Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Tuyển sinh đại học - bao giờ hết cảnh vòng quanh?

Lại một mùa tuyển sinh đại học bắt đâu. Đã từ nhiều năm qua, cứ mỗi dịp hè về, thay bằng việc học sinh được nghỉ ngơi, thư giãn để chuẩn bị cho một năm học sau, thì các cháu học sinh cuối cấp (cùng nhiều bậc ông bà, cha mẹ) lại lao vào một cuộc đua vô cùng mệt mỏi, đầy may rủi, với hy vọng kiếm được một chỗ ngồi trên ghế giảng đường đại học. Trước giai đoạn dịch Covid-19 bùng nổ (2020), ngoài các suất học đại học thông thường (trong nước), một cuộc đua “ngấm ngầm” khác còn quyết liệt hơn: một số gia đình khá giả và những học sinh có điều kiện (học lực nhỉnh hơn) tìm mọi cách “săn lùng” các suất học bổng lên tới hàng chục ngàn USD tại các trường đại học danh tiếng nước ngoài (Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản …), với hy vọng sau khi ra trường sẽ dễ dàng kiếm được việc làm “dễ chịu” ở các nước đó.111

Dịch Covid-19 đã làm tan vỡ bao giấc mơ và thay đổi tất cả. Các suất du học nước ngoài không còn do một số trường đại học ngừng tuyển sinh, hàng không quốc tế cũng bị ngưng trệ. Các kỳ thi tuyển sinh đại học trong nước trước đây vốn rất ồn ào và sôi động, nay im ắng trở lại.

Bắt đầu từ năm học 2020, tức là từ khi dịch Covid-19 bùng nổ khắp mọi nơi, giáo dục Việt Nam chỉ còn giữ lại duy nhất một kỳ thi chung tốt nghiệp phổ thông trung học. Việc tuyển sinh đại học vốn đã được giao quyền tự chủ cho các trường từ 5 năm trước đó (2015), với một cái tên chung Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT), hay còn gọi là kỳ thi kép, vừa xét tốt nghiệp phổ thông vừa tuyển sinh đại học.

Cứ tưởng sáng kiến ghép hai kỳ thi trong một như trên đã là một “kỳ tích” của ngành giáo dục, thì đùng một cái vỡ ra cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử thi cử Việt Nam. Kỳ thi năm 2018, bắt đầu từ những kết quả điểm thi cao chót vót tại một số sở giáo dục đào tạo (Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang), người ta mới tá hỏa hóa rằng, việc giao quyền chấm thi cho một số địa phương đã không còn tin cậy được. Bộ Giáo dục & Đào tạo (Bộ) lại phải loay hoay để tìm một phương án mới khả dĩ hơn.

Tạm thời từ hai năm nay, (2020-2021), lấy lý do bảo đảm an toàn cho học sinh, một kỳ thi tuyển sinh đại học chung đã không còn tồn tại. Giáo dục Việt Nam lại rơi vào vòng xoáy đi tìm một sự ổn định cho tuyển sinh đại học. Cuộc kiếm tìm cho đến nay vẫn chưa có hồi kết. Trong khi phần lớn các nước đã có được sự ổn định từ nhiều năm nay, thì ở Việt Nam, chỉ riêng khâu tuyển sinh đầu vào cho các trường đại học, từ nửa thế kỷ nay vẫn chưa tìm được một đáp án chính xác. Tại sao vậy?

Ai từng học đại học nửa thế kỷ trước đều biết, việc xét tuyển chỉ chủ yếu dựa theo nguyện vọng và kết quả học tập trên học bạ. Bắt đầu từ 1971 (có thể sớm hơn một năm: 1970), kỳ thi tuyển sinh đại học mới bắt đầu được tổ chức trở lại. Thời gian này, có tới ba kỳ thi: tốt nghiệp phổ thông trung học, tuyển sinh đại học và cao đẳng. Các kỳ thi đều tổ chức riêng tại các địa phương.

Đến năm 1981, khi hệ thống giáo dục chuyển từ 10 sang 12 năm, lớp vỡ lòng được bỏ, chương trình giáo khoa đổi mới, việc thi đại học, cao đẳng lại có những tiêu chí mới: mỗi học sinh chỉ được phép lựa chọn duy nhất một nguyện vọng, tùy theo năng lực và sở thích. Kỳ thi này được duy trì đến 1989.

Từ 1990, việc tuyển sinh đại học lại một lần nữa đổi mới: các trường được tự chủ tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng, không theo một thời gian giống nhau. Đề thi lấy sẵn theo bộ đề chung do Bộ biên soạn và quản lý. Chỉ những trường có đủ năng lực như Đại học Tổng hợp hay Đại học Sư phạm, lúc ấy mới có quyền ra đề thi riêng. Nhiều kỳ thi được tổ chức ở những thời điểm khác nhau cũng giúp học sinh có thêm nhiều cơ hội vào đại học: trong một thời gian ngắn, họ có thể tham gia thi tuyển vào nhiều trường. Tôi nhớ, hồi đó, để cẩn thận, thậm chí có những học sinh “chạy sô” dự thi tối đa tới 5 hay 6 trường. Cũng từ đó, việc dạy và học luyện thi phát triển như vũ bão, chẳng khác gì cảnh “trăm hoa đua nở”. Đang sôi nổi, ồn ào như thế, đến năm học 2002, một lần nữa, Bộ lại tiến hành thay đổi kỳ thi. Sau “thi riêng”, kỳ thi lần này có tên “ba chung” (chung đề, chung đợt và chung kết quả xét tuyển). Do hình thức tổ chức thi theo khối (A, B, C, D), nên kỳ thi này diễn ra trong hai đợt. Nghĩa là mỗi thí sinh vẫn có đủ hai cơ hội tham gia. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn được duy trì. Chỉ những học sinh đạt kết quả trong kỳ thi tốt nghiệp mới đủ điều kiện thi tuyển sinh đại học. Thế cho nên mới có chuyện dở khóc, dở cười: có những học sinh đã thi đỗ đại học nhưng vẫn không được thừa nhận, vì không đạt kết quả thi tốt nghiệp.

Kỳ thi “3 chung” được duy trì cho đến năm 2014. Do hệ quả khôn lường của nó (tình trạng luyện thi diễn ra tràn lan, việc học tủ, học lệch của thí sinh, tiêu cực trong chấm thi của các thầy cô giáo), một lần nữa, hình thức thi tuyển sinh đại học lại thay đổi. Chính thức từ 2015, Bộ chỉ còn duy trì duy nhất một kỳ thi với cái tên mỹ miều “hai trong một”, hay còn gọi là “2 chung”: một kỳ thi duy nhất nhưng đạt được hai mục đích: xét tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học. Trong khi xã hội đặt câu hỏi, liệu kỳ thi với hai mục đích khác nhau như thế, người ta có thể chọn được những học sinh đích đáng vào các trường đại học? Để xoa dịu nỗi lo lắng này, Bộ một lần nữa lại giải thích: chỉ cần một đề thi gồm với hai phần, phần cơ bản dành để xét tốt nghiệp, phần nâng cao khó hơn dành tuyển chọn vào đại học. Sau hai năm kỳ thi được tiến hành, dư luận nói chung đều tỏ ra hài lòng. Kỳ thi đã gọn nhẹ hơn, tiết kiệm được tiền của và sức lực cho xã hội, một mũi tên bắn ra đã trúng hai đích.

Tưởng cuộc “cách mạng thi cử” cũng chỉ thế, ai ngờ, đến kỳ thi 2018, bất ngờ xảy ra vụ “khủng hoảng điểm thi, mà thực chất là vụ sửa điểm tại các Sở Giáo dục đào tạo Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang; thậm chí người ta còn nghi ngờ rằng, vụ việc tiêu cực này không chỉ xảy ra trong năm 2018 tại ba tỉnh trên, mà còn sớm hơn và rộng hơn. Kỳ thi “2 chung” đã chính thức bị bãi bỏ. Từ 2019, giáo dục Việt Nam chỉ còn giữ lại duy nhất kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ngoài phương án tự chủ riêng của một số trường đại học, những trường khác có thể dựa theo kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển đại học…

Đúng ra, việc tự chủ đại học đã được người ta bàn đến từ lâu, và Bộ cũng đã giao quyền chính đáng này cho các trường đại học từ nhiều năm trước đó. Thế nhưng một nghịch lý rất khó giải thích diễn ra ở ngay quyết sách đúng đắn này. Có lẽ vì Bộ cũng không thật quyết liệt, còn các trường thì vốn đã được “chăm nuôi” quá lâu, nên mất hẳn thói quen tự chủ. Trong khi lẽ ra, do tính đặc thù cao trong khâu đào tạo nhân lực, mỗi trường đại học đều phải có một chiến lược và hình thức tuyển sinh cho riêng mình. Vậy mà, hàng nửa thế kỷ nay, việc tuyển sinh đại học ở nước ta vẫn cứ chạy vòng quanh, cứ xoành xoạch thay đổi, không dựa trên bất cứ một triết lý nào cả.

Một cách công bằng, đúng ra những năm gần đây, kể từ khi có sự hô hào tự chủ của Bộ, một số trường như Bách Khoa Hà Nội, hai Đại học Quốc gia Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Đại học FPT hay một vài trường tư thục khác…, cũng đã loay hoay tìm một hình thức tuyển sinh riêng. Năm 2015, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã chính thức vận hành kỳ thi tuyển sinh Đánh giá năng lực (ĐGNL) nhưng chỉ tồn tại trong hai năm (2015-2016). Đến 2017, do Bộ cũng chủ trương một kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hình thức ĐGNL, nên kỳ thi của ĐHQGHN bị dừng lại. Trong khi đó, 2017, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh (ĐHQGHCM) đã chính thức vận hành hình thức tuyển sinh này. Hình thức thi ĐGNL của hai trường ĐHQG Hà Nội và Hồ Chí Minh tưởng đã nhận được sự ủng hộ của hàng chục trường đại học khác và được sự tán thành của dư luận xã hôi, nhưng kỳ thực cũng vẫn tồn tại những “lấn cấn”.

Thứ nhất, vì thi ĐGNL dựa trên hình thức trắc nghiệm, nên có người nghi ngại rằng, sẽ có những môn thi, ví dụ như Văn, Sử, Địa, hay kể cả Toán, sẽ làm mất đi khả năng tư duy tự luận của học sinh; thứ hai, do chỉ một số trường thi theo hình thức này, còn lại đa số vẫn dựa vào kỳ thi tốt nghiệp chung có phần dễ dãi để xét tuyển, nên có công bằng? Trên thực tế, ngay cả khi đã có một kỳ thi riêng, hầu hết các trường vẫn dành một không gian không hề nhỏ xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp. Người ta lo lắng nếu chỉ dựa theo duy nhất kết quả thi tuyển, sẽ khó lấy đủ học sinh theo chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Và thế là, mặc dù đã có một kỳ thi tuyển riêng, các trường vẫn mở rộng cửa xét tuyển dựa theo một số tiêu chí khác. Nhiều nhất, vẫn là dựa trên kết quả thi THPT. Trong khi, nhìn vào kết quả thi tốt nghiệp THPT hai năm qua (2019, 2020), không ai có thể yên tâm với chất lượng đào tạo đại học. Do vin vào đủ các thứ lý do, người ta đã hạ thấp tiêu chuẩn đến mức tối thiểu: đề thi dễ, điểm thi của đa số học sinh đều cao chót vót. Đơn cử như kỳ thi 2020, đã xảy ra hiện tượng “dở khóc, dở cười”: tại Khoa Đông Phương học, trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn thuộc ĐHQGHN, có thí sinh đạt điểm tuyệt đối (30/30) vẫn không đạt chuẩn vào học!

Để xử lý những bất cập trong xét tuyển, một số năm vừa qua, Bộ đã cho phép các trường mở rộng tiêu chí xét tuyển theo chuẩn học bạ, và những trường hợp có thành tích cao trong học tập (giải học sinh giỏi, chứng chỉ tiếng Anh…).

Nhưng đến đây, vẫn có những ý kiến nghi ngờ: liệu có thể tin vào sự trung thực của các kết quả đó? Vậy là, một kỳ tuyển sinh ổn định, thống nhất cho tất cả các trường đại học hơn nửa thế kỷ nay vẫn cứ chạy lòng vòng. Chính xác cho đến lúc này, khi chúng ta bước vào kỳ xét tuyển cho một năm học mới, ngoại trừ một số trường chuyên biệt, giáo dục đại học Việt Nam vẫn chưa có một kỳ thi tuyển chính thức. Việc cải cách thi tuyển trong suốt nửa thế kỷ qua vẫn chẳng khác nào tình cảnh “Con kiến mà leo cành đa”. Chẳng nhẽ một nền giáo dục với đội ngũ những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm như nước ta, một việc không quá lớn, tìm giải pháp ổn định và hiệu quả nhất trong việc tuyển sinh đại học lại khó đến thế?

Nhìn sang tuyển sinh đại học của một số nước ta có thể thấy, tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, vẫn tồn tại một kỳ thi căng thẳng, quyết liệt hàng năm trên quy mô toàn quốc; hoặc tại Pháp, Mỹ, Anh, Đức, chỉ những trường đặc biệt người ta mới tổ chức thi đấu loại, còn lại, một kỳ tuyển sinh tự do và cởi mở hơn, đều được áp dụng ở tất cả các trường đại học khác.

Điều quan trong theo tôi, không hẳn đã là một hình thức xét tuyển đại học khắt khe, chặt chẽ, khoa học nhất, mà nên ưu tiên hơn cho một hình thức xét tuyển nhất quán, ổn đinh, công bằng nhất. Việc xét tuyển có thể diễn ra vào bất kỳ thời gian nào trong năm, bởi một trung tâm khảo thí thống nhất chung cho cả nước, tránh tình trạng “Con kiến mà leo cành đa” như đã từng nói. Hay như tình trạng ra đề thi môn Văn cách đây vài chục năm, mà một lần sau khi chấm thi, một nhóm các thầy cô giáo đã sang tác bài vè này:

“Nực cười thi cử nước ta

Đầu vào Thị Nở đầu ra Chí Phèo

Khối C thì huyện phố nghèo

Khối D Tiếng hát con tèo (con tàu)

                                                        lại ra

Năm ngoái Ông lão Sông Đà

Năm nay lại gặp ông già

                                      Nguyễn Tuân

Đề thi như đèn kéo quân

Quay đi quay lại luân luân hồi hồi…”

Tác giả: Nhà văn Trần Hinh
Nguồn Văn nghệ số 29/2021

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây