Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Ông Lê Thanh Hải chỉ bị cách chức nguyên Bí thư Thành ủy là chưa 'nghiêm minh, quyết liệt'

Cử tri tỉnh Long An cho rằng, với những sai phạm liên quan tới dự án Thủ Thiêm, việc ông Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, chỉ bị cách chức nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM là chưa "nghiêm minh, quyết liệt".
111
Ông Lê Thanh Hải /// Ảnh Độc Lập
Thanh tra Chính phủ vừa có văn bản phúc đáp các kiến nghị của cử tri các địa phương được gửi tới trước kỳ họp 10, Quốc hội khóa 14.

Theo đó, gửi kiến nghị tới Thanh tra Chính phủ, cử tri tỉnh Long An khẳng định rất quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng mà Đảng, Nhà nước đã và đang thực hiện thời gian qua. Việc phòng, chống tham nhũng góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân, làm cho bộ máy nhà nước ngày càng trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tuy nhiên, cử tri tỉnh này cho rằng: Vẫn còn một số vụ án tham nhũng có liên quan đến cán bộ cấp cao chưa được xử lý nghiêm minh, quyết liệt; trong đó có vụ ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, sai phạm liên quan tới dự án Khu đô thị Thủ Thiêm nhưng chỉ bị cách chức nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM.

“Đề nghị T.Ư xử lý quyết liệt hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, đáp ứng được lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước”, cử tri Long An kiến nghị.

Cử tri TP.Hà Nội, Quảng Trị, Hải Phòng, Bình Thuận, Đắk Lắk, TP.HCM và Đà Nẵng cũng kiến nghị tiếp tục tăng cường, quyết liệt, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các cán bộ tham nhũng, tiêu cực.

Kỷ luật 21 ủy viên, nguyên ủy viên T.Ư, 22 tướng công an, quân đội

Giải đáp các kiến nghị nêu trên, Thanh tra Chính phủ khẳng định, với quyết tâm chính trị của Đảng cùng sự tham gia của Nhà nước và toàn xã hội, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả tích cực. 
“Những kết quả đó đã củng cố niềm tin của nhân dân vào công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước”, báo cáo của Thanh tra Chính phủ khẳng định.
Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực có nhiều nguy cơ và dư luận về tiêu cực, tham nhũng như: các dự án đầu tư lớn; quản lý, sử dụng đất đai; cổ phân hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; việc mua bán, chuyển nhượng tài sản công; các dự án mua sắm lớn từ tài sản nhà nước...
Cùng đó, tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, xử lý dứt điểm những vấn đề tồn đọng kéo dài gây bức xúc mà cán bộ, đảng viên, nhân dân quan tâm.
Theo Thanh tra Chính phủ, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, qua thanh tra, kiểm toán, đã phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính 135.816 tỉ đồng và hơn 897 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính đối với 1.967 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 98 vụ việc, 121 đối tượng...
Thanh tra Chính phủ cũng thông tin, thời gian qua, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng trực tiếp chỉ đạo hàng loạt các vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp được điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh, nhiều vụ án tồn đọng từ những năm trước đã được giải quyết, số vụ án khởi tố mới năm sau cao hơn năm trước.
Đặc biệt, đã phối hợp xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng, trong đó có bị cáo từng là cán bộ cao cấp, qua đó khẳng định quyết tâm của Đảng là “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “bất kể người đó là ai” trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng.
Theo Thanh tra Chính phủ, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, đã thi hành kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý, trong đó có 21 ủy viên T.Ư Đảng, nguyên ủy viên T.Ư Đảng (2 ủy viên Bộ Chính trị), 22 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Sẽ có cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản quan chức

Thanh tra Chính phủ cho biết, trong thời gian tới, Đảng, Nhà nước sẽ thực hiện đồng bộ các quy định của luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, trong đó có Nghị định 130 năm 2020 về Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiếp tục hoàn thiện cơ chế phòng ngừa tham nhũng. Trong đó, có đề án về xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; và sửa đổi, bổ sung các luật và các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, bảo đảm “không thể tham nhũng”.

Thanh tra Chính phủ cũng khẳng định, sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực có nhiều nguy cơ và dư luận về tiêu cực, tham nhũng như: các dự án đầu tư lớn; quản lý, sử dụng đất đai; cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; việc mua bán, chuyển nhượng tài sản công; các dự án mua sắm lớn từ tài sản nhà nước...

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp, tập trung lực lượng để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp theo đúng kế hoạch của Ban Chỉ đạo T.Ư; khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản.

Ngoài ra, sẽ hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ; tăng cường chỉ đạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương, cơ sở; tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng trong nội bộ các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, không để cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng; tập trung xử lý nghiêm khắc, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

 

 

Theo Lê Hiệp/Thanh niên
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây