Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


TPHCM: Trang thiết bị điều trị COVID-19 'thiếu thốn trăm bề'

111
Từ đôi dép tới những chiếc khẩu trang, đồ bảo hộ và các trang thiết bị phục vụ điều trị cho F0, hầu hết các bệnh viện đều trong tình trạng thiếu trầm trọng. Công tác chăm sóc, cứu chữa cho bệnh nhân COVID-19 đang đối mặt với thách thức rất lớn bởi không có trang thiết bị, bác sĩ giỏi cùng đành phải bó tay.

Bệnh viện nào cũng thiếu

Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 diễn ra nghiêm trọng chưa từng có trong lịch sử đang nhấn chìm ngành y tế TPHCM trong cơn khủng hoảng cả về nhân lực và trang thiết bị. Chưa bao giờ các bác sĩ phải đối mặt với những khó khăn khủng khiếp như lúc này khi số ca mắc COVID-19 từ cuối tháng 4/2021 đến nay tiếp tăng nhanh, số ca bệnh nặng, nguy kịch tăng theo.

111
111
Khẩu trang và đồ bảo hộ trở thành thứ xa xỉ đối với nhân viên y tế trong cơn đại dịch.
Các bệnh viện thuộc hệ thống y tế công lập đến nay hầu hết đã chuyển sang tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19. Mọi trang thiết bị y tế đều được huy động đến mức tối đa nhưng không đủ khả năng đáp ứng. Thành phố đã huy động các bệnh viện tư nhân tham gia ứng cứu, tuy nhiên bệnh viện lập ra đến đâu nhanh chóng rơi vào tình trạng quá tải đến đó.

Hiện các bệnh viện dã chiến được lập ra từ trước đến nay vẫn còn giường bệnh nhưng đều trong tình trạng không thể nhận thêm bệnh nhân vì không có trang thiết bị và nhân sự, trong đó trang thiết bị chính là “điểm yếu” nhất tại các bệnh viện vào lúc này. Khảo sát sơ bộ của Báo Tiền Phong ở gần 30 bệnh viện trong cả 3 tầng hiện đang tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 cho thấy, tất cả các bệnh viện được hỏi đều trong tình trạng “thiếu thốn trăm bề”.
111
111
Nhân viên y tế đang rất cần được tiếp sức để có thể đảm bảo an toàn và cứu chữa được nhiều người mắc COVID-19.

Những vật tư, trang thiết bị các bệnh viện điều trị COVID-19 đang thiếu nhiều nhất hiện nay là khẩu trang N95 (đạt chuẩn), đồ bảo hộ (cấp 4), bơm tiêm điện, máy đo SpO2 chuyên dụng, monitor 5 thông số, đặc biệt là máy thở xâm lấn dòng cao dùng để điều trị cho các trường hợp nguy kịch.

Một vài cơ sở tiêu biểu như: Trung tâm Y tế quận 7 đang rất cần hỗ trợ máy đo huyết áp, nhiệt kế thủy ngân (sử dụng cho F0 cách ly tại nhà), găng tay y tế, khẩu trang N95, bình oxy nhỏ phục vụ trên xe cấp cứu. Tại Bệnh viện COVID-19 Bình Chánh đang cần máy nước nóng lạnh để cho y bác sĩ và bệnh nhân ăn mì tôm, uống sữa, bình phun thuốc sát khuẩn loại xài điện (cắm điện sạc), dép tổ ong cho y bác sĩ làm nhiệm vụ, 500 bộ đồ phòng hộ.

111
111
Các y bác sĩ đang bị thiếu từ trang thiết bị hiện đại cho đến đôi găng tay phòng hộ.

Tại Bệnh viện Hùng Vương đang điều trị cho nhóm thai phụ mắc COVID-19 cần hỗ trợ gấp 1 xe cấp cứu, 1 máy siêu âm tim, 4 máy thở xâm lấn dòng cao, 7 monitor 5 thông số, 10 bơm tiêm điện, 10 máy đo SpO2 chuyên dụng, đồ bảo hộ (cấp 4), khẩu trang N95.

Tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng hơn đang xảy ra tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 điều trị các ca bệnh nặng, nguy kịch. Các bác sĩ đang cần thêm 1 máy X-quang di động, 1 máy siêu âm, 70 máy thở dòng cao, 50 bơm tiêm tự động, 50 máy monitor theo dõi điện tim, 50 máy đo SpO2 chuyên dụng, mỗi ngày 1.000 bộ đồ bảo hộ cấp, khẩu trang N95 chuẩn FDA mỗi ngày 1.000 cái.

“Nếu không tặng được thì cho mượn hoặc thuê”

Bệnh nhân hiện đã được chia ra 3 tầng điều trị với các cấp độ từ nhẹ đến nặng và nguy kịch. Tuy nhiên, trên thực tế tại tầng bệnh nhẹ nhất là nhóm bệnh nhân không có triệu chứng, trong tuần đầu nhiễm bệnh sẽ có khoảng 20% sẽ chuyển sang có triệu chứng từ mức độ nhẹ tới trung bình và nặng. Theo ngành y tế có khoảng 1% trong tổng số bệnh nhân sẽ chuyển sang nặng và nguy kịch. Do đó các bệnh viện ngay từ tầng 1 đã phải có máy thở oxy dòng cao, máy thở xâm lấn để cứu chữa kịp thời cho các ca bệnh nặng và nguy kịch này.

111
111
Nhân viên y tế tại các bệnh viện ở tầng 1 đang gần như trong tình cảnh "tay không chống dịch".

BS Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh kiêm Giám đốc Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID số 3 chia sẻ, nhân lực về y tế có thể đào tạo, huy động thêm từ các tỉnh thành nhưng trang thiết bị hiện nay thì rất khó khăn. Trong đó, máy thở là thứ đặc biệt cần nhưng không đủ đáp ứng.

“Nhân viên y tế chỉ có thể bóp bóng hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân trong trường hợp bất đắc dĩ như chờ chuyển viện hoặc chuyển máy thở từ kho lưu trữ tới chứ không thể đủ sức và đủ nhân lực để ngày đêm ngồi bóp bóng cho bệnh nhân được. Nhưng bệnh nhân COVID-19 nếu không được hỗ trợ hô hấp kịp thời thì nguy cơ tử vong xảy ra rất nhanh do đó phải có máy để phục vụ cứu chữa và tiết kiệm nguồn nhân lực. Nếu chưa có đơn vị nào tài trợ thì cho chúng tôi mượn hoặc cho chúng tôi thuê máy cũng được. Chúng tôi đang rất cần để cứu bệnh nhân, có trang thiết bị càng nhanh càng tốt” – BS Khanh nói.

111
111
Để có thể cứu chữa được các trường hợp bệnh nặng, các bác sĩ cần hỗ trợ thêm rất nhiều trang thiết bị đặc biệt là máy thở.

Hiện nay, ở tầng 3 điều trị cho các ca bệnh nặng và nguy kịch, các trang thiết bị hỗ trợ cấp cứu thiếu rất nhiều, đặc biệt là máy ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo). Số lượng máy rất hạn chế nên các bác sĩ đang phải tính toán các phương án điều trị phù hợp cho bệnh nhân theo lứa tuổi và tình trạng bệnh. Các bác sĩ đang phải rất cân nhắc trong từng chỉ định điều trị cho người bệnh để vừa giảm đau thương mất mất nhưng tăng được khả năng cứu chữa cho những trưởng hợp khả thi.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy hiện đang điều trị cho 400 ca bệnh nặng, nguy kịch, trong đó có khoảng 100 ca bệnh rất nặng đang cố gắng bấu víu sự sống. Bệnh viện đã tập trung trang thiết bị và nỗ lực cứu chữa nhưng tiên lượng của nhóm bệnh nguy kịch trên rất dè dặt. Theo ước tính, một bệnh nhân nặng thì nhân lực, vật tư, trang thiết bị y tế, thuốc điều trị tốn khoảng gấp 5 lần so với một bệnh nhân ở mức độ trung bình do đó để cứu cả ca bệnh nặng các bác sĩ đang cần thêm rất nhiều trang thiết bị y tế.

111
111
Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đã tiếp nhận hơn 700 bệnh nhân, dự kiến tăng lên 1.000 giường cứu chữa bệnh nặng, nguy kịch nhưng trang thiết bị y tế đang "thiếu thốn trăm bề".

TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 cho biết: “Hiện Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đã đưa vào hoạt động 700 giường, số ca bệnh thực tế đã lên tới hơn 720 người. Ca bệnh điều trị từ tuyến dưới chuyển lên vẫn tăng nhanh chúng tôi sẽ tiếp tục tăng quy mô đáp ứng lên 1.000 giường trong thời gian tới nhưng trang thiết bị, nhân sự đã huy động hết, hiện nay đang thiếu thốn trăm bề. Chúng tôi trong tình cảnh chỉ có một chiếc chăn mỏng kéo bên nọ thì hở bên kia nên rất hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng để có thể tăng khả năng tiếp nhận điều trị với mục tiêu cứu chữa được càng nhiều người càng tốt”.

Trong 27 bệnh viện tiếp nhận và điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 mà phóng viên Tiền Phong liên hệ để khảo sát về trang thiết bị y tế, hầu hết các bệnh viện đều thiếu rất nhiều. Các lãnh đạo bệnh viện rất mong được các tổ chức xã hội, cá nhân doanh nghiệp, mạnh thường quân hỗ trợ giúp để cứu bệnh nhân trong giai đoạn khó khăn này.

 
Theo Vân Sơn/Tiền phong
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây