Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Vụ nhồi cao ốc 11 tầng cạnh Quảng trường Ba Đình: Phớt lờ lợi ích chung

Nhà máy có tuổi đời gần 100 năm đang bị phá dỡ để xây dự án cao ốc bị nhiều chuyên gia đánh giá là hành động xâm phạm di sản kiến trúc, quy hoạch đô thị của trung tâm hành chính Ba Đình. Sau khi dư luận báo chí vào cuộc, ngày 6/4, lãnh đạo TP Hà Nội đã yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công, phá dỡ tòa nhà 61 Trần Phú để rà soát, báo cáo thành phố.

Các chuyên gia quy hoạch kiến trúc cho rằng dự án phải vì lợi ích chung của người dân thành phố chứ không phải của một nhóm nhỏ.

Cao ốc 11 tầng nổi, 6 tầng hầm sát trụ sở Quốc hội

Liên quan đến công trình số 61 Trần Phú trụ sở chính và nhà máy sản xuất của Cty CP Thiết bị bưu điện (Postef) - vốn là nhà máy cũ được người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20, đang bị phá dỡ để xây dựng dự án gồm 11 tầng nổi và 6 tầng hầm, đại diện Sở Quy hoạch và Kiến trúc (QH&KT) Hà Nội cho biết, ngày 25/1/2017, Sở đã có văn bản chấp thuận bản vẽ tổng mặt bằng và phương án kiến trúc cho dự án này.

111
Phần kiến trúc chưa bị phá dỡ của khu nhà 61 Trần Phú

Cụ thể, lô đất có chức năng là Tổ hợp thương mại dịch vụ, khách sạn cao cấp. Diện tích lô đất nghiên cứu khoảng 9.078m2, trong đó đất thuộc phạm vi mở đường quy hoạch khoảng 1.555m2, diện tích đất lập dự án khoảng 7.523m2.
 

Phá bỏ kiến trúc Pháp cổ, Hà Nội còn gì?

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến bày tỏ tiếc nuối khi một dự án cao tầng “nhồi” vào khu vực trung tâm Ba Đình. Đây là khu vực được quy hoạch hài hòa, là trung tâm chính trị tạo nên thành phố di sản vậy mà phá bỏ một tài sản kiến trúc là vô cùng đáng tiếc. Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, kiến trúc Pháp đóng góp một nửa vào 1.000 năm Thăng Long, vậy mà kiến trúc Pháp vẫn rơi rụng dần một cách khó hiểu. Nếu phá hết các kiến trúc Pháp, Hà Nội sẽ không còn gì ngoài những ngôi nhà ống nham nhở và tòa cao ốc chọc trời. “Những kiến trúc Pháp tôn tạo nên một đô thị văn hiến, đẹp đẽ, duyên dáng. Nếu phá bỏ dần thì chúng ta còn di sản đô thị nào cho thế hệ mai sau?”, nhà văn đặt câu hỏi.

Trong đó, diện tích xây dựng công trình khoảng 3.757m2, mật độ xây dựng 50%, công trình có chiều cao 11 tầng và 6 tầng hầm. Phân bổ sàn cho thương mại, văn phòng và dịch vụ hỗn hợp là 33.863m2, diện tích sàn khách sạn khoảng 19.000m2, diện tích sàn tầng hầm để xe khoảng 14.674m2...

Phần tầng hầm 1, 2, 3 của công trình được bố trí chức năng văn phòng, dịch vụ, nhà hàng... Tầng hầm 4, 5 là chỗ đỗ xe và các khu kỹ thuật; Tầng hầm 6 bố trí chức năng kỹ thuật. Đối với phần nổi của công trình, từ tầng 1 - 4 được bố trí chức năng văn phòng; Tầng 5-11 là khu vực khách sạn cao cấp. Tổng chiều cao công trình khoảng 42,9m (tính từ cao độ vỉa hè đến đỉnh tum thang).

Theo Sở QH&KT Hà Nội, việc phá dỡ trụ sở cũ của Postef tại số 61 Trần Phú để xây dựng công trình đa chức năng với các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc nêu trên là phù hợp định hướng Điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu trung tâm chính trị Ba Đình được Thủ tướng phê duyệt. Quy mô công trình tương đồng với công trình Nhà làm việc Quốc hội đã xây dựng tại khu đất đối diện (cao 11 tầng/44,6m) để không làm ảnh hưởng tới không gian kiến trúc cảnh quan của Khu trung tâm chính trị Ba Đình.

Nên giữ di sản kiến trúc trăm tuổi cho thế hệ sau

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định, nhìn bản vẽ công trình có thể ví von dự án như “quái vật kiến trúc” giữa trung tâm chính trị của Thủ đô. Đây có thể là một 8B Lê Trực thứ hai với quy mô lớn hơn nhiều vì công trình 8B Lê Trực chỉ có 1 mặt phố, còn ở đây có đến 4 mặt.

111
Bức phù điêu quý giá tại tòa nhà 61 Trần Phú

Về công trình có tuổi đời gần 100 năm tại 61 Trần Phú, ông Tùng cho biết đây là một trong những công trình công nghiệp đầu tiên của Hà Nội đầu thế kỷ 20 cùng với Nhà máy xe điện, ga xe lửa Gia Lâm, nhà máy gạch... Đây là một công trình kiến trúc độc đáo, bởi nó hài hòa với không gian kiến trúc xung quanh với những tòa biệt thự vườn của Pháp với diện tích 700- 800m2; hài hòa với kiến trúc của trường Albert Sarraut mà nay là Trụ sở Ban đối ngoại Trung ương Đảng.

Phó Giám đốc Sở QH&KT Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh:

Kiến trúc tòa nhà 11 tầng tương đối đẹp

Liên quan đến câu hỏi của báo chí về công trình 61 Trần Phú, Phó Giám đốc Sở QH&KT Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, công trình tại 61 Trần Phú là công trình công nghiệp của người Pháp xây dựng, kết cấu không có gì đặc biệt. Đối với kiến trúc mái hình răng cưa cũng có nhiều công trình có kiến trúc tương tự. “Công trình xây mới đã được xác định là tòa nhà đa chức năng 11 tầng, đưa vào khu vực này là phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố. Kiến trúc tòa nhà theo tôi tương đối đẹp”, lãnh đạo Sở QH&KT nhận định.

TRƯỜNG PHONG

Để phù hợp với không gian của khu vực, nhà máy lõi được bao quanh là 4 dãy nhà 2 tầng lợp mái răng cưa có ô cửa sổ theo kiến trúc Pháp. Đây là điểm đặc biệt của nhà máy, mà nếu không để ý ít ai biết bên trong có nhà máy sản xuất.

Theo KTS Phạm Thanh Tùng, quy hoạch khu vực nội đô lịch sử đã không cho phép xây dựng công trình chiều cao quá 9 tầng, đây lại là khu vực nhạy cảm cần đặc biệt suy nghĩ. “Tại sao công trình mới không xây thấp khoảng 7, 8 tầng, cùng với việc giữ gìn cải tạo 4 dãy nhà 2 tầng để giữ gìn kiến trúc?”, ông Tùng đặt câu hỏi.

KTS Phạm Thanh Tùng lo ngại khi nhìn lại lịch sử nhiều nhà máy di dời khỏi nội thành ban đầu nói để làm những không gian công cộng, nhưng sau khi di dời nơi đó lại mọc lên những chung cư hoành tráng, chất tải hàng vạn người. Dù phát triển phải chấp nhận hy sinh, nhưng cần phải hài hòa, ngoài công trình kiến trúc còn đó bức phù điêu lịch sử bắn rơi máy bay Mỹ năm 1967, nơi đó minh chứng cho việc để có ngày hôm nay Hà Nội đã phải trả giá như thế nào, đó là điều mỗi người chúng ta phải trân trọng.

Dự án của nhiệm kỳ tai tiếng

KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, dự án cao ốc tại 61 Trần Phú được chuyển đổi trong giai đoạn rất nhạy cảm. Ông Ánh đặt câu hỏi: Tại sao Hà Nội lại phải kế thừa di sản của một dự án “được quyết định bởi những nhà quản lý trong nhiệm kỳ tai tiếng, trong đó có nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã bị bắt và nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố đã bị kỷ luật?” Do đó, cần xem xét, soi chiếu lại những bối cảnh ra những quyết định đó đúng sai thế nào rồi hãy triển khai, nhằm đảm bảo tính công minh lợi ích tổng thể của dự án.

“Hiện Hà Nội đã được phê duyệt quy hoạch thủ đô 2021 -2030 với yêu cầu lập và thực hiện Quy hoạch trong giai đoạn tới cần phải tích hợp đa ngành, đa lợi ích. Không thể thực hiện dự án mang lại lợi ích cho một nhóm này lại đe dọa hủy hoại lợi ích chung, lợi ích tổng thể tiêu tốn tài nguyên một cách phi lý như vậy”, KTS Ánh nói.

Bí thư Hà Nội yêu cầu tạm dừng thi công dự án

Ngày 6/4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Quận ủy Ba Đình, Quận ủy Đống Đa chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm (nếu có) tại công trình xây dựng tại số 61 Trần Phú (quận Ba Đình) và số 84 đường Láng (quận Đống Đa). Kết quả thực hiện phải báo cáo về Thường trực Thành ủy trước ngày 15/4/2022.

Chiều 6/4, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Họp báo thông tin về tình hình kinh tế- xã hội quý I/2022.

Ông Trương Việt Dũng, Chánh Văn phòng UBND thành phố khẳng định, ngay sau chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố đã có văn bản giao Sở KH&ĐT chủ trì, cùng Sở QH&KT, các sở ngành liên quan, UBND quận Ba Đình tổ chức kiểm tra, rà soát hồ sơ, quy trình, thủ tục triển khai Dự án đầu tư xây dựng công trình đa chức năng POSTEF tại khu đất số 61 phố Trần Phú, quận Ba Đình; xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có). Trong thời gian các sở, ngành thành phố kiểm tra, rà soát, yêu cầu chủ đầu tư (Cty cổ phần Thiết bị Bưu điện) tạm dừng thực hiện việc phá dỡ, thi công xây dựng, thực hiện đầu tư Dự án; đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực Dự án. Giao UBND quận Ba Đình thông báo cho chủ đầu tư biết, thực hiện; tổ chức theo dõi, giám sát việc chấp hành cho đến khi có chỉ đạo mới.

 

Theo Trần Hoàng/Tiền phong

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây