Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Những nỗi buồn vu vơ

Hình như xã hội càng phát triển lại càng nhiều thêm những nỗi buồn vu vơ. Nói vu vơ bởi nó cứ ở đâu đó, xa ta, nhưng vẫn cứ chạnh lòng khi nghĩ đến nó.

Buồn về tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Hà Nội đang trở nên nghẹt thở bởi sự phát triển nhanh chóng của hàng loạt dự án khu đô thị, chung cư cao tầng san sát nhau. Người bình thường cũng thấy có chuyện không bình thường trong quy hoạch, phê duyệt dự án xây dựng nhà ở đây. Và do đó càng buồn hơn bởi sau hơn chục năm xây dựng kiểu như vậy, bây giờ người ta mới phát hiện ra có chuyện vi phạm xây dựng, vi phạm quy hoạch này nọ.

Rồi lại có vụ mất cả loạt nắp cống tại một tuyến đường trong khu đô thị nào đó của Hà Nội. Nắp cống mà cũng lấy, sao lại không, cứ bán ra tiền là lấy hết.

Lại vu vơ về một hòn đảo xa lắc xa lơ với ta giữa biển trời của Tây Ban Nha. Người bảo thế này, người bảo thế kia, chẳng biết đâu mà lần. Hóa ra đi du lịch bên Tây khối chuyện hay đáo để.

111

Và vẫn là nỗi buồn cố hữu dai dẳng từ bao năm nay về câu chuyện tham nhũng ở ta. Bất chấp bao cố gắng của cả hệ thống, của người đứng đầu cao nhất đất nước này, bất chấp chống tham nhũng là cuộc chiến không khoan nhượng, không có vùng cấm, tham nhũng vẫn nảy nở, lan tỏa đầy sức sống giống như căn bệnh ung thư ác tính vô phương cứu chữa.

Buồn hơn khi nghe đề xuất của ông Lê Minh Trí

Mười năm phòng, chống tham nhũng từ 2012-2022 là cả một chặng đường gian nan với nhiều kết quả. Nhưng vẫn còn nhiều thứ đáng buồn. Không buồn sao được khi số tài sản tham nhũng quy ra tiền là một con số khổng lồ. Và nỗi buồn có còn vu vơ không khi số tiền thu hồi được qua các vụ án xét xử quan tham còn quá là ít ỏi?

Tổng số tiền kiến nghị phải thu hồi trong cả giai đoạn là 975.000 tỷ đồng và con số thu hồi thực sự là 61.000 tỷ, chỉ bằng mấy phần trăm. 

Nghe tỷ đồng mãi quen tai, không hình dung ra quy mô mất mát, cho nên thử quy ra hiện vật xem sao. Với 975.000 tỷ đồng có thể xây mới được 500 bệnh viện quy mô hạ tầng kỹ thuật đáp ứng 1.000 giường và quy mô lưu bệnh 500 giường hiện đại, làm được 70 cây cầu Nhật Tân hoặc làm được gần 5.000km đường cao tốc.

Gần 5.000km đường cao tốc mới là một con số khủng mà chúng ta hy vọng có được trong độ chục năm nữa. 70 cây cầu Nhật Tân, trong khi loay hoay mãi mới dám quyết chi tiền làm cầu Trần Hưng Đạo qua sông Hồng vào thời gian tới, mà vốn nhà nước cũng chỉ chiếm 50%, còn lại là vốn nhà đầu tư BOT.

Cho nên làm thế nào thu hồi được tiền, tài sản tham nhũng đang là vấn đề lớn đặt ra.

111

Tại hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao rất tâm huyết khi cho rằng chống tham nhũng là nhiệm vụ phức tạp, cần lắng nghe ý kiến nhiều chiều để bổ sung quan điểm, cách làm mới đạt hiệu quả tốt.

Ông đề xuất cách làm theo hướng tăng phòng ngừa, giảm xử lý hình sự, tạo điều kiện cho người sai phạm khắc phục hậu quả. Theo ông Trí, “cách làm này sẽ thu hồi được phần lớn tài sản thất thoát do người vi phạm chủ động khắc phục để không bị xử lý. Chúng ta cũng không phải băn khoăn nhiều về việc phải xử lý cán bộ, đồng chí của mình”.

Nghe thấy vậy quả là buồn hơn, mà cũng chả rõ nỗi buồn này có còn vu vơ không ta? Chợt nghĩ hay mình không theo kịp với những biến đổi của xã hội, không theo kịp với cái thường được nhấn rất ghê gần đây là cách mạng công nghiệp 4.0. Xã hội thay đổi, con người thay đổi, giá trị đồng tiền tham nhũng cũng thay đổi, do đó phải thay đổi cách thức thu hồi tiền tham nhũng mà có!

111
Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí

Không biết bàn dân thiên hạ nghĩ về sự thay đổi dự kiến này ra sao, riêng tôi rất khó chấp nhận. Mình vẫn cổ hủ, vẫn kiểu truyền thống, tức là anh đã tham nhũng thì phải bị xử lý theo quy định của pháp luật, trong đó có câu chuyện phải nộp lại tiền do tham nhũng mà có và chịu án tù tùy theo mức độ phạm tội. Còn việc các cơ quan nhà nước làm như thế nào, các quy định pháp luật cần ra sao để thu hồi được tài sản tham nhũng lại là câu chuyện khác.

Nộp tài sản tham nhũng không phải miễn tù tội

Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường như nhìn thấu ta, nói hộ ta khi ông cho rằng hành vi tham nhũng đã thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì phải xử lý. Nếu không đề cao nhiệm vụ phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh mà chỉ chú trọng đến việc thu hồi tài sản thì có thể còn làm tăng nguy cơ tham nhũng.

Cũng theo ông Cường, nếu những người có chức vụ quyền hạn tham nhũng mà bị phát hiện, chỉ phải nộp lại tài sản mà không bị xử lý hình sự thì họ sẽ không sợ, sẽ càng củng cố quyết tâm thực hiện hành vi tham nhũng đến cùng.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Phó chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Tháp cho rằng trong các vụ án tham nhũng, việc thu hồi tài sản là trọng tâm, cốt lõi. Theo ông, với những người ăn năn hối cải, tự nguyện giao nộp lại tài sản tham nhũng thì việc xem xét giảm nhẹ hình phạt là cần thiết. Đồng thời, ông khẳng định: “Tuy nhiên, anh đã tham nhũng phải truy cứu trách nhiệm hình sự, chứ trả tiền lại rồi không truy cứu nữa dễ bị dư luận nói 'huề cả làng'. Chưa kể trong tình huống bị phát hiện phải trả lại, nếu không bị phát hiện có thể chiếm đoạt toàn bộ tài sản của Nhà nước, nhân dân”.

Nộp lại tiền, tài sản tham nhũng để miễn trách nhiệm hình sự, miễn tù tội là hoàn toàn khác với việc hình phạt tội tham nhũng có thể được giảm bớt nếu có việc nộp lại tiền tham nhũng. Và trong thực tế câu chuyện này đã diễn ra.

Khoản 3, điều 40, bộ luật Hình sự quy định không áp dụng án tử hình đối với người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Cụ thể hơn nữa, tại khoản 2, điều 5, nghị quyết số 03 ngày 30/12/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao cũng nêu: Trong quá trình tố tụng, người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử.

Rất rõ ràng ở đây là nộp tài sản tham nhũng thì án có thể giảm, khác hẳn với câu chuyện nộp tài sản tham nhũng để miễn án hình sự, miễn tù tội.

Vụ xét xử ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội trong vụ mua chế phẩm Redoxy-3C cũng đã áp dụng quy định này. Gia đình ông Chung nộp tổng cộng 25 tỷ đồng và án đang từ 8 năm giảm xuống còn 5 năm. Tương tự là 5 bị cáo nộp tiền khắc phục trong vụ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được tòa tuyên giảm án.

Hết sức lưu ý là mức tiền phải nộp ít nhất là 3/4 tài sản tham nhũng. Người làm luật dường như đã tính đến sự tương ứng giữa tiền và tù. Làm một con tính nhẩm thấy có vẻ như cứ nộp ít nhất 3/4 tiền tham nhũng thì sẽ được giảm khoảng 1/3 tổng số năm tù đáng ra phải chịu. Tức là không hề có miễn tù tội, có chăng chỉ tối đa miễn 1/3 số năm tù mà thôi. 975.000 tỷ đồng mà giờ thu hồi được 3/4 tức khoảng 730.000 tỷ qua người phạm tội tự nguyện nộp lại cho nhà nước thì giảm cho họ tương ứng ngần ấy năm tù xem ra cũng là hợp lý.

Có vẻ như thế còn đỡ buồn hơn, đỡ vu vơ hơn chút. Lại càng đỡ hơn nhiều khi có thêm nhiều bệnh viện, nhiều cây cầu, nhiều km đường cao tốc được làm ra từ số tiền thu hồi được qua các vụ xét xử tham nhũng.
 

Theo Đinh Duy Hòa/VietNamnet

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây