Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Thi "2 trong 1" càng nảy sinh gian lận, xã hội thêm rối ren, tụt hậu

Gian lận trong thi cử đã trở thành căn bệnh trầm kha của giáo dục Việt Nam. Phương án thi “2 trong 1”: vừa lấy điểm tốt nghệp vừa lấy điểm thi vào đại học chắc chắn càng kích thích “căn bệnh thi cử gian lận” càng tăng nặng. Cha mẹ muốn chạy điểm để con vào đại học, nhà trường muốn học sinh cao điểm để lấy thành tích và không loại trừ đường dây nâng điểm để lấy tiền. Đó là những áp lực, những “lô cốt” thách thức sự công phá vốn rất yếu ớt của Bộ bao nhiêu năm nay. Kì thi năm 2021 đang nóng vì có nhiều điểm cao, tới mức nhiều em đạt điểm 9, đạt điểm 10 cả 3 môn nhưng vẫn trượt đại học. Cả xã hội dường như cũng đang chạy theo “nguyện vọng 1,2,3...”, vì hầu hết các em đều đăng ký rất nhiều nguyện vọng khác nhau, nhưng chưa biết có thể đỗ vào trường nào, có em tại Hà Nội đăng kí tới 70 nguyện vọng, còn theo hướng dẫn của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy thì các em nên “đăng ký dưới 10 nguyện vọng là đủ” ...

Trở lại với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, dư luận cho rằng đề thi dễ và do thí sinh tăng khoảng 10% nên điểm cao nhiều hơn. Cũng có ý kiến nghi ngờ là có gian lận nhưng chưa có chứng cứ!. Nhưng có ai tin là không có gian lận ?

Điểm cao để tốt nghiệp và để vào đại học kia mà! Liệu có con em của cấp trên hoặc con em giáo viên được gà bài? Hay là có vị phụ huynh nào đó mua điểm để con vào đại học? Những câu hỏi này xin để quý vị độc giả tự trả lời.

Trở lại với kỳ thi 2018, khi mà hàng trăm thí sinh, trong đó có nhiều con em cán bộ tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình được nâng điểm, thì ngày 2/7/2018, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vẫn báo cáo trước một cuộc họp Chính phủ rằng: Đề thi năm nay đặc biệt nhẹ nhàng và kỳ thi đạt được mục tiêu an toàn, nghiêm túc, khách quan(?). Còn nhiều ví dụ khác về gian lận trong thi cử học đường như vụ gian lận thi cử học sinh giỏi Quốc gia năm 2006 tại Thái Bình có 7 học sinh bị hủy kết quả, trong đó có con của Bí thư tỉnh ủy Bùi Tiến Dũng và con của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Duy Việt. Vụ giáo viên trường THPT Đồi Ngô tỉnh Bắc Giang mang đáp án vào nhiều phòng thi cho học sinh chép bài và giáo viên coi thi cho học sinh thoải mái mở tài liệu trong kỳ thi Quốc gia năm 2012 mãi còn là vết nhơ của giáo dục nước nhà, tổng cộng đã có 23 giáo viên bị cảnh cáo, 7 giáo viên bị khiển trách, một số giáo viên khác bị nhắc nhở rút kinh nghiệm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có năm cố gắng tổ chức thi thật, thi nghiêm. Đó là vào năm học 2006-2007. Năm đó, cả nước có tỷ lệ tốt nghiệp THPT là 66,7%, hệ Bổ túc là có tỷ lệ tốt nghiệp là 26,6%, có 11 tỉnh có tỷ lệ tốt nghiệp dưới 50%, trong đó Tuyên Quang là 14%, Bắc Kạn 20%, Sơn La 24%, Yên Bái 26.7%, Cao Bằng 27,7%... Nghệ An 44,9%...

111
Báo Tuổi trẻ giật tít về kết quả kỳ thi tốt nghiệp năm 2007

Nhưng kết quả thật của năm học 2006-2007 đã là một áp lực mà Bộ GD&DT không “chịu nổi”, nên những năm sau tỷ lệ tốt nghiệp bậc THPT cao dần lên và “đẹp đẽ” khi cả nước có hơn 98% đỗ tốt nghiệp, nhiều tỉnh trên 99%...

Nhiều ý kiến đề xuất bỏ thi tốt nghiệp phổ thông trung học. Vì thi quá tốn kém và chất lượng lại không thật. Học sinh chạy điểm học bạ, chạy điểm thi sẽ đỗ, vì điểm học bạ, điểm thi “đẹp như mơ”. Những học sinh chạy điểm học bạ và chạy điểm thi đã chiếm chỗ của các em học chăm và có lực học tốt. Điều này tạo ra sự bất công. Đồng thời làm cho chất lượng đại học vốn đã thấp lại càng thấp vì có học trò dốt lại được vào học. Căn bệnh chạy điểm trong các trường đại học thêm khó chữa trị. Sinh viên tốt nghiệp không được thế giới công nhận...

Nhìn vào thực tế, với gần 3000 trường THPT công lập, 400 trường trung học tư thục, gần 700 trung tâm giáo dục hệ thường xuyên, với tổng số hơn 2,5 triệu học sinh dự thi tốt nghiệp phổ thông trung học mỗi năm, trải dài khắp nước từ Bắc chí Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo khó mà có đủ lực lượng để tổ chức cho cuộc thi “2 trong 1” cho công bằng. Bởi hàng ngàn nhà trường, hàng ngàn phòng thi đều có tâm lý “học sinh vất vả 12 năm nên cho đỗ” và mỗi trường mỗi phòng thi ẩn chứa những tiềm tàng gian lận, trò có mục đích của trò, thầy có mục tiêu của thầy. Thi thật, thi nghiêm trong lúc này dường như là công việc không tưởng.

Mặt khác, khi thực hiện tự chủ đại học, thì nên giao việc tuyển sinh để các trường đại học chủ động, Bộ GD&ĐT không nên làm thay các trường khâu này.

Vậy nên, Bộ hãy trả việc thi cử cho các trường đại học. Trường đại học nào muốn hòa nhập với thế giới thì sẽ thi thật và học thật. Đó là cơ hội để ngành Giáo dục góp phần đem lại công bằng cho xã hội, góp phần làm cho nước nhà phát triển. Bằng không, những cuộc thi gian lận sẽ làm cho xã hội thêm rối ren tụt hậu mà thôi.

 

Công Đán

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây