Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Đại hội Thi đua yêu nước Hội Nhà báo Việt Nam giai đoạn 2020-2025 Những người “nhóm lửa” thi đua

Tôi muốn gọi họ như vậy bởi những nhiệt huyết và trách nhiệm, bởi những nỗ lực không ngừng của họ trong chặng đường suốt 5 năm qua. Những điểm sáng trong thi đua được nêu gương như một cách để lan tỏa hơn nữa tinh thần và trách nhiệm đối với công tác hội, đối với nghề báo.

Nhà báo Tạ Bích Loan – Chủ tịch Liên Chi hội Đài Truyền hình Việt Nam: 

“Bản chất của thi đua là tìm ra và nhân rộng những câu chuyện, những bài học”

111
Nhà báo Tạ Bích Loan – Chủ tịch Liên Chi hội Đài Truyền hình Việt Nam.

Nhìn bảng thành tích dài của nhà báo Tạ Bích Loan tôi nghĩ có thể gọi chị là người phụ nữ của các ý tưởng và sự sáng tạo. Nhiều lần mong muốn được phỏng vấn nhưng lần nào chị cũng từ chối không muốn nói về mình. Ngay cả câu chuyện “nhóm lửa” thi đua mà tôi đặt vấn đề cũng là vì rất thích chủ đề này mà chị nhận lời chia sẻ. Tất nhiên vẫn là sự khiêm nhường của nữ Chủ tịch LCH làm nhiều nói ít. “Ở VTV, mọi công việc đều không chỉ là vai trò của riêng chị đâu mà của toàn Đài tức là mọi người đều rất nỗ lực. Mỗi một ban của Đài thì có những nhân tố, những cá nhân tích cực. Những người tổ chức phong trào của VTV chỉ có mỗi một việc thôi, đó là cố gắng khách quan, công tâm trong khen thưởng và giữ được nhịp tích cực trong mỗi người một cách đều đặn thông qua các hoạt động” – nhà báo Tạ Bích Loan cho biết.

Chị cũng cho rằng, mỗi một thời kỳ, mỗi một ngày chúng ta sống thì ẩn chứa rất nhiều những câu hỏi là làm gì và không làm gì? Và luôn luôn có những thách thức, thách thức đối với những người làm báo là chúng ta sống như thế nào? Chúng ta làm việc ra làm sao. Khi bản thân đã xác định được sứ mệnh của mình, điều đó đã luôn là động lực rồi. Trong làng báo hôm nay đều có những con người mà ngọn lửa thi đua, cống hiến luôn hừng hực, tự thân hướng đến sứ mệnh của nhà báo để phục vụ cho đất nước, cho Tổ quốc và cho nhân dân.

Để thúc đẩy thêm những động lực đó thì chúng ta phải làm gì? Tôi nhấn mạnh điều ấy trong câu chuyện, nhà báo Tạ Bích Loan cho rằng, khi mà những người làm tốt được thưởng, được thừa nhận, được đưa những câu chuyện của mình ra làm bài học ý nghĩa... chính là sự động viên, khích lệ cho bản thân họ và từ đó sẽ làm lan tỏa những điều tốt đẹp ấy cho mọi người khác.

Bản chất của thi đua là chính chúng ta tìm ra và nhân rộng những câu chuyện, những bài học, những ví dụ điển hình, tốt đẹp và làm cho những việc tốt ấy nảy nở... Vậy thì cuối cùng theo tôi, ngọn lửa thi đua tốt nhất là làm sao chúng ta nâng cao hơn nữa tinh thần cống hiến, là những bài học được rút ra sau những việc tốt, điều tốt và tổ chức để cho những ý tưởng ấy được nhân rộng ra, lan tỏa hơn nữa trong cuộc sống. Có lẽ bởi vậy nên với LCH Nhà báo VTV, năm nào cũng cố gắng để phát hiện những cá nhân làm chuyên môn giỏi, thông qua những sản phẩm được tất cả mọi người thừa nhận. Sau đấy thì khen ngợi trước tập thể những tác phẩm ấy, tạo cơ hội để họ chia sẻ lại kinh nghiệm cho các đồng nghiệp của mình” - nhà báo Tạ Bích Loan nhấn mạnh.

111
Nhà báo Tạ Bích Loan hiện là Trưởng Ban Sản xuất các chương trình Giải trí với rất nhiều sự kiện thu hút.

Tôi có cảm giác như chị có cách khá đặc biệt và khoa học khi gắn công tác Hội vào với các công tác chuyên môn nghiệp vụ. Bởi vậy, dù nhiều năm qua trên nhiều vai cả công tác quản lý, công tác Liên chi hội, nhưng nói về Tạ Bích Loan thì: nghề tay trái tay phải, nghề nào cũng giỏi. Trong công tác Hội, chị luôn đặc biệt coi trọng sự sáng tạo và các ý tưởng, chị nói về “Ngày hội sáng tạo” của VTV là điển hình về hoạt động phong trào có sức hút với hội viên. Ở đó các ý tưởng được lóe sáng, kinh nghiệm được chia sẻ, nên mọi người quan tâm rất là nhiều, còn hơn cả các loại danh hiệu.

Nhà báo Tạ Bích Loan cho rằng: “Chúng ta cố gắng tác động vào lòng tự trọng nghề nghiệp, những giá trị, những bước tiến trong nghề nghiệp của mỗi người làm báo. Những công việc phải nỗ lực tìm tòi, công phu đầu tư mới thành thì khi mình tôn vinh chuyên môn đấy, sự nỗ lực trong nghề nghiệp đấy sẽ rất ý nghĩa”...

Nhà báo Đồng Mạnh Hùng – Chủ tịch LCH Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam nhiệm kỳ 2015 - 2020:

“Quan trọng nhất của người  làm công tác Hội là phải có tâm và phải lăn xả”

111
Nhà báo Đồng Mạnh Hùng – Chủ tịch LCH Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Làm việc với nhà báo Đồng Mạnh Hùng nhiều năm nay, tôi cảm nhận, đó là một người đồng nghiệp trong bất cứ công việc gì cũng đều sôi nổi, nhiệt tâm, hoạt động phong trào dường như không biết mỏi. Trong phong trào thi đua, nhà báo Đồng Mạnh Hùng cho rằng,  không thể làm như thể cứ dội xăng vào một đống củi rồi đốt bởi khi xăng cháy hết thì củi sẽ trơ ra, rồi tắt lịm. Công tác thi đua một phải được làm âm ỉ, phải được vun đắp bằng niềm tin từ người đứng đầu, đến một tập thể đoàn kết. Anh nhấn mạnh thêm rằng: “Đài Tiếng nói Việt Nam với số lượng cán bộ rất đông, họ cũng tham gia rất nhiều đoàn thể nhưng tôi thấy rằng công tác Hội có một tác động rất mạnh mẽ và quan trọng đến hoạt động nghề nghiệp của hội viên”.  

Bởi vậy, từ khi là Ủy viên ban chấp hành sau đó là Trưởng ban nghiệp vụ của Liên chi hội rồi đến Phó Chủ tịch và sau đó là Chủ tịch Liên chi hội, anh luôn luôn nỗ lực làm sao để tổ chức được nhiều hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và đặc biệt là các cuộc thi hữu ích cho anh em đồng nghiệp.

Trong những năm qua, đặc biệt là trong 5 năm vừa qua, Đài Tiếng nói Việt Nam đã gặt hái được rất nhiều những thành tựu lớn lao. Nó thể hiện rõ nhất là trong các giải thưởng Báo chí Quốc gia. Năm nào Đài Tiếng nói Việt Nam cũng giành từ 1 đến 2 giải Vàng và nhiều giải thưởng khác. Giải của các bộ ngành như giải Búa liềm vàng, Giải phòng chống tham nhũng, giải Thông tin đối ngoại, Giải của Mặt trận Tổ quốc,... Những giải nào mà có phóng viên của Đài Tiếng Nói Việt Nam tham gia thì đều đạt giải cao. Điều này tất nhiên không phải ngẫu nhiên mà tôi cho rằng một trong những nguyên nhân là do có những phong trào cải tiến để các cán bộ, hội viên có thể tham gia được một cách tốt nhất” - nhà báo Đồng Mạnh Hùng chia sẻ kinh nghiệm.

111
Nhà báo Đồng Mạnh Hùng nhận bằng giải đặc biệt tại Hội báo toàn quốc 2019.

Thêm vào đó, với nhà báo Đồng Mạnh Hùng, anh đặc biệt coi trọng vấn đề biểu dương khen thưởng, và LCH VOV thực hiện công tác này tương đối bài bản. Ngoài những giải thưởng anh em được tôn vinh thì các hội viên mà làm tốt những hoạt động của Hội, các hội viên mà được những giải thưởng từ bên ngoài hay là những hội viên có những sáng tạo trong công việc thì hằng năm đều tôn vinh và đều có những phần thưởng thích đáng. LCH cũng lập ra fanpage Liên chi hội Hội Nhà báo Việt Nam để đưa những thành tích, giới thiệu và tôn vinh trên đó. Đặc biệt khi mà phóng viên tham gia những chiến dịch truyền thông lớn ví dụ như phòng chống lụt bão, chiến dịch phòng chống Covid thì Liên chi hội cũng có những động thái biểu dương, động viên và chia sẻ. Chính vì vậy cũng tạo sự gần gũi hơn cho anh em...

Tham gia hoạt động công tác Hội nhiều năm nay, anh luôn tâm niệm rằng, khi được giao nhiệm vụ thì luôn luôn xác định đây là một cơ hội để mình tổ chức ra các hoạt động cho anh em. Quan trọng nhất của người làm công tác Hội là phải có tâm và phải lăn xả.

Cũng may mắn khi tôi từng làm Bí thư Đoàn của Đài Tiếng nói Việt Nam cách đây khoảng 25 năm. Chính vì cái máu phong trào và ít nhiều kinh nghiệm hoạt động nên khi chuyển sang vai Chủ tịch Liên chi hội thì gần như được nối tiếp nhau. Thêm nữa là khi mình đã hoạt động nhiều thì anh em cũng biết đến và khi mình đứng ra tổ chức thì anh em rất nhiệt tình tham gia. Tôi nghĩ rằng, cái quan trọng là hoạt động đó không phải chỉ là để động viên chung chung mà nó đều phải thiết thực và cụ thể. Làm sao để với bất cứ hội viên nào khi tham gia đều được công nhận và họ sẽ không cảm thấy mình là người thừa. Cho nên, người đứng đầu phải nhóm lửa và lan truyền hết từ người này đến người kia làm sao để người ta luôn thấy rằng cái hoạt động này là tổ chức cho mình chứ không phải cho ai khác và khi ấy họ sẽ nhiệt tình hưởng ứng” - nhà báo Đồng Mạnh Hùng chia sẻ.

Nhà báo Đoàn Minh Long – Chủ tịch Hội Nhà báo Khánh Hòa:

“Công tác Hội quan trọng là sự gần gũi và có ngọn lửa nhiệt tình”

111
Nhà báo Đoàn Minh Long – Chủ tịch Hội Nhà báo Khánh Hòa.

Đến với công việc của Hội Nhà báo như một cơ duyên, từ một phóng viên ảnh, biên tập viên về nhiếp ảnh trên tạp chí Nha Trang, theo đuổi công việc nghề nghiệp cho đến khi tham gia các hoạt động của Hội, Chánh văn phòng, Phó Chủ tịch Hội rồi Chủ tịch Hội. Trong cách trò chuyện, nhà báo Đoàn Minh Long vẫn giữ được phong thái của một nghệ sĩ, hào sảng nhưng cũng rất thân thiện, gần gũi. Có lẽ đó cũng là “chất riêng” làm nên một Chủ tịch Hội địa phương được đồng nghiệp rất quý trọng. Nhắc về công việc làm công tác hội nhiều nhiệm kỳ tái đắc cử, nhà báo Đoàn Minh Long tâm sự, tất cả công việc thực hiện đều phải làm từ trách nhiệm, còn nếu chúng ta làm hờ hững, làm lấy được thì bằng khen, giấy khen, hay bất cứ sự tôn vinh nào cũng không xứng đáng để nhận. Với anh, anh luôn cho rằng, là người làm cầu nối thì phải làm nghiêm túc, trách nhiệm. Khi làm việc bằng cái tâm và nhiệt huyết thì chắc sẽ gắn kết được anh em đồng nghiệp, có được lòng tin, và sự tin tưởng.

Nhà báo Đoàn Minh Long chia sẻ: “Quan trọng là người đứng đầu gương mẫu, nhóm được ngọn lửa để động viên, khích lệ anh em. Ngay trong các phong trào chung thì mình phải tạo ra được nhiều sân chơi, cùng “xắn tay” vào tham gia hoạt động. Với chúng tôi những hoạt động mang ý nghĩa an sinh, công tác xã hội thường được hội viên, người làm báo rất đồng lòng tham gia và chia sẻ. Ví dụ như Hội báo xuân hằng năm, năm nào chúng tôi cũng gửi 4-5 nghìn ấn phẩm báo chí  cho quân và dân Trường  Sa. Xây dựng được Quỹ để vận động xây nhà tình nghĩa, sách vở quần áo cho các trẻ em hiếu học, phát động chương trình hàng trăm tấn gạo trong mùa dịch Covid-19, phát động các doanh nghiệp hỗ trợ cùng với Hội Nhà báo đặt “ATM gạo” phục vụ người dân nghèo... Tất cả những việc như vậy đều phải vận động, đều phải có sự động viên, khích lệ nhau. Ở Hội Nhà báo Khánh Hòa với sự quy tụ trên dưới 400 nhà báo hoạt động chính quy, các hoạt động phải rất thực chất thì mới gắn kết được anh em”.

Anh cũng tâm sự thêm rằng, điều may mắn là Hội Nhà báo Khánh Hòa thực sự là một tổ chức đoàn kết, anh em hết lòng với tổ chức Hội, với công việc, làm việc theo đúng tôn chỉ mục đích, luật báo chí... “Rất nhiều anh em nhiệt tình ủng hộ, chứ nếu chỉ một mình thì không thể hoàn thành được khối lượng công việc của Hội. Điều quan trọng của người đứng đầu là nhóm lửa và truyền cảm hứng cho họ thì sức mạnh sẽ được nhân lên nhiều lần” - Chủ tịch HNB Khánh Hòa cho biết.

111
Nhà báo Đoàn Minh Long trao quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo.

Nhắc đến thi đua khen thưởng, nhà báo Minh Long cho rằng, để có được sự ghi nhận của tổ chức, với anh là cả một quá trình. Chặng đường của 5 năm qua, nhiều năm liền nhận bằng khen của HNBVN, nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhận Huân Chương Lao động Hạng Ba, bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh... “Thành quả chúng ta làm không chỉ của một năm, mà khen thưởng trong dịp này là sự đánh giá cho cả một chặng đường, một quá trình phấn đấu không mệt mỏi, làm việc theo đúng tâm huyết và bản lĩnh của người làm báo Việt Nam. Và khi làm, được cấp trên ghi nhận, đó là một vinh dự, trân trọng và tự hào” - nhà báo Đoàn Minh Long cho biết.

Nhà báo Huỳnh Kiên – Tổng Biên tập báo Gia Lai:

“Muốn mạnh, cần “đều tay” ở các thành viên, tránh mạnh ai nấy làm”

111
Nhà báo Huỳnh Kiên – Tổng Biên tập báo Gia Lai.

Nhà báo Huỳnh Kiên có gần 30 năm gắn bó với nghề và cảm nhận rằng chưa bao giờ hoạt động báo chí sôi động như hiện nay. “Tự thân nỗ lực thi đua của báo chí phản ánh không khí thời đại. Xã hội cuồn cuộn tiến về trước bằng công nghệ điện tử, hơn ai hết người làm báo phải nhanh chóng tiến lên cho kịp thời đại. Mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí phải đem hết tài năng, sức lực để đạt thành tích tốt nhất có thể, được đo đếm bằng lượng bạn đọc từng bài báo, tờ báo. Nó đòi hỏi tác phẩm báo chí phải nhanh, phản ánh trúng tâm tư, nhu cầu, khát vọng xã hội. Tự thân cơ quan báo chí phải chạy đua với thời đại, với đồng nghiệp, với chính mình” – Tổng Biên tập Báo Gia Lai nhấn mạnh. 

Trao đổi về phong trào thi đua, theo nhà báo Huỳnh Kiên, bao giờ cũng có 3 giai đoạn: phát động, cao trào và kết thúc. Để có hiệu quả, tránh chung chung, đến hẹn lại lên thì mỗi phong trào, mỗi giai đoạn phải có đánh giá ưu khuyết, khái quát thành tựu. Không chỉ ghi nhận người mà ghi nhận việc. Giải Báo chí là khen thưởng việc, khen thưởng tác phẩm. Chỉ cho được vì sao tác phẩm này xứng đáng, đồng nghiệp học được gì ở đó; mô hình này vì sao được vinh danh. HNBVN thay mặt cho toàn thể người làm báo, tổ chức phong trào, là bà đỡ các phong trào thi đua. Lâu nay Hội đã làm tốt việc này.

Theo tôi nên chăng cần khái quát, đánh giá từng đợt phát động, từng mô hình tốt để nhân rộng. Nó giúp một số cơ quan báo chí, nhóm báo chí, báo tỉnh như chúng tôi có cơ hội ngắn hơn tiếp cận được thành quả tốt nhất, sớm nhất, hạn chế độ trễ khi loay hoay tìm kiếm. HNBVN cần tăng cường hơn nữa mối liên kết chặt chẽ với các thành viên trong tổ chức, kết nối các thành viên với nhau. Tôi biết hiện nay Hội Nhà báo các tỉnh, các Liên chi hội ở TW thường liên kết tự thân. Muốn HNBVN là một tổ chức mạnh, các hội viên trực thuộc phải mạnh. Mạnh hay yếu thể hiện qua các hoạt động có tạo được sự quan tâm của xã hội hay không. Muốn mạnh, cần “đều tay” ở các thành viên, tránh mạnh ai nấy làm” – nhà báo Huỳnh Kiên tâm huyết góp ý.  

111
TBT báo Gia Lai Huỳnh Kiên tặng quà cho các đồng chí đã nghỉ hưu có đóng góp cho báo điện tử.

Nhà báo Huỳnh Kiên cũng nhận thức rằng, nếu không nỗ lực vươn lên, đứng im đồng nghĩa với tụt hậu, bởi xã hội vận động phát triển, các đồng nghiệp ở nơi khác luôn đổi mới đi tới. Anh cho biết: “Người đứng đầu nếu không biết nhóm lửa - không có ngọn lửa mồi thì cả kho thuốc nổ cũng khó bùng cháy, nói gì đống củi, trong đó có những thanh củi mục, củi tươi! Tập thể luôn luôn hướng về người đứng đầu, họ theo dõi từng động thái, đo lường suy tư của người đứng đầu để điều chỉnh mình. Cũng bởi vậy mà những năm qua, tại Báo Gia Lai, chúng tôi luôn luôn cố gắng với chính mình”.

Theo đó, Báo Gia Lai đã cố gắng đổi mới thường xuyên, toàn diện từ cơ cấu tổ chức bộ máy, chế độ nhuận bút thù lao, định mức tin bài cho phóng viên; chất lượng, độ nhanh nhạy thông tin, cách trình bày từng trang báo, giao diện điện tử, sử dụng các giải pháp kỹ thuật để đạt hiệu quả cao nhất... Quả thực, trong bối cảnh nhiều thách thức như hiện nay, đổi mới như vậy đã là những cố gắng đáng ghi nhận. Dẫu vậy, người thuyền trưởng tờ báo vẫn đầy dí dỏm rằng: “Là tờ báo tỉnh, lại ở vùng sâu vùng xa chúng tôi có hạn chế trên nhiều mặt, nên chỉ “thi đua” với mình là chính”.

Nhà báo Vũ Thị Dung (bút danh Đỗ Dung) – Phó Trưởng phòng biên tập phát thanh – Trung tâm truyền thông Quảng Ninh:

“Phải tạo ra tác phẩm bằng tất cả tình yêu, trách nhiệm và sự hiểu biết của mình”

111
Nhà báo Vũ Thị Dung (bút danh Đỗ Dung) – Phó Trưởng phòng biên tập phát thanh – Trung tâm truyền thông Quảng Ninh.

“Người làm báo thời nào cũng vậy, thi đua của người làm báo luôn thể hiện ở ngòi bút gắn với công việc nghề nghiệp. Cũng giống như các đồng nghiệp, với tôi mỗi tác phẩm báo chí giống như một đứa con tinh thần của mình vậy. Muốn nó xinh xắn, khỏe mạnh, có ích và được nhiều người yêu mến thì mình phải tạo ra nó bằng tất cả tình yêu, trách nhiệm và sự hiểu biết của mình” - nhà báo Đỗ Dung bắt đầu câu chuyện bằng quan điểm làm nghề như vậy.

Với chị, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh luôn phát huy tốt vai trò là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo Quảng Ninh. Các hoạt động của Hội luôn được đổi mới và tổ chức Hội không ngừng nêu cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau.

Hội luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho hội viên như: Tổ chức các chuyến đi tác nghiệp thực tế, giao lưu, tọa đàm, hội thảo, trao đổi nghiệp vụ; định kỳ hằng năm đều tổ chức các cuộc thi báo chí; động viên, khích lệ và tổ chức cho hội viên tham gia các Giải Báo chí Quốc gia, giải báo chí của các ngành... nhờ đó mà các hội viên đã có điều kiện trao đổi nghiệp vụ, học hỏi cách làm báo theo xu hướng mới. Đặc biệt là sau khi Quảng Ninh hợp nhất các cơ quan thông tin, báo chí thành Trung tâm Truyền thông tỉnh thì mục tiêu đặt ra là xây dựng Trung tâm trở thành mô hình tòa soạn hội tụ, lúc này yêu cầu đặt ra với các phóng viên, BTV là phải thực hiện được tác phẩm báo chí đa phương tiện. Nghĩa là 1 phóng viên đi tác nghiệp vừa phải làm cho báo in, báo điện tử, vừa sử dụng điện thoại thông minh để quay viết được cho truyền hình và ghi âm cho cả phát thanh nữa.

Nhà báo Đỗ Dung cho biết: “Cá nhân tôi và các đồng nghiệp đang công tác tại phòng Biên tập Phát thanh của Trung tâm Truyền thống tỉnh Quảng Ninh rất là may mắn khi được sinh hoạt trong tổ chức Hội Nhà báo Quảng Ninh. Ở đó, có rất nhiều nhà báo giàu kinh nghiệm, có tâm, có tầm, luôn sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ chúng tôi về chuyên môn nghiệp vụ, động viên khích lệ để chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Từ môi trường đó, nhà báo Đỗ Dung đã không ngừng nỗ lực làm việc và dồn tâm sức vào từng tác phẩm. Chị cho rằng, trong bối cảnh mới, trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay, nếu như bản thân mỗi nhà báo không có sự thích ứng, không có sự đổi mới thì tất yếu sẽ bị bỏ lại phía sau. “Do vậy mà theo tôi mỗi người làm báo phải không ngừng trau dồi năng lực chuyên môn, bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp, luôn giữ được ngọn lửa đam mê với nghề thì các phong trào thi đua sẽ luôn sôi nổi, rộng khắp” – nhà báo Đỗ Dung khẳng định.

Hà Vân (Ghi)

Nguồn tin: Báo Nhà báo & Công luận

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây