Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Họ đang sống và nghĩ như thế nào?

AI SẼ LÊN TIẾNG VÌ NGƯỜI KHÁC

Nguyễn Thị Phước

Hôm nay, ngày 6-9-2021, Hà Nội giãn cách quyết liệt bước vào đợt thứ tư (tức là thực hiện phòng chống dịch Covid theo chỉ thị 16 tăng cường, còn gọi là 16+); cùng với đó là ban hành mẫu giấy đi đường mới. Còn thành phố Vinh, sau ba đợt giãn cách, trong đó có một đợt 16+; sau ba lần cho dân “ngoáy mũi”, trong đó, một lần đại diện tất cả các hộ gia đình và hai lần xét nghiệm đại trà; thì những phường/ xã hoặc khối xóm không có F0 được “xuống 16”, tức là từ “ai ở đâu ở yên đó” về mức, cứ ba ngày, mỗi hộ có một người được ra khỏi nhà một lần vào khung giờ 7-9h hoặc 15-17h, đến siêu thị ở trên địa bàn phường mình để mua thực phẩm. Nhà tôi may mắn ở trong “vùng xanh” này.

111
Nhà văn Nguyễn Thị Phước (Vinh)  Hoa vẫn nở

Mới 8h, Facebook đã tràn ngập ảnh Hà Nội ùn tắc, tràn ngập tiếng than vãn, la ó, chửi mắng cơ quan chức năng, mà theo họ, Hà Nội đã áp dụng những sai lầm để gây ra cái chết của hơn chục ngàn người ở Sài Gòn trước đó.

Các facebooker ở Vinh cũng không thua kém; họ đưa tin về giá cả, về phạt, về chuyện xin xỏ cãi vã, chuyện gọi điện nhờ vả; mô tả các siêu thị đông nghẹt, xếp hàng cả giờ vẫn chưa đến lượt vào. Cái khung giờ sẽ có khả năng khiến nhiều người ra về tay trắng,...

Tôi không nghĩ ra, phường mình có cái Vinmart+ nào. Thường tôi đi Big C, nó giờ chỉ có thể phục vụ bà con phường Quang Trung. Tôi mở cổng, xách túi đi, rồi lại mở cổng, xách túi vào, vì vẫn không nghĩ ra đi đâu. Sau khi ngắm giàn hoa giấy vẫn rực rỡ cả tháng nay chẳng ai ngắm, lại xách rổ cầm kéo ra vườn. Tôi chán ăn rau vườn nhà vì cả tháng quanh đi quẩn lại, hết luộc, xào, lại canh rau ba bốn năm thứ lá, dù chúng sạch và xanh non mướt mát, và may mắn có tôm có thịt chứ chẳng phải “không người lái”.

Khi hàng triệu người đang thèm đang đói rau, thì tôi lại chán rau, rau sạch! Lại nghĩ, báo chí và cả trên Facebook đã đưa, bà con vùng rau Nghi Lộc, Nam Đàn, giờ đang khóc vì rau cắt bỏ ngoài ruộng do không đem vào Vinh bán được; còn chị bạn ở “vùng đỏ”, nhờ “đi chợ hộ” thì chỉ tiền rau một bận đã hết tiền thức ăn cho một ngày.

Lại nhớ, hồi con gái út ở nhà, có hôm nó hỏi: “Mẹ, bữa nay nhà ta ăn canh chi?”. Chưa kịp trả lời, thì nó gài: “Mẹ đừng nói là canh rau vặt, nhá!”. Chưa kịp ừ, nó lại tiếp: “Mẹ cũng đừng nói là canh mướp, nhá”. Nhưng mới sang Nhật mấy tháng, nó đã than, con thèm rau quá! Đấy, có phải cứ muốn công bằng là được đâu, dù chỉ là rau thôi!

Nhìn vườn rau, tôi nghĩ, cứ ngăn sông cấm chợ mãi, thì với khả năng tự cung tự cấp như mình, câu nói của một ông lãnh đạo “Tiền nhiều để làm gì?” cũng chẳng đến mức phi lí mà phải xôn xao, nhỉ? Dù câu đó là ông dành cho các ông bà lãnh đạo, khi kêu gọi họ đừng tham, là hãy đặt danh dự lên cao!

Tôi thừa rau, tôi chán rau. Tôi cho mọi người xung quanh, vì họ quý; còn mình để nó cũng già cũng hỏng.

Nhưng chả ai chán tiền. Tiền nó biết sinh đẻ, nó có chỗ cất an toàn ở các ngân hàng nước ngoài với mọi thể chế, nó vào đất vàng, biệt phủ; họ có con nọ vợ kia, rồi chơi golf, rồi hộ chiếu thứ hai, hay cặp kè hoa khôi hoa hậu,... Thì bao nhiêu để họ thấy đủ?

Vậy thì lời kêu gọi ấy có ý nghĩa không nhỉ?

Những cú tham nhũng/ làm thất thoát hàng chục tỉ, trăm tỉ, ngàn tỉ; cũng có bao kẻ vào “lò”, mà tiền mồ hôi nước mắt xương máu của nhân dân có đòi lại được là bao! Công nhân lương không nuôi nổi con, phải gửi con cho ông bà nuôi hộ; nông dân được mùa mất giá được giá mất mùa. Nếu thu được tiền tham nhũng; nếu đừng đổ vào tượng đài hay các trò khuếch trương, thậm chí nguy hại như phun khử khuẩn đường phố,... thì đâu có người chết oan vì thiếu máy thở, vì không được chữa trị với các bệnh khác; cũng đâu khan hiếm vaccine đến nỗi “ông ngoại” phải ra tay, các lãnh đạo cao cấp phải đi xin viện trợ, trông chờ lòng tốt của người khác, còn các nhà văn nhà báo nhà ...vân vân, cùng các vị cao tuổi phải kêu ca, bức xúc vì chưa được tiêm? Mà những “nhà” được coi là trí thức tinh hoa, có vai trò tạo lập công luận, hầu hết chỉ biết ca thán trước hết vì chính quyền lợi của mình, chứ mấy ai nói vì người khác! Một người bạn bảo với tôi: “Nếu tiêm hết cho các bác ấy, liệu họ có còn quan tâm đến việc người cao tuổi bị đối xử bất công về vaccine?”

Đọc thấy bao lời mắng mỏ những người thiếu ý thức phòng chống dịch, đổ xô vào siêu thị, ra đường, gây ùn tắc và dễ làm lây lan dịch bệnh, tôi hiểu rằng, những người lớn tiếng ấy, nhà còn nhiều gạo, tủ lạnh còn đầy đồ ăn thức uống, túi còn tiền,...

Nhà thơ Hoàng Việt Hằng có lần bảo tôi: “Chị từng bị đói, nên giờ chị sợ đói lắm. Túng thiếu gì, thùng gạo nhà chị cũng cứ phải đầy”. Thế hệ tôi trở về trước, ở miền Bắc, có mấy ai không bị đói! Khi vào Nam dạy học, tôi hiểu vì sao người Nam bộ lại hào sảng, phóng khoáng thế. Họ chẳng chi chút, tích cốc phòng cơ, vì có biết đứt bữa là gì! Nhưng từ bây giờ thì họ đã biết. Là con corona nó dạy. Và ai trong chúng ta cũng được bài học, mọi sự phải dựa vào chính bản thân mình; nhưng đừng quên biết ơn những người đã giúp đỡ mình, luôn ở cạnh mình lúc khó khăn.

Những người tham mưu/ban hành các mệnh lệnh gây rất nhiều khổ nhọc cho dân có thật năng lực yếu kém đến mức ấy không? Tôi không tin thế. Chỉ là họ sợ không an toàn cho cái ghế đang ngồi mà thôi. Nhìn lại, vẫn có những người hưởng lợi từ những điều tưởng rất dở hơi ấy!

Đừng ai cho là, những ý kiến phản biện đều là của “thế lực thù địch”. Người dân ủng hộ Chính phủ chống dịch, không phải tất cả đều không biết có những mệnh lệnh của chính quyền các cấp là vi Hiến. Đó là tấm lòng của người dân Việt với đất nước. Người dân bỏ qua những cái sai ấy, vì quyền lợi của đa số, trong đó có họ. Nhưng nếu họ biết, cái sai nào chỉ vì quyền lợi một số ít, thì sẽ khác đấy. Những “công bộc” của dân cần hiểu điều này, để làm cho tròn chức trách của mình. Đó cũng là để bảo vệ tính chính đáng của chính quyền, và hơn thế!

Quyền căn bản nhất làm người, là quyền Nghĩ (dám nghĩ), quyền bày tỏ những điều thiết thân nhất, tâm huyết nhất; mà chúng ta- những người được học hành, làm công việc viết lách, còn chưa tự vượt qua nỗi sợ vô hình đã luôn phục trong ta, để thực hiện, để giành lấy; thì ta còn chưa thực sự trưởng thành, về cái ý thức công dân; chưa tự bảo vệ được cho mình, thì ai sẽ lên tiếng vì người khác?

Vinh, 6-9-2021


Nguồn Văn nghệ số 38/2021

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây