Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Làm giàu từ buôn đất không phải là hướng đi bền vững

111
Thêm một doanh nghiệp bỏ cọc thương vụ đấu giá đất Thủ Thiêm. Ảnh: A.D

Liên tiếp nhiều doanh nghiệp đấu giá trả mức tiền cao ngất ngưởng rồi bỏ cọc cho thấy làm giàu từ hưởng chênh lệch về giá đất không phải là hướng phát triển bền vững.

Cục thuế TP.HCM vừa cho biết Công ty TNHH đầu tư và kinh doanh thương mại Bình Minh có văn bản đề nghị huỷ hợp đồng trúng đấu giá lô đất 3-9 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức). Lô đất này có diện tích 5.000m2, được trả giá 5.026 tỉ đồng.

Lý do công ty đưa ra là do tình hình COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh nên không đủ vốn để đầu tư. Như vậy, công ty này sẽ bỏ cọc khoản tiền 140 tỉ đồng.

Trước đó, Công ty Ngôi Sao Việt, thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã gửi văn bản gửi đến các cơ quan chức năng TP.HCM xin đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán lô đất 3-12 diện tích gần 10.060 m2 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm với số tiền trả đấu giá 24.500 tỉ đồng, chấp nhận bỏ số tiền cọc gần 600 tỉ đồng.

Hai sự kiện nói trên cho thấy khả năng rủi ro cao khi đầu tư số tiền quá lớn vào các khu đất “vàng”, “kim cương” với mong muốn thu siêu lợi nhuận từ chênh lệch giá đất.

Tại thời điểm thị trường bất động sản lên cơn sốt, nhiều chuyên gia đã cảnh báo về hiện tượng bong bóng bất động sản và những hệ lụy khôn lường khi lao theo những cơn sóng bất tận về giá đất.

Đất đai là tài nguyên quý giá, các khu đất có lợi thế sẽ đem lại cơ hội đầu tư, sinh lời lớn. Tuy nhiên không có nghĩa là giá đất được “thổi” lên đến mức không tưởng, khoảng 2,4 tỉ đồng/m2. Bởi vì, dù có vị thế đắc địa đến đâu, đất cũng không thể “đẻ” ra tiền. Đất chỉ có thể làm nơi sinh sống và mặt bằng sản xuất, kinh doanh.

Người có tiền sẽ chọn các khu đất đắc địa để sinh sống hoặc sản xuất, buôn bán. Tuy nhiên, khi giá đất bị đẩy lên quá cao thì sẽ tạo ra lực cản rất lớn, do vượt quá khả năng chi trả của nhiều người.

Trường hợp giá đất quá cao, việc buôn bán, kinh doanh sẽ không thể đủ lợi nhuận để bù đắp chi phí mua đất, thuê mặt bằng, lúc đó buộc nhà đầu tư chọn vị trí khác có giá cả phù hợp hơn.

Trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, công nghệ 4.0 với nhiều phương tiện thanh toán trực tuyến và nhiều dịch vụ trực tuyến, giao thông phát triển, thì lợi thế về đất đai, mặt bằng không phải là yếu tố quyết định thu hút sự quan tâm của khách hàng.

Đơn cử, khách hàng sẽ quan tâm đến chất lượng, mẫu mã, giá cả, dịch vụ hậu mãi của sản phẩm chứ không quan tâm đến việc trụ sở doanh nghiệp ở đâu. Với điều kiện giao thông và các tiện ích dịch vụ ngày càng phát triển, người dân sẽ chọn địa điểm sống ở ngoại ô thay vì chọn sống ở trung tâm đô thị lớn chật chội, ồn ào và giá nhà, đất quá đắt đỏ.

Đất là tài nguyên vô cùng quý giá nhưng lại có hạn, trong khi chỉ có trí tuệ, khoa học, công nghệ mới có khả năng phát triển không ngừng và đem lại những giá trị vô tận, làm thay đổi cuộc sống con người theo hướng ngày càng tốt đẹp hơn.

Thiết nghĩ, thay vì đầu tư vào đất đai, với tư duy “để cho con cháu mảnh đất làm vốn”, chúng ta hãy đầu tư phát triển học vấn, trí tuệ cho con em, bởi đó mới là tài nguyên vô giá và vô tận.

 
 
Theo Quang Đại/Lao động
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây