Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Dạy học kiểu nhồi nhét, chạy theo thành tích ảo đang bộc lộ nhiều mặt trái!

Theo các chuyên gia, việc học hành thi cử hiện nay đang nặng tính lý thuyết, hàn lâm, thành tích khiến học sinh chịu nhiều áp lực học tập không đáng có. Nhiều em bị trầm cảm vì cách dạy học này.

Căn bệnh thành tích ảo và vô dụng cỡ nào

Hiện nay, vấn đề giảm tải áp lực học tập cho học sinh đang trở thành chủ đề được bàn luận một cách sôi nổi trên nhiều diễn đàn, đặc biệt là sau khi xảy ra sự việc đau lòng một nam sinh Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam nhảy lầu tự vẫn. Nhiều ý kiến thể hiện sự bất bình khi phụ huynh và nhà trường đặt quá nặng về thành tích học tập, học tập kiểu nhồi nhét, luyện “gà nòi” khiến trẻ không còn cảm giác hứng thú, hạnh phúc khi học. Sức ép thành tích đã biến học tập trở thành gánh nặng, thậm chí nhiều em bị trầm cảm dẫn đến các hành động tự vẫn.

111
Giảm áp lực thi cử cho học sinh cần được xem xét một cách nghiêm túc.

Có phụ huynh cho rằng, lâu nay chúng ta cổ súy cho học chăm, học gạo, học lấy thành tích, lấy danh hiệu nên hậu quả như tự tử mới chỉ là phần nổi của tảng băng thôi. Học để sống, để vui vẻ, học để chết thì học làm gì. Cũng có ý kiến nêu nên cải cách giáo dục để học sinh được hạnh phúc khi đến trường.

Xung quanh vấn đề này, chia sẻ với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, anh Đặng Nhật Minh - một cựu học sinh Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam giờ hiện đang là Nghiên cứu sinh (NCS) Tiến sĩ tại Đại học Swinburne, ARC SEAM (Úc) cho  biết, mấy cái bảng điểm 12 năm học chẳng có tác dụng gì khi đi xin việc.

Bằng khen 12 năm học sinh giỏi hay tốt nghiệp loại xuất sắc có lẽ dùng làm giấy dán tường cho đẹp cũng được. 10 phẩy 3 môn Toán, Lý, Hóa hay nhất nhì lớp suốt 12 năm cũng chỉ là miếng trầu bắt đầu câu chuyện. “Nhiều chuyện thực tiễn mà mình quan sát được đã cho thấy căn bệnh thành tích ảo và vô dụng cỡ nào” - anh Đặng Nhật Minh nhấn mạnh.

Anh Đặng Nhật Minh lấy ví dụ, như học thi IELTS chẳng hạn, cần gì 9.0 như mấy trung tâm hay đưa bài để quảng cáo thu tiền phụ huynh. “Có nhiều giảng viên người Việt ở các trường top ở Úc họ phát âm tiếng Anh vẫn đặc sệt giọng Việt Nam, thậm chí còn kiểu “I am” thành “Ai iem” mà chẳng cần phải giọng “Mỹ - Anh”.

Rất nhiều Việt Kiều sinh sống, làm việc và học tập hàng chục năm ở xứ người mà họ vẫn giữ cách nói của người Việt và vẫn đều đặn đóng góp hàng chục tỷ dollar ngoại tệ cho GDP Việt Nam hằng năm. Thực tế, IELTS 6.5 hay thậm chí 5.5 là đủ để xin học bổng tiến sĩ ở nhiều trường tại Úc rồi. Họa chăng chỉ có người Việt ở tại Việt Nam tự đi bêu xấu và chỉ trích tiếng Anh của chính mình” - anh Đặng Nhật Minh thông tin.

Anh Đặng Nhật Minh chia sẻ thêm, tuy bản thân chưa phải giáo sư nhưng cũng đã gần xong chặng đường nghiên cứu sinh, anh khẳng định núi bài tập môn Hóa mà anh từng làm hồi cấp hai, cấp ba thì 90% chỗ đó chẳng có tác dụng gì cho việc nghiên cứu tiến sĩ hiện nay của anh.

Mấy câu như: “Tìm chất, tính số mol, nung khối lượng không đổi… toàn phi thực tế nhưng rất hay được đem ra đánh đố IQ học sinh. Nói cách khác thì mình đã phí hàng ngàn giờ ra chơi đáng lẽ dành cho kéo co, đá cầu, đá bóng với bạn bè chỉ để tự kỷ ngồi một chỗ giải những bài tập hóa siêu bịa tới mức siêu tưởng. Một sự lãng phí thanh xuân không hề nhẹ mà mình còn chưa đề cập tới rất nhiều môn vô dụng khác” - anh Đặng Nhật Minh nhấn mạnh.

Trầm cảm vì chương trình học quá nặng

 

Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, cô Phạm Thị Tú Anh - giáo viên môn Ngữ Văn (Trường THPT Phạm Hồng Thái, Hà Nội) cho rằng, chương trình hiện nay vẫn nặng về tính hàn lâm, nhiều nội dung nặng so với nhận thức lứa tuổi của học sinh.

Các kỳ thi học sinh giỏi, nhất là học sinh giỏi quốc gia đề ra khó, đánh đố dẫn đến học sinh phải ôn luyện theo kiểu “gà nòi” mới đạt giải. Cách thi cử như vậy sinh ra nạn học lệch, học tủ, mang tiếng là học sinh giỏi nhưng chỉ giỏi một môn. Thành tích trong giáo dục đang tạo ra áp lực thi cử không đáng có lên thầy cô và học sinh. Trong khi, học sinh cần được trang bị kiến thức, kỹ năng để nhận thức cuộc sống thì các em phải chạy theo giải đề, học như một cái máy thiếu tính sáng tạo.

111

“Ngày xưa, thầy cô dạy văn ngoài việc cung cấp kiến thức, còn giúp học sinh nhận thức được bài học rút ra qua tác phẩm văn học. Nhưng hiện nay, nhà trường dạy theo mẫu giáo án, thầy cô chuyển tải nặng về kiến thức, học sinh học xong một tác phẩm không rút được bài học nhận thức cho bản thân. Cách dạy văn như vậy hiện chưa đạt được mục đích giáo dục” – cô Tú Anh nhấn mạnh.

Cách dạy học chạy theo thành tích, thi cử đang ngày càng bộc lộ nhiều mặt trái, trong đó tình trạng học sinh bị trầm cảm dẫn tới nhiều hành động dại dột, thậm chí tự vẫn. Ông Nguyễn Đình Sơn - chuyên gia tâm lý vị thành niên, Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội trao đổi với báo chí cho biết, có hàng trăm ca trầm cảm quyên sinh của học sinh mà hầu hết các bậc làm cha, làm mẹ đều không nhận ra những áp lực mà con cái đang gặp phải. Chỉ khi con rơi vào trạng thái trầm cảm nặng thì họ mới tìm đến các bác sĩ, chuyên gia tâm lý.

Theo ông Sơn, thời gian gần đây, số học sinh cần can thiệp, tư vấn tâm lý phổ biến ở lứa tuổi năm cuối bậc tiểu học và bậc THCS. Trong số này có đến 80% học sinh bị áp lực học hành từ phía cha mẹ, 20% do nghiện game, mạng xã hội, áp lực học online. Trầm cảm là một tổng hòa các điều kiện có thể có nhiều yếu tố tạo ra: di truyền trong gia đình; mất cân bằng sinh hóa trong não; giai đoạn tuổi vị thành niên cảm xúc bốc đồng, nhận thức méo mó về thực tế, áp lực hoặc căng thẳng trong học tập quá mức đã thổi bay lòng tự trọng của các con hết lần này đến lần khác.

“Trong số 80% ca can thiệp liên quan tới áp lực học hành thì có tới 70% là học sinh trường chuyên, trường chất lượng cao. Ở một lớp chuyên Sử của một trường chuyên của Hà Nội, có tới 7 ca tìm tới ông để can thiệp tâm lý. Tôi thấy có trường, học sinh lớp 8 nhưng chương trình học tiếng Anh tương đương học thạc sĩ thì các em làm sao chịu nổi áp lực.

Hệ quả là, ở lớp học đó, trong 1 tháng có tới 5 học sinh cần can thiệp tâm lý. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi, may mắn là trong tất cả các ca học sinh bị áp lực tinh thần thì chỉ có tỷ lệ 2% học sinh bị đứt dây thần kinh”, ông Sơn cho hay.

Như vậy qua trao đổi với các thầy cô, chuyên gia, học sinh có thể thấy vấn đề học tập nặng về thành tích, nặng tính hàn lâm, nội dung học quá khó chính là những mặt trái của giáo dục hiện nay cần phải xử lý ngay để mỗi ngày đến trường của trẻ thực sự là… những ngày vui.
 

Theo Trinh Phúc/NB&CL

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây