Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Cốt cách của người nghệ sĩ - chiến sĩ là chất keo gắn kết các nhà văn Quân đội

Đại hội Chi hội Nhà văn Quân đội diễn ra trong hai ngày mùng 10 và 11 tháng 9 năm 2020 tại Hà Nội. Đây là dịp để nhìn lại những hoạt động của các nhà văn áo lính suốt 5 năm qua. Nhân dịp này, chúng tôi xin giới thiệu trích dự thảo báo cáo của Ban chấp hành Chi hội nhiệm kì 2015 - 2020 do Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương - Chi hội trưởng trình bày trước Đại hội.
111
Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương. 

Đánh giá về ưu điểm trong nhiệm kì 5 năm qua của Chi hội Nhà văn Quân đội, trước hết phải ưu tiên đánh giá về mặt nhân cách và bản lĩnh. Có thể khẳng định ngay rằng những thành viên sinh hoạt trong Chi hội Nhà văn Quân đội luôn giữ vững được phẩm giá, nhân cách, bản lĩnh chính trị của một quân nhân. Mặc dù thời cuộc có những thăng giáng, biến động với sự xuất hiện phức tạp của nhiều luồng mạch quan điểm, tư tưởng, cùng những sức ép xã hội khác, nhưng các nhà văn đã từng trong quân ngũ, đang trong quân ngũ vẫn gìn giữ nguyên vẹn sự cao thượng, trong sạch của mình.

Đối với công việc sáng tác, về căn bản những nhà văn có tuổi, có thành tựu vẫn tiếp tục bền bỉ sáng tác và vẫn tiếp tục tham gia những hoạt động cống hiến cho văn học. Thế hệ nhà văn trực tiếp tham gia chiến tranh vẫn xứng đáng là những trụ cột quan trọng của văn học đương đại Việt Nam nói chung và ở mảng văn học về đề tài chiến tranh cách mạng nói riêng. Trong khi đó thế hệ các nhà văn trẻ đang tại ngũ cũng từng bước khẳng định mình bằng những tác phẩm chất lượng, cá tính và khá cởi mở.

Nhiệm kì qua, nhiều thành viên trong Chi hội Nhà văn Quân đội đã đạt được các giải thưởng như: Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng sông Mê Kông, Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng 5 năm của Bộ Quốc phòng và Giải thưởng cuộc vận động sáng tác về tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào - Campuchia do quân đội 3 nước đồng tổ chức.

Về hoạt động cụ thể của Ban Chấp hành chi hội: Thời gian qua, mặc dù có nhiều những khó khăn, như hạn chế về kinh phí, các thành viên ban chấp hành chủ yếu là kiêm nhiệm, các hội viên sinh hoạt phân tán, nhiều độ tuổi khác nhau, nhưng Ban chấp hành Chi hội Nhà văn Quân đội vẫn cố gắng tổ chức và duy trì những hoạt động cụ thể, thiết thực thông qua sự phối hợp linh hoạt với một số cơ quan. Cụ thể chi hội đã phối hợp cùng với Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức được trại sáng tác ở Bến Tre, An Giang, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Tam Đảo, Phú Yên, trong đó thành viên của Chi hội Nhà văn Quân đội tham gia khá đông đảo. Chi hội phối hợp với Ban nhà văn Trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam tạo điều kiện cho nhiều nhà văn trẻ trong Quân đội đi thực tế tại các địa phương lấy tư liệu phục vụ cho sáng tác. Chi hội đã làm tốt công tác giới thiệu, bảo lãnh và tư vấn cho Ban Chấp hành Hội nhà văn Việt Nam xét kết nạp những cây bút trong lực lượng Quân đội. Kết quả nhiệm kì vừa qua đã có 10 nhà văn quân đội được kết nạp vào hội nhà văn Việt Nam, tạo thêm sự dày dặn cho Chi hội Nhà văn Quân đội.

Để quảng bá cho lực lượng sáng tác văn học, chi hội đã kết hợp với Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành 2 tập sách có tên “Trang văn màu lính”, tập hợp giới thiệu tác phẩm của hơn bốn mươi cây bút đang tại ngũ. Ngoài ra chi hội còn nhiệt tình tìm nguồn kinh phí để hỗ trợ tổ chức ra mắt sách cho nhiều thành viên trong chi hội hoặc cho các cựu chiến binh khi họ có yêu cầu.

Về hoạt động giao lưu quảng bá: Chi hội đã tổ chức giao lưu với Chi hội Nhà văn Công an, kết hợp tổ chức toạ đàm văn học với Hội văn học nghệ thuật Bến Tre, Đại học Hồng Đức và Đại học Khoa học Huế. Những hoạt động này tạo được hiệu ứng cộng hưởng tốt giữa các nhà văn, đặc biệt các nhà văn trẻ trong Chi hội với bạn đọc và bạn viết cả nước.

Về phương hướng nhiệm kì 2020-2025: Thời gian tới, xã hội sẽ tiếp tục có những biến chuyển gay gắt, thậm chí là phân tán, vì thế Chi hội Nhà văn Quân đội mong muốn cách nhà văn bằng uy tín xã hội, bằng bản lĩnh, và tài năng của mình ngày càng tích cực hơn nữa trong việc tham gia vào công cuộc bảo vệ, bồi đắp những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc nói chung cũng như bảo vệ, bồi đắp, làm rạng rỡ thêm cho hình tượng cao đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ nói riêng. Chi hội cũng đề nghị các nhà văn trẻ trong chi hội ưu tiên tập trung sáng tác về hình tượng người chiến sĩ hôm nay, vì đây thực sự là mảng đề tài cần nhưng lại đang khan hiếm.

Tuy sáng tác văn học là một hoạt động độc lập, khác biệt, nhưng với các thành viên trong Chi hội Nhà văn Quân đội thì vẫn có sự đoàn kết, thống nhất chặt chẽ, và chất keo để gắn kết các nhà văn quân đội chính là cốt cách của người nghệ sĩ, chiến sĩ. Đấy chính là đặc điểm để Chi hội Nhà văn Quân đội vẹn nguyên là Chi hội Nhà văn Quân đội với đúng nghĩa của mình.

Hà Nội tháng 9/2020
Đại tá, nhà văn NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG
Ảnh: Thành Duy

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây