Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Công chức nghỉ việc hàng loạt là hồi chuông báo động đúng lúc để 'thức tỉnh'?

Theo bạn đọc Chinh Phạm, con số gần chục ngàn người nghỉ việc khối y tế vừa bất thường, cũng vừa là chuyện bình thường nếu xét theo quan điểm thị trường. Có khi lại là hồi chuông báo động đúng thời điểm để khâu quản lý nhà nước "thức tỉnh".

 

Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ Online giới thiệu ý kiến này gởi đến chuyên mục Bạn đọc làm báo.

Cách đây hơn 3 năm, tôi có dịp tham gia một hội thảo lớn về Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, quy tụ hầu hết các doanh nghiệp làm dịch vụ tuyển dụng nhân sự hàng đầu cả nước. Một trong những dự báo gây chú ý nhất chính là: sẽ nở rộ nhu cầu chuyển dịch nhân lực giữa khu vực công và các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, trong đó y tế sẽ là mảng sôi động đặc biệt.

Và, đến nay dự báo này đã thành hiện thực.

Còn nhớ, trước đó chưa lâu, một doanh nghiệp tư nhân kinh doanh bệnh viện đã gây tiếng vang trong ngành khi thuê một công ty tư vấn phát triển nguồn nhân lực thiết kế quy trình tuyển dụng, đào tạo, thiết kế chính sách đãi ngộ theo cơ chế thị trường.

Bác sỹ lương cơ bản nghìn đô, y tá điều dưỡng có mức thu nhập gấp đôi, gấp ba so với khu vực nhà nước. Tin tức này lập tức thiết lập một "chuẩn mới" về lương + đãi ngộ khi muốn thu hút nhân sự giỏi ngành y tế trên thị trường thời điểm đó, tạo xu hướng dịch chuyển nhân sự cho đến hôm nay.

Và cũng từ đó, dịch vụ săn lùng nhân sự y tế chất lượng cao trở thành một mảng mới nhiều tiềm năng cho các công ty tuyển dụng chuyên nghiệp trong và ngoài nước, điều mà trước đó một hai năm ít ai nghĩ đến.

Nhiều doanh nghiệp đã có chuyên viên dịch vụ nhân sự riêng được đào tạo kiến thức cơ bản về ngành y để có thể giúp khách hàng tìm kiếm các ứng viên phù hợp, chất lượng cao từ bác sỹ, y tá đến quản trị bệnh viện.

Với những ai hiểu về ngành y, khi nhìn vào con số cả ngành y bác sỹ, điều dưỡng bỏ khối công chuyển sang tư nhân thì sẽ không bất ngờ vì đó là chuyện đã được dự báo trước, một quy luật tất yếu của thị trường lao động.

Đứng trên quan điểm người lao động

Trong một thị trường đã rất mở hiện nay, họ hoàn toàn được quyền chọn nơi làm việc đảm bảo được trả công xứng đang so với chuyên môn và sức lao động bỏ ra. Họ còn có gia đình phải chăm lo.

Cũng trong khuôn khổ hội thảo trên, một vị lãnh đạo bệnh viện lớn đã đưa ra ví dụ: tại bệnh viện nhà nước, một bác sỹ chuyên môn giỏi, thực hiện một ca cắt amidan, sau khi thực hiện hết các bước sẽ nhận được số tiền công là…30.000 đồng. Trong khi đó tại một bệnh viện tư, con số này sẽ từ 200 - 300 ngàn, gấp 10 lần.

Hay một bác sỹ trực phòng cấp cứu, phụ cấp một đêm trực không đủ bù chi phí xăng xe, ăn một tô phở trong khi tính chất công việc cực kỳ căng thẳng.

Với thực trạng như vậy, người giỏi nếu có ở lại thì cũng để trau dồi chuyên môn, sau đó họ sẽ tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp tốt hơn. Dựa theo quan điểm người lao động, đó là chuyện công bằng và bình thường như ở tất cả các ngành nghề khác.

Về phương diện doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ

Y tế rồi cũng giống như bao ngành nghề khác, sẽ phải vận hành theo cơ chế thị trường. Khối y tế tư nhân họ xác định đúng khách hàng mục tiêu cung cấp dịch vụ chất lượng phù hợp với khả năng chi trả của bệnh nhân, họ có lợi nhuận là tái đầu tư vào trang thiết bị, nhân sự.

Sự năng động và khả năng đáp ứng đúng nhu cầu thị trường giúp họ đủ nguồn lực thu hút người giỏi, cạnh tranh nhân sự với khối công. Đây cũng là chuyện hết sức bình thường, chỉ có tăng chứ không giảm. Khối công chỉ có một cách duy nhất là tìm cách giữ người chứ không thể hi vọng tư nhân giảm sự cạnh tranh được.

Khía cạnh quản lý nhà nước

Thực tế không hẳn là do trực thuộc nhà nước nên y tế công không làm được những điều khối tư nhân năng động đã và đang thực hiện, với khoảng cách rất xa (nếu không muốn dùng từ lạc hậu). Vấn đề ở đây chính là cơ chế quản lý đã quá cũ kỹ, hoàn toàn không phù hợp với tình hình mới.

Thực tế phát triển y tế tại nhiều quốc gia khác, do y tế là ngành đặc thù, phục vụ nhân dân, cho nên nhiều nước vẫn duy trì phương thức "quốc doanh" tuy nhiên sự khác biệt là ở chỗ: ban hành chính sách phù hợp, thông thoáng tạo sân chơi bình đẳng, công bằng cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần tham gia.

Sự quản lý nhà nước của họ chặt chẽ nhưng không can thiệp sâu vào quản trị & điều hành, tạo điều kiện cho khối công có không gian phát triển, tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Trong khi tại Việt Nam hiện nay, đang tồn tại một thứ cơ chế "ngược": quản lý nhà nước theo ngành thì lỏng lẻo, nhưng quy định bên dưới lại can thiệp quá mức vào hoạt động từng đơn vị. Đến mức các bệnh viện rơi vào trạng thái: làm đúng (theo cơ chế thị trường) vẫn có thể sai và bị quy trách nhiệm.

Đến thời điểm này, chưa ai dám đứng ra tháo gỡ cái cơ chế nặng nề, lạc hậu, đầy mệnh lệnh hành chính đang tồn tại của ngành y tế.

Nói như vậy mới thấy con số gần chục ngàn người nghỉ việc khối y tế công vừa bất thường, cũng vừa là chuyện bình thường nếu xét theo quan điểm thị trường. Có khi lại là hồi chuông báo động vang lên đúng thời điểm để khâu quản lý nhà nước phải "thức tỉnh" và hành động mạnh mẽ.

Việt Nam thực tế không thiếu thuốc, không thiếu bác sỹ mà chỉ thiếu ở những chỗ đang đóng cửa với cơ chế thị trường mà thôi.
 

Theo Chinh Phạm/Tuổi trẻ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây