Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Nạn dối trá trong giáo dục: Khi học sinh buộc phải tiếp tay

Sự dối lừa, phản giáo dục, và công khai gian trá được những 'nhà giáo dục' ấy gieo rắc và bắt ép trẻ thơ trở thành đồng phạm.
111
'Lại điểm 2' (Опять двойка), bức tranh nổi tiếng của họa sĩ, nhà giáo dục của Liên Xô Fyodor Reshetnikov vẽ năm 1952.

Mùa hè tới, những đứa trẻ đã bước vào mùa thi, nhiều nơi đã thi xong. Tôi ghé nhà một người bạn, thấy hai bố con đang trò chuyện. Thằng bé học lớp 5, mặt tỏ vẻ bất bình: “Con làm đúng hết, chắc chắn được 10 điểm luôn, nhưng phải cho bạn nhìn bài”.

Ông bố ngạc nhiên hỏi “Tại sao cho bạn nhìn bài, con không sợ cô giáo bắt phạt sao?”. “Không đâu bố ơi, là cô bảo thế. Cô xếp lại lớp, cho các bạn dốt ngồi bên các bạn giỏi, và dặn là phải cho bạn nhìn bài, bạn nào không cho là ích kỷ, là không được đâu…”. Tôi bàng hoàng.

Câu chuyện quá khó tin, làm sao lại có kiểu giáo dục ngu dốt và phá hoại như vậy! Tôi đi lòng vòng trong xóm, tới nhà vài người quen có con hoặc cháu đang học Tiểu học để hỏi. Thì ra đó là “phương pháp” chung, những đứa bé tôi hỏi đều vô tư xác nhận. Có một bé còn nói thêm, “Nhưng cháu giấu đi 1 bài, không cho bạn coi hết, vì nếu bạn chép hết thì cũng sẽ được 10 giống cháu luôn”!

Tôi gọi điện và nhắn tin cho vài người bạn có con cùng lứa đó nhưng đang ở những địa phương khác. Một cô bạn nói, từ năm con học lớp 2, đi thi về đã thấy con nói thế, đến giờ hết lớp 4, năm nào cũng vậy. Chưa hết, cô còn bắt học thuộc mấy bài văn mẫu đọc cho chép sẵn vào vở, để đi thi thì chép lại”. Không thể tin vào tai mình.

Ghé nhà một người bạn khác có con đang học lớp 4, thấy thằng bé đang chơi ở sân, tôi hỏi “Cháu thi học kỳ có làm văn được không?”. Thằng bé thẹn thùng đáp “Chỉ làm được một nửa”. “Sao lại chỉ làm được một nửa?”. “Vì cháu chỉ thuộc được nửa bài thôi, văn khó thuộc lắm”! “Sao cháu không tự viết mà lại phải học thuộc?”. “Cháu không biết viết, nên cô bắt học thuộc”…

Sau những tìm hiểu và dò hỏi, tôi xác nhận rằng tình trạng giáo viên xếp cho học sinh giỏi và học sinh kém ngồi lẫn lộn để copy bài nhau cũng như học thuộc văn mẫu để đi thi thì chép lại này là phổ biến. Chỉ không nắm được là nó có mặt ở tất cả các trường tiểu học trên cả nước hay không. Dù sao, đây là một tình trạng kinh hoàng trong nền giáo dục.

Những đứa trẻ con đang ở đội tuổi quan trọng nhất của sự hình thành nhân cách cho cả một đời người đã bị chính những giáo viên và nhà trường, nơi gánh vác sự mệnh cao cả nhất trong giáo dục con người, hủy hoại một cách tàn bạo. Sự dối lừa, phản giáo dục, và công khai gian trá được những “nhà giáo dục” ấy gieo rắc và bắt ép trẻ thơ trở thành đồng phạm. Những đứa trẻ bị đối xử bất công, và tước đoạt thành tựu học tập của mình một cách trắng trợn nhằm phục vụ cho căn bệnh thành tích đáng ghê tởm của họ.

Phần lớn cha mẹ không hiểu tác hại khủng khiếp của nạn văn mẫu. Nó giết chết cả cảm xúc, tư duy, lẫn khả năng sử dụng ngôn ngữ, biến những đứa trẻ trở thành ngọng nghịu ngay với tiếng mẹ đẻ của chúng. Không những thế, văn mẫu còn trực tiếp dạy trẻ con nói dối. Chúng phải viết cái mà chúng không nghĩ, nhận cái của người khác làm của mình. Những tâm hồn non nớt đã bị bôi đen, bị vấy bẩn ngay từ khi mới chập chững vào đời.

Phải thẳng thắn nhìn nhận để thấy rằng, đây là tình trạng phản giáo dục, công nhiên hủy hoại nhân cách con người. Đó là những dấu hiệu của một lối dạy học phi nhân phi pháp.

Vì đâu nên nỗi? Bộ GD-ĐT không được phép không biết. Cần mở một cuộc điều tra/xác minh; công bố mức độ phủ rộng của tình trạng này trên cả nước và đề ra các chính sách nhằm chấm dứt ngay lập tức tất cả những hành vi phản giáo dục này.

Một cách cơ bản và sâu xa nhất, những ung nhọt ấy cũng như các vấn nạn khác trong giáo dục, có nguồn gốc từ chủ trương và cách thức thi đua cùng bệnh thành tích trầm kha. Nếu không thay đổi căn bản quan điểm và đường lối giáo dục, những bệnh tật này không những không thể được chữa trị mà còn ngày càng trầm trọng thêm.

LẠI ĐIỂM 2

Lại điểm 2 (Опять двойка) là bức tranh nổi tiếng của họa sĩ Liên Xô Phyodor Reshetnikov, vẽ năm 1952.

Đây là bức thứ hai, trong bộ ba tác phẩm họa sĩ vẽ về đề tài thiếu nhi.

Bức tranh mô tả tâm trạng rầu rĩ của một cậu bé từ trường về, lại bị thêm một điểm 2. Tâm trạng của mẹ, chị, rồi cậu em, và đặc biệt là chú chó được diễn tả rất tài tình.

Về bức tranh này, nhà giáo dục, nhà tâm lý, Viện sĩ Viện hàn lâm giáo dục Liên Xô Shalva Amonashvili (sinh năm 1931) bình luận:

"Bức tranh này không phải được vẽ cho đối tượng trẻ con. Nó dành cho người lớn. Để những người lớn thấy rằng, không được đối xử với trẻ con như vậy. Mà cần phải ứng xử, đón nhận như cách con chó với cậu bé.

Đối với chú chó, thì thế nào cũng được, cậu bé về nhà với cái gì. Với điểm 2 ư, cậu ấy vẫn là người bạn. Với điểm 5 ư, vẫn là người bạn. Không nên nhìn nhận đứa trẻ qua điểm số. Điểm số - cũng chỉ là điểm số mà thôi. Có thể đứa con điểm 2 của bạn mai sau sẽ làm thay đổi cả thế giới. Đứa con điểm 3 của bạn sẽ thành nghị sĩ, hay là bộ trưởng, hoặc là một bác sĩ giỏi. Không phải điểm số quyết định, mà là cách cư xử của chúng ta với con mình ra sao".

Phan Việt Hùng


 
Theo Thái Hạo/NNVN
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây