Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Đề dẫn tọa đàm “Để tin, bài hấp dẫn bạn đọc”

Dưới sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Chi ủy, BBT Báo Hưng Yên, thời gian qua, công tác tuyên truyền của Báo Hưng Yên có nhiều đổi mới và và đạt nhiều kết quả. Công tác tuyên truyền đã bám sát thực tiễn, đời sống, tuyên truyền phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị của tỉnh, bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích của tờ báo đảng địa phương. Báo Hưng Yên luôn chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, của tỉnh. Biểu dương nhân tố mới, điển hình, những tập thể, cá nhân điển hình, gương người tốt việc tốt, cổ vũ động viên các phong trào thi đua yêu nước. Đồng thời phản ánh tiếng nói người dân; đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch, phê phán những biểu hiện tiêu cực; làm tốt công tác định hướng dư luận xã hội, hướng bạn đọc đến điều hay, lẽ phải, cái tốt, lương thiện. Tờ báo được tỉnh và bạn đọc gần xa đánh giá cao. Nhiều bài báo chất lượng, tính chiến đấu cao, có tiếng vang, được bạn đọc, dư luận quan tâm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền còn những hạn chế nhất định. Nhiều tin, bài chung chung, nhạt nhẽo, nội dung nặng về báo cáo, thành tích, một chiều, xuôi chiều, vô thưởng vô phạt, khen không đến nơi, chê nửa vời. Ví dụ như những bài viết: Xây dựng làng văn hóa, sản xuất nông nghiệp ở, đổi mới ở một vùng quê; tính chất giống như một báo cáo tổng hợp của ngành, không thể hiện được dấu ấn trí tuệ, công sức, văn phong của người viết. Đề tài thiếu sự tìm tòi, nội dung bài viết thiếu sáng tạo, đổi mới. Nhiều tin  hội nghị viết dài, giới thiệu đại biểu, chức danh lê thê. Trong một vài số báo, số lượng tin tiến độ nhiều, đơn thuần liệt kê số lượng. Mặt khác chưa chú trọng việc rút tít, tít chung chung, nhàm chán, mang tính khẩu hiệu, khuôn mẫu. Tần suất những tít kiểu như “Tăng cường, chủ động, đẩy mạnh, tích cực, phát huy, đổi mới” xuất hiện thường xuyên, liên tục. Trong khi cách viết, bố cục bài viết thường theo khuôn mẫu, cổ điển, cứng nhắc…

Trong khi đó, đời sống hàng ngày sinh động chưa được chuyển tải nhiều trên báo. Những vấn đề bức xúc, dư luận quan tâm, liên quan đến đời sống dân sinh, thiết thực, sôi động từng ngày chưa được phản ánh nhiều.

Ngoài ra, tình trạng viết chưa chính xác, sai tên, địa chỉ, chức danh, sai số liệu còn phổ biến.

Điều đó dẫn đến nhiều người đọc chưa thực sự quan tâm, nhiều tin, bài chưa thực sự thu hút, hấp dẫn người đọc, người nghe, người xem. Phần lớn đối tượng độc giả tờ báo là cán bộ, đảng viên, hưu trí; chưa hướng tới được nhiều đối tượng độc giả khác. Nhiều bài báo nhạt nhẽo, chưa bảo đảm chất lượng, ít bài chất lượng cao. Tham dự các giải báo chí Trung ương, quốc gia khó đạt giải.

Trong bối cảnh cạnh tranh thông tin khốc liệt như hiện nay, đặc biệt báo chí cạnh tranh với mạng xã hội nếu không thường xuyên đổi mới, tin, bài, không hấp dẫn, thu hút được bạn đọc sẽ không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cũng như ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng công tác tuyên truyền. Do vậy việc việc đổi mới cách làm, cách viết, nâng cao chất lượng tin, bài, ảnh  là điều vô cùng cần thiết.

Để làm rõ hơn những vấn đề buổi tọa đàm đặt ra, Ban Thư ký chi hội đề nghị các đồng chí phát biểu, đóng góp ý kiến tập trung vào những nội dung sau: Những kết quả, kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền. Nguyên nhân của thực trạng nhiều tin, bài chưa hay, chưa hấp dẫn người đọc liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cơ chế chính sách, khâu tổ chức thực hiện hay con người, phóng viên trực tiếp thực hiện. Những giải pháp để tin, bài thu hút, hấp dẫn được bạn đọc. Trong đó, đi sâu vào những vấn đề cụ thể:

- Về cơ chế, chính sách (những thuận lợi và khó khăn, vướng mắc, kiến nghị?)

- Về chuyên môn, nghiệp vụ

+ Về nội dung: Việc tìm,  chọn đề tài (đề tài mới, được dư luận quan tâm, những đề tài liên quan đến đời sống dân sinh, phản ánh mặt trái, phê bình; kể cả những đề tài điển hình, người tốt việc tốt nhưng phải thật sự điển hình, được các cấp, ngành ghi nhận).

+ Về cá nhân mỗi nhà báo: Yêu cầu về bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, dũng cảm, dám nói, dám viết; yêu cầu về nhận thức xã hội, có kiến thức rộng, am hiểu nhiều lĩnh vực, đặc biệt tìm hiểu sâu lĩnh vực mình muốn viết. Sự hăng say, yêu nghề, tâm huyết, dám dấn thân, đầu tư suy nghĩ, đầu tư công sức, thời gian, trí tuệ để thực hiện bài viết.

+ Kỹ năng làm việc theo nhóm, sự phối hợp giữa các phóng viên, các bộ phận để thực hiện đề tài

+ Công tác biên tập cần được đổi đổi mới, chú trọng hơn để góp phần nâng tầm bài viết của phóng viên

+ Việc áp dụng công nghệ hiện đại để làm tin, bài nhanh, nhất là báo điện tử

+ Cách thể hiện về (hình thức), cách đặt vấn đề hấp dẫn hay không, có vấn đề, tạo sự thu hút, cách viết, cách thể hiện, bố cục, cách rút tít. Ngôn ngữ trong bài báo; thể loại báo chí nào cho phù hợp.

+ Cách trình bày bài báo: Viết sapo, đặt tít phụ, trình bày khung số liệu, bảng biểu, đồ họa…; về hình thức trình bày cả tờ báo, nhất là trình bày trên báo điện tử.

Mục tiêu, tiêu chí của báo chí, tác phẩm báo chí luôn luôn là: Nhanh, đúng, trúng, hay. Việc nâng cao chất lượng tin, bài, ảnh để tác phẩm báo chí hấp dẫn bạn đọc, nghe, xem là yêu cầu và cũng là nhiệm vụ thường xuyên không chỉ của các cơ quan báo chí, mà là của mỗi hội viên, phóng viên, nhà báo để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới. Trên cơ sở gợi ý những vấn đề nêu trên, đề nghị các đồng chí hội viên, phóng viên dự phát huy tinh thần trách nhiệm, suy nghĩ, đóng góp ý kiến thiết thực để tọa đàm đạt mục đích, yêu cầu đề ra.

                                                                       
Nhà báo Phạm Đức Nhuận
Thư ký Chi hội Báo Hưng Yên

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây