Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Băn khoăn trên “con đường di sản…”

Sau Tết Nhâm Dần tôi có chuyến du xuân miền Trung, nơi có Con đường di sản kết nối 8 Di sản vật thể và phi vật thể của nhân loại. Thiên nhiên khắc nghiệt, mưa chồng mưa, lũ chồng lũ... nhưng miền Trung được giao “sứ mệnh” ôm vào lòng mình biết bao giá trị. Chưa đâu nhiều di sản vật thể và phi vật thể của thế giới nhiều như miền Trung.

Hiện nay Việt Nam có 8 Di sản vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh: Quần thể di tích cố đô Huế; Khu phố cổ Hội An; Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam); Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội); Thành nhà Hồ (Thanh Hóa); Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) – được vinh danh 2 lần; Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) – được vinh danh 2 lần; Quần thể danh thắng Tràng An - Ninh Bình (Ninh Bình). Trong đó khu vực miền Trung có 5/8 di sản.

UNESCO cũng đã ghi danh 14 di sản của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, bao gồm: Nhã nhạc - Nhạc Cung đình Triều Nguyễn; Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên; Dân ca Quan họ Bắc Ninh; Hát Ca Trù;  Hội Gióng ở Đền Phù Đổng và Đền Sóc; Hát Xoan Phú Thọ; Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương; Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; Dân ca Ví, Giặm; Nghi lễ và trò chơi Kéo co; Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt; Nghệ thuật Bài Chòi ở Trung Bộ; Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái; mới đây nhất là Nghệ thuật Xòe Thái. Miền Trung giữ 3/14 di sản.

Đồng thời, UNESCO cũng đã công nhận Việt Nam hiện nay có 07 di sản tư liệu nhân loại. Trong đó có 03 di sản cấp độ thế giới là: Mộc bản Triều Nguyễn; 82 Bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê - Mạc 1442 -1779; Châu Bản Triều Nguyễn và 4 Di sản cấp độ Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là: Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm; Mộc bản Trường học Phúc Giang; Văn thơ, kiến trúc cung đình Huế; Hoàng hoa sứ Trình đồ (Hà Tĩnh). Miền Trung lưu giữ 4/7 di sản.

Ngoài ra, các di tích được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh ở khu vực miền Trung nhiều khó kể hết. Các lễ hội văn hóa dân gian cũng vậy. Nói về giá trị của hệ thống Di sản văn hóa, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc cuối năm 2021, trong bài phát biểu tâm huyết của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định: “Đó là một tài sản vô cùng quý báu do Tổ tiên, cha ông ta mấy nghìn năm để lại, không phải nơi nào cũng có được”. “Chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy. Nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với Tổ tiên, cha ông chúng ta…”. Tổng Bí thư coi đó là “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời đại mới.

Vậy, làm sao “phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại” để chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam? Nói thì dễ, làm thường khó. Biến nghị quyết thành các chương trình đã khó, chương trình thành hành động còn khó hơn nhiều. Không ít ý kiến cho rằng dường như chúng ta cứ nhăm nhăm làm hồ sơ trình để trình các cấp có thểm quyền công nhận di sản thế giới, di sản cấp quốc gia, cấp tỉnh… Nhưng khi được công nhận là di sản, di tích rồi thì làm thế nào để bảo tồn, phát huy giá trị vẫn là câu hỏi khó.

Con đường di sản miền Trung đã từng trở thành một chương trình du lịch do Tổng cục du lịch Việt Nam phát động. Ý tưởng của Con đường di sản nhằm kết nối các di sản thế giới tại miền Trung, bao gồm: Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa);Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình); cố đô Huế với hai di sản là Quần thể di tích Cố đô Huế và Nhã nhạc cung đình Huế; tỉnh Quảng Nam với hai di sản là: Thánh địa Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An. Đồng thời, Con đường di sản miền Trung còn kết nối với hai di sản thế giới khác là cố đô Luang Prabang (Lào) và quần thể Angkor Wat (Campuchia). Chương trình này kết hợp thành một chương trình hợp tác du lịch lớn hơn là “Lào, Campuchia, Việt Nam: 3 quốc gia, một điểm đến”. Tức là ý tưởng mang tầm khu vực, trong thời đại liên kết, chuỗi giá trị, chứ không hề đơn giản. Thực tế, Con đường di sản miền Trung mới dừng trên ý tưởng.

Gần 30 năm kể từ ngày di sản đầu tiên (Quần thể di tích cố đô Huế) được UNESCO vinh danh năm 1993, đến nay Việt Nam vẫn chưa có được mô hình quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản phù hợp, vẫn “hồn ai nấy giữ”, “mạnh ai nấy làm” theo từng địa phương. Thế mạnh di sản không chỉ chưa được khai thác, phát huy đúng tầm mà còn rơi vào tình trạng báo động vì thiếu sự quản lý thống nhất, dẫn đến nhiều hệ lụy phát sinh trong công tác bảo tồn, khai thác di sản.

Không thể phủ nhận nguồn lợi từ di sản mang đến cho sự tăng trưởng kinh tế của địa phương. Người dân tại khu vực có di sản cũng có điều kiện cải thiện đời sống nhờ tham gia các dịch vụ du lịch, khôi phục làng nghề thủ công sản xuất vật phẩm lưu niệm có giá trị... Mặc dù vậy, việc khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di sản thế giới ở Việt Nam đang đối mặt với những thách thức không nhỏ, trước hết là môi trường bị suy thoái do tư duy “duy kinh tế” đối với di sản. Nhiếp ảnh gia Minh Hải, người chuyên sáng tác về di sản, từng tổ chức hai triển lãm ảnh cá nhân, từng than phiền: “Đi đến nơi mới thấy xót vì các địa phương “bóc lột” di sản, chưa có tầm nhìn dài hạn, nhất là môi trường chưa được quan tâm, động vật hoang dã còn bày bán công khai, ý thức pháp luật của du khách, dân bản địa còn chưa cao”.

Năm 2017, Chính phủ đã có Nghị định 109/2017/NĐ-CP quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam. Quy định rõ trách nhiệm của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; các Bộ, các cơ quan ngang Bộ; UBND cấp tỉnh; Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay các quy định, quy chế quản lý, bảo tồn, phát huy di sản thế giới ở nước ta còn thiếu, chưa đồng bộ. Ví dụ một số nơi chưa có kế hoạch quản lý tổng hợp theo Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới năm 1972.

Một thực tế dễ nhận thấy là hầu hết các di sản ở Việt Nam đã có quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị, được quan tâm tu bổ, bảo quản, chống xuống cấp, giữ gìn môi trường, cảnh quan thiên nhiên… Bên cạnh quy chế quản lý, bảo tồn còn thiếu và chưa đồng bộ là mô hình quản lý các di sản rất khác nhau, việc phân cấp, giao trách nhiệm cho các đơn vị quản lý còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với tầm vóc các di sản thế giới. Chẳng hạn: Bộ máy quản lý di sản Vịnh Hạ Long, Phong Nha - Kẻ Bàng, Cố đô Huế, Hoàng thành Thăng Long… thì do UBND tỉnh, TP trực tiếp quản lý; Ban Quản lý Di sản Phố cổ Hội An thì trực thuộc TP Hội An; Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn lại trực thuộc UBND huyện Duy Xuyên (Quảng Nam); còn Thành nhà Hồ lại thuộc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa... Lại có nhiều di sản vừa Sở chuyên môn vừa chính quyền địa phương cùng quản lý... Sự thiếu thống nhất trong quản lý trên đây dẫn đến nhiều vấn đề như sự phối hợp giữa các đơn vị trực tiếp quản lý di sản với các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo; quy định quản lý, sử dụng nguồn thu, cơ cấu chi cho di sản không nơi nào giống nơi nào… Ở “vi mô”, có hiện tượng địa phương nào có di sản, thì xem như là của Trời cho “nhà” mình, và “bo bo” giữ, độc chiếm khai thác theo ý mình, thậm chí còn mang tư tưởng ăn xổi ở thì, chưa kể việc tự ý thay đổi nguyên trạng nguyên gốc trong công tác bảo tồn.

Các chuyên gia về bảo tồn di sản cho rằng, mỗi di sản thế giới có đặc thù riêng song rất cần sự thống nhất trong quản lý, điều hành, cần có quy chế quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các khu di sản thế giới. Nếu biết liên kết, tạo thành một thể thống nhất thì Con đường di sản miền Trung mới thực sự thành “đường”, hoặc “xa lộ”, giá trị mới được phát huy. Đã đến lúc, phải xóa bỏ tư duy di sản ở đâu thì ở đó hưởng lợi. Phải thấy rõ di sản là của chung, là “của để dành” ông cha để lại cho con cháu nước Việt.

Để quản lý, bảo tồn và phát huy tốt một di sản văn hóa đòi hỏi phải có sự thống nhất điều hành của một cấp quản lý hành chính nhà nước nhất định, toàn diện và trực tiếp, đủ sức làm “nhạc trưởng” để gắn kết được các Nhà: Nhà quản lý (chính quyền ngành, lãnh thổ), nhà khoa học và người dân (vùng có di sản). Dẫu, nói về “nhạc trưởng” thì không ai không nhận ra đó là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Và như thế, những băn khoăn lo lắng trên Con đường di sản miền Trung, đâu phải chỉ dành cho miền Trung?

 

Tác giả: Nhà thơ Ngô Đức Hành
Nguồn Văn nghệ số 12/2022

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây