Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Giáo dục Việt Nam và những tiếng nói trung thực

Giáo dục là cốt tủy của văn minh và sẽ làm thành linh hồn của một dân tộc. Xây dựng một nền giáo dục tiến bộ và nhân văn, buộc phải trở thành mệnh lệnh của thời đại. Việc “bắt mạch” nền quốc học nước nhà là yêu cầu đầu tiên để “kê đơn bốc thuốc”, nhằm làm tráng kiện trở lại nền giáo dục ấy.

Giữa lúc toàn dân đang trông vào công cuộc đổi mới căn bản toàn diện Giáo dục do Ðảng cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, báo Văn Nghệ, trong ý thức công lợi và nỗ lực xây đắp của mình, xin góp vào công cuộc lớn lao ấy những tiếng nói tâm huyết của giới chuyên môn. Những người quan tâm tới giáo dục đang hy vọng vào một làn gió mới trong cải cách giáo dục sau Ðại hội Ðảng lần thứ XIII.

Với tinh thần đó, Văn nghệ xin trân trọng giới thiệu một số bài viết của nhà giáo Thái Hạo. Tác giả Thái Hạo là một nhà giáo, bởi thế ông là người hiểu một cách sâu sắc và khoa học những gì đang cản trở nền giáo dục của đất nước. Sự cất tiếng của ông chính là lương tâm của một công dân có trách nhiệm với nền giáo dục của đất nước và đặc biệt là lương tâm của một người thầy. Tuy chỉ là tiếng nói của một thầy giáo, nhưng những bài viết của ông sẽ gợi mở ra nhiều vấn đề liên quan đến giáo dục để chúng ta cùng suy nghĩ và bàn luận.

Bài 1 : Ðâu mới là gốc bệnh của giáo dục Việt Nam?

111

Hệ thống nhà nước đã thừa nhận sự yếu kém không thể làm ngơ của giáo dục và đề xướng một cuộc cách mạng gọi là “Đổi mới căn bản toàn diện”. Tuy nhiên việc dồn tổng lực vào việc viết chương trình và soạn sách giáo khoa, dù chính đáng, nhưng đã không trị đúng gốc bệnh.

Giả sử các nhà chuyên môn viết được một chương trình tốt và sách giáo khoa hoàn hảo, rồi thì sao nữa? Anh không thể gieo một hạt giống tốt lên cát bỏng, lại càng không thể gieo lên cỏ độc, để mong một vụ mùa bội thu. Trước khi trồng cây thì phải làm đất. Mảnh đất tôi đang nói đến ở đây chính là Quản lý hành chính nhà nước về giáo dục.

Chừng nào tình trạng “quan giáo dục”, “lãnh chúa giáo dục” còn tồn tại thì chừng ấy không một cải cách hay đổi mới nào có thể thành công. Chừng nào người giáo viên còn chịu sự quản lý có tính chuyên chế trong các môi trường giáo dục bởi một hệ thống mệnh lệnh hành chính thì chừng ấy họ không thể phát huy được năng lực của mình. Chừng nào mà người giáo viên vẫn chỉ là những kẻ làm thuê thuần túy đúng nghĩa theo kiểu làm công ăn lương thì không thể mong một sự sáng tạo. Số phận giáo viên nằm trong tay người quản lý, từ hiệu trưởng đến lãnh đạo các cấp trong ngành giáo dục, mà ở đó những thứ “bất thành văn” và “phép vua thua lệ làng” mới chính là áp lực thật sự đối với họ.

Chỉ một ví dụ thôi: Một giáo viên Văn có thể bị một thành viên Ban giám hiệu có chuyên môn Toán học vào dự giờ và đánh giá theo phong cách của một nhà bách khoa! Không có tiêu chuẩn khách quan nào cho những lời nhận xét ấy. Tất cả tùy vào “tình cảm” của lãnh đạo. Hãy tưởng tượng, nếu trong một tháng mà liên tiếp bị dự giờ như thế chỉ cần ba lần thôi, cùng với những lời như “múc nước đổ đi” thì không một giáo viên nào còn đủ tự tin và dũng khí để làm theo kiến thức và lương tri của mình nữa.

Điều này tôi đã viết nhiều lần: cần một cơ chế tự chủ về chuyên môn. Ở đó, không ai được phép can thiệp vào chuyên môn của người giáo viên, mà chỉ có những “sinh hoạt chuyên môn” của tổ bộ môn. Người giáo viên phải được độc lập và được trao quyền tối cao đối với chính công tác dạy học của mình. Tất nhiên, một vấn đề khác sẽ phải được giải quyết song song: chất lượng đào tạo giáo viên từ đại học sư phạm phải đáp ứng được những chuẩn mực có tính quốc tế đối với một nhà sư phạm.

Tôi đã đặt ra một câu hỏi: nếu trường sư phạm đào tạo được một người giáo viên tốt thì anh ta có còn giữ được những phẩm chất tuyệt vời ấy khi bị ném vào một môi trường mà tự do đã bị tước đoạt cùng vô vàn những nhiêu khê từ hệ thống quản lý? Và tôi tin rằng, người giáo viên ấy sẽ bị mài nhẵn, bị cùn mòn, nếu không bị “thoái hóa biến chất”.

Cái cung cách quản lý giáo dục như hiện tại ở Việt Nam chỉ có thể tạo ra những giáo viên “ngoan ngoãn” và luôn đi theo những “hành lang hẹp và tối”. Cần phải cởi trói cho giáo viên và giáo dục nói chung, nếu còn muốn mộng đến một tương lai.

Nếu ngành giáo dục và nhà nước nói chung thực tâm muốn đổi mới thì việc đầu tiên phải làm là quyết liệt “cải cách hành chính” trong giáo dục. Không làm được việc này thì mọi loay hoay về chương trình và sách giáo khoa cũng chỉ mãi như bao nhiêu những cải cách trong suốt mấy chục năm qua với một kết quả mà tất cả đã nhìn thấy.


Tác giả: Thái Hạo
Nguồn Văn nghệ số 32/2021

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây