Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Trung Quốc xoa dịu Nhật, Ấn Độ về tranh chấp lãnh thổ

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã tìm cách xoa dịu Nhật Bản và Ấn Độ về tranh chấp lãnh thổ trong bối cảnh Washington đang tập hợp lực lượng đối đầu với Bắc Kinh.
111
Ông Vương nói rằng luật hải cảnh mới của Trung Quốc không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào  Ảnh: EPA-EFE

Ông Vương Nghị cũng nhân dịp này “nói lại cho rõ” về luật hải cảnh mới của Trung Quốc đang gây ra quan ngại từ phía các nước láng giềng, rằng luật này không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào.

“Chìa khóa của quan hệ Trung-Nhật là phải kiên trì và không để những sự kiện ngắn hạn gây ra gián đoạn”, ông Vương nói bên lề kỳ họp của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Nhân đại, tức quốc hội) ở Bắc Kinh, theo tường thuật của SCMP.

Ngoại trưởng Trung Quốc cũng bày tỏ hy vọng giải quyết căng thẳng với Ấn Độ khi hai nước láng giềng đang cố gắng đàm phán để thoát khỏi tình trạng căng thẳng dọc biên giới trên dãy Himalaya giữa đôi bên.

Bình luận của ông Vương được đưa ra sau khi tổng thống Mỹ Joe Biden phát đi tín hiệu rằng Washington sẽ tăng cường an ninh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và làm mới quan hệ đồng minh với các cường quốc châu Á, một động thái được nhiều người coi là chống lại Trung Quốc.

Washington nói ông Biden có thể tổ chức các cuộc hội đàm trong tuần tới với ba thành viên khác của nhóm “Bộ tứ” - gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc - một liên minh không chính thức mà trước đây ông Vương gắn mác là “NATO của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”.

Một trong những lo ngại lớn của Nhật Bản là luật hải cảnh mới của Trung Quốc, cho phép các tàu tuần duyên Trung Quốc bắn vào tàu nước ngoài, phá dỡ các công trình được xây dựng trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố là của mình.

Hôm 7/3, ông Vương nói luật này chỉ là “luật nội địa thông thường” và “không nhắm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào”.

“Mở quá nhiều mặt trận”

Ông cũng nói hai nước Trung, Nhật có thể hỗ trợ lẫn nhau trong việc đăng cai Thế vận hội. Hiện nay Tokyo đang chịu áp lực về quyết định tổ chức Thế vận hội Mùa hè trong bối cảnh đang có đại dịch, trong khi Bắc Kinh phải đối mặt với lời kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Mùa đông vào năm tới mà họ đang có kế hoạch đăng cai trong bối cảnh bị cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Hong Kong và Tân Cương.

“Mối quan hệ Trung-Nhật được cải thiện sẽ có lợi cho nhân dân hai nước chúng ta cũng như sự ổn định và hòa bình của khu vực. Việc này không nên được coi là đương nhiên và chúng ta nên trân trọng (mối quan hệ đó)” , ông Vương Nghị nói.

Các nhà phân tích Trung Quốc nói Bắc Kinh đang lo ngại có bất ổn trong quan hệ với Nhật Bản khi chính quyền Mỹ củng cố mối quan hệ với Tokyo.

Ngoại trưởng Vương cũng kêu gọi Ấn Độ hợp tác sau 9 tháng xảy ra xung đột biên giới khiến một số binh lính của cả đôi bên thiệt mạng.

“Trung Quốc và Ấn Độ nên là bạn bè và đối tác thay vì là các mối đe dọa và đối thủ cạnh tranh. Chúng ta nên giúp xây dựng lẫn nhau”, ông Vương nói.

Brahma Chellaney, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại New Delhi, nói những bình luận của ông Vương chỉ ra rằng Trung Quốc muốn giảm thiểu đối đầu trực tiếp với Ấn Độ.

Ông nói: “Trung Quốc đang cố ý tìm cách giảm nguy cơ đối đầu quân sự với Ấn Độ trên biên giới bởi vì họ đã mở ra quá nhiều mặt trận tại các khu vực lân cận thông qua các hành động gây hấn”.

Tuy nhiên, Madhav Das Nalapat, giám đốc khoa địa chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Manipal (Ấn Độ), nói sẽ không có bất kỳ tiến triển đáng kể nào giữa hai nước nếu các vấn đề biên giới không được giải quyết.

Về khu vực Đông Nam Á, ngoại trưởng Vương nói Trung Quốc sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại với ASEAN và hỗ trợ chuyện vắc-xin coronavirus. Ông Vương cũng nói Trung Quốc đang xúc tiến các cuộc đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông.      

Theo Kyodo News, tại cuộc họp báo hôm 7/3, ngoại trưởng Trung Quốc vẫn lấp lửng về việc liệu Bắc Kinh và Tokyo có đang chuẩn bị cho chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Nhật Bản kể từ khi ông trở thành Chủ tịch Trung Quốc vào năm 2013 hay không. Chuyến đi đã bị trì hoãn từ tháng 4 năm ngoái trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát.

 

 

Theo Anh Minh/Tiền phong
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây