Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Thực thi Nghị định 38/2021/NĐ-CP - kinh tế báo chí có gặp khó? Bài 2: Chuyên gia Nguyễn Đình Thành: Có thể ảnh hưởng tới sức mạnh quốc gia trong lĩnh vực báo chí truyền thông

Trao đổi xung quanh một vài quy định đang được cho là bất cập ở Nghị định 38, chuyên gia Nguyễn Đình Thành cho rằng báo chí sẽ đứng trước nhiều khó khăn khi phải đối mặt với bài toán kinh tế báo chí giảm sút, thậm chí có thể ảnh hưởng tới sức mạnh quốc gia trong lĩnh vực báo chí truyền thông...

Ở góc độ chuyên gia truyền thông, chuyên gia Nguyễn Đình Thành cho rằng: Việc có các quy định pháp luật để định hướng cho xã hội là một điều rất cần thiết. Tôi nghĩ rằng nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo là hết sức kịp thời và cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh truyền thông trên mạng phát triển như ngày nay. Mạng xã hội đã len lỏi vào những lát cắt nhỏ nhất của cuộc sống, tác động và làm thay đổi mạnh mẽ cách các doanh nghiệp quảng cáo và cách công chúng tiếp nhận thông tin. Nhiều vấn đề mới đã phát sinh cần có quy định của pháp luật để điều chỉnh.

Thông thường, việc áp dụng Nghị định, nếu Nghị định hợp tình hợp lý thì không ảnh hưởng xấu tới hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Ông Thành phân tích: “Vấn đề ở đây là có những quy định chưa hợp lý trong Nghị định này. Nếu không chỉnh sửa thì hậu quả rất nghiêm trọng, không chỉ làm sụt giảm doanh thu của báo chí Việt Nam mà còn có thể ảnh hưởng tới sức mạnh quốc gia trong lĩnh vực báo chí truyền thông. Chúng ta đều biết rằng phần lớn các cơ quan báo chí đều phải tự chủ về tài chính, nay các quy định có thể làm sụt giảm doanh thu và dẫn đến việc vi phạm pháp luật...Báo chí sẽ không phát triển được nữa, thậm chí phải đóng cửa”.

111
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành. Ảnh: NVCC

Hiện nay, một số điểm đáng lưu ý đang có bất cập như quy định về “Vi phạm các quy định về quảng cáo trên báo điện tử và trang thông tin điện tử”. Cụ thể tại khoản 2, điều 38 quy định: Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi không thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định; Thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định vượt quá 1,5 giây. Hay quy định phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng đối với hành vi “Thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin, bài…”, đều sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc lựa chọn của doanh nghiệp khi quảng cáo trên báo điện tử. 

Trong khi đó, Facebook và Google là nền tảng xuyên biên giới hiện đang dẫn đầu thị phần doanh số quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam, chiếm hơn 80% tổng doanh thu. Giao diện của các nền tảng này hiện cho phép người xem chỉ có thể bỏ qua quảng cáo sau ít nhất là 5 giây. 

Chia sẻ về hướng giải quyết những bất cập này, chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành gợi ý: “Những quy định không hợp lý như quy định không cho quảng cáo chèn vào nội dung thì nên chỉnh lại là cho phép chèn nhưng có khả năng đóng lại hoặc di chuyển được. Quy định chỉ cho phép thời lượng quảng cáo là 1,5 giây thì hoàn toàn không phù hợp. Nên điều chỉnh là 5 giây giống như nền tảng Youtube. Cần thay đổi như vậy vì các quảng cáo cũng mang tới nhiều thông tin hữu ích cho người đọc, hãy cho họ có quyền lựa chọn đọc gì và đó là quyền của họ. Quảng cáo là nguồn thu có tính chất sống còn với các đơn vị báo chí tự chủ vốn chiếm phần đông trong danh sách báo chí tại Việt Nam ngày nay”.

 

Theo Lê Tâm/NB&CL

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây