Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Đổi mới giáo dục phổ thông: Cần sự quyết tâm của đội ngũ giáo viên và toàn ngành giáo dục

Vừa qua, Báo Đại biểu nhân dân tổ chức tọa đàm với chủ đề “Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội với việc đổi mới giáo dục phổ thông”. Tọa đàm có sự tham gia của các nhà quản lý, các chuyên gia giáo dục và thầy cô đang trực tiếp giảng dạy Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã nêu lên quá trình thực hiện đổi mới GDPT. Trong đó, tập trung đánh giá kết quả 6 năm việc triển khai thực hiện đổi mới giáo dục theo Nghị quyết 88. Các đại biểu nhấn mạnh ba nội dung: Một là, quá trình xây dựng và bước đầu thực hiện chương trình GDPT mới, công tác bồi dưỡng giáo viên; công tác thẩm định, phê duyệt và hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa; một số vấn đề còn tồn tại và hướng khắc phục, tiếp tục triển khai Nghị quyết 88.

Theo đó, năm học 2020-2021 là năm đầu tiên ngành giáo dục cả nước triển khai Chương trình GDPT mới, bắt đầu với lớp 1. Đây cũng là quá trình hiện thực hóa chủ trương đổi mới Chương trình GDPT được quy định tại Nghị 88. Quá trình đổi mới giáo dục được xác định theo nghị quyết này nhấn mạnh mục tiêu giáo dục định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh.

111
Tọa đàm “Thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội với việc đổi mới giáo dục phổ thông”.

Nghị quyết cũng quy định rõ, cả nước thực hiện một chương trình GDPT thống nhất nhưng có tính mềm dẻo và linh hoạt. Chương trình là gốc, sách giáo khoa có vai trò là tài liệu dạy học và có nhiều sách giáo khoa cho mỗi môn học.

Các đại biểu trong tọa đàm đánh giá, Nghị quyết 88 tuy chỉ đề cập đến đổi mới chương trình, sách giáo khoa song thực chất là có tác động to lớn đến toàn bộ nền giáo dục của Việt Nam. Lần đầu tiên, Việt Nam thực hiện giáo dục với mục tiêu phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi con người. Với Chương trình GDPT mới cũng đã trao quyền chủ động chuyên môn cho giáo viên, các nhà trường, giúp thầy cô được chủ động, sáng tạo xây dựng và tổ chức bài dạy sao cho hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tiễn.

Từ những ý kiến tại tọa đàm, các đại biểu đề ra nhiều giải pháp, kế hoạch trong cả ngắn hạn và dài hạn nhằm tiếp tục đưa Nghị quyết 88 đi vào thực tiễn thực sự hiệu quả như: Cần có tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm để hoàn thiện quy trình biên soạn sách giáo khoa phổ thông; tiếp tục chỉ đạo sát sao việc biên soạn và thẩm định sách giáo khoa ở các lớp học tiếp theo bảo đảm thực hiện theo đúng lộ trình; tập trung làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên một cách thường xuyên, liên tục, tại chỗ gắn với quá trình sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn tại nhà trường…

PV

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây