Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


NHÀ NGHIÊN CỨU GIÁO DỤC, DỊCH GIẢ NGUYỄN QUỐC VƯƠNG: Đọc sách để hiểu giá trị thật sự của cuộc đời mình nằm ở đâu…

Những năm gần đây, nhà nghiên cứu giáo dục, dịch giả Nguyễn Quốc Vương được biết đến nhiều qua những hoạt động khuyến đọc trong cộng đồng và những nỗ lực trong việc cải cách sách giáo dục tại Việt Nam. Từng theo học cao học tại Nhật Bản, từng là giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội và trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành, hiện Nguyễn Quốc Vương lựa chọn viết sách, dịch sách và chú trọng vào hoạt động khuyến đọc.

Xin được bắt đầu cuộc trò chuyện với anh từ giải Sách Hay 2020. Cuốn sách Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản của anh đã được ghi nhận ở hạng mục sách Giáo dục. Điều gì đã thôi thúc anh viết nên cuốn sách này?

Cuốn sách này ghi lại những gì tôi cảm nhận, trải nghiệm, tìm hiểu được về giáo dục Nhật Bản trong khoảng 10 năm (2006-2016). Cuốn sách tập hợp những bài viết, bài báo, tiểu luận tôi viết và công bố về giáo dục Nhật Bản trong cái nhìn so sánh với giáo dục Việt Nam trong khoảng thời gian này. Khi đến Nhật, tôi có một độ lùi nhất định cả về không gian và tầm nhìn để bình tĩnh nhìn nhận giáo dục Việt Nam ở nhiều góc độ. Bên cạnh đó việc tiếp xúc trực tiếp với giáo dục Nhật Bản, tìm hiểu về nó giúp cho tôi hiểu hơn những vấn đề của giáo dục Việt Nam bởi vì là một nước đi trước, những vấn đề mà Việt Nam đang gặp phải, Nhật Bản đã từng trải qua hoặc đối mặt rất lâu trước đó. Trong quá trình tìm hiểu, so sánh đó, tôi công bố dần các bài viết, tiểu luận trên báo và tạp chí để rồi khi về nước (2017) tôi tập hợp lại thành sách. Cuốn sách ra đời từ mong muốn đóng góp một chút gì đó vào công cuộc cải cách giáo dục đang diễn ra hiện nay.

111

Nhà nghiên cứu giáo dục, dịch giả Nguyễn Quốc Vương sinh năm 1982 tại Bắc Giang. Anh đã dịch và viết khoảng 70 cuốn sách về giáo dục, lịch sử, văn hóa. Một số cuốn tiêu biểu có thể kể như:

- Sách dịch: Cải cách giáo dục Việt NamPhẩm cách quốc giaThư nhà

- Sách viết: Đọc sách và con đường gian nan vạn dặmGiáo dục Việt Nam học gì từ Nhật BảnMôn sử không chán như em tưởngĐường xa nghĩ về giáo dục Việt NamĐi tìm triết lý giáo dục Việt Nam

Giải thưởng: giải Sách Hay 2020 dành cho cuốn sách Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản.

- Là người có những nghiên cứu, nhìn nhận và tiếp cận ở một góc độ riêng, anh đánh giá như thế nào về sách giáo dục ở nước ta? Theo anh, sách giáo dục ở ta hiện nay có cần phải thay đổi?

Mảng sách giáo dục ở nước ta có một sự mất cân đối giữa sách dịch và sách viết. Sách dịch phong phú hơn, gần với hơi thở cuộc sống hơn. Trong khi sách do người Việt biên soạn, viết ít và kém phong phú. Trí lực của những người làm giáo dục ở Việt Nam bị hút quá nhiều vào chuyện thi cử vì vậy nếu ra nhà sách ta sẽ thấy sách giáo dục do người Việt viết phần nhiều là sách phục vụ luyện thi, làm bài tập, bồi dưỡng thi học sinh giỏi, giải thích kiến thức trong sách giáo khoa, các bộ đề tuyển sinh… Khái niệm giáo dục bị thu hẹp tối đa khi sách về giáo dục chỉ có như vậy. Rất thiếu những cuốn sách mổ xẻ hiện trạng giáo dục ở nhiều góc độ, các cuốn sách về giáo dục Việt Nam từ sau 1975 đến nay, các cuốn sách phân tích các thực tiễn giáo dục. Mối quan tâm của dư luận đến giáo dục vì thế cũng chỉ quanh quẩn ở chuyện quan tâm tới SGK và thi cử là chính. Trong khi SGK chỉ là một trong số các tài liệu tham khảo chủ yếu ở trường học. Học sinh, giáo viên muốn học tốt, dạy tốt thì không thể chỉ đọc SGK. Giáo viên cần đến những sách về lịch sử trường học, sách về thực tiễn giáo dục ở các nước tiên tiến, sách về các học thuyết giáo dục, sách về tâm lí học sinh, quản lí-vận hành trường học và lớp học, sách về đào tạo giáo viên… Học sinh cần đọc các cuốn sách về phương pháp học tập, phương pháp nghiên cứu khoa học, sách về các kiến thức khoa học mở rộng hơn biên độ sách giáo khoa. Có thể nói không sợ sai rằng hiện tại, giáo viên cần sách gì cũng thiếu. Ví dụ một giáo viên lịch sử muốn tìm đọc một cuốn nào đó xem người Việt đã từng dạy lịch sử trong thực tế như thế nào từ xưa đến nay cũng là một chuyện…khó.

- Là một nhà nghiên cứu giáo dục, một dịch giả nhưng anh cũng trở nên quen thuộc với công chúng trong vai trò là người truyền cảm hứng và khích lệ văn hoá đọc. Anh bắt đầu thực hiện điều này như thế nào?

Tôi bắt đầu tiến hành các hoạt động khuyến đọc ngay khi trở về Việt Nam sau khi học xong cao học tại Nhật Bản năm 2011, tuy nhiên khi đó các hoạt động chỉ ở quy mô nhỏ. Sau khi về hẳn Việt Nam năm 2017, tôi bắt đầu nghỉ việc ở đại học để chuyên tâm vào khuyến đọc. Trong các hoạt động khuyến đọc của tôi sẽ có dịch, viết sách, viết báo, diễn thuyết, giao lưu, gây quỹ tặng sách và tư vấn xây dựng tủ sách, thư viện. Ban đầu các hoạt động này diễn ra ở những nơi tôi có quan hệ cá nhân, dần dần thì nó lan rộng ra các cơ quan, tổ chức ở bên ngoài và các địa phương. Khi đến Nhật tôi biết được đằng sau sự phát triển của nước Nhật là nền tảng văn hóa tốt trong đó có văn hóa đọc. Đó là một trong những động lực cơ bản thôi thúc tôi bắt đầu mở rộng phạm vi hoạt động ra ngoài khuôn viên trường học và tiến tới lấy hoạt động khuyến đọc là nghề của bản thân.

- Từ bỏ công việc giảng dạy ở trường đại học để chuyên tâm vào khuyến đọc và lấy hoạt động khuyến đọc là nghề của bản thân… Tôi rất ngạc nhiên về lựa chọn này của anh. Môi trường đại học chẳng phải là nơi lí tưởng để anh truyền đi cảm hứng này sao? Anh có thể nói kĩ hơn về lựa chọn này được không?

Có thể góc nhìn và trải nghiệm của tôi khác với người khác nhưng bản thân tôi thấy để khuyến đọc cần đi đến đông đảo mọi người nhất là học sinh và người lao động bình thường và các phụ huynh. Công việc ở đại học chủ yếu làm việc với sinh viên nhóm nhỏ hoặc cùng lắm là 80-100 sinh viên. Trong đó, do truyền thống và môi trường đại học từ trước đến nay sinh viên đọc giáo trình để thi là chính. Trong số bạn bè của tôi thì có bạn giảng viên và làm khuyến đọc rất tốt nhưng không gian khuyến đọc của bạn cũng lại nằm ngoài trường đại học. Ở Việt Nam có những việc phải ở bên ngoài nó mới có thể làm tốt. Khuyến đọc trong trường hợp của tôi là một chuyện như thế.

Anh sống được với việc dịch, viết sách, viết báo, diễn thuyết chứ?

Rất nhiều người tò mò muốn hỏi tôi câu hỏi này. Trước kia khi làm giảng viên đại học lương tôi khoảng 6 triệu/tháng. Sau đó khi làm vị trí giống như tổng biên tập của một công ti sách tư nhân là gần 30 triệu/tháng. Sau khi nghỉ hẳn để chuyên tâm làm việc như trên thì…không rõ. Đơn giản vì tôi cũng không thống kê mà nó cũng không ổn định vì bây giờ tự mình làm sếp của mình, tự mình trả lương cho mình. Nhưng tôi nghĩ cuộc sống vẫn ổn vì tôi là người chăm chỉ. Mỗi ngày tôi thường dậy từ 4 giờ sáng để làm việc. Hơn nữa, nhu cầu vật chất cho cá nhân tôi rất ít. Không uống cà phê, không hút thuốc, không đi xe gì kể cả xe máy, vài năm mua quần áo một lần…

- Và đổi lại anh được thoải mái theo đuổi đam mê của mình. Tôi nghĩ rằng, có rất nhiều người thích đọc sách, tuy nhiên không ít người không biết phải đọc như thế nào, đọc từ đâu giữa thế giới sách. Làm sao để việc đọc trở nên có hệ thống và điều đó có cần thiết không, thưa anh?

Việc đọc sách với mỗi người lẽ ra phải được bắt đầu từ khi mới lọt lòng thậm chí ngay từ trong bụng mẹ. Cha mẹ, thầy cô từ trường mầm non cho đến đại học phải giúp học sinh có chiến lược, phương pháp đọc và lựa chọn được các cuốn sách hay. Tuy nhiên ở Việt Nam, truyền thống đọc rất mỏng manh và không nhiều người ý thức được về chuyện cần phải đọc sách. Vì vậy rất nhiều người khi giật mình nhận ra là cần phải đọc sách thì gặp phải khó khăn lớn như đọc sách gì, làm thế nào để duy trì động lực đọc sách, đọc sách bằng những phương pháp như thế nào…

Việc đọc sách thành hệ thống rất quan trọng. Muốn có nó tất yếu phải biến khuyến đọc thành hoạt động chủ yếu của trường học và chương trình giáo dục phải dành cho khuyến đọc một vị trí xứng đáng. Đây là điều mà giáo dục của nước ta chưa làm được. Trong khi chờ cải thiện điều này, bản thân những người làm khuyến đọc, bản thân thầy cô, cha mẹ và những người có liên quan phải nỗ lực trong việc tự học hỏi và giúp đỡ người khác có chiến lược, kĩ thuật, môi trường đọc sách tốt thông qua các hoạt động khuyến đọc, xây dựng thư viện, công bố nghiên cứu, dịch tài liệu sách, báo nước ngoài có liên quan. Bản thân tôi cũng quan tâm và đẩy mạnh việc dịch và viết về đọc sách như đọc sách gì, đọc như thế nào…

- Mỗi lứa tuổi, mỗi nghề nghiệp khác nhau sẽ có nhu cầu tiếp cận với các thể loại sách khác nhau. Nhưng ở một góc khuất nào đó, tất cả chúng ta đều cần những cuốn sách vừa có chức năng giải trí, vừa nuôi dưỡng, mổ xẻ tâm hồn của chính mình và đồng thời giúp chúng ta có thể hiểu và chia sẻ với người khác nhiều hơn. Ở khía cạnh này tôi luôn chọn sách văn học. Còn anh, anh nhìn nhận như thế nào về sự quan trọng của sách văn học với bạn đọc?

Văn học quả đúng là sách rất cần. Tôi cũng là một người mê đọc sách văn học từ nhỏ. Trong các sách tôi giới thiệu đến bạn đọc tôi cũng thường giới thiệu các sách văn học. Đó là tác phẩm của các nhà văn như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Xuân Khánh, Dương Hướng, Nguyên Ngọc, các tác giả đã quen thuộc với văn học nhà trường như Nam Cao, Nguyên Hồng, Xuân Quỳnh… Bên cạnh đó còn là các tác phẩm văn học dịch từ tiếng nước ngoài của Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Hàn Quốc… Gần đây tôi có nhu cầu đọc lại rất nhiều tác phẩm văn chương của người Việt viết ra vào khoảng 50 năm đầu thế kỉ XX. Tôi đang đọc lại Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng… và phát hiện ra rất nhiều thú vị để chia sẻ với bạn đọc. Sách văn học có thể an ủi khi chúng ta buồn, có thể làm cho chúng ta có niềm tin vào nhân tính trong hoàn cảnh khó khăn… Bước vào thế giới của sách, chúng ta sẽ được sống nhiều cuộc đời từ đó hiểu ra giá trị thật sự của cuộc đời mình nằm ở đâu…

Anh có đánh giá như thế nào về hiện trạng trẻ em đam mê với truyện tranh nước ngoài, còn thanh thiếu niên thì đam mê đọc ngôn tình Trung Quốc?

Đấy là một thực tế. Khi thiếu thói quen đọc sách từ nhỏ và môi trường khuyến đọc lành mạnh với thư viện, cán bộ thư viện, giáo viên và phụ huynh yêu sách thì chuyện đó là dễ hiểu. Trong truyện tranh và ngôn tình cũng có những tác phẩm tốt vì khái niệm của nó đôi khi có biên độ rất rộng. Tuy nhiên, nếu chỉ đọc mãi một thể loại như trên thì sẽ dẫn đến mất cân bằng và khuyết thiếu văn hóa. Nó giống như người ta chỉ ăn duy nhất một món và ăn mãi dẫn tới suy nhược hoặc mang bệnh. Cần có nhiều sách hay, phong phú cho thanh thiếu niên lựa chọn chẳng hạn cùng là truyện tranh nhưng có rất nhiều truyện tranh học tập có thể giúp ích mở mang hiểu biết, rèn giũa tư duy. Ngoài ra cần có hoạt động khuyến đọc thường xuyên để giới trẻ mở rộng biên độ đọc và có môi trường học hỏi lẫn nhau, học hỏi từ người đi trước.

Anh nhìn nhận như thế nào về văn hoá đọc ở ta hiện nay? Trong hành trình lan toả văn hoá đọc của mình, hẳn anh có những câu chuyện, kỉ niệm có thể chia sẻ với chúng tôi?

Nhìn tổng thể, văn hóa đọc Việt Nam gần đây có sự cải thiện. Có những tín hiệu tích cực cho thấy người dân mọi giới đã quan tâm hơn đến đọc sách và ngày càng có nhiều thư viện, tủ sách ra đời. Tuy nhiên những kết quả đạt được còn rất nhỏ và hoàn toàn chưa xứng đáng với tiềm năng to lớn của đất nước. Với 90 triệu dân, dân số trẻ, số lượng người có bằng cấp từ đại học trở lên lớn, tỉ lệ dân số biết chữ cao, là dân tộc có lịch sử lâu đời, lẽ ra chúng ta phải trở thành một dân tộc đọc sách như dân tộc Nhật Bản. Chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa là vì vậy.

Trong quá trình khuyến đọc tôi đã gặp rất nhiều người yêu sách thú vị trong đó có các phạm nhân trong trại giam. Thật khó tưởng tượng được là ở nơi đó lại có thư viện và phạm nhân say mê đọc sách. Tôi từng có nhiều cuộc giao lưu với các phạm nhân ở đây. Nhiều người đã khóc. Một số người khác say mê nói về các cuốn sách họ đọc. Ấn tượng nhất là buổi nói chuyện với 1000 phạm nhân nữ. Hơn một tiếng đồng hồ ở sân vận động mà họ ngồi im lặng nghe. Trải nghiệm đó là động lực lớn cho tôi tiếp tục làm các công việc hiện tại liên quan đến văn hóa đọc.

Tôi nhận thấy trong những ngày giãn cách xã hội này, việc đọc sách thật ý nghĩa. Trong vai trò là người luôn khuyến khích văn hoá đọc, anh nghĩ rằng có cách nào đó không để chúng ta nâng cao văn hoá đọc trong lúc này?

Khi sinh hoạt ở trong nhà, phạm vi gia đình là chính và phương thức giao tiếp với xung quanh bị giới hạn, đọc sách sẽ có lợi thế. Khi trẻ nghỉ học ở nhà nếu cha mẹ không hướng trẻ vào các hoạt động phù hợp như đọc sách, nguy cơ trẻ lạm dụng các thiết bị số rất cao. Cha mẹ nên tận dụng khoảng thời gian giãn cách xã hội này để cho con đọc sách. Muốn vậy, gia đình phải có không gian tương xứng dành cho việc đọc như có tủ sách gia đình, có phòng đọc (nếu nhà rộng). Các thành viên trong gia đình cần trao đổi với nhau về chuyện đọc sách và nội dung các cuốn sách đang đọc. Thư viện có thể cung cấp dịch vụ cho mượn và trả sách qua mạng thay vì phải trực tiếp đến thư viện. Môi trường xã hội và bầu không khí xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, điều chỉnh hành vi cá nhân. Vì vậy để thúc đẩy văn hóa đọc, việc báo chí, truyền thông liên tục đưa tin, bình luận về các hoạt động khuyến đọc, giới thiệu các cuốn sách hay… cũng sẽ là một cách thúc đẩy văn hóa đọc tiến lên. Bản thân tôi trong thời gian ở nhà này vẫn thường xuyên điểm sách, viết báo và nói chuyện với bạn đọc thông qua Internet.

Cảm ơn anh đã dành cho VNQĐ Online cuộc trò chuyện ấn tượng này. Chúc anh nhiều may mắn, thuận lợi trong hành trình khuyến đọc ý nghĩa của mình. Chúng ta cùng hi vọng trong tương lai không xa văn hoá đọc ở Việt Nam sẽ có sự chuyển biến tích cực hơn nữa.
 

NGUYỄN THỊ KIM NHUNG (thực hiện)
Nguồn VNQĐ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây