàng trăm héc-ta đất cho doanh nghiệp thực hiện các dự án “Khu du lịch - văn hóa tâm linh” đã từng được chất vấn trên nghị trường Quốc hội trước đây. Điều gây bức xúc hơn nữa là hiện tượng Nhà nước bỏ tiền đầu tư để doanh nghiệp thu tiền đã và đang xảy ra tại các dự án “khu du lịch văn hóa tâm linh” của doanh nghiệp Xuân Trường. Trong bài: Nhập nhèm phía sau ngôi chùa lớn nhất thế giới của báo điện tử Vietnamnet ngày 26/2/2019 cho biết: Dự án khu tâm linh Hồ Núi Cốc có tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu 15.000 tỷ đồng. Sau 2 năm kể từ khi dự án được triển khai, đã có 2.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách được chi cho giải phóng mặt bằng. Năm 2004, Xuân Trường xây dựng khu du lịch Tràng An - chùa Bái Đính tổng diện tích 700 ha với hình thức đan xen vốn Nhà nước, Xuân Trường một lúc đảm nhiệm cả “hai vai”. Năm 2006, Xuân Trường tiếp tục xây dựng dự án về văn hóa tâm linh - nghỉ dưỡng - sinh thái - vui chơi giải trí Tam Chúc - Ba Sao với tổng mức đầu tư 11.000 tỷ đồng bằng nguồn vốn Nhà nước đầu tư, một phần thực hiện nguồn vốn xã hội hóa. Mang tên là “văn hóa tâm linh”, song dự án nào của Xuân Trường cũng đi kèm với nhà hàng, khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, có nơi còn có cả sân golf và casino…”.

Thiển nghĩ rằng, đã là tâm linh thì không thương mại. Việc một doanh nghiệp bỏ ra một đống tiền lớn như vậy để xây dựng chuỗi nhà chùa thì nó mang tính chất thương mại hơn là tâm linh. Nhưng vì sao nó phải gắn chữ “tâm linh”? Chắc chắn để hưởng lợi từ ngân sách đầu tư của Nhà nước, đến ưu đãi đất đai, thuế... Đó là chưa bàn đến phía sau các đại dự án “tâm linh” là lợi ích nhóm, là sự cấu kết giữa các nhà đầu tư với chính quyền địa phương để hưởng lợi bất chính. Thậm chí, còn có dư luận cho rằng đó là nơi rửa tiền của một số cá nhân và nhóm lợi ích. Hiện tại, khung pháp luật vẫn chưa có quy định cụ thể về dự án tâm linh. Vì vậy, đang có sự lách luật, lợi dụng núp bóng dự án tâm linh để kinh doanh.

Đất đai là tài sản của quốc gia. Nhiều ngôi chùa cổ được tiền nhân xây dựng khiêm nhường trấn ở những nơi giữ nguyên khí quốc gia, nay được các “đại gia” đổ tiền tấn vào mở rộng qui mô với nhiều hạng mục kỷ lục cấp quốc gia, khu vực, quốc tế… chẳng những phá vỡ cảnh quan môi trường, vi phạm di tích, vi phạm pháp luật… mà còn trái với triết lý kiến trúc nhà Phật và đụng chạm đến long mạch, nguyên khí theo đúng ý nghĩa tâm linh. Trong khi doanh nghiệp của các quốc gia trên thế giới đang đổ tiền vào đầu tư ở các lĩnh vực khoa học công nghệ, thì nhiều doanh nghiệp Việt Nam lại đổ tiền xây dựng đền chùa, khu du lịch tâm linh thì đất nước khi nào mà hoàn thành Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa được? Việc chính của chùa chiền không phải là đua chen những kỷ lục về xây dựng, mà là giáo hóa tâm linh, hoằng dương Phật pháp. Đua chen xây dựng chùa to lớn chỉ làm tâm linh bị u mê hơn mà thôi. Việt Nam đang chuyển từ thái cực này sang thái cực khác, từ đập phá chùa chiền, miếu mạo nhằm “xóa bỏ tàn dư mê tín dị đoan” sang xây các các chùa với nhiều cái “nhất thế giới”!

Từ việc xây dựng những ngôi chùa đồ sộ, nguy nga, hoành tráng phá vỡ kết cấu của không gian chùa truyền thống, kiến trúc văn hóa tôn giáo cũ, nên tạo nên một lớp người đi chùa với mục đích cầu cúng bổng lộc, tiền tài của cải, thăng quan tiến chức... mà chẳng quan tâm đến chùa đó thờ ai, có bàn thờ tưởng nhớ đến vị nào. Theo thống kê của Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, vào dịp năm mới 2018, có ngày chùa Bái Đính đón đến 220 nghìn lượt khách. Tháng 3/2021, đã có khoảng 5 vạn người kéo về chùa Tam Chúc, mặc dù đang trong thời kỳ cao điểm dịch Covid-19. Thậm chí, ngôi chùa mới xây dựng rộng hàng chục ngàn mét vuông như Ba Vàng (Quảng Ninh) đã tạo ra bê bối với hoạt động “Thỉnh oan giải oán” mỗi năm thu cả trăm tỷ đồng trái với giáo lý nhà Phật. Dịp đầu năm 2020, chùa Ba Vàng còn tổ chức cái gọi là chương trình tụng kinh “hóa giải virus Corona” với hàng nghìn người tham gia (?) khiến Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải vào cuộc chấn chỉnh.

Triết lý của đạo Phật đi chùa là để cầu cho bản thân và gia đình sức khỏe dồi dào, hạnh phúc, tu tâm, dưỡng đức, bỏ lại phía sau những lo toan vất vả trong cuộc sống mưu sinh. Triết lý này phù hợp với các ngôi chùa truyền thống tồn tại hàng trăm năm với kiến trúc và không gian thanh tịnh, trang nghiêm, thanh cao, khiêm nhường... Vào những ngôi chùa cổ, khách thập phương thành tâm đi nhẹ, nói khẽ, tự nhiên như có cái gì đó linh thiêng nhập vào con người, để đến khi ra về thấy lòng mình thư thái, thanh thản…

Xây chùa to mà tâm không thành, lại tham lam đủ thứ, tức là tham - sân - si, thì có đi nhiều, cúng tiến nhiều, phật cũng không ban lộc cho đâu, mà có khi còn khuynh gia bại sản như mấy vị đại gia nổi tiếng đã phải xộ khám bóc lịch. Rõ là xây nhiều chùa to, cung tiến nhiều vật phẩm cao sang… mà anh em không hòa thuận, trên dưới không đồng lòng, trong ngoài không yên, thì lấy đâu mà vững bền được?

Những hiện tượng trên đây đã góp phần biến quần chúng nhân dân ngày nay trở thành nạn nhân của một xã hội sinh dưỡng mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh. Cũng có ý kiến cho rằng bởi họ không có niềm tin để gửi gắm, bởi khi những người có chức có quyền cũng đi chùa để xin chức quyền, còn những kẻ có tiền thì vung tay xây chùa khủng.
 

Tác giả: Hồng Sơn
Nguồn Văn nghệ số 13/2022
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây