Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Hàng loạt dự án lớn, trọng điểm không thể cán đích 2020

111
Cầu Thủ Thiêm 2 (nối Quận 1 và Quận 2, TPHCM) là dự án lớn, có tổng vốn đầu tư 3.082 tỉ đồng
nhưng chưa thể hoàn thành trong năm 2020. Ảnh: M.Q

Chậm trễ, vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng và những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 là nguyên nhân khiến nhiều dự án hạ tầng trọng điểm tại các thành phố lớn như TPHCM và Hà Nội không thể về đích đúng tiến độ trong năm 2020.

4 dự án 18.000 tỉ đồng lỡ hẹn

Thông tin từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) dẫn số liệu từ Sở GTVT TPHCM cho thấy, 4 công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải có quy mô đầu tư lên tới 18.000 tỉ đồng sẽ không thể về đích đúng hẹn trong năm 2020. Các dự án này gồm cầu Thủ Thiêm 2, bốn tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, nút giao thông Mỹ Thuỷ và dự án sửa chữa, nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Trong đó Dự án cầu Thủ Thiêm 2 (nối quận 1 và quận 2) có tổng vốn đầu tư 3.082 tỉ đồng đã thi công đạt 70% khối lượng. Hiện dự án còn vướng đền bù giải toả 11.114m2 đất nhà máy Ba Son, 1.607m2 đất của Bộ Tư lệnh Hải Quân và 158,7m2 đất do Văn phòng Chính phủ quản lý; Dự án xây dựng bốn tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) có tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 12.000 tỉ đồng, đã thi công đạt 85% khối lượng. Hiện dự án đang tạm ngưng thi công do một số vị trí vướng mặt bằng chưa được giải toả; Dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thuỷ (Quận 2) có mức đầu tư giai đoạn một là 838 tỉ đồng và giai đoạn hai là 1.435 tỉ đồng, đã thi công đạt 45% khối lượng. Hiện các hạng mục xây dựng các nhánh đường quanh nút giao đang tạm dừng thi công để chờ giải phóng mặt bằng; Dự án sửa chữa, nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) có vốn đầu tư là 472,9 tỉ đồng đã thi công được 35% khối lượng. Dự án bị chậm tiến độ do chủ đầu tư chưa giải quyết được những vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công dự án.

Trong báo cáo gửi lên UBND TPHCM, Sở GTVT kiến nghị thành phố xem xét, chỉ đạo các chủ đầu tư chủ động nghiên cứu và tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công dự án.

Các cụm công nghiệp Hà Nội ỳ ạch

Trong khi đó trên địa bàn Hà Nội, ngoài hai dự án lớn về hạ tầng giao thông là tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông và tuyến đường sắt trên cao Nhổn - Ga Hà Nội đến hết năm 2020 vẫn chưa thể vận hành thương mại, nhiều dự án lớn trong xây dựng cụm công nghiệp cũng chưa thể về đích đúng tiến độ.

Đáng chú ý trong số này có 5 dự án cụm công nghiệp được thành lập từ năm 2018, gồm cụm công nghiệp Đình Xuyên (7,81ha, huyện Gia Lâm), Thiết Bình (22,21ha, huyện Đông Anh), cụm công nghiệp làng nghề Phú Yên (10ha, huyện Phú Xuyên), cụm công nghiệp làng nghề Đại Thắng (7,37ha, huyện Phú Xuyên) và cụm công nghiệp làng nghề Phú Túc (5,94ha, huyện Phú Xuyên).

Các dự án trên dự kiến sẽ thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ quý III/2018 đến quý IV/2020 và theo đó đến hết năm 2020 sẽ triển khai xong việc đầu tư hạ tầng để thu hút các doanh nghiệp thứ phát vào đầu tư sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, cả 5 cụm công nghiệp có quyết định thành lập năm 2018 đều gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, chưa thể khởi công xây dựng và quá thời hạn tiến độ quy định.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội - ông Nguyễn Văn Sửu - việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cụm công nghiệp trên địa bàn là hết sức cấp thiết và cấp bách, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội của Hà Nội. Tuy nhiên, dù Hà Nội và các sở ban ngành có nhiều chỉ đạo và giải pháp cụ thể hướng dẫn các địa phương và chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhưng kết quả triển khai thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn nhìn chung còn chậm so với tiến độ, chưa đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi thực tế về mặt bằng sản xuất tại các địa phương.
 

Theo Cẩm Hà/Lao động

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây