Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Dời nhà máy lại mọc cao ốc, Hà Nội tắc vẫn hoàn tắc

Dù UBND thành phố Hà Nội cùng các cở ngành cũng đã có nhiều giải pháp, nhưng tốn nhiều công sức, tiền của mà những vấn đề nổi cộm của giao thông Hà Nội hiện vẫn chưa được giải quyết rốt ráo...
111
Ùn tắc giao thông nghiêm trọng ở Hà Nội do vấn đề quy hoạch, gia tăng phương tiện cá nhân. Ảnh: PV

Thông chưa thể... thông

Liên tiếp trong thời gian vừa qua, Hà Nội phải thí điểm tổ chức lại giao thông tại các nút giao trọng điểm nhằm giảm ùn tắc. Có thể kể đến các phương án phân luồng tổ chức giao thông tại các nút giao: Ngã Tư Sở (quận Thanh Xuân và Đống Đa); Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh (quận Hà Đông); Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh - Trần Duy Hưng và Hoàng Minh Giám - Hoàng Ngân, đường Nguyễn Thị Thập (quận Thanh Xuân và Cầu Giấy); cho phép các phương tiện lưu thông hai chiều trên các tuyến phố Quang Trung và Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng)...

Ngột ngạt, bức xúc khi phải len lỏi giữa rừng phương tiện vào giờ cao điểm là cảm giác phải trải qua mỗi ngày bởi vấn nạn ùn tắc giao thông ở Thủ đô. Trong đó, mạng lưới hạ tầng giao thông công cộng hiện còn đang “đuối hơi” so với nhu cầu phát triển, không theo kịp với sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện giao thông cá nhân. Cụ thể, quy hoạch giao thông thiếu khớp nối, thậm chí còn đi sau quy hoạch xây dựng. Chưa kể, quy hoạch liên tục bị điều chỉnh, đường xá mở rộng nhưng giao thông lại càng hỗn loạn.

Nghịch lý tưởng như chỉ nói đùa “càng đầu tư, càng mở rộng, giao thông càng tắc nghẽn” nhưng nếu ai hàng ngày di chuyển trên những tuyến đường từ nhà đến cơ quan thì mới thấy đùa mà lại thực. Đường vốn chật hẹp lại còn giành riêng một làn dành cho xe buýt nhanh BRT, trong khi chờ “mỏi mắt” mới thấy một chuyến xe buýt này. Phần đường còn lại vốn đã nhỏ, lượng xe lại quá đông. Thế nhưng, phương tiện cứ lấn làn sang BRT là bị phạt nguội. Vì thế, nhiều người thản nhiên” thà leo kín vỉa hè còn hơn là bị phạt. Do đó, cùng một tuyến đường, làn vắng như... chùa Bà Đanh, làn chen chúc như đi hội...

Cùng với đó là những sai phạm trong quản lý quy hoạch đã khiến bộ mặt đô thị bị bóp méo. Chính việc này đã khiến ùn tắc giao thông diễn ra trên diện rộng, vận tải hành khách công cộng đơn lẻ, chưa đạt mục tiêu đặt ra, dự án chậm tiến độ và hạ tầng dành cho giao thông vẫn chưa theo kịp sự phát triển của đô thị… - những vẫn đề nổi cộm của giao thông Hà Nội.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, năm 2021 đơn vị này đã giải quyết được 10/37 điểm đen ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, trong thời điểm này, thành phố lại phát sinh thêm 8 điểm ùn tắc mới. Từ đầu năm đến nay, Hà Nội xử lý được 2 điểm ùn tắc ở ngã tư Linh Đường - Nguyễn Hữu Thọ và cầu Thường Tín. Để giải quyết các điểm, nút giao phức tạp, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, đang nỗ lực đẩy nhanh các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố. Trong năm 2022, thành phố cần giải quyết thêm 35 điểm đen về ùn tắc còn tồn tại. Nạn ùn tắc giao thông đã trở thành vấn nạn của Hà Nội nhiều năm qua và không chỉ xảy ra ở vài chục "điểm đen” lớn mà cơ quan chức năng thống kê.

Tắc vẫn hoàn... tắc

Tiến sĩ Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - cho rằng, tình trạng ùn tắc giao thông ở Thủ đô bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, đó là do gia tăng dân số kéo theo phương tiện giao thông cá nhân tăng quá nhanh, tập trung vào nội đô; diện tích dành cho giao thông còn thấp; ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân chưa tốt…

Để giải bài toán này, Hà Nội phải giải quyết đồng bộ các vấn đề và không chỉ tập trung vào hạn chế phương tiện cá nhân. Thực tế ở các thành phố lớn trên thế giới đều hướng tới phát triển giao thông công cộng để giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, hiện nay, giao thông công cộng ở Hà Nội còn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Khi vận tải công cộng đã phát triển đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân vẫn cần phải có thêm các giải pháp đồng bộ khác đi kèm, như vậy mới có thể cải thiện ùn tắc, tiến tới giảm ùn tắc giao thông một cách bền vững. Về lâu dài, giải pháp giảm mật độ dân số tại khu vực trung tâm, nội thành phải bắt buộc thực hiện, trước mắt không cho xây thêm các trung tâm thương mại mới ở khu vực đông dân, từng bước di chuyển dân, cơ quan, trường học ra các khu mới, xa trung tâm, hình thành nhiều đô thị vệ tinh phân tán đều ở các vùng của Hà Nội.

Cũng về vấn đề này, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy khẳng định, chính việc phá vỡ quy hoạch cũng như gia tăng phương tiện cá nhân đã tạo áp lực quá lớn lên hạ tầng giao thông gây ra ùn tắc thường xuyên ở Hà Nội. Khi một số cơ quan, nhà máy được di chuyển khỏi nội đô thì thay vào đó lại là cao ốc mọc lên tầng tầng lớp lớp.

Một thực tế đáng buồn là nhiều khu đất của giao thông nhưng không để làm giao thông, điển hình nhất là Bến xe Kim Liên cũ sau khi liên danh với nước ngoài thì không hiểu lý do gì mà bến xe lại biến thành khách sạn Nikko. Ngoài ra, tình trạng tùy tiện điều chỉnh quy hoạch hay sai phạm trong quá trình thực hiện các dự án như xe buýt nhanh BRT đã khiến ùn tắc thêm nhức nhối.

Nếu không có sự kiên quyết xử lý những vi phạm và thực hiện đúng quy hoạch chung thì giải pháp gì cũng khó để có thể giải quyết hậu quả. Bởi dù Hà Nội đã đưa rất nhiều giải pháp chống ùn tắc giao thông, đầu tư xây dựng hạ tầng nhưng vẫn chưa đem lại nhiều hiệu quả.

Cũng theo ông Thủy, muốn giải quyết hiệu quả tình trạng ùn tắc giao thông phải có hệ thống kết nối giao thông đồng bộ triển khai theo quy hoạch. 

Cần tổ chức chốt trực hướng dẫn phân luồng đảm bảo an toàn giao thông tại các điểm, nút giao thông, khu vực các cổng trường học, bệnh viện nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý nhất là tình trạng các phương tiện dừng đỗ trái quy định gây ùn tắc và mất an toàn giao thông. Bên cạnh đó, đôn đốc các chủ đầu tư, nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ thi công, bố trí lực lượng phối hợp với các đơn vị chức năng hướng dẫn phân luồng giao thông. 

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo cho biết, giai đoạn 2020-2025 xác định tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố là một trong những tồn tại cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Theo ông Bảo, Hà Nội sẽ tập trung triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ và giải pháp để giảm ùn tắc, tai nạn giao thông. Trước tiên rà soát, xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải Hà Nội. Đồng bộ, hiệu quả công tác quản lý quy hoạch xây dựng, huy động mọi nguồn lực, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, tăng diện tích đất phục vụ giao thông.

 

Theo Phạm Đông/Lao động

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây