Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Trải nghiệm tuần đầu dạy môn học tích hợp ở lớp 6: Còn nhiều bối rối

111
Năm học 2021-2022, học sinh lớp 6 được học sách giáo khoa mới, có những môn học mới như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí.
Ảnh: Hải Nguyễn
Theo lộ trình, năm học 2021-2022, chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ tiếp tục triển khai đối với lớp 2 và lớp 6. Ghi nhận của phóng viên trong tuần đầu của năm học mới, việc dạy các môn tích hợp lần đầu xuất hiện ở lớp 6 để đảm bảo yêu cầu cần đạt vẫn là thách thức lớn đối với giáo viên.

Giáo viên bối rối

Sau một tuần triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, cụ thể là tiến hành dạy các môn học tích hợp lần đầu tiên xuất hiện ở lớp 6, giáo viên gặp nhiều khó khăn. 

Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Tú Anh -  giáo viên Vật lý tại Thanh Hóa, học sinh đã tỏ ra ngơ ngác và khó hiểu khi buổi học đầu tiên của môn Khoa học tự nhiên phải học bài 3 thay vì học bài 1, bài 2. 

"Nhà trường bố trí 2 giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên lớp 6 vì tôi có chuyên môn Vật lý, giáo viên còn lại có chuyên môn về Hóa học và Sinh học. Theo thời khóa biểu, tôi là người dạy tiết đầu tiên của môn học tích hợp, nhưng phân môn của tôi lại nằm ở bài 3. Vì vậy, học sinh buộc phải học nội dung bài 3 trước, sau đó mới quay lại học bài 1, 2 thuộc phân môn Hóa, Sinh" - cô Tú Anh giải thích.

Theo giáo viên này, 10 tuần học đầu tiên, mỗi tuần cô chỉ có 1 tiết, nhưng nội dung bài dạy phải mất 6 tiết mới có thể hoàn thành. Như vậy, một bài học sẽ kéo dài trong 6 tuần. Tôi khá bối rối khi kiến thức không liền mạch và không đạt tiến độ logic của chương trình.

"Nhà trường phân chia môn học theo tiết nhưng giáo viên buộc phải dạy theo chủ đề. Ví dụ môn Vật lý phải dạy 6 tiết mới hết một chủ đề. Điều này khiến nội dung giảng dạy bị gián đoạn và gây rối cho học sinh.

Hơn nữa, vì đã phân chia chủ đề và phân môn giảng dạy nên chúng tôi xây dựng giáo án riêng lẻ, phần của ai phụ trách người đó sẽ đảm nhiệm chuyên môn. Vì vậy, cá nhân tôi thấy việc dạy học môn Khoa học tự nhiên hiện chỉ như phép cộng của 3 môn Lý - Hóa - Sinh" - cô Tú Anh nêu quan điểm.

Vất vả trong kiểm tra, đánh giá

Còn cô Nguyễn Thị Hằng - giáo viên Sinh học và Hóa học tại Thanh Hóa cho biết, giáo viên sẽ mất rất nhiều thời gian trong việc xây dựng nội dung đề kiểm tra định kỳ và chọn điểm kiểm tra thường xuyên.

"Theo kế hoạch, với kiểm tra định kỳ, giáo viên sẽ chia câu hỏi theo % nội dung giảng dạy. Ví dụ, nội dung Vật lý chiếm 35% thì giáo viên xây dựng câu hỏi có số điểm là 3,5 điểm trong 1 bài kiểm tra 10 điểm, nội dung Hóa học và Sinh học cũng tương tự như vậy. Còn kiểm tra thường xuyên, chúng tôi sẽ chọn và sử dụng điểm cao nhất trong quá trình kiểm tra" - cô Hằng cho biết.

Cô Nguyễn Thị Duyên - giáo viên Vật lý tại Hà Giang thì cho rằng, một giáo viên không thể xây dựng toàn bộ bài kiểm tra mà tất cả giáo viên giảng dạy phải cùng nhau thực hiện. Như vậy, thầy cô phải thống nhất, xây dựng ma trận, đáp án đề thi trong một khoảng thời gian nhất định. Sau đó, cùng chấm điểm và luân phiên chữa đề cho học sinh.

"Hiện nay, giáo viên có rất nhiều thách thức, đặc biệt việc dạy môn học tích hợp. Chúng tôi phải nỗ lực học hỏi để giảng dạy hiệu quả, đúng tinh thần, đồng thời đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá phù hợp với năng lực học sinh và thuận tiện cho chính chúng tôi" - cô Duyên bày tỏ.

Vẫn còn nhiều thách thức

Thừa nhận có nhiều khó khăn khi triển khai chương trình mới, sách giáo khoa mới trong điều kiện học sinh không thể đến trường, cô Lê Thị Phương Lan - giáo viên Hóa học tại Hà Nội cho rằng, thầy cô phải nỗ lực hết sức trong việc xây dựng kế hoạch bài giảng và phối hợp chặt chẽ với nhau.

“Chương trình mới được thiết kế theo mạch nội dung, giáo viên phải xác định mục tiêu từng bài học và giúp học sinh đạt được mục tiêu theo phương pháp của mình. Vì vậy, trước khi bước vào năm học mới, tất cả thầy cô dạy môn Khoa học tự nhiên đã thảo luận chung, thống nhất giáo án và cùng nhau triển khai.

Trong những tuần đầu, nội dung khá cơ bản nên tất cả giáo viên dạy môn tích hợp có thể phối hợp nhuần nhuyễn và hỗ trợ nhau. Tuy nhiên, các phần phía sau có những chủ đề tương đối độc lập, ứng với từng phân môn. Vì vậy, giáo viên phải xây dựng bài giảng riêng và tiến hành dạy song song theo các chủ đề" - cô Phương Lan cho biết.
 

Theo Thiều Trang/Lao động

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây