Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Lựa chọn môn học lớp 10: Đau đầu hơn cả chọn trường

Chưa kịp vui mừng vì con trúng tuyển vào trường THPT công lập mong muốn, nhiều gia đình tỏ ra bối rối, lo lắng khi phải đưa ra quyết định lựa chọn tổ hợp môn học lớp 10 sắp tới.
111
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ áp dụng đối với lớp 10 từ năm học 2022-2023. Ảnh: Tường Vân

Nếu chọn sai, khó quay đầu

Sau nhiều lần đặt bút, chị Đinh Thị Thu Thảo (quận Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn chưa thể hoàn thành tờ đơn đăng kí lựa chọn tổ hợp môn học cho con chuẩn bị bước vào lớp 10 bởi chị cho rằng, con gái chị học bình thường tất cả các môn nên việc lựa chọn tổ hợp khá khó khăn.

"Nếu đăng kí cho con tổ hợp tự nhiên thì sau này nếu con không theo được còn có thể đổi qua xã hội được, còn nếu học tổ hợp xã hội thì rất khó để quay sang khối tự nhiên bởi kiến thức nặng về tư duy, tính toán.

Chưa kể, còn phải cân nhắc xem chọn nghề nào hợp với khả năng của con và có thể đáp ứng nhu cầu xã hội trong vài năm tới hay không” – chị Thu Thảo bày tỏ lo lắng.

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018 khối lớp 10. Theo đó, ngoài tám môn bắt buộc (gồm cả môn Lịch sử được điều chỉnh thành môn vừa có phần tự chọn, vừa có phần bắt buộc), các trường phải xây dựng các tổ hợp môn tự chọn để học sinh lựa chọn tùy theo sở thích, năng lực.

Điều này đồng nghĩa với việc ngay từ lớp 10, các bậc phụ huynh đã phải xác định và định hướng nghề nghiệp tương lai cho con em. Điều này khiến không chỉ chị Thảo mà rất nhiều phụ huynh khác băn khoăn, lo lắng vì lo sợ nếu chọn sai sẽ ảnh hưởng đến định hướng tương lai của con. 

Bối rối khi lựa chọn

Dù đã chủ động tìm hiểu về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 áp dụng với lớp 10 nhưng khi nhận được thông báo học sinh sẽ được lựa chọn 1 trong 6 tổ hợp môn tự chọn, em Mai Trà My (Cầu Giấy, Hà Nội) cảm thấy khá bất ngờ và có chút thất vọng.
 

 111
Trà My phân vân giữa tổ hợp lựa chọn 4 và tổ hợp lựa chọn 5. Ảnh: NVCC 

"Em cứ nghĩ mình sẽ được tự lựa chọn những môn học mình yêu thích nhưng thực tế, nhà trường đã xây dựng 6 tổ hợp và em chỉ được lựa chọn trong số đó. Em đang băn khoăn giữa 2 tổ hợp môn khối C và D bởi trong tổ hợp môn lựa chọn của cả 2 khối này đều có các môn học không phải thế mạnh của em" - Trà My nói.

Cùng tâm trạng như Trà My, em Đào Đức Anh, học sinh lớp 10, Trường THPT Trần Phú (Quảng Ninh) cũng cảm thấy khá khó khăn trong việc lựa chọn môn học ở lớp 10.

Sau hồi lâu cân nhắc, nam sinh cũng đã quyết định lựa chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên với hy vọng, đây sẽ là tiền đề để sau này em có thể theo đuổi ước mơ về lĩnh vực Công nghệ thông tin.

Dù vậy, Đức Anh nhận định, khu vực em sinh sống là ở vùng nông thôn, nên việc tiếp cận thông tin còn gặp nhiều khó khăn. Đa số bạn bè em đều rất băn khoăn, bỡ ngỡ trước khi đưa ra quyết định lựa chọn môn học.

Không chỉ học sinh, mà các trường cũng đang bối rối khi phải điều chỉnh, sắp xếp lại các tổ hợp để học sinh lựa chọn. Thầy Lê Việt Dương - Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) thông tin, nhà trường đã công khai tổ hợp từ đầu tháng 5. Căn cứ điều kiện hiện có của nhà trường, phân chia thành 6 tổ hợp. Trong đó, 4 tổ hợp có môn Lịch sử và 2 tổ hợp không có môn học này. Tuy nhiên, với điều chỉnh của Bộ GDĐT, Lịch sử sẽ không còn là môn tự chọn. Điều này đồng nghĩa nhà trường sẽ phải có sự điều chỉnh, tăng thêm 1 số tiết môn Lịch sử ở các lớp còn lại.

“Ngay cả khi Bộ chưa điều chỉnh thì cũng đã có nhiều những khó khăn nhất định vì đây là năm đầu tiên áp dụng chương trình GDPT mới. Tuy nhiên, nhà trường vẫn phải khắc phục để triển khai và rút kinh nghiệm cho những năm học tiếp theo” – thầy Dương nói và chia sẻ thêm, về việc xây dựng, điều chỉnh tổ hợp môn, nhà trường vẫn phải chờ văn bản cụ thể của Bộ, của Sở GDĐT để có sự thống nhất khi đấy sẽ triển khai.

 

Theo Tường Vân, Trà My/Lao động
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây