Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Đằng sau cơn sốt điện gió ở Tây Nguyên Phải kiểm tra, rà soát, cần thiết báo cáo Thủ tướng Chính phủ

Theo dõi loạt bài 'Đằng sau cơn sốt điện gió ở Tây Nguyên', nhiều chuyên gia, trí thức đã lên tiếng về những vấn đề Báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh.

Sau khi Báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh loạt bài Đằng sau cơn sốt điện gió ở Tây Nguyên, một số địa phương thực hiện dự án đã tổ chức các đoàn kiểm tra, đặc biệt là vấn đề sử dụng lao động Trung Quốc.

Tại tỉnh Đăk Nông đã phát hiện hàng trăm người Trung Quốc trong các dự án điện gió Đăk N’Drung 1,2,3 do ông Đỗ Lê Quân làm giám đốc không có giấy phép lao động, chưa đủ điều kiện làm việc theo quy định… Ở những địa phương khác như Đăk Lăk, cơ quan chức năng cũng đang triển khai thực hiện việc kiểm tra, làm rõ một số nội dung báo phản ánh.

Ngoài vấn đề người Trung Quốc, nhiều chuyên gia, trí thức cũng cho rằng cần phải có sự rà soát, kiểm tra quy trình cấp chủ trương đầu tư, căn cứ pháp lý và năng lực chủ đầu tư đối với các dự án điện gió đang “sốt” ở khu vực Tây Nguyên.

Thiếu tướng Lê Văn Cương: “Cần thiết phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ”

Đó là khẳng định của Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược (Bộ Công an) khi theo dõi loạt bài Đằng sau cơn sốt điện gió ở Tây Nguyên.

111
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an. Ảnh: Nhật Trần. 

Hoan nghênh những phát hiện tiên phong của Báo Nông nghiệp Việt Nam về vấn đề chủ đầu tư các dự án điện gió ở khu vực Tây Nguyên sử dụng người Trung Quốc chưa đầy đủ thủ tục pháp lý, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng cần phải phản ánh đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bảo vệ Chính trị nội bộ, Bộ trưởng Bộ Công an, Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh có dự án, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao… về vấn đề này.

“Cá nhân tôi sẽ có ý kiến hỗ trợ Báo Nông nghiệp Việt Nam đi đến cùng sự việc. Trong trường hợp cần thiết phải có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính để báo cáo cụ thể để có những chỉ đạo xử lý”, Thiếu tướng Lê Văn Cương khẳng định.

Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, về nhận thức chung, trong quá trình tham gia hội nhập, hợp tác quốc tế, Việt Nam sẵn sàng mở cửa đón nhận các nhà đầu tư nước ngoài, tất nhiên là lựa chọn những nhà đầu tư có công nghệ cao và tôn trọng độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Trong quá trình đó, nhiều dự án chúng ta cho phép chuyên gia nước ngoài vào làm việc nhưng phải là những chuyên gia trong lĩnh vực khoa học công nghệ nhất định mà phía Việt Nam chúng ta không đáp ứng được. Chúng ta không cho phép công nhân lao động chân tay nước ngoài vào khi Việt Nam đang thừa.

Tôi đề nghị UBND các tỉnh có các dự án điện gió sử dụng người Trung Quốc cần phải làm rõ vấn đề này, buộc các nhà đầu tư phải báo cáo đầy đủ với UBND tỉnh để trên cơ sở đó báo cáo với Thủ tướng Chính phủ đó là những chuyên gia đặc biệt mà Việt Nam không có. Chủ đầu tư phải viết cam đoan trước UBND tỉnh nơi thực hiện dự án, cam đoan trước bộ chủ quản về việc sử dụng người Trung Quốc trong một thời hạn nhất định. Trong thời hạn đó, chủ đầu tư phải chịu toàn bộ trách nhiệm về những hoạt động của người Trung Quốc liên quan đến dự án. Sau khi sàng lọc, cần phải yêu cầu những người không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn phải rời khỏi đất nước Việt Nam.

Lĩnh vực điện gió, điện mặt trời có thể chưa nhiều người Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn, quy chuẩn để thực hiện, tuy nhiên, trong quá trình cấp phép dự án, cần có sự ưu tiên sử dụng người Việt Nam trước, trong trường hợp thiếu mới tạo điều kiện cho chuyên gia nước ngoài vào có thời hạn.

Cụ thể, đối với vấn đề người Trung Quốc ở tỉnh Đăk Nông như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh thì Công an tỉnh Đăk Nông phải chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra và nắm toàn bộ thông tin về người Trung Quốc trên địa bàn để tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đăk Nông. Khi cần thiết Công an Đăk Nông có quyền báo cáo trực tiếp Bộ Công an không đồng tình vấn đề các chủ đầu tư đưa người nước ngoài vào.

Trong số 102 người Trung Quốc ở các Dự án Nhà máy điện gió Đăk N’Drung 1,2,3 tại huyện Đăk Song, tỉnh Đăk Nông nhưng chỉ có một người được cấp giấy phép lao động theo quy định, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng chủ đầu tư, doanh nghiệp nào sử dụng thì phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước Việt Nam về vấn đề đó. Bao nhiêu người chưa đầy đủ thủ tục thì chủ đầu tư phải đưa bấy nhiêu người ra khỏi Việt Nam. “Đất nước này có chủ quyền, bao đời này máu chảy thành sông, xương chất thành núi để bảo vệ từng tấc đất thiêng của Tổ quốc, không một kẻ nào có quyền đưa người nước ngoài vào tung hoành, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự quốc gia được. Điều đó phải dứt khoát làm rõ. Người đứng đầu doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm”, Thiếu tướng Lê Văn Cương khẳng định.

TS Lê Đăng Doanh: "Nên tạm dừng các dự án để kiểm tra, rà soát lại"

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, rõ ràng đã có những bất thường trong một số dự án điện gió ở khu vực Tây Nguyên và cần phải kiểm tra, rà soát để xử lý các vấn đề này.

111
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Trước hết phải khẳng định phát triển điện gió là chủ trương đúng đắn, tuy nhiên quá trình thực hiện cần có những quy định chặt chẽ nhằm tránh tình trạng dự án ma, mua bán dự án, lấy danh nghĩa doanh nghiệp trong nước nhưng thực chất lại mời doanh nghiệp Trung Quốc vào…

Tôi hoàn toàn không thể chấp nhận được việc các địa phương, chủ đầu tư chưa thực hiện đúng quy định trong việc thực hiện dự án để cấp chủ trương đầu tư, chạy hoàn thành trước ngày hết hiệu lực mua giá điện gió theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị bất kỳ sự vi phạm nào đều phải xử lý nghiêm.

Ngoài ra, với sức ép tiến độ, cấp chủ trương thực hiện dự án nhanh chóng, không công khai minh bạch, không đưa ra hội đồng tư vấn độc lập sẽ tiềm ẩn rất nhiều yếu tố tiêu cực. Theo tôi điều này cần phải có các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc, tạm thời đình chỉ, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm nếu có.

Cũng theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, về điện gió, điện mặt trời hiện nay công nghệ ở Trung Quốc rất phát triển, nhưng trong bối cảnh dịch Covid 19 rất phức tạp, đặc biệt là vấn đề bảo vệ chủ quyền rất cần sự giám sát, quy định chặt chẽ. Như những gì Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh qua loạt bài Đằng sau cơn sốt điện gió ở Tây Nguyên rõ ràng đã có những vấn đề bất bình thường.

Bất cứ chủ trương thu hút đầu tư nào cũng cần phải tuân thủ pháp luật. Việc các chủ đầu tư thực hiện án điện gió ở Tây Nguyên đưa hàng trăm người Trung Quốc vào hoạt động nhưng chưa đầy đủ giấy phép theo tôi phải xử lý rất nghiêm. Với một đất nước có chủ quyền thì không thể nào để tình trạng hơn 100 chuyên gia Trung Quốc nhưng chỉ có một người đầy đủ thủ tục được. Đặc biệt là đối với một vùng rất chiến lược như khu vực Tây Nguyên? Ai đã tổ chức đưa họ vào? Trách nhiệm kiểm tra, giám sát ở đâu? Tôi nghĩ rằng cần phải đình chỉ chủ đầu tư đang thực hiện dự án đó khi họ đã có hành vi đưa chuyên gia Trung Quốc vào mà không thực hiện đầy đủ quy định pháp luật Việt Nam.

Hàng trăm người Trung Quốc hoạt động thế nào trong dự án của đại gia Đỗ Lê Quân?

Trong quá trình tìm hiểu về các dự án điện gió Đăk N’Drung 1,2,3 được biết, cả ba dự án này đều đứng tên ông Đỗ Lê Quân, đều được ông Trần Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông ký cấp Quyết định chủ trương đầu tư cùng một ngày (1/10/2020). Ông Đỗ Lê Quân được biết đến với vai trò Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tài Tâm, một doanh nghiệp khá tiếng tăm trong lĩnh vực bất động sản ở Hà Nội.

Khi chưa hoàn thiện thủ tục đất đai, các doanh nghiệp đứng tên ông Đỗ Lê Quân đã đưa người Trung Quốc vào thực hiện dự án, gây bức xúc trong nhân dân ở các xã Thuận Hà, Thuận Hạnh, Đắk N’Drung và Nâm N’Jang...

Theo ông Trần Công Nhất, Chủ tịch UBDN xã Thuận Hà, từ nhiều tháng trước đã thấy chủ đầu tư đưa người Trung Quốc vào khu vực xã biên giới này để thực hiện dự án điện gió. Quá trình chủ đầu tư thực hiện dự án đã xẩy ra những xung đột, mâu thuẫn với người dân địa phương.

Ông Nguyễn Công Tự, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đăk Nông cho biết, cơ quan này đã lập biên bản đối với hàng trăm trường hợp lao động Trung Quốc vi phạm trong các dự án nói trên. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra theo ông Nguyễn Công Tự là trách nhiệm của công an, chính quyền địa phương như thế nào?

 

Theo Hoàng Anh/NNVN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây