Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Vắc xin ý thức!

Khi hành trình để tất cả những người dân trên toàn cầu tiếp cận vắc xin Covid-19 một cách công bằng còn rất đỗi xa ngái, việc mua hay tiến trình sản xuất vắc xin Covid-19 còn rất đỗi gian nan, thì “vũ khí” ngăn Covid-19 hữu hiệu nhất hiện nay, không gì khác là… vắc xin ý thức.

1. “Công tác phòng chống dịch phải rất khẩn trương”, “cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng những kịch bản xấu nhất” - là những thông điệp mà lãnh đạo ngành y tế đưa ra những ngày mà làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đang rất “nóng” trên dải đất hình chữ S.

Trao đổi với báo giới cũng như tại nhiều cuộc họp trực tuyến về đối phó với dịch bệnh, “tư lệnh ngành” Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng thừa nhận: Qua 3 đợt dịch Covid-19, chúng ta đều nhận thấy đợt dịch sau phức tạp hơn đợt dịch trước. Đợt dịch lần thứ 4 xuất hiện từ ngày 27/4 đến nay. Điểm đáng chú ý của đợt dịch lần này là dịch bệnh diễn biến phức tạp với sự xuất hiện nhiều ổ dịch đồng thời cùng lúc ở nhiều địa phương khác nhau.

Đợt dịch này có nhiều nguồn lây nhiễm: Thứ nhất, từ các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam mà trong quá trình cách ly chúng ta thực hiện quản lý chưa nghiêm; Nguồn lây nhiễm thứ hai, là trong cộng đồng cũng có các trường hợp lây nhiễm, rồi từ đó lây vào bệnh viện, từ bệnh viện lại lây ra cộng đồng; Thứ ba là chủng virus lần này khác hơn so với các lần trước, đó là chủng Ấn Độ với đột biến kép làm tăng khả năng lây nhiễm lên nhiều lần. Nếu như chủng của Anh lây gấp 1,7 lần so với các chủng trước đó, thì chủng Ấn Độ còn lây nhiễm mạnh hơn chủng của Anh.

111

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Thực tế này đòi hỏi công tác phòng chống dịch phải rất khẩn trương. Chúng ta đang được đặt trong tình trạng báo động rất cao, đề nghị các địa phương phải kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch.

PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế, tại Hội nghị trực tuyến Chủ động ứng phó và xử lý dịch Covid-19 trong tình huống khẩn cấp tại hơn 700 điểm cầu với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chiều ngày 11/5, cũng chỉ rõ: tại Việt Nam dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến khá nghiêm trọng. Chỉ trong vòng hai tuần, nhiều tỉnh đã có dịch, một số bệnh viện đã có người bệnh, người nhà và nhân viên y tế nhiễm Covid-19, trong đó có chủng virus biến thể “siêu lây nhiễm” Anh, Ấn Độ, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao. Từ  ngày 27/4/2021 đến nay, Việt Nam đã có khoảng 500 ca, chỉ trong 15 ngày, tốc  độ lây lan rất nhanh. Đặc biệt, xuất hiện các ca bệnh ở các cơ sở khám chữa bệnh như  Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện K Tân Triều và lan rộng ra nhiều tỉnh thành trong nước.

“Chúng ta cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng những kịch bản xấu nhất để điều xấu nhất không đến với chúng ta”, PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh. 

Chỉ từng ấy thông tin từ chính những người đang trực tiếp đối mặt trong cuộc chiến chống Covid-19 có lẽ đủ để thấy cuộc chiến chống dịch lần này gian nan, khốc liệt đến dường nào. Cụm từ “Nước sôi lửa bỏng” mà người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh tại cuộc họp trực tuyến khẩn cấp từ đầu cầu UBND tỉnh An Giang với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, một số bộ ngành và lãnh đạo 6 tỉnh biên giới phía Tây Nam ngày 9/5 thực sự hoàn toàn chân xác.

2. “Một người lơ là chống dịch, cả xã hội vất vả!” - đó là “thông điệp” mà  Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chiều ngày 7/5. “Mấy ngày nghỉ vừa qua, nhân dân chủ quan, xả hơi, thăm viếng, giao lưu nhiều”. Chính vì thế, Thủ tướng yêu cầu tránh hai khuynh hướng: Lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và hốt hoảng, sợ sệt, mất bình tĩnh.

111

Hai ngày sau, trong cuộc họp ngày 9/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thẳng thắn chỉ rõ: Dịch bệnh đã lây lan tới 26 tỉnh, thành phố, một phần là do có một bộ phận lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch, nhất là việc một số doanh nghiệp mời chuyên gia nước ngoài vào làm việc đã chủ quan, lơ là mất cảnh giác.

Câu chuyện lơ là, chủ quan này một lần nữa được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh tại cuộc họp giữa Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 ngày 10/5. “Chúng ta làm việc ngày đêm vất vả, làm trăm việc tốt nhưng chỉ một việc không tốt cũng để xảy ra hậu quả. Ngành Y tế phải rút kinh nghiệm, siết chặt kỷ luật kỷ cương trong ngành, thực hiện đúng quy định, quy trình, trước hết là thực hiện 5K” - Thủ tướng lưu ý Bộ Y tế về việc vừa qua một số bệnh viện đã lơ là, mất cảnh giác trong phòng chống dịch. “Rất nhiều người có trách nhiệm, rất nhiều cơ quan có trách nhiệm nhưng chỉ một cơ quan, một vài người thiếu trách nhiệm thì người ta phê bình cả lực lượng”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc nhở các lực lượng phòng chống dịch.

Với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu chấm dứt ngay tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi chưa có dịch, khi dịch xuất hiện thì lại hốt hoảng, mất bình tĩnh, áp dụng các biện pháp cực đoan, thái quá. Nhấn mạnh tinh thần phải phân cấp, Thủ tướng yêu cầu: “Tỉnh lo cho tỉnh, huyện lo huyện, xã lo xã, thôn lo cho thôn và từng người phải tự lo cho chính mình vì sức khỏe cộng đồng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc”. Đồng thời, phải tăng cường kiểm tra giám sát, kiểm soát tình hình, cấp trên kiểm tra cấp dưới, mỗi thôn bản, mỗi xã phường, mỗi huyện thị là một pháo đài chống Covid-19.

111

3. “Nhân dân không vào cuộc thì chúng ta không thể làm được, không thể chiến thắng trong cuộc chiến này”; “Nếu không huy động toàn dân chung tay chống dịch thì sẽ thất bại. Tinh thần là chúng ta kết hợp hài hòa giữa trạng thái phòng ngự và tấn công, có giải pháp ngăn chặn hiệu quả hơn sắp tới. Bây giờ xảy ra gần 50% tỉnh, thành rồi, nếu xảy ra nữa thì hậu quả khôn lường”; “Tỉnh lo cho tỉnh, huyện lo huyện, xã lo xã, thôn lo cho thôn và từng người phải tự lo cho chính mình vì sức khỏe cộng đồng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc”… Trong hầu hết những thông điệp mà người đứng đầu Chính phủ đưa ra những ngày này, thấy rõ vai trò của mỗi cá nhân, mỗi người dân quan trọng đến thế nào trong cuộc chiến này.

Nhìn lại cuộc chiến chống dịch Covid-19 qua 3 đợt dịch vừa qua, không khó để có thể nhận ra rằng, một trong những yếu tố mấu chốt, giúp một quốc gia có tiềm lực y tế còn nhiều hạn chế như chúng ta, trở thành một hình mẫu chống dịch của thế giới, là việc Việt Nam chúng ta, cả chính quyền cùng người dân, đã chủ động đối phó dịch bệnh với tâm thế chủ động, không chủ quan, tinh thần quyết liệt “chống dịch như chống giặc”.

Với sự nỗ lực của Chính phủ, của cả hệ thống chính trị, những lô vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên đã về đến Việt Nam, đã được tiêm cho những đối tượng ưu tiên đầu tiên. Tuy nhiên, như chia sẻ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid, do nguồn vắc xin trên thế giới đang trong tình trạng khan hiếm nên Việt Nam mới nhận được một lượng vắc xin rất nhỏ. Bộ Y tế đang rất tích cực, bằng mọi cách để có vắc xin sớm nhất và dự kiến cuối năm 2021 chúng ta sẽ có thêm một lượng vắc xin nhất định, và nếu tiêm hết cũng chưa đủ để miễn dịch cộng đồng. Phó Thủ tướng không quên nhấn mạnh: ít nhất từ nay đến cuối năm 2021, Việt Nam vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch giống như khi chưa có vắc xin.

111

Vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch giống như khi chưa có vaccine; Nếu tiêm hết vẫn chưa đủ để miễn dịch cộng đồng - hai nhấn mạnh ấy của người lãnh đạo công cuộc chống dịch có lẽ đủ để mỗi người trong chúng ta hiểu rằng, đến tận thời điểm này,  thứ vũ khí quan trọng để giành thắng lợi trước “giặc Covid-19” không phải là “vắc xin Covid-19” mà là “vắc xin ý thức”, vẫn chính là sự tuân thủ nghiêm ngặt của từng người dân đối với quy tắc an toàn chống dịch, là việc nghiêm túc thực hiện khuyến cáo 5K. Làm được như vậy, như lời người đứng đầu Chính phủ, cả xã hội sẽ bớt vất vả, chúng ta có thể vững vàng trong công cuộc thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. 

Bởi thế, nuôi dưỡng trong mình “vắc xin ý thức” có lẽ là điều mỗi người dân nên làm cho Tổ quốc mình lúc này.
 

Theo Hồng Hà/NB&CL

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây