Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Hà tất cứ phải "hành hạ" lẫn nhau với lịch học online kín mít?!

Nếu quả như các nhà giáo dục nghĩ cho trẻ, tính đến hiệu quả thực chất của giáo dục thì chắc chắn sẽ không có những lịch học dày đặc, ám ảnh đến vậy!

 
111
Học sinh "mệt phờ" vì lịch học online kín mít từ sáng tới chiều. (Ảnh minh họa)

Phụ huynh, học sinh "mệt phờ" vì lịch học online kín mít từ sáng tới chiều - có lẽ hàng triệu phụ huynh trên cả nước ở thời điểm này đều cảm thấy đồng cảm và như nhìn thấy chuyện nhà mình ngay trong những nội dung chia sẻ ở bài viết này (đăng trên Dân trí ngày 9/10).

"Thời khóa biểu của con y như khi đi học trực tiếp. Ngày nào cũng 4, 5 tiết; giữa các tiết có nghỉ khoảng 10 phút. Ngồi lâu trước máy tính, con ngáp ngắn ngáp dài. Con học, mẹ cũng phải "quay cuồng" học theo" - tâm sự của một phụ huynh có con đang học lớp 4 ở Hà Nội.

Phụ huynh Trần Văn Lương (Cầu Giấy, Hà Nội) có con gái học lớp 5 thì cho biết, buổi sáng, thời gian học kéo dài từ 8h đến 10h45. Buổi chiều là buổi học phụ, bắt đầu từ 14h30 và kết thúc lúc 17h. Dù học trực tuyến, các con vẫn học đủ môn, từ Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, đến Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục. Sau mỗi tiết học, trẻ chỉ có 5 phút nghỉ giải lao.

Thậm chí, với những học sinh vừa mới chân ướt chân ráo vào lớp 1, sau khi "tập dượt" từ tháng 8 thì bắt đầu bước vào năm học mới, trẻ cũng đã phải học 2 buổi sớm chiều. Một số phụ huynh nói với người viết, họ thấy "hoang mang" vì thời gian con ngồi trước thiết bị điện thoại hoặc máy tính quá lâu.

Trên góc độ cá nhân của người viết, cũng là một người mẹ đang có con trong độ tuổi học tiểu học, việc tổ chức học online là lựa chọn phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đã xác định "sống chung với dịch", chúng ta buộc phải thích nghi và chẳng còn cách nào khác là sắp xếp thời gian để đồng hành cùng con.

Nói gì thì nói, nếu vẫn muốn đảm bảo lộ trình học bình thường cho con (không xin nghỉ, không khiến con gián đoạn việc học) thì chỉ có thể học online mới hạn chế được rủi ro lây nhiễm cho trẻ. Trường học vốn có mật độ tập trung đông người qua lại, trẻ lại hiếu động và còn thiếu kinh nghiệm, chỉ cần xuất hiện F0 lập tức sẽ khiến công tác truy vết trở nên phức tạp, ảnh hưởng lớn đến xã hội.

Hơn nữa, nhìn ở góc độ tích cực thì phương thức này cũng yêu cầu phụ huynh dành thêm nhiều thời gian để quan tâm đến quá trình học tập của con cái chứ không thể phó mặc hoàn toàn cho nhà trường.

Tuy nhiên, nói đi phải nói lại, cái gì "quá" cũng đều không tốt, thậm chí là phản tác dụng. Không ít tình huống "dở khóc dở cười" xảy ra khi những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn "gục xuống" trước màn hình máy tính/điện thoại.

Không phải gia đình nào cũng có thể "kèm cặp" con cái một cách sát sao, và thế là nghìn lẻ một chiêu trò ở lứa tuổi "nhất quỷ nhì ma" để trốn học, nào là hỏng camera hay mạng yếu… Cô thầy giảng cứ giảng còn trò thì chơi game, online "chat chít". Rồi thì đâu phải gia đình nào cũng đủ thiết bị và internet cho con học online?!

Lịch học quá dày còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thể chất và cả tinh thần đối với trẻ. Vốn dĩ trẻ đã thiếu môi trường vận động nay lại phải ngồi suốt ngày. Đó là chưa đề cập đến các cuộc thi trực tuyến với muôn hình vạn trạng để chạy đua thành tích. Học sinh quay cuồng, phụ huynh chóng mặt và cô thầy cũng… vật vã!

Trẻ con thời nào cũng vậy, "mỗi ngày đến trường là một ngày vui". Thời buổi dịch giã, trẻ đã rất thiệt thòi vì không thể đến lớp gặp thầy cô và bè bạn thì cũng đừng khiến việc học trở thành gánh nặng, thành nỗi sợ ám ảnh tuổi thơ.

Thực tế là ngay từ khi năm học mới bắt đầu, từ trung tuần tháng 9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đưa ra rất rõ "đề bài" với Bộ Giáo dục và Đào tạo, đó là giảm tải chương trình phù hợp với điều kiện và phương thức học trực tuyến, học qua truyền hình. Hướng dẫn tổ chức tiết học, giờ học tránh quá căng thẳng hoặc hình thức, hời hợt.

Đặc biệt, lãnh đạo Chính phủ cũng lưu ý đến phương châm "học mà chơi, chơi mà học" đối với học sinh bậc tiểu học và các tác động tiêu cực đối với sức khỏe, tâm sinh lý của các cháu khi phải tiếp xúc nhiều với máy tính, điện thoại, tivi.

Tại Công điện số 905/CĐ-BGDĐT gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức dạy học ứng phó với diễn biến dịch Covid-19 yêu cầu không thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ trong khoảng thời gian này với học sinh lớp 1, lớp 2.

Tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 6.9, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết phải tận dụng mọi điều kiện, cơ hội, là dù khó khăn đến đâu cũng phải tổ chức dạy tốt, học tốt. Theo đó, thời khóa biểu phải được sắp xếp một cách khoa học, đảm bảo tỉ lệ hợp lý giữa các môn học, phân bổ hợp lý về thời lượng dạy học trong tiết học/buổi học, thời điểm tổ chức học trong ngày và trong tuần phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, không gây áp lực đối với học sinh.

Như vậy, chủ trương thì đã có, chỉ còn chờ hành động của ngành và của nhà trường mà thôi! Tôi tin là các nhà quản lý giáo dục, nhà trường và cô thầy đứng lớp cũng không phải không thấy được những bất cập trong việc bố trí thời khóa biểu, sắp xếp chương trình. Vấn đề là giáo dục đang đặt kiến thức làm trung tâm, trẻ làm trung tâm hay thành tích làm trung tâm?

Nếu quả như các nhà giáo dục nghĩ cho trẻ, tính đến hiệu quả thực chất của giáo dục thì chắc chắn sẽ không có những lịch học dày đặc, ám ảnh đến vậy!


Theo Bích Diệp/Dân trí

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây