Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Doanh nghiệp, doanh nhân phản chiếu sự thịnh suy của quốc gia

111

“Doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam còn tồn tại được trước những bất thuận phải nói rất có bản lĩnh kinh doanh và mang tinh thần dân tộc lớn lao”, TS Lê Xuân Nghĩa.

111

Nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2021), chúng tôi muốn mở đầu cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa về chủ đề doanh nghiệp Việt Nam và những tác động bởi đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia lại “bẻ lái”, bởi theo ông, chúng ta đã nói rất nhiều rồi, diễn đàn nào cũng thấy nói về vai trò doanh nghiệp, doanh nhân rồi, nên bây giờ có lẽ nói vừa thôi, hoặc dừng nói lại để tập trung ra được các chính sách tầm cỡ quốc gia, có tầm nhìn thực sự thì mới thay đổi được.

Vì cho dù có những cải thiện nhưng vẫn phải thừa nhận thực tế rằng các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đang sản xuất, kinh doanh trong một môi trường còn rất nhiều khó khăn, kể cả có Covid- 19 hay không có Covid- 19 cũng vậy.

Đó là môi trường kinh doanh mà pháp luật còn bất cập, nhất là hệ thống luật pháp liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nó bộc lộ những vấn đề rất lạc hậu so với thế giới. Thủ tục cấp phép đầu tư, sản xuất kinh doanh thì than ôi- quá nhiêu khê, còn tham nhũng vặt thì luôn là nỗi sợ hãi thường trực của doanh nghiệp.

Bất thuận lợi thứ hai, là môi trường kinh doanh được tạo ra khi chúng ta mở cửa nền kinh tế theo kiểu, mở không chừa thứ gì. Các nghiên cứu thể hiện, độ mở nền kinh tế Mỹ là 14%, Trung Quốc 25%, Đức 45% và Việt Nam là 87%.

Độ mở nền kinh tế chúng ta giúp các đại gia, các doanh nghiệp lớn trên thế giới dễ dàng có mặt ở Việt Nam, cạnh tranh ngay trên thị trường Việt Nam, tạo nên sức ép rất khủng khiếp, nhất là sức ép đối với các doanh nghiệp Việt đang còn rất yếu cả về năng lực quản trị, tài chính, công nghệ...

Bất thuận thứ ba là các chính sách hỗ trợ để phát triển doanh nghiệp của chúng ta đang rất thiếu.

Cho nên tôi cho rằng các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam còn tồn tại được trước những bất thuận như thế là họ rất có bản lĩnh kinh doanh và mang tinh thần dân tộc thực sự lớn lao.

111

Thế cho nên, đại dịch Covid-19 gây ra thảm họa kinh tế toàn cầu nhưng đối với một quốc gia có nền kinh tế mở cửa hoàn toàn như Việt Nam thì tác động ảnh hưởng đến các doanh nghiệp càng kinh khủng.

Nguồn cung ứng vật tư và nguyên liệu, hệ thống giao thông vận tải toàn cầu bị gián đoạn, chi phí vận tải tăng lên gần 10 lần so với trước khủng hoảng. Sản xuất trong nước vừa thiếu nguyên liệu vừa thiếu lực lượng lao động. Phân phối và tiêu thụ sản phẩm bị đình đốn nặng nề. Đặc biệt ngành du lịch, dịch vụ gần như bị tê liệt.

Ba tác động này mang tính tổn thương thực thể, trực tiếp ảnh hưởng đến các ngành sản xuất kinh doanh của Việt Nam và hậu quả  rõ ràng nhất là chúng ta thấy số lượng các doanh nghiệp bị đóng cửa tăng rất nhanh.

Lần đầu tiên Việt Nam có số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng sản xuất cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp mới thành lập, thương mại bị thâm hụt, nhập siêu gia tăng trở lại...

Thống kê cho thấy kinh tế Việt Nam quý III tăng trưởng âm 6,17% và dự kiến quý IV tiếp tục tăng trưởng âm và theo thông lệ quốc tế, một nền kinh tế có hai quý tăng trưởng âm thì đồng nghĩa với suy thoái.

Tôi cho rằng, trong thời gian tới khó khăn vẫn còn tiếp tục và có thể làm cho khả năng phục hồi của của Việt Nam chậm lại so với các nước.

Có một số lý do, thứ nhất là các chính sách hỗ trợ, kích thích kinh tế của Việt Nam rất hạn chế, nếu không muốn nói là không đáng kể, nó chỉ chưa tới 1% so với GDP. Trong khi các nước như Mỹ chi khoảng 27%, Nhật Bản 60%, các nước Châu Âu 30%... đã tạo ra sức bật để khi Covid-19 qua đi các doanh nghiệp có ngay được nguồn lực cần thiết phục hồi sản xuất.

Với chúng ta, chính sách để tạo ra một nguồn lực giúp cộng đồng doanh nghiệp có sức bật để phục hồi sản xuất là gần như không có.

111
111

Rõ ràng Chính phủ Việt Nam không phải không có những chính sách hỗ trợ, có chăng là những chính sách đó vẫn còn những điểm hạn chế, bất cập. Theo ông, những hạn chế, bất cập đó đã tác động đến cộng đồng doanh nghiệp Việt như thế nào?

Qua đại dịch Covid-19 có thể thấy, chính sách hỗ trợ của Chính phủ chia làm ba gói và cả ba đều có những vấn đề.

Gói thứ nhất hỗ trợ về tài chính như thuế, phí... Các doanh nghiệp được giãn nộp các loại thuế như thuế lợi tức, giảm thuế quyền sử dụng đất, thuế giá trị gia tăng... Nhưng tôi cho rằng cách hỗ trợ này không mang lại hiệu quả cao, bởi vì nhiều doanh nghiệp vốn dĩ đã không có doanh thu, lợi tức thì dù anh có giảm thuế giá trị gia tăng người ta cũng không nộp được.

Nói cách khác, chính sách hỗ trợ chỉ có một tác động nhất định đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tương đối bình thường, còn lại chỉ là sự an ủi về mặt tinh thần chứ không mang nhiều giá trị vật chất.

Gói thứ hai là giãn, hoãn nợ từ các ngân hàng thương mại cũng vậy. Thực tế những doanh nghiệp gặp khó khăn thì dù anh không giãn nợ họ cũng không có khả năng trả. Cái họ cần là tiền tươi thóc thật để có thể duy trì sản xuất kinh doanh ở mức độ nhất định, có thể duy trì lực lượng lao động thì Chính phủ lại không có.

111

Thứ ba là gói an sinh xã hội, cũng chưa thực hiện được bao nhiêu. Đâu đó chỉ chiếm khoảng 0,3% GDP và hỗ trợ theo kiểu chỗ này một triệu, chỗ kia năm trăm thực ra đã không mang nhiều tác dụng trong bối cảnh người lao động phải sống trong vùng dịch cả năm trời.

Nên tôi cho rằng, các gói hỗ trợ của Chính phủ tác dụng khá thấp, so với rất nhiều nước khác gần như Việt Nam thấp nhất. Mỹ hỗ trợ 5,9 nghìn tỷ USD, Nhật Bản hỗ trợ hơn 3 nghìn tỷ USD, các nước Châu Âu khoảng 6 nghìn tỷ USD…

Tất nhiên chúng ta không đòi hỏi nhiều như các nước nhưng chỉ cần hỗ trợ doanh nghiệp ở mức khiêm tốn, khoảng 10% GDP tức tầm 34 tỷ USD cũng đã đáng kể lắm rồi…

Nói như thế để thấy chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế. Thông thường các nước họ chia làm ba phần, một phần để bổ sung ngân sách nhằm cứu trợ người nghèo, người lao động, một phần để cho các doanh nghiệp lớn vay và một phần Chính phủ dùng để bảo lãnh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn từ các ngân hàng.

Phải rõ ràng như vậy bởi vì trong bối cảnh dịch bệnh rất ít các doanh nghiệp có đủ điều kiện về lợi nhuận, doanh thu, tài sản đảm bảo, không có nợ xấu để có thể tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng.

Ở Việt Nam chắc chắn hơn một nửa doanh nghiệp không đủ điều kiện tiếp cận vốn trong tình hình dịch bệnh, họ cần Chính phủ đứng ra dùng cơ chế đặc biệt để bảo lãnh một cách vô điều kiện, nhưng tiếc rằng chưa có.

111

Nói như ông liệu có đòi hỏi quá không, có dồn hết gánh nặng lên vai Chính phủ không, nhất là trong bối cảnh Chính phủ phải “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế”?

Đấy. Tâm lý ở Việt Nam vẫn có nhiều người nghĩ liệu Chính phủ mình có nghèo quá không, Chính phủ lấy tiền đâu… Không phải như vậy. Không có một Chính phủ nào trên thế giới này có tiền cả.

Kể cả những quốc gia giàu có như Mỹ thì nếu Quốc hội không thông qua ngân sách thì Chính phủ Mỹ cũng không có tiền để hoạt động.

Cho nên vấn đề ở đây là phải tìm ra  nguồn tiền tiền để Chính phủ vay. Trong điều kiện dịch bệnh rất khó để vay nước ngoài, vay nhân dân nên chỉ có cách là vay của Ngân hàng Nhà nước.

Vay bằng cách để Ngân hàng Nhà nước mua trái phiếu Chính phủ, sau khi dịch bệnh qua đi thì bán trái phiếu đó cho các ngân hàng thương mại, cho nhân dân để thu tiền về.

Đây là điều mà từ trước đến nay chúng ta chưa từng làm, bởi vì ta chưa có cơ chế như các nước khác. Cái thiếu của chúng ta là chính sách, tầm nhìn chiến lược chứ không phải thiếu tiền.

Thậm chí so với quy mô nền kinh tế các nước như Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu thì tỷ lệ thu thuế và phí tính trên GDP ngân sách của chúng ta cao hơn họ nhiều (23-24% so với 16%), vậy thì tại sao chúng ta không làm được như họ? Vì chúng ta không có sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để giải quyết những vấn đề cấp bách của khủng hoảng.

Đó là hạn chế rất lớn về mặt chính sách của Chính phủ. Nói cách khác, các nước họ có một Ủy ban chống khủng hoảng và kiểm soát khủng hoảng, Việt Nam chúng ta thì không.  Không có kế hoạch, không có lộ trình để thực hiện các bước cần thiết khi khủng hoảng kinh tế xảy ra.

111
111

Trong bối cảnh dịch bệnh, Chính phủ đã có những giải pháp, những lựa chọn để thực hiện mục tiêu kép, thậm chí là hi sinh kinh tế để chống dịch, nhưng thực tiễn cho thấy cũng có những thời điểm chúng ta lúng túng, bị động, dưới góc độ kinh tế, ông đánh giá thế nào?

Chúng ta lúng túng thực sự chứ dường như gì. Bởi vì cách đặt vấn đề của chúng ta với Covid-19 tương đối thái quá. Điều này tạo ra tâm lý sợ trách nhiệm trong lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo cấp cơ sở. Hễ có dịch là cấm tất, khiến ảnh hưởng của dịch bệnh đối với nền kinh tế càng trở nên trầm trọng.

Kể cả bây giờ khi đặt vấn đề sống chung với dịch cũng vậy. Chúng ta thiếu tầm nhìn chiến lược để có những hành động chiến lược nên rơi vào tình trạng lúng túng.

Thành phố Hồ Chí Minh nhanh chóng trở thành một trong những thành phố có số người tử vong do dịch bệnh lớn nhất thế giới, bình quân tử vong của Việt Nam cũng lớn hơn bình quân của thế giới. Đấy có thể coi là một cuộc chiến mà chúng ta đi trước nhưng về sau.

Tệ hại hơn cả là những dòng người khổng lồ di chuyển khỏi các trung tâm công nghiệp, những trung tâm dịch bệnh, điều mà các nước trên thế giới không hề có.

Cụ thể, vào thời điểm bùng phát dịch lần thứ tư, từ Bắc Giang, Bắc Ninh đến thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ đã gây ra những tổn thất hết sức nặng nề.

Đặc biệt, hai cuộc tháo chạy khỏi các khu công nghiệp để trốn Covid- 19 và thoát khỏi sự thiếu thốn về lương thực, thuốc men, phương tiện sinh hoạt đã trở thành những cuộc di dân hiếm thấy trong lịch sử phát triển của Việt Nam.

111

Điều đó khiến tôi vô cùng lo ngại cho các doanh nghiệp. Trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, nhu cầu tiêu dùng hạn chế, lượng lao động rời khỏi các thành phố lớn và các khu vực sản xuất tập trung rất nhiều và không biết bao giờ mới có khả năng thu hút quay trở lại đang trở thành vấn đề nguy nan với cộng đồng doanh nghiệp.

Qua những cuộc tháo chạy lịch sử liệu có phải dịch bệnh cũng đã phơi bày những yếu kém, hạn chế của chúng ta về chất lượng lao động và quản lý lao động hay không, thưa ông?    

Đúng như vậy. Là vì ở các nước khác doanh nghiệp chịu sự ảnh hưởng từ yếu tố lao động ít hơn chúng ta. Họ chủ động bỏ tiền ra để duy trì lực lượng lao động, cho người lao động nghỉ để chống dịch nhưng vẫn được hưởng chế độ nên không có những cuộc tháo chạy như chúng ta. Điều này giúp các doanh nghiệp khi cần khôi phục sản xuất có thể huy động người lao động quay trở lại nhà máy rất dễ.

Còn chúng ta thực sự đã làm người lao động khiếp đảm. Tôi có khảo sát ở một số nơi và rất lo ngại ở kết quả lượng lao động cam kết quay trở lại làm việc vào khoảng 50%. Con số này chắc chắn không đủ để tạo ra sự phục hồi kinh tế.

Ngoài ra còn phải tùy thuộc vào người lao động nhận được những sự đảm bảo về công việc, nơi ở, sinh hoạt để quay trở lại hay không, nên tôi nghĩ số lao động có thể quay trở lại làm việc ở ta vào khoảng 30% là cùng.

111

Chất lượng lao động phụ thuộc vào việc đối xử của doanh nghiệp, của người sử dụng lao động. Thực tế thì cả doanh nghiệp trong hay ngoài nước của chúng ta đều bỏ rơi người lao động trong dịch bệnh và phải đối mặt với nguy cơ nói trên là điều dễ hiểu.

Nguyên nhân như tôi đã nói, bản thân các doanh nghiệp cũng không có cách nào khác, họ không có nguồn lực vì không nhận được sự hỗ trợ đáng kể nào.

Thế giới nhận ra vấn đề này ngay từ ban đầu và có chính sách tài trợ thẳng vào các doanh nghiệp chứ không phải qua phường, xã như chúng ta. Tài trợ theo danh sách nhận lương của doanh nghiệp và ông doanh nghiệp có trách nhiệm nhận và phân phát cho người lao động để duy trì lực lượng lao động lâu dài. Họ thực hiện việc này rất nghiêm túc vì nhận thức được rằng sự hỗ trợ có gắn với lợi ích của họ ở trong đó.

Lao động chính là lợi ích của doanh nghiệp nên chủ sử dụng lao động sẽ không dám ăn chặn bất cứ một đồng nào của công nhân. Sự hỗ trợ của Chính phủ theo cách đó đã thực sự tạo ra sức bật cho nền kinh tế, tạo ra lòng tin và cùng nhau phục hồi.  Tiếc thay, ở ta cơ hội đó đã bị bỏ lỡ.

1111

Thưa ông, tình hình dịch bệnh kéo dài đã xuất hiện nhiều thông tin lo ngại về việc các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút khỏi Việt Nam, ông nghĩ sao?

Nên xem đó là chuyện bình thường. Nhìn lại mà xem, các nhà đầu tư nước ngoài phần lớn vào Việt Nam là để tìm kiếm lợi nhuận trên nền tảng lao động rẻ tiền và nhiều trong số đó lợi dụng kẽ hở về mặt luật pháp để tìm cách chuyển giá và trốn thuế.

Bằng chứng là số thuế mà họ đóng cho chúng ta giảm liên tục so với các doanh nghiệp trong nước.

Đừng trông cậy vào họ quá nhiều vì ngay cả khi Covid-19 hoành hành có thấy họ đóng góp hỗ trợ gì nhiều vào công cuộc chống dịch của chúng ta đâu. Có điều kiện kiếm lời thì làm không thì họ đi và cũng đừng có lo sợ rằng nếu thế GDP sẽ giảm.

Vì điều quan trọng của doanh nghiệp FDI đối với chúng ta không phải là lợi nhuận của họ mà là giá trị gia tăng họ để lại cho người Việt. Giá trị đó chủ yếu vẫn là tiền lương cho công nhân Việt. Và phải nhớ, những nước thành công nhất trên thế giới không phải là những nước huy động được nhiều vốn đầu tư nước ngoài.

Ví dụ Hàn Quốc, họ không có FDI mà dành nguồn lực để tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp nội địa tự phát triển công nghệ và nhanh chóng trở thành quốc gia công nghiệp hóa.

Trung Quốc và Đài Loan cũng vậy. Chỉ huy động FDI ở mức độ vừa phải, thậm chí là rất ít để dành thị trường, cơ hội phát triển công nghiệp hóa nội địa. Họ biết rằng khi công nghiệp nội địa họ còn non trẻ thì không thể cạnh tranh với các “lang sói” quốc tế.

Việt Nam mình thì khác, mở toang. Có hai lý do. Một là doanh nghiệp nội địa mình yếu quá, chưa có thời gian để tích lũy tư bản. Hai là nhiều lãnh đạo chúng ta mắc căn bệnh chạy theo thành tích, tăng trưởng nhanh.

Muốn GDP tăng nhanh mà không biết rằng vấn đề không nằm ở chỉ số tăng trưởng mà phải là giá trị, chất lượng của tăng trưởng, giá trị xã hội của tăng trưởng đó.

Vì vậy, theo tôi cần phải xác định các doanh nghiệp FDI chắc chắn sẽ rời bỏ chúng ta cho dù có Covid- 19 hay không.

Đó là khi họ thấy rằng, tiền thuê lao động ở Việt Nam bắt đầu tăng lên, đất đai Việt Nam bắt đầu khan hiếm hơn, các thủ tục của Việt Nam vẫn rườm rà, rắc rối, các giám sát ở Việt Nam ngày càng minh bạch hơn, chuyển giá trốn thuế khó khăn hơn.... Hãy đi thôi và coi đó là chuyện bình thường.

Thay vào đó chúng ta hãy nghĩ cho doanh nghiệp nội địa, giá trị gia tăng của người Việt và các giá trị về văn hóa, xã hội của người Việt.

Chúng ta nhìn thấy rất rõ hai tấm gương tày liếp. Một số nước Đông Bắc Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan nơi đầu tư trực tiếp nước ngoài rất thấp, thậm chí là không có nhưng họ là những quốc gia công nghiệp hóa thành công.

Còn bốn quốc gia Đông Nam Á gồm Philipines, Indonesia, Malaysia và Thái Lan, những quốc gia chủ yếu dựa vào đầu tư trực tiếp nước ngoài và thất bại thảm hại về công nghiệp hóa. Họ không có một ngành công nghiệp chủ đạo nào, nhất là cơ khí chế tạo.

Đấy là tài liệu quốc tế họ tổng kết rõ ràng và Việt Nam chúng ta không thuộc diện nghiên cứu của họ vì họ không rõ chúng ta có công nghiệp hóa hay không.

111
111

Liệu có bi quan quá không khi mà thực tiễn chúng ta cũng đang chứng kiến những doanh nghiệp hàng đầu đất nước làm công nghiệp đấy thôi, thưa ông?

Phải nói rằng tôi khâm phục và đánh giá rất cao những doanh nghiệp như Vingroup, THACO Trường Hải… những doanh nghiệp đi đầu công nghiệp ở Việt Nam.

Cho dù sự phát triển của họ là đầy tính tự phát và chịu những rủi ro về mặt thị trường nhưng đấy là những ngành công nghiệp thực sự, công nghiệp thượng nguồn. Một quốc gia không thể không có những ngành công nghiệp thượng nguồn như thế.

Không thể ăn rồi cứ đi gia công chế biến cho người khác vì quốc gia không có cơ khí chế tạo là quốc gia không có công nghiệp. Chả nhẽ đến vũ khí chúng ta cũng mang ra nước ngoài sửa, bu lông, ốc vít cũng phải đi nhập khẩu về hay sao? 

Tôi đánh giá cao vì những doanh nghiệp tiên phong nói trên họ biết nhìn. Nhìn sang Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, nhìn sang Trung Quốc, một quốc gia có tốc độ công nghiệp hóa nhanh nhất thế giới, chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại để xem họ phát triển dựa vào cái gì?

Nhìn để thấy họ không dựa vào đầu tư nước ngoài mà dựa vào các chính sách, nguồn lực của Chính phủ cộng với nguồn lực của các doanh nghiệp nội địa. Dựa vào chuyển giao công nghệ, tự tạo lập cho mình một nền công nghiệp thực sự có các ngành sản xuất kinh doanh từ thượng nguồn, trung nguồn đến hạ nguồn.

Phải như vậy mới đảm bảo cho một quốc gia có dân số đông như Việt Nam về lâu về dài có công ăn việc làm ổn định, có những tiềm lực về công nghệ, khoa học kỹ thuật để phát triển không chỉ kinh tế mà còn văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng…

Bởi vì vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ đơn thuần tạo ra công ăn việc làm, tạo ra của cải vật chất mà chính họ là yếu tố có thể biến một quốc gia trở thành cường quốc, thành quốc gia công nghiệp thực sự được hay không.

111

Vậy theo ông, giải pháp để kiến tạo môi trường cho doanh nghiệp Việt đủ lớn để có thể cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp FDI là gì?

Ở các nước họ có ngân hàng phát triển với nhiệm vụ giúp các doanh nghiệp  siêu nhỏ thành nhỏ, nhỏ thành vừa, vừa thành lớn và khi lớn rồi thì thôi không giúp nữa. Hoặc quỹ khởi nghiệp, quỹ bảo lãnh quốc gia cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ…

Ở Mỹ có những cơ quan trực thuộc Tổng thống có trách nhiệm đào tạo cho doanh nghiệp nhỏ, bảo lãnh vay vốn ngân hàng.

Hay Irealand có hiệp hội doanh nghiệp mà thực chất là một công ty chuyên nghiên cứu các đề án khởi nghiệp để cùng Chính phủ có sự hỗ trợ. Họ lấy xuất khẩu làm tiêu chí, không quan trọng công nghệ cao hay thấp, hiện đại hay không hiện đại bởi vì xuất khẩu được đã là sự thừa nhận của thế giới.

Họ sẵn sàng hỗ trợ và đề xuất Chính phủ đầu tư 70%, còn 30% thì doanh nghiệp tự huy động. Khi hoạt động có hiệu quả rồi sẽ lên sàn chứng khoán, Chính phủ bán dần cổ phần của Chính phủ để rút vốn và đa phần là có lãi.

Họ có những chính sách ở tầm quốc gia để phát triển năng lực nội địa chứ không phải nhằm vào mấy ông đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Ở Việt Nam mình tất cả những thể chế như vậy đang thiếu hoặc có ở đâu đó, nghe tên thế thôi chứ không thấy hoạt động gì và cũng không thấy một tác động thực tiễn nào. Quy mô thì bé lại còn bị hành chính hóa bởi cơ chế quản lý nhà nước. Mà cơ chế đó không phải là một cơ chế tự chịu trách nhiệm nên không có hiệu quả.

111


Nội dung: Hoàng Anh
Thiết kế: Trọng Toàn
Ảnh: Minh Phúc - Tùng Đinh

Nguồn: NNVN

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây