Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Chúng ta đang nói gì với thế hệ mai sau?...

Trong văn học, nhất là trong thơ, chúng ta chỉ biết quá khứ và hiện tại. Tương lai sẽ thế nào, không ai nhìn thấy được. Nhưng nhiệm vụ của chúng ta hôm nay phải lo cho ngày mai. Chúng ta phải quan tâm đến thế hệ cầm bút trẻ. Bởi họ chính là người kế tục sự nghiệp văn học nước nhà. Họ có thể tôn vinh chúng ta, cũng có thể “vùi chôn” chúng ta như vùi chôn một xác chết, nếu chúng ta không xứng đáng để họ học hỏi.

Năm sáu năm trước, tôi đã thức trắng đêm để đọc Trương Đình Phượng (sinh năm 1984), ở Nghệ An và Hoàng Thúy (sinh năm 1992) ở Quảng Bình. Bởi họ chẳng khác nào những vì sao đang e dè, lấp ló trên vòm trời thi ca.

Ba giờ sáng tôi gọi điện cho Phượng chỉ để nói một câu, cháu hãy pha cà phê giỏi cho khách, lấy tiền nuôi mẹ và làm thơ. Còn tôi phải cậy nhà thơ Thái Hải và Nguyễn Bình An (nguyên chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Quảng Bình) đến nhà Hoàng Thúy vận động Thúy đi Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc. Tại vì trước đó, sau khi đọc thư tôi và chùm thơ, nhà thơ Hữu Thỉnh đã ký giấy mời Thúy ra dự. Thúy không đi, vì đang ốm.

Thơ Phượng và Thúy ít nhiều cho tôi hình dung tương lai của thơ ca miền trung như thế nào.

Trương Đình Phượng gợi và buồn:

những ả đàn bà ra sông giặt áo

giặt mòn tay chưa hết gian truân

sau làn áo mỏng, những núm vú buồn…

(Trong buổi chiều nhảm nhí này)

Hay khát khao:

hãy sống

những nụ hoa nói với nhau như vậy

đêm âm thầm trôi

dòng nhựa trắng tẩy rửa mình trong bóng tối

                 (dưới khóm hoa thời gian)

Ngược lại, Hoàng Thúy tươi sáng đến lạ:

tình yêu không bao giờ biến mất

dù vùi quên trong bóng tối hay vùng đất hoang vu che lấp

mặt trời cháy giữa bàn tay (Cộng)

Dù buồn hay vui, các giọng thơ ấy đã là thông điệp đáng mừng cho thơ. Nhưng mấy ai đọc và để ý tới họ. Phượng vẫn viết, cô chiếc và khắc khoải. Viết như tiếng rền của một con sông ít ai dòm ngó. Còn Thúy sau khi tung một loạt bài thơ hay, kiểu như: “em tin vào những viên đá dưới chân hơn bất cứ danh lợi nào/ ngọn lửa nói tiếng tự do!” (Tự do) lại im lặng chạy trốn trong những bức tranh. Tôi không tin lắm những bức tranh trước đây, nhưng tôi đã nhìn thấy những bức tranh sau này của Thúy với cái màu đỏ như lấy máu mình mà vẽ. Phải chăng cả Phượng lẫn Thúy đều cô đơn? Không biết viết để làm gì, có được ai chấp nhận?

Chúng ta phải làm sao cho thơ họ đến với độc giả mà không phải kêu to hay xưng tụng? Rõ ràng chúng ta đang cần một thế hệ độc giả cởi mở, đa diện về tầm nhìn và nhận thức. Phải chăng chúng ta còn theo lề thói trong cách nghĩ và cảm máy móc, khuôn định và mực thước. Theo tôi biết ở Nghệ An nhiều nhà văn và tạp chí văn nghệ chưa để ý tới Phượng. Ở Quảng Bình đã có người thốt lên, thơ Hoàng Thúy khó hiểu và rối rắm. Vậy là Phượng và Thúy người ủng hộ thì ít, người chê bai thì nhiều. Họ lao động trong điều kiện chưa biết mình sẽ đi đâu về đâu, giữa thời buổi cơ chế thị trường kiếm sống nghiệt ngã. Thúy in được một số nơi, bởi còn người ủng hộ. Phượng thì đưa lên facebook giải buồn.

Thơ và tâm cảm hiện thời đã khác. Người viết trẻ đã đi trước chúng ta một quãng cách xa. Họ không như chúng ta thời “văn nghệ hướng đạo” nữa.

Gần đây trên facebook xuất hiện một giọng thơ khác lạ. Nguyễn Thị Hương Giang (sinh năm 1997), quê Hà Tĩnh, sinh viên học viện Pushkin ở Nga. Hương Giang xem tình yêu là sự vị tha của thế giới. Thế giới hoảng loạn vì trái đất đang bị mổ xẻ, rút ruột. Hết nạn dịch này, đến nạn dịch khác. Hết cuộc chiến tranh này, đến cuộc chiến tranh khác. Trái đất mang trong mình nỗi đau của thương vong bệnh tật, đã tới lúc báo động để đi vào cuộc phẫu, khâu nối cứu rỗi chính mình:

“như là mong đợi ngày ghép tạng autograft cho trái đất

một nửa trái tim phương Đông & một nửa trái tim phương Tây”

                                                        (Đi tìm trái tim Đông Tây)

Chất tự tin và sang trọng đang nhập vào tâm thức trẻ. Ba cây bút trẻ, ba giọng điệu, Phượng, Thúy và Giang cùng trên dải đất hẹp bắc miền trung, nhưng lòng thì không hẹp đang nói gì với chúng ta? Họ viết như nói, đã là thơ. Mà nói thì không thể thành thơ được. Hai trạng huống rất khác nhau. Câu thơ chỉ có thể hình thành khi tâm hồn họ bay bổng trong môi trường cảm xúc trí tuệ.

Tỷ như Giang đang lắng nghe những âm thanh của trời Âu:

anh có nhận ra vắng tôi giữa vòng tròn khán giả

23 giờ chiếc hộp vĩ cầm đóng lại

những ngân rung cuối cùng chạm vào tim

kẻ ở phương xa

                 (Tiếng vĩ cầm trên phố)

Thơ trẻ hiện đại, phóng túng. Nếu chúng ta đối xử với họ vội vã lướt qua, như lướt qua một bức tranh lạ mà chưa nhận ra vẻ đẹp tàng hình của phép nhiệm mầu, đã vội vàng cô lập hoặc đẩy ra ngoài ranh giới văn học. Điều đó rõ ràng khiếm khuyết thuộc về chúng ta.

Nhận thức và trân trọng giá trị của thơ giới trẻ, tôi có những chiêm nghiệm xin được chia sẻ.

Để có thể tiếp cận và định hướng thúc đẩy dòng văn học đi tới một tinh thần tích cực và luôn đầy năng lượng ở các thế hệ người làm thơ. Thiết nghĩ, sự chịu khó đọc là điều trước nhất, đọc và đọc kĩ để suy ngẫm về ý tưởng mới của lớp trẻ. Chúng ta sử dụng ba chữ “NHẬN” khi đọc tác phẩm của họ. Một là “thừa nhận” sự có mặt của tác phẩm. Hai là “chấp nhận” những khuyết thiếu có trong tác phẩm. Và ba là “ghi nhận” những điều hay, mới, khác rất độc đáo, đầy tính cởi mở ở trong thơ. Điều đó không đồng nghĩa với sự dễ dãi trong nghệ thuật. Điều đó có nghĩa là khuyến khích những cây bút trẻ có thêm niềm tin và động lực. Tự khắc quá trình viết, học tập, trải nghiệm chính họ sẽ nhận ra được để nâng cao, khai thác sâu bút lực của mình. Việc phát hiện, chia sẻ những nụ hoa chớm nở trong thơ, có một phần trách nhiệm của chúng ta. Mặc dù có những khó khăn và thách thức từ hai phía, nhưng tôi tin rằng nếu làm được việc đó tốt, thì dòng chảy văn học tương lai sẽ căng nở những màu xanh tươi. Đó chẳng phải là niềm hi vọng của chúng ta hay sao?    

Hồi chuông báo động ấy đang rung lên, đòi hỏi thế hệ cha anh cởi mở và bao dung hơn nữa.
 

Tác giả: Hoàng Vũ Thuật
Nguồn Văn nghệ số 13/2021

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây