Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Nghị định 38/2021/NĐ-CP: Vài chữ, đủ "bóp chết" báo chí

Vài ngày nữa, Nghị định 38/2021/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Văn hóa và Quảng cáo sẽ có hiệu lực, trong đó quy định về hành vi vi phạm quảng cáo trên báo điện tử.

10 năm trước, khi đi học ở Thụy Điển, tôi tìm hiểu về cách thức mà tờ báo Aftonbladet (tờ báo lớn nhất Thụy Điển, phát hành 1,4 triệu bản khi thời điểm ấy dân số Thụy Điển chỉ 9 triệu người) làm quảng cáo trên ấn bản điện tử của họ. Dưới một bản tin về tai nạn xe do đường cao tốc đóng băng, là một ô quảng cáo lốp xe chống trơn trượt cho mùa đông, và dưới nữa là một bài tư vấn chọn lốp xe. Bài báo ấy được ẩn đi và bạn chỉ đọc được nó nếu trả phí. Còn nếu không muốn trả phí thì bạn click vào quảng cáo để nhận pass đọc bài đó. Như vậy việc quảng cáo “lẫn vào phần nội dung tin, bài”, quảng cáo theo ngữ cảnh (context advertising) là phương thức hữu ích của báo chí điện tử.

Thế nhưng Nghị định 38 quy định phạt tiền 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng về hành vi vi phạm: “Thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin, bài”. Nếu áp dụng quy định này, thì chúng ta đang đi ngược lại sự phát triển công nghệ AI, đi ngược lại xu hướng phát triển của báo chí.

Khoản 2 Điều 38 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu “chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định vượt quá 1,5 giây”. Điều này cực vô lý. Tôi không hiểu căn cứ vào đâu để đưa ra quy định này. Các mạng xã hội như Facebook và các nền tảng OTT (ứng dụng âm thanh và Video trên internet) không hạn chế thời gian bật/ tắt quảng cáo, ngay cả Youtube cũng hạn chế thời gian chờ ở mức 5 giây. Người dùng cũng đã được trao quyền block ad, chặn quảng cáo. Vậy mà Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định trên 1,5 giây là phạt, là sao?

Với quy định này, tất cả các tin bài trên báo điện tử không thể giúp quảng cáo vì thời gian dừng lại đọc bài của độc giả trước khi quyết định đọc tiếp hay thoát ra thường không quá 5 giây. Cấm đoán thế này là bóp chết quảng cáo báo chí. Như vậy có nghĩa là nguồn thu quảng của báo chí Việt Nam sẽ rơi vào các trang mạng, báo chí và nền tảng MXH nước ngoài. Nguồn thu sẽ mất và thuế cũng mất nốt. Và khi báo chí mất nguồn thu do quy định vô lý, sức mạnh của nó sẽ kém đi. Các biển quảng cáo cố định trên web hiện chỉ chiếm 5-10% tổng thu quảng cáo (thậm chí thấp hơn nhiều) của báo chí, và nguồn thu chủ yếu sẽ mất. Dịch vụ quảng cáo trên báo chí hiện chiếm thị phần cực thấp, sẽ tiếp tục bé đi và mất hẳn. 

Luật quảng cáo 2012 (Luật số 16/2012/QH13) ra đời đúng ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, 21/6/2012. Nhưng mãi suốt 9 năm không có hướng dẫn cụ thể về việc phạt các vi phạm quảng cáo tương ứng. Khoảng trống nghị định suốt gần 2 nhiệm kỳ Quốc hội và Chính phủ chắc chắn thuộc về lãnh đạo Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch, cơ quan có nhiệm vụ xây dựng dự thảo Nghị định.

Ngày 29/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 38/2021 Quy đinh về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Văn hóa và Quảng cáo. Trong đó có quy định xử phạt về quảng cáo trên báo điện tử. Trong quá trình này, giới báo chí và cơ quan quản lý nhà nước về báo chí không được lấy ý kiến dù liên quan đến họ.

Từ gần một thập niên, xu hướng đọc của độc giả/ người dùng đã thay đổi. Lượng tiếp cận bạn đọc qua báo in chỉ còn vài đến vài chục phần trăm so với trước, dù lượng độc giả thực tế tăng vùn vụt. Tất cả tiếp cận qua báo điện tử. Tuyệt đại đa số cơ quan báo chí hiện nay tự chủ 100% tài chính. Do vậy, các quy định về quảng cáo sẽ quyết định sự lớn mạnh, tồn tại hay thoi thóp tụi tàn của cơ quan báo chí.

Tôi nghĩ quy định này cần được sửa đổi. Chính phủ cần tạm dừng thời gian có hiệu lực của Nghị định 38, hoặc tạm dừng áp dụng Điều 38 của Nghị định này. Bộ văn hóa Thể Thao Du lịch nên có một dự thảo nghị định khác, với cách xây dựng luật sát thực tiễn hơn. Dù thời điểm có hiệu lực của Nghị định 38/2021/NĐ-CP (1/6/2021) chỉ còn vài ngày.

 

Nhà báo Nguyễn Đức Hiển
Phó Tổng biên tập báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây